Đề đọc hiểu Trắc nghiệm+ tự luận + nghị luận về bài thơ Lệ (Nguyễn Thế Hoàng Linh)

 ĐỀ  LỚP 11 CÁNH DIỀU:

BÀI KIỂM TRA CUỐI KÌ 1, CÁNH DIỀU

Đề bài: ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

Lệ

Nước mắt của ong là mật

nước mắt của hoa là hương

nước mắt của chim là những

tiếng ca thoáng tưởng du dương

 

nước mắt của sông là những

gợn sóng dường như bình yên

nước mắt của mây là những

giọt mưa ngỡ vợi ưu phin

 

nước mắt thiên nhiên là những

dịu êm khiến ta mm cười

 liệu nước mắt ta rớt xuống

có làm một đóa hoa tươi?

(Trích L, Nguyễn Thế Hoàng Linh, NXB Hội nhà văn, 2011)

 

Đề 1: Trắc nghiệm + Tự luận

Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

  1. Ngũ ngôn
  2. Lục ngôn
  3. Tự do
  4. Lục bát

Câu 2. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên?

  1. Tự sự
  2. Miêu tả
  3. Biểu cảm
  4. Nghị luận

Câu 3. Tác giả không đề cập đến nước mắt của đối tượng nào sau đây?

  1. Nước mắt của dòng sông
  2. Nước mắt của cá sấu
  3. Nước mắt của tác giả
  4. Nước mắt của thiên nhiên

Câu 4. Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong khổ 1 bài thơ?

  1. Nhân hoá
  2. So sánh
  3. Điệp (từ, ngữ, điệp cấu trúc câu)
  4. Ẩn dụ

Câu 5. Nêu ý nghĩa của hình ảnh “nước mắt” xuất hiện trong bài thơ trên?

  1. Gợi nỗi đau thương
  2. Gợi sự hi sinh, hiến dâng cho đời.
  3. Gợi những buồn đau, bất hạnh
  4. Gợi sự thất bại

Câu 6. Nêu nội dung chính của bài thơ trên?

  1. Giá trị của nước mắt
  2. Giá trị của thiên nhiên
  3. Giá trị của bình yên, sự lạc quan
  4. Giá trị của ong, hoa, tiếng chim, dòng sông.

Câu 7. Nhận xét về ngôn ngữ của bài thơ?

  1. Ngôn ngữ giản dị, giàu hình ảnh, gợi cảm, sinh động
  2. Ngôn ngữ thơ tả thực
  3. Ngôn ngữ thơ trào phúng
  4. Ngôn ngữ thơ hài hước

Trả lời câu hỏi:

Câu 8. Nêu những ý nghĩa gợi ra từ nhan đề bài thơ?

Câu 9. Chỉ ra và phân tích tác dụng của câu hỏi tu từ trong hai câu thơ:

liệu nước mắt ta rớt xuống

có làm một đóa hoa tươi?

Câu 10. Thông điệp nào em tâm đắc từ văn bản trên? Vì sao?

Đề 2: Tự luận

Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Nêu nội dung chính của bài thơ trên?

Câu 3. Nhận xét ngôn ngữ của bài thơ?

Câu 4. Giải thích ý nghĩa nhan đề bài thơ?

Câu 5. Chỉ ra và phân tích tác dụng của câu hỏi tu từ trong hai câu thơ sau:

liệu nước mắt ta rớt xuống

có làm một đóa hoa tươi?

Câu 6. Thông điệp nào em tâm đắc từ văn bản trên? Vì sao?

  1. LÀM VĂN (4,0 điểm)

Viết bài văn phân tích vẻ đẹp nội dung, nghệ thuật và những thông điệp/bài học từ bài thơ Lệ (Nguyễn Thế Hoàng Linh).

Hướng dẫn đáp án chi tiết  

  1. ĐỌC – HIỂU

Đề 1: Trắc nghiệm + Tự luận

Phần Câu Nội dung Điểm
I ĐỌC HIỂU 6.0
1 B 0.5
2 C 0.5
3 B 0.5
4 C 0.5
5 B 0.5
6 A 0.5
7 A 0.5
8 Nhan đề: “Lệ”: nghĩa là nước mắt: tượng trưng cho nỗi đau, nghịch cảnh, bất hạnh…

Ý nghĩa: Bài thơ nêu giá trị của nước mắt, cũng là giá trị của nỗi đau, nghịch cảnh, bất hạnh… đối với các sự vật và con người.

0.5
9 Câu hỏi tu từ: Liệu nước mắt ta rơi xuống/ Có làm một đoá hoa tươi:

Tác dụng:

– Câu hỏi tu từ làm câu thơ sinh động, gìau giá trị biểu cảm

– Câu hỏi tu từ thể hiện sự trăn trở, băn khoăn của tác giả về giá trị của nước mắt, của nỗi đau, nghịch cảnh, bất hạnh…

– Thể hiện khát vọng sống dâng hiến, hi sinh, vượt lên nỗi đau, bất hạnh, sống làm đẹp cho đời giống như đoá hoa thơm ngát giữa đời thường.

1.0
10 Thông điệp: Hs rút ra nhiều thông điệp khác nhau, tham khảo:

–         Mỗi cá nhân đều có cách đóng góp, làm đẹp cho đời một cách khác nhau, đều đáng trân trọng.

–         Mỗi cá nhân đều cần có khát vọng dâng hiến, hi sinh, làm đẹp cho đời, sống cuộc đời ý nghĩa.

–         Trân quý những nỗi đau, nghịch cảnh, vượt lên trên nghịch cảnh, sống tận hiến như một đoá hoa tươi thơm ngát giữa đời thường.

1.0

 

Đề 2: Tự luận

Câu 1. Thể thơ 6 chữ

Câu 2. Nội dung: giá trị của giọt nước mắt, giá trị của nỗi đau, nghịch cảnh.

Câu 3. Ngôn ngữ thơ sinh động, gợi cảm, giàu giá trị tạo hình, giàu chất thơ, chất nhạc, đa nghĩa.

Câu 4. Nhan đề: “Lệ”: nghĩa là nước mắt: tượng trưng cho nỗi đau, nghịch cảnh, bất hạnh…

Ý nghĩa: Bài thơ nêu giá trị của nước mắt, cũng là giá trị của nỗi đau, nghịch cảnh, bất hạnh… đối với các sự vật và con người.

Câu 5.  Câu hỏi tu từ: Liệu nước mắt ta rơi xuống/ Có làm một đoá hoa tươi:

Tác dụng:

– Câu hỏi tu từ làm câu thơ sinh động, gìau giá trị biểu cảm

– Câu hỏi tu từ thể hiện sự trăn trở, băn khoăn của tác giả về giá trị của nước mắt, của nỗi đau, nghịch cảnh, bất hạnh…

– Thể hiện khát vọng sống dâng hiến, hi sinh, vượt lên nỗi đau, bất hạnh, sống làm đẹp cho đời giống như đoá hoa thơm ngát giữa đời thường.

Câu 6.

Thông điệp: Hs rút ra nhiều thông điệp khác nhau, tham khảo:

  • Mỗi cá nhân đều có cách đóng góp, làm đẹp cho đời một cách khác nhau, đều đáng trân trọng.
  • Mỗi cá nhân đều cần có khát vọng dâng hiến, hi sinh, làm đẹp cho đời, sống cuộc đời ý nghĩa.

Trân quý những nỗi đau, nghịch cảnh, vượt lên trên nghịch cảnh, sống tận hiến như một đoá hoa tươi thơm ngát giữa đời thường.

  1. LÀM VĂN

Dàn ý chi tiết:

  1. Mở bài

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

+ Nguyễn Thế Hoàng Linh sinh năm 1982 từng học Đại học Ngoại thương Hà Nội. Anh là tác giả các tập thơ: Lẽ giản đơn, Mỗi quốc gia một thành phố của thế giới, Hở, Mật thư, Em giấu gì ở trong lòng thế?, Ra vườn nhặt nắng và văn xuôi Chuyện của thiên tài (tiểu thuyết),  Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng , Văn chương động,…

+ Anh sáng tác thơ từ năm 12 tuổi. Nguyễn Thế Hoàng Linh bước vào làng văn hiện đại với phong cách văn chương riêng của mình: tưng tửng, ngang ngược lệch chuẩn, phớt Ăng-lê, bỡn cợt ngay trong suy tư và triết lý… để bất ngờ, kỳ lạ, ngộ nghĩnh, hóm hỉnh.

– Nêu nổi bật yếu tố được phân tích, đánh giá: Bài thơ Lệ mang đến nhiều giá trị sâu sắc về nội dung, nghệ thuật, mang đến cho người đọc nhiều thông điệp sâu sắc.

  1. Thân bài

* Nêu các ý nghĩa nổi bật về hoàn cảnh sáng tác, nội dung, ý nghĩa,

– Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ Lệ trích trong tập thơ “Hở” của Nguyễn Thế Hoàng Linh. Đây là tuyển tập 100 bài thơ mang đậm triết lý vừa sâu sắc vừa nguyên bản về cuộc sống, tình yêu và cả những suy tư thời cuộc. Những khắc khoải sóng ngầm trong trái tim, cười nhạo quyền lực, sự cứu rỗi tâm hồn, những nỗi niềm chua chát của tình yêu… Tất cả được nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh giãi bày một cách chân thật, giản dị, hồn nhiên, trẻ trung, đồng thời sâu đậm triết lý, giả định…

– Nội dung: Bài thơ miêu tả giá trị của những giọt nước mắt. Mỗi giọt nước mắt đều có những ý nghĩa riêng:

Nước mắt của ong là mật

nước mắt của hoa là hương

nước mắt của chim là những

tiếng ca thoáng tưởng du dương

 

nước mắt của sông là những

gợn sóng dường như bình yên

nước mắt của mây là những

giọt mưa ngỡ vợi ưu phin

+ 8 câu đầu: sử dụng nghệ thuật liệt kê, kết hợp với cấu trúc điệp miêu tả giọt nước mắt của ong, của hoa, của chim, của sông, mây, mưa, và nước mắt của thiên nhiên. Nước mắt tượng trưng cho những khổ đau, mất mát, hi sinh, nghịch cảnh… nhưng mỗi giọt nước mắt đều có những giá trị riêng: nước mắt của ong là “mật” mang tới vị ngọt cho cuộc đời, để tạo ra giọt mật, ong phải chăm chỉ, cần mẫn bay vạn chuyến tìm hoa. Nước mắt của hoa là “hương” mang tới hương sắc cho cuộc đời; nước mắt của chim là “tiếng ca du dương” mang tới âm thanh tươi đẹp, du dương cho đời; nước mắt của sông là sóng gợn để biết quý trọng những giây phút bình yên; nước mắt của mây là những “giọt mưa” gạt trôi những ưu phiền của cuộc sống.

– Bốn câu cuối:

+ Hai câu đầu mang ý khái quát:

nước mắt thiên nhiên là những

dịu êm khiến ta mm cười

Nước mắt của thiên nhiên cũng được chắt ra từ bao khó khăn, vất vả, mất mát, hi sinh… nhưng đó cũng là đóng góp của thiên nhiên giúp mang đến vẻ đẹp, âm thanh, hương sắc cho cuộc sống. Nó mang đến sự dịu êm giúp cuộc sống con người “mỉm cười” lạc quan, yêu đời, cuộc đời thêm tươi đẹp, ý nghĩa…

+ Hai câu sau sử dụng hình thức câu hỏi tu từ:

liệu nước mắt ta rớt xuống

có làm một đóa hoa tươi?

Câu hỏi tu từ làm câu thơ sinh động, gìau giá trị biểu cảm; thể hiện sự trăn trở, băn khoăn của tác giả về giá trị của nước mắt, của nỗi đau, nghịch cảnh, bất hạnh…; đồng thời thể hiện khát vọng sống dâng hiến, hi sinh, vượt lên nỗi đau, bất hạnh, sống làm đẹp cho đời giống như đoá hoa thơm ngát giữa đời thường.

* Phân tích cái hay, cái đẹp của các yếu tố:

+ Bằng giọng thơ chân thành, tự nhiên, hồn nhiên, ý thơ mang đậm tính triết lý, ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh, mang chất thơ, chất nhạc, chất hoạ, đa nghĩa, bài thơ miêu tả giá trị của nước mắt: gồm nước mắt của thiên nhiên và nước mắt của con người.

+ Nước mắt ẩn dụ cho những đau khổ, bất hạnh, nỗi buồn… trước cảnh ngộ đời sống. Nhưng khi vượt qua thì giá trị mang lại vô cùng to lớn. Nước mắt thanh lọc tâm hồn con người giúp giải tỏa những áp lực, căng thẳng, những đau khổ, mất mát khi con người không thể chịu đựng; hoặc là những giọt nước mắt của sự ăn năn, hối cải vì những lỗi lầm. Nước mắt còn bộc lộ niềm vui, niềm hạnh phúc, sự hân hoan của tâm hồn con người trước những thành công có giá trị đối với bản thân. Giọt nước mắt chia sẻ tình cảm cùng nhân thế. Vượt qua những giọt nước mắt của khổ đau, mất mát. Con người trở nên mạnh mẽ và trưởng thành, biết trân quý những cống hiến, hy sinh và những vẻ đẹp của cuộc đời. Nước mắt chỉ nên là những khoảnh khắc trong đời sống tâm hồn con người. Không nên để nước mắt biến ta thành kẻ yếu đuối, dễ gục ngã trước những thử thách của cuộc sống.

+ Từ những trăn trở, băn khoăn, bài thơ hướng người đọc đến triết lý sống cao đẹp: Mỗi người cần vượt qua nỗi đau, nghịch cảnh, sẵn sàng hi sinh, cống hiến, làm đẹp cho đời như một đoá hoa tươi thơm ngát.

* Đánh giá, nâng cao, mở rộng

– Bài thơ mang đến cho người đọc những triết lý sống cao đẹp, chung ý tưởng với nhiều nhà thơ khác:

+ Một khúc ca, Tố Hữu:

“Nếu là con chim, chiếc lá

Con chim phải hót, chiếc lá phải xanh

Lẽ nào vay mà không có trả

Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”

+ Lá xanh, Nguyễn Sĩ Đại:

“Người vá trời lấp bể

Kẻ đắp luỹ xây thành

Ta chỉ là chiếc lá

Việc của mình là xanh”

+ Tiếng ru, Tố Hữu:

“Con ong làm mật yêu hoa

Con cá bơi yêu nước, con chim ca yêu trời

Con người muốn sống con ơi

Phải yêu đồng chí yêu người anh em

Một ngôi sao chẳng sáng đêm

Một thân lúa chín chẳng nên mùa vàng

Con người đâu phải nhân gian

Sống chăng một đốm lửa tàn mà thôi”

+ Hành trình của bầy ong, Nguyễn Đức Mậu:

Chắt trong vị ngọt mùi hương

Lặng thầm thay những con đường ong bay.

Trải qua mưa nắng vơi đầy

Men trời đất đủ làm say đất trời.

Bầy ong giữ hộ cho người

Những mùa hoa đã tàn phai tháng ngày.

– Nhưng bài thơ của Nguyễn Thế Hoàng Linh vẫn có sức hấp dẫn riêng ở cách biểu đạt cảm xúc, cách sử dụng ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh, ngôn ngữ thơ mang đậm tính triết lý mà chân thật, hồn nhiên…, từ đó mang đến cho người đọc nhiều suy ngẫm sâu sắc.

  1. Kết bài

– Khái quát giá trị của các yếu tố đã phân tích với tác phẩm, Nêu ấn tượng và cảm xúc của người viết về các yếu tố đã phân tích; Giá trị, hiệu quả tác động tới người đọc:

+ “Nước mắt đến từ trái tim, không phải từ bộ não, khóc là cách biểu hiện sự chân thành từ trái tim”.(Leonardo da Vinci), bài thơ Lệ mang đến nội dung ý nghĩa sâu sắc và được thể hiện bằng hình thức nghệ thuật độc đáo.

+ Bài thơ mang đến cho người đọc nhiều thông điệp về lối sống mạnh mẽ, vượt lên nỗi đau, bất hạnh… để hi sinh, cống hiến, làm đẹp cho cuộc đời.

Bài viết tham khảo

“Niềm vui của người nghệ sĩ chân chính là niềm vui dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp” (Pau-tốp-xki). Trong những áng thơ dẫn con người ta đến cái đẹp, Nguyễn Thế Hoàng Linh đã rót vào trong đó những vần thơ mang theo vẻ đẹp trong trẻo của thiên nhiên và cuộc sống – bài thơ Lệ. Bài thơ không chỉ mang đến cho người đọc những cảm nhận sâu sắc về nội dung, nghệ thuật mà còn khái quát những bài học, thông điệp nhân sinh sâu sắc.

Nguyễn Thế Hoàng Linh sinh năm 1982 từng học Đại học Ngoại thương Hà Nội. Anh là tác giả các tập thơ: Lẽ giản đơn, Mỗi quốc gia một thành phố của thế giới, Hở, Mật thư, Em giấu gì ở trong lòng thế?, Ra vườn nhặt nắng và văn xuôi Chuyện của thiên tài (tiểu thuyết),  Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng , Văn chương động,…

Anh sáng tác thơ từ năm 12 tuổi. Nguyễn Thế Hoàng Linh bước vào làng văn hiện đại với phong cách văn chương riêng của mình: tưng tửng, ngang ngược lệch chuẩn, phớt Ăng-lê, bỡn cợt ngay trong suy tư và triết lý… để bất ngờ, kỳ lạ, ngộ nghĩnh, hóm hỉnh.

Bài thơ Lệ trích trong tập thơ “Hở” của Nguyễn Thế Hoàng Linh. Đây là tuyển tập 100 bài thơ mang đậm triết lý vừa sâu sắc vừa nguyên bản về cuộc sống, tình yêu và cả những suy tư thời cuộc. Những khắc khoải sóng ngầm trong trái tim, cười nhạo quyền lực, sự cứu rỗi tâm hồn, những nỗi niềm chua chát của tình yêu… Tất cả được nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh giãi bày một cách chân thật, giản dị, hồn nhiên, trẻ trung, đồng thời sâu đậm triết lý, giả định…

Bài thơ lấy nhan đề “Lệ” tức là giọt lệ – nước mắt. Nhan đề vỏn vẹn một từ nhưng lại nêu bật cả đối tượng chính được thể hiện trong nội dung của bài thơ. Tuy nhiên, trái với biểu hiện mà ta thường thấy của Lệ – sự buồn đau, bất hạnh thì ở đây, Nguyễn Thế Hoàng Linh lại dùng “nước mắt” tượng trưng cho những giá trị, những tinh tuý mà thiên nhiên, con người mang lại cho cuộc đời:

Nước mắt của ong là mật

nước mắt của hoa là hương

nước mắt của chim là những

tiếng ca thoáng tưởng du dương

Ong tạo ra mật, hoa đem lại hương sắc cho đời, chim cất cao tiếng hát… Đây đều là những hoạt động cống hiến cho đời rất đỗi bình thường trong chuỗi ngày của cuộc sống, nhưng Nguyễn Thế Hoàng Linh lại ví đây như là “nước mắt”. Nước mắt vốn là những buồn đau, thống khổ khi con người đối diện những gian truân, thách thức. Nhưng trong bài thơ, “nước mắt” còn mang nghĩa biểu tượng cho những nỗ lực, cố gắng, những tinh hoa vũ trụ, những thành tựu chắt lọc ra từ thiên nhiên, cuộc đời. Ong, chim, hoa… đã được nhân hoá, chúng trở thành những sinh vật có nước mắt, có cảm xúc. Chúng dùng nước mắt – nỗi đau, sự hi sinh của bản thân để cống hiến cho đời mật ngọt, hương sắc, tiếng ca… một cách cần mẫn mà không một lời kêu than. Chúng đã chuyển hoá nỗi đau, sự thống khổ… thành tinh hoa đóng góp cho cuộc đời. Thật đáng quý biết bao!

Khổ hai tiếp tục sử dụng cấu trúc lặp:

nước mắt của sông là những

gợn sóng dường như bình yên

nước mắt của mây là những

giọt mưa ngỡ vợi ưu phin

Nghệ thuật nhân hoá, biến sông, mây thành những sinh thể có linh hồn. Những từ ngữ “dường như”, “ngỡ gợi” khiến lời thơ trở nên lắng đọng hơn. Nếu nước mắt của sông là những “gợn sóng” yên lặng, chầm chậm, mang vẻ đẹp bình yên thì đối với mây, nước mắt lại là những “giọt mưa” gội rửa đi những ưu phiền trong lòng người. Sông tạo ra gợn sóng là cả quá trình dài, cũng như mây để tạo ra mưa thì phải có quá trình tích tụ lượng lớn hơi nước. Những gợn sóng của sông như xoa dịu những cảm xúc vô hình đang chai sạn, xoá tan đi những tiêu cực trong tâm hồn cằn cỗi, cảm giác thanh bình từ lâu tưởng biến mất nay ùa về. Những giọt mưa rơi xuống, mang theo cả những đau đớn, buồn khổ của con người, xoá tan bầu trời xám xịt, để cuộc sống con người tươi sáng hơn. Những điều mà thiên nhiên cây cỏ dồn bao tâm huyết, sức lực để cống hiến cho đời, phục vụ cho con người đều đáng được trân quý.

Đến khổ cuối, nhà thơ tổng kết lại những suy ngẫm của mình thành lời chiêm nghiệm:

nước mắt thiên nhiên là những

dịu êm khiến ta mm cười

 liệu nước mắt ta rớt xuống

có làm một đóa hoa tươi?

“Nước mắt thiên nhiên là những/ Dịu êm khiến ta mỉm cười”. Quả đúng như vậy, khi thiên nhiên, cảnh vật hoà quyện với nhau bỗng trở nên êm dịu, đa sắc và rực rỡ biết bao. Nước mắt ở đây chính là những giá trị tốt đẹp mà thiên nhiên mang lại. Nó làm ta “mỉm cười” vì choáng ngợp, ngạc nhiên trước vẻ đẹp và giá trị của nó.

Hai câu cuối, tác giả liên tưởng tới con người chúng ta: Liệu nước mắt ta rơi xuống có thực sự đem lại hạnh phúc, mang đến niềm vui, có là một đoá hoa toả hương thơm ngát cho đời. Câu thơ đặt ra câu hỏi, cũng là sự trăn trở, là tiếng chuông thức tỉnh lòng người: Hãy làm sao để biến nước mắt, biến nỗi đau, bất hạnh… thành sức mạnh để tạo ra thành tựu, giá trị, làm đẹp cho đời. Đó cũng là bài học về sự hi sinh, cống hiến.

Bài thơ mang lại cho người đọc nhiều bài học sâu sắc. Từ sự trân trọng với những giá trị tốt đẹp mà thiên nhiên mang lại, bài thơ còn hướng người đọc tới cái nhìn lạc quan trước những đớn đau của cuộc đời, đồng thời đưa cho ta lời khuyên về sự cống hiến. Lí tưởng ấy cũng là lí tưởng của Thanh Hải trong Mùa xuân nho nhỏ:

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc.

Hay như cái nhìn lạc quan của Thanh Thảo để nhận ra cái đẹp của cuộc đời:

“Trong giông bão có một bông súng nở”

Hãy sống cống hiến, hãy nhìn đời bằng đôi mắt lạc quan thì con đường phía trước sẽ rộng mở, mới tạo ra những tinh hoa đẹp nhất.

Thứ hai, để nỗi đau – nước mắt của ta biến thành một đoá hoa tươi thơm ngát thì mỗi người cần có ý chí, nghị lực kiên trì vượt qua khó khăn. Hãy nỗ lực, cố gắng để vươn tới những ước nguyện, chinh phục những mục tiêu. Trong cuộc sống, có rất nhiều khó khăn thử thách đưa chúng ta vào thế phải đương đầu, và cách nhanh chóng nhất vượt qua khó khăn là đi xuyên qua nó. Khi đó, ta sẽ với được quả ngọt, vươn tới những đỉnh cao. MC Khánh Vy của chương trình Đường lên đỉnh Ôlimpia đã từng chia sẻ: Ước mơ của cô hồi nhỏ là trở thành một người dẫn chương trình, được xuất hiện trên ti vi, trở thành niềm tự hào của cha mẹ. Bằng sự chăm chỉ, nỗ lực không ngừng vượt qua bao thử thách khó khăn, với những nỗi đau, mồ hôi và giọt nước mắt, cuối cùng cô đã trở thành “Hotgirl 7 thứ tiếng” với vai trò MC đài truyền hình quốc gia VTV, được mọi người tôn trọng, yêu quý. Đó chính là minh chứng của người biết biến “giọt nước mắt” thành những thành tựu để đóng góp, cống hiến cho đời.

Cũng giống như An-đéc-xen nếu không có những tháng ngày lang bạt, bươn chải cuộc đời nghèo khó suốt thời niên thiếu thì sao có những thành công rực rỡ về sau, với những trang truyện cổ tích được thiếu nhi cả thế giới yêu thích. Hay như Vangoh trải qua bao khó khăn để mang lại những tác phẩm như vật báu cho nhân loại sau này.

Ở Nhật Bản có một loại hình nghệ thuật độc đáo mang tên Kintsugi: hàn gắn những mảnh gốm vỡ bằng vàng vòng. Họ cho rằng việc sử dụng vàng gắn kết như vậy sẽ giúp đồ vật được bền chắc và càng đẹp đẽ hơn. Không chỉ vậy, nghệ thuật này còn biểu hiện cho cái đẹp vượt lên cái vỡ nát, không hoàn hảo. Với con người, liệu sau những tổn thương, đau đớn, liệu chúng ta có hàn gắn và vượt lên, trở thành một đoá hoa tươi làm đẹp cho đời? Câu hỏi bỏ ngỏ gợi bao suy ngẫm cho người đọc. Sau cơn mưa, trời lại sáng. Chính những đau thương, bất hạnh mang đến cho cuộc đời chúng ta sẽ là bước đệm dẫn ta tới thành công và hạnh phúc sau này. Như con sâu phải trải qua quá trình lột xác đau đớn mới thành những chú bướm xinh đẹp, như con trai phải trải qua bao đau đớn mới kết tinh thành viên ngọc sáng ngời. Con người cũng cần trải qua nỗi đau – giọt nước mắt – để trở thành một đoá hoa tươi.

Tóm lại, cuộc sống như một khối hình đa diện, có khổ đau và hạnh phúc, nước mắt và nụ cười… Để hiểu và cảm nhận những nhịp đập ấy, mỗi người chúng ta đều nên sống chậm lại mà lắng nghe những nhịp điệu, tiết tấu qua những ngòi bút dịu dàng, đầy nghệ thuật của những người làm thơ, làm văn. Bài thơ “Lệ” của Nguyễn Thế Hoàng Linh không cầu kì, trau chuốt mà giản dị, tự nhiên với những ngôn từ trong sáng, giàu hình ảnh, sử dụng hiệu quả các biện pháp tu từ, cấu trúc lặp, giọng thơ nhẹ nhàng, lời ít ý nhiều, ngôn từ đa nghĩa… bài thơ đã mang đến cho người đọc những suy ngẫm sâu sắc về cái đẹp, về sự nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, khó khăn, về sự cống hiến, mang lại giá trị, làm đẹp cho đời. Chúng ta, những người trẻ tuổi mang bên mình nhiều hoài bão, ước mơ hãy nỗ lực, vươn lên trong học tập, rèn luyện tu dưỡng đạo đức để góp mình thành một “đoá hoa tươi” làm đẹp cho đời. Bởi “suy cho cùng, thước đo của đời người không phải là thời gian mà là sự cống hiến” (Perter Marsha).

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *