Đề bài: (Theo ma trận của Bộ giáo dục)
- ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:
Câu chuyện của những nghệ sĩ buôn làng
Từ xa xưa, tượng gỗ dân gian của người Bahnar, Jrai là vật không thể thiếu trong các khu nhà mồ, nơi những ngôi nhà rông và thỉnh thoảng xuất hiện nơi những ngôi nhà dài, chúng là sản phẩm được tạo ra từ những đôi tay khéo léo và óc sáng tạo sinh động của những người đàn ông giỏi giang trong các buôn làng. Họ là những nghệ sĩ buôn làng. Tượng gỗ chính là nét đẹp độc đáo trong nghệ thuật điêu khắc gỗ của hai dân tộc Bahnar, Jrai tại chỗ ở Gia Lai. Những tượng gỗ là sự thể hiện hình ảnh cộng đồng của từng dân tộc. Sự mạnh mẽ trong điêu khắc hay mềm mại chi tiết trên các đường nét mang cá tính riêng của mỗi tộc người. Dân tộc Bahnar và Jrai cư trú chủ yếu ở tỉnh Gia Lai, và là dân tộc tại chỗ. Dân số Bahnar và Jrai chiếm hơn 46% dân số toàn tỉnh Gia Lai. Trong các dân tộc ở Tây Nguyên, dân tộc Bahnar và Jrai là những chủ nhân sáng tạo nên loại hình điêu khắc dân gian tượng gỗ và có giá trị hơn hẳn so với nhiều dân tộc khác ở vùng này.
Người Jrai tin “vạn vật hữu linh”, cho rằng con người sống có linh hồn, khi chết linh hồn sẽ biến thành ma (atau). Atau cũng sống và sinh hoạt như người, nên người sống phải chia của cho người chết. Với niềm tin đó người chết được chia nhiều của cải trong đó có tượng gỗ. Trước đây, người Jrai có phong tục chôn chung nên lễ tang khá phức tạp, khi mộ chung đầy và thời gian đã đủ để người sống và chết quên nhau, họ sẽ làm lễ bỏ mả. Trước lễ bỏ mả người nhà sẽ nhờ người tạc tượng gỗ để quanh nhà mồ, ai biết tạc sẽ tự đến giúp. Tạc tượng là nghề của đàn ông, họ rủ nhau vào rừng lấy gỗ, ai là nghệ nhân mới tạc tượng đẹp và các tượng này sẽ được để quanh nhà mồ để mọi người chiêm ngưỡng. Tháng 11 đến tháng 4 dương lịch khi mọi người đã xong việc nương rẫy thường sẽ tổ chức lễ bỏ mả. Khu nhà mồ lặng lẽ với những thân cây gạo to thường được chôn ở đầu mộ như để đánh dấu sự tồn tại của người thân đã chết. Thời tiết cuối năm se lạnh, tiếng quạ kêu cùng với những tượng gỗ mục xung quanh nhà mồ tạo nên cảm giác lạnh và huyền bí. Những tượng gỗ mang nhiều hình dáng với những gương mặt được tạc thể hiện tâm trạng của người tạc tượng, sống động và mang nét thu hút riêng của nó.
Tượng gỗ có một chỗ đứng riêng biệt, quan trọng trong nền văn hóa của dân tộc Bahnar và Jrai. Trong nghệ thuật điêu khắc tượng gỗ của 2 dân tộc này, phần tạc tượng rào quanh nhà mồ là quan trọng nhất, thể hiện sự sáng tạo, và trình độ tay nghề của người thợ cao nhất. Tượng gỗ có một quá trình phát triển lâu dài, từ truyền thống đến những quan niệm hiện đại đan xen. Cho đến nay, tượng gỗ đã trải qua một số thay đổi về chức năng (tín ngưỡng có pha trộn yếu tố trang trí để làm không gian thêm vui, thêm đẹp), về ngôn ngữ nghệ thuật (từ mộc mạc đến chau chuốt, từ đơn giản đến phức tạp, cách điệu).
Tôi rất quý trọng nghệ nhân ưu tú Ksor Hnao – người dành cả đời tâm huyết với di sản văn hóa của dân tộc Jrai, hiện ông là chủ quán ăn dân gian Nghệ nhân Ksor Hnao tại làng Kép, phường Đống Đa, TP.Pleiku. Với ông, tượng gỗ dân gian không chỉ là một nghề mà còn là một đam mê, ông nổi tiếng là người tạc tượng đẹp nhất Gia Lai, từng đạt nhiều giải thưởng trong tỉnh và khu vực Tây Nguyên về tạc tượng gỗ dân gian. Ông Hnao đã làm nghề này từ khi còn là một cậu bé 15 tuổi và đến nay khi đã gần 70 mùa rẫy ông không nhớ hết mình đã tạc bao nhiêu bức tượng cho các khu nhà mồ của làng mình và các làng xung quanh, làm biết bao tượng gỗ trang trí cho các nhà rông, các khu du lịch sinh thái… cũng như đã truyền nghề cho bao thế hệ trong các làng gần, làng xa của Gia Lai – Kon Tum. Ngồi với tôi bên những tượng gỗ trong quán ăn dân gian ông mở đã gần 5 năm nay, ông chia sẻ:“Tượng gỗ dùng để trang trí nhà mồ, nhà rông, nhà sàn. Khi đặt ở nhà mồ, tượng mang ý nghĩa dành cho người chết thường nên được gọi là tượng mồ. Tượng mồ thể hiện qua việc đưa hình ảnh của xã hội người sống theo người chết, góp phần làm cho người chết ở thế giới bên kia vẫn thấy được những hình ảnh quen thuộc để mà vui, mà không quấy nhiễu người sống nữa. Chính vì vậy lớp tượng này mang tính gợi tả cao và rất sống động. Qua lớp tượng này, người xem như thấy chính cuộc sống của cộng đồng đang tái hiện. Nhóm tượng sinh hoạt được đặt ở không gian kiến trúc nào thì tượng này đều mang giá trị phản ánh đời sống văn hóa, xã hội của cộng đồng. Mỗi tượng gỗ là một câu chuyện cuộc đời, là gửi gắm vào đó tâm tư, buồn vui, hy vọng, phấn khích, âu lo… của người đang sống cho người đã khuất, của người sống với người đang sống”…
Tượng gỗ dân gian vẫn thường được nhiều người biết tới là một sản phẩm nghệ thuật phục vụ trong tín ngưỡng tâm linh, đặc biệt là tang ma. Tuy nhiên, trong thực tế, tượng gỗ lại được sử dụng với phạm vi rộng hơn, tượng còn được dùng trang trí trong nhà rông, nhà sàn, nhà dài nhưng phổ biến nhất vẫn là đặt quanh nhà mồ. Tượng vừa có chức năng trang trí vừa chứa đựng tín ngưỡng dân gian, đồng thời phản ánh đời sống tâm linh của người Bahnar, Jrai. Bên cạnh đó, tượng còn là những tác phẩm nghệ thuật trang trí làm đẹp môi trường sống tại các buôn làng và hiện nay tượng gỗ đang dần bước ra khỏi giới hạn tín ngưỡng tâm linh để ngày càng có thêm nhiều không gian trưng bày. Từ những không gian ấy, tượng gỗ dân gian đang từng bước đến gần hơn với nhiều đối tượng thưởng lãm và phát huy được những giá trị quý báu của mình. Tượng gỗ dân gian Bahnar, Jrai cùng những nghệ nhân sáng tạo nên chúng đã/đang đóng góp một vẻ đẹp độc đáo và mang lại nhiều giá trị to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ Bahnar, Jrai tại Gia Lai, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa Việt Nam đa dạng trong thống nhất, đậm đà bản sắc dân tộc.
(https://hvhnt.gialai./Tac-gia,-tac-pham/Van-hoc/Van-xuoi/Cau-chuyen-cua-nhung-nghe-si-buon-lang, Hoàng Thanh Hương)
Câu 1:Thông tin trong văn bản được triển khai theo trật tự nào?
Câu 2: Theo văn bản, tượng gỗ có chỗ đứng như thế nào trong nền văn hóa của dân tộc Bahnar và Jrai.
Câu 3: Trong nghệ thuật điêu khắc tượng gỗ, phần tạc tượng nào là quan trọng nhất, thể hiện sự sáng tạo, và trình độ tay nghề của người thợ cao nhất.
Câu 4: Thái độ của tác giả đối với nghệ nhân ưu tú Ksor Hnao được thể hiện qua đoạn trích như thế nào?
Câu 5: Chủ đề của văn bản?
Câu 6: Em ấn tượng nhất với thông tin nào trong văn bản? Tại sao?
Câu 7: Em nghĩ gì qua lời chia sẻ của nghệ nhân Ksor Hnao:“Tượng gỗ dùng để trang trí nhà mồ, nhà rông, nhà sàn. Khi đặt ở nhà mồ, tượng mang ý nghĩa dành cho người chết thường nên được gọi là tượng mồ … của người đang sống cho người đã khuất, của người sống với người đang sống.
Câu 8: Hãy kể tên một số lễ hội văn hóa Tây nguyên mà em biết.
LÀM VĂN (4,0 điểm)
Từ tác phẩm (đoạn trích) Câu chuyện của những nghệ sĩ buôn làng của Hoàng Thanh Hương, em hãy thuyết minh về lễ hội mừng lúa mới ở quê hương em.
Hướng dẫn đáp án chi tiết
- ĐỌC – HIỂU
Đề 1: Tự luận
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 6,0 | |
1 | -Ý chính và nội dung chi tiết | 0,5 | |
2 | -Tượng gỗ có một chỗ đứng riêng biệt, quan trọng trong nền văn hóa của dân tộc Bahnar và Jrai. | 0,5 | |
3 | -Trong nghệ thuật điêu khắc tượng gỗ của 2 dân tộc này, phần tạc tượng rào quanh nhà mồ là quan trọng nhất, thể hiện sự sáng tạo, và trình độ tay nghề của người thợ cao nhất. | 0,5 | |
4 | -Quý trọng, yêu mến, ngưỡng mộ… | 0,5 | |
5 | -Tượng gỗ dân gian Bahnar, Jrai cùng những nghệ nhân sáng tạo nên chúng đã mang vẻ đẹp độc đáo, giá trị to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần đối với đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung.
– Tượng gỗ góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa Việt Nam đa dạng trong thống nhất, đậm đà bản sắc dân tộc. Thể hiện niềm tự hào trước nét văn hóa đặc trưng của Tây Nguyên. |
1,0 | |
6 | – Những tượng gỗ là sự thể hiện hình ảnh cộng đồng của từng dân tộc. Sự mạnh mẽ trong điêu khắc hay mềm mại chi tiết trên các đường nét mang cá tính riêng của mỗi tộc người.
– Ông Hnao đã làm nghề này từ khi còn là một cậu bé 15 tuổi và đến nay khi đã gần 70 mùa rẫy ông không nhớ hết mình đã tạc bao nhiêu bức tượng cho các khu nhà mồ của làng mình và các làng xung quanh, làm biết bao tượng gỗ trang trí cho các nhà rông, các khu du lịch sinh thái… |
1,0 | |
7 | -HS trình bày suy nghĩ của bản thân. Gợi ý:
+ Tượng gỗ pahnr ánh đời sống, sinh hoạt, văn hóa của của người Tây Nguyên. + Tượng gỗ dùng để trang trí nhà mồ, nhà rông, nhà sàn và mỗi nơi có giá trị riêng, nét văn hóa riêng. + Người khắc tượng gỗ là người gửi gắm tâm tư vào tượng gỗ… |
1,0 | |
8 | Một số lễ hội:
– Lễ mừng lúa mới, lễ hội đua voi, lễ ăn cơm mới, lễ tạ ơn cha mẹ, lễ cúng bến nước, lễ bỏ mả… |
1.0 |
- LÀM VĂN
- Mở bài: Giới thiệu về lễ hội mừng lúa mới.
- Thân bài: cần xác định rõ vấn đề có ý nghĩa được nêu ra trong văn bản và lần lượt nêu các luận điểm làm sáng tỏ vấn đề.
- Thời gian, ý nghĩa:
– Diễn ra vào khoảng tháng 11 dương lịch hoặc vào khoảng sau Tết Nguyên Đán hàng năm.
– Ý nghĩa của lễ hội mừng lúa mới là để tạ ơn Giàng đã ban cho con dân một mùa thóc lúa bội thu, tôn vinh hạt thóc mới, cầu chúc cho năm sau mùa màng được ấm no, ổn định.
– Trong lễ hội mừng lúa mới người ta cúng Giàng trước tiên, theo sau đó là các lễ cúng chư vị thần linh ứng với mỗi một điều kiện thời tiết trong sản xuất.
- Nội dung:
* Phần lễ cúng:
– Người chủ trì là già làng, già làng là người đích thân xem xét và chọn ra một đám ruộng màu mỡ, những hạt lúa dày, trĩu nặng và đẹp nhất để lại để làm lễ cúng thần La Pôm.
– Bà con trong buôn làng đều có nghĩa vụ đóng góp mỗi nhà một ít như ché rượu, miếng thịt, đĩa xôi,… để thể hiện lòng thành, đồng thời cũng bộc lộ sự đoàn kết và có trách nhiệm của mọi người trong cộng đồng dân tộc.
– Sau đó đích thân thầy cúng (Yiu Rang) và già làng sẽ tự tay chuẩn bị sắp xếp mâm cỗ cúng, và đọc văn khấn để cầu chúc cho dân làng được ấm no, mưa thuận gió hòa
– Sau khi đã kết thúc phần khấn vái, thì già làng sẽ chọn ra mười thanh niên nam nữ, khỏe mạnh, cùng xuống ruộng, tay nắm lấy các bó lúa đã được chuẩn bị sẵn, cứ sau mỗi một lời khấn của thầy cúng, nhóm thanh niên sẽ đồng loạt giơ cao bó lúa trong tay mình lên trời và hô to, đồng thời nhảy múa, hát hò theo để thể hiện sự vui mừng, náo nhiệt của một mùa màng ấm no, sung túc.
* Phần hội:
– Mọi người lại được tự do vui chơi thoải mái, tất cả dân làng cùng tụ tập lại nhà rông ăn uống, nhảy múa hát hò, theo tiếng chiêng, nhịp trống, tối đến thì nhảy múa xung quanh đống lửa.
– Sau khi đã vui chơi thỏa thích, thì ai lại về nhà nấy, để tổ chức lễ cúng riêng cho nhà mình. Nhà ai có nhiều khách ghé thăm thì được coi là một niềm vinh dự lớn, là sự may mắn rất đáng trân trọng, được Giàng phù hộ.
- Kết bài: Khẳng định vấn đề.
Nêu cảm nhận chung
Bài viết tham khảo
Đề: Thuyết minh về lễ hội mừng lúa mới
1.Mở bài:
Văn hóa là mạch nguồn truyền đời của cộng đồng qua nhiều thế hệ. Với đồng bào Tây Nguyên thì văn hóa cộng đồng đã chứng tỏ được sức sống bền bỉ, mãnh liệt không chỉ về văn hóa vật chất mà cả tinh thần. Lễ hội Mừng lúa mới nói riêng và nhiều lễ hội khác trong chu kỳ đời sống của người Êđê lấp lánh những giá trị nhân văn cần được khám phá, nghiên cứu. Đó cũng chính phần hoa trái của cây đời xanh tươi cần được bảo lưu, gìn giữ…Đời sống tinh thần của các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên luôn gắn liền mật thiết với những lễ hội truyền thống. Theo thường lệ, cứ vào tháng 11,12 dương lịch hàng năm, đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên lại tổ chức lễ mừng lúa mới. Mừng lúa mới là một phong tục lâu đời của đồng bào các dân tộc sống trên dải Trường Sơn; có ý nghĩa tôn vinh hạt thóc của Giàng ban cho dân làng và tập tục cúng Giàng, cúng các vị thần linh như: cúng trời đất, các thần sông suối, thần núi, thần mưa, thần sấm, thần mùa màng để cầu cho mưa thuận gió hòa.
2.Thân bài:
–Nguồn gốc: Lễ hội mừng lúa mới là dịp để bà con buôn làng tổ chức dâng lễ, tạ ơn thần Lúa, thần Nông nghiệp vì đã cho một vụ mùa ấm no.Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, lễ mừng lúa mới của các tộc người J’rai và Bahnar đã có từ lâu và được gìn giữ, phát huy cho tới ngày nay. Đây là bản sắc văn hóa độc đáo và cũng là một trong những lễ hội lớn hàng năm của hai tộc người này với mong ước mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng ở các buôn làng. Lễ mừng lúa mới của các tộc người J’rai và Bahnar thường diễn ra trong khoảng thời gian khá dài, từ tháng 11 dương lịch năm trước đến tháng Giêng năm sau. Đây là thời gian rảnh rỗi của bà con sau khi đã thu hoạch xong vụ mùa thắng lợi và cũng là thời gian cho đất nghỉ ngơi theo tập quán. Lễ mừng lúa mới thường được tổ chức theo từng buôn làng, sau đó mới tỏa về từng nóc nhà. Hội mùa của các tộc người J’ai và Bahnar là một trong những lễ hội ra đời sớm nhất trong các lễ hội của các tộc người ở Tây Nguyên, gắn liền với nền sản xuất nương rẫy. Hội mùa không chỉ có nghi thức cúng lễ mà còn là sự giao hòa giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên và cảnh vật. Đối với người Êđê, khi lúa trên rẫy đã được gùi về đổ đầy các kho để lúa, gia chủ bắt tay vào việc tổ chức lễ cúng cơm mới. Lễ không tổ chức cho toàn buôn một lúc mà lần lượt từng nhà. Phụ nữ lo việc bếp núc, nấu nướng. Đàn ông thì lo rượu cần, chuẩn bị heo, gà để giết thịt. Khách mời là họ hàng từ các buôn xa gần được mời đến dự…
-Chuẩn bị lễ hội: Lễ Mừng lúa mới bắt đầu với nghi thức bà con mang lễ vật gồm ghè rượu, cơm, thịt, ống nứa đến bến nước lấy nước về buôn làng mình để cùng nhau ăn mừng lúa mới. Khi những bông lúa đã chín rộ, chủ hộ đưa các thành viên trong gia đình đến rẫy lúa của mình dọn cỏ, phát đường chuẩn bị thu hoạch lúa. Khi đến rẫy lúa, chủ hộ đến chỗ lúa chín đều nhất đọc lời khấn với ông Trời (Giàng), xin Thần Lúa (Na Soai) cho họ rước hồn lúa về với dân làng, với nhà của mình. Trước khi lễ hội diễn ra, người dân làng sẽ cùng nhau đóng góp các sản vật chung để làm lễ. Thông thường, mỗi hộ dân góp 1kg gạo mới, 1 ghè rượu để chuẩn bị cho việc cúng lễ. Lễ vật cho Lễ mừng lúa mới gồm: một con heo hoặc một con gà trống (nếu cúng con gà thì cơm, rượu mỗi thứ một chén, một ché); ba ché rượu; Cơm ba chén; Rượu ba chén; một cây nêu; một chòi lúa; một bó lúa còn nguyên hạt; một thúng lúa; Nia một cái, thúng một cái, đĩa ba cái, chén sáu cái, liềm một cái, gùi ba cái.Sau khi chuẩn bị xong lễ vật, già làng khấn cầu mong thần linh (Yang ơi kơdu, ơi kơdai, yang chứ, yang ia) và linh hồn ông bà tổ tiên ăn cơm mới phù hộ cho dân làng được mùa bội thu, mưa thuận gió hòa, năm sau thu hoạch nhiều hơn năm trước, lúa đầy chòi bắp đầy nhà. Cũng có những nơi khi thu hoạch, già làng sẽ quyết định chọn một đám lúa tốt nhất để tổ chức lễ cúng thần Ia Pôm (thần lúa, thần nông nghiệp) ngay tại ruộng. Vào ngày này bà con trong thôn bản đều có mặt, ai cũng có nghĩa vụ đóng góp một phần thức ăn của mình phục vụ buổi lễ, như một vài ché rượu cần hoặc một con gà, miếng thịt. Trước ngày diễn ra Lễ hội Mừng lúa mới, người dân ở đây dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ vì họ quan niệm quá trình thu hoạch họ sẽ rước Thần Lúa từ rẫy về nhà. Vì thế, nhà cửa phải sạch sẽ, gọn gàng thì Thần Lúa mới hài lòng, phù hộ cho những vụ mùa tiếp theo vẫn được bội thu.
-Diễn biến lễ hội: Vào ngày diễn ra lễ hội, các già làng đã thức dậy từ mờ sáng sửa soạn, chuẩn bị cho buổi lễ quan trọng nhất trong năm. Thanh niên, phụ nữ mặc những bộ đồ đẹp nhất, chuẩn bị rượu thịt sẵn sàng, ai cũng vui vẻ, hồ hơi hơn ngày thường. Tất cả dân làng quây quần về nhà rông, trong tiếng cồng, tiếng chiêng cùng điệu múa xoang.
Lễ cúng mừng lúa mới được đồng bào Gia Rai tổ chức tại ba nơi: cúng ở rẫy lúa, cúng ở chòi lúa và cúng ở nhà chủ lúa. Lễ cúng mừng lúa mới tại rẫy lúa có lễ vật gồm một chóe rượu, một con gà.Thầy cúng chạm bảy lần vào chóe rượu để dâng lễ và cầu khấn bảy vị thần (thần đất, thần trời, thần nước, thần nuôi dưỡng, thần che chở, thần bảo vệ, thần lúa) cho những loại giống lúa (lúa trô, blia, chke…) cho lúa mau chín, cho lúa thơm ngon. Thầy cúng (Riu Yang) cùng già làng sẽ soạn mâm lễ cúng theo nghi thức và khấn để mong thần Ia Pôm mang lại sự ấm no cho dân làng. Sau đó già làng sẽ chọn khoảng 10 thanh niên nam, nữ để đại diện dân làng xuống ruộng, từng người tay nắm lấy từng bụi lúa. Sau mỗi lời khấn của thầy cúng, nhóm thanh niên sẽ giơ cao bó lúa lên trời và đồng thanh hô, hát và múa theo, thể hiện cảnh tượng vừa thiêng liêng lại vừa thấm nhuần tình đoàn kết của bà con dân làng Tây Nguyên.
Sau khi dâng lễ xong đến với phần mời rượu, theo phong tục tập quán của người Gia Rai là mẫu hệ, chính vì vậy nguời được mời rượu đầu tiên là người phụ nữ trong nhà (mời vợ và mẹ vợ chủ lúa cùng uống), tiếp theo mời chủ lúa và anh của vợ chủ lúa, sau đó lần lượt khách đến dự từ lớn đến nhỏ cùng uống rượu.
Sau đó là lễ cúng mừng lúa mới tại chòi lúa: lễ vật gồm một chóe rượu, một đầu gà, thầy cúng dâng lễ và cầu khấn bảy vị thần để tạ ơn các thần đã che chở cho cây lúa, che chở cho gia đình chủ lúa được mạnh khỏe, xin phép các thần cho chủ lúa được thu hoạch, xin được rước hồn lúa vào chòi để cất giữ. Sau khi dâng lễ xong, đến phần mời rượu cũng tương tự như lễ cúng tại rẫy lúa. Kết thúc lễ cúng tại chòi lúa, dân làng thực hiện việc tuốt lúa đưa cất vào chòi lúa.
Cuối cùng là lễ cúng mừng lúa mới tại nhà chủ lúa: Khi lúa bắt đầu chín rộ thì người chủ hộ, thường là thành viên lớn tuổi nhất trong gia đình sẽ lên phần rẫy của nhà mình để dùng cây le tươi đánh dấu vị trí tuốt lúa. Sau đó, cả nhà sẽ cùng nhau thu hoạch. Khi lúa đã tuốt xong, họ vận chuyển thóc về nhà kho để cất giữ. Trên đường về nhà, nếu gặp ngã rẽ thì người dân sẽ dùng cành cây để chắn những lối phụ khác, chỉ giữ lại lối chính về kho lúa, với quan niệm không để thần Lúa lạc đường. Phải đợi sau khi tổ chức Lễ hội Mừng lúa mới xong thì lúa thóc vừa thu hoạch mới được mang ra sử dụng. Lễ vật gồm ba chóe rượu, một con heo. Thầy cúng dâng lễ và cầu khấn bảy vị thần xin phép các thần cho gia đình được rước hồn lúa và lúa về nhà. Sau khi dâng lễ xong, tiếp tục đến phần mời rượu cũng tương tự như hai lễ cúng trên. Chóe rượu thứ 1, đầu tiên là người vợ, mẹ vợ, mẹ của chủ lúa cùng uống một lúc, tiếp theo đến chủ lúa, anh vợ chủ lúa cùng uống rượu, sau khi anh vợ uống xong thì lấy một đùi trước của con heo trao cho thầy cúng để tạ ơn thầy cúng. Chóe thứ 2, mời người bác vợ của chủ lúa và người bác của chủ lúa để tỏ lòng biết ơn hai người bác. Chóe rượu thứ 3, mời thầy cúng để tỏ lòng biết ơn.
Sau khi dâng lễ xong, mọi người trong gia đình cùng nhau uống rượu. Tất cả nam, nữ cùng nhau thực hiện việc tuốt lúa để đưa cất vào chòi lúa tại rẫy. Phần hội được bắt đầu ngay sau phần lễ rước hồn lúa về kho, người dân tổ chức giã gạo để lựa ra những hạt gạo tốt nhất. Trong ngày vui này, người dân khắp các buôn làng cùng nhau hòa mình trong những điệu nhảy truyền thống bên cạnh tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã, vang vọng cả một góc trời.
Sau khi kết thúc các nghi lễ cúng, dân làng cùng nhau đánh chiêng uống rượu và nhảy múa cho đến tối trong không khí vui tươi, phấn khởi mừng lúa mới. Lễ cúng mừng lúa mới diễn ra trong khoảng một giờ đồng hồ, mọi người đều ăn uống no say, nhảy múa theo tiếng chiêng vang vọng. Sau khi lễ hội chung của làng kết thúc, bà con lại tiếp tục lễ cúng mừng lúa mới theo từng nhà, theo một trật tự đã sắp xếp trước. Lễ hội tổ chức lớn hay nhỏ tùy thuộc vào khả năng thu hoạch được nhiều hay ít của từng gia đình và cũng theo đó mà thời gian có thể kéo dài một hay nhiều ngày. Đây cũng là dịp để gia chủ mời bà con, họ hàng, bạn bè ở các buôn lân cận cùng đến vui chơi, ăn uống, múa hát, nhà nào có đông khách coi như là niềm vinh dự lớn.
–Ý nghĩa lễ hội: Giá trị của lễ hội truyền thống được khẳng định trên nhiều phương diện cuộc sống, cuốn hút và hấp dẫn, được xã hội thừa nhận và trở thành một nhu cầu chính đáng của người dân. Những yếu tố tích cực, sống động của lễ hội góp phần bảo vệ sự đậm đà của bản sắc văn hóa dân tộc.Trên những vùng quê của của đất nước Việt Nam, hầu như dân tộc nào cũng đều có nét văn hóa đặc sắc, độc đáo thông qua lễ hội. Hoạt động các lễ hội như bảo tàng sống về văn hóa của dân tộc đã được lưu truyền, kế thừa qua nhiều thế kỷ. Đối với dân cư cộng đồng sống trên dãy cao nguyên hùng vĩ, mừng lúa mới là lễ hội ra đời sớm nhất trong lễ hội của đồng bào nơi đây. Cuộc sống của con người Tây Nguyên gắn liền với nền sản xuất nương rẫy tự cung tự cấp, vì vậy lễ mừng lúa mới không thể thiếu được trong đời sống tâm linh của họ.
-Lồng thêm suy nghĩ bản thân em về lễ hội
- Kết bài (ý nghĩa):
“Mừng lúa mới” là nghi lễ nông nghiệp cổ truyền của các tộc người gắn bó với cây lúa rẫy, lúa nước ở miền đất đại ngàn Tây Nguyên. lễ hội Mừng lúa mới của người Tây Nguyên là sự tôn thờ, ngưỡng vọng Bà mẹ Lúa vĩ đại sinh ra từ cuộc hôn phối giữa Đất đai và thần Lúa.Đây là bản sắc văn hóa độc đáo và cũng là một trong những lễ hội lớn hàng năm của hai tộc người Bahnar, Jrai với mong ước mang lại cuộc sống ấm no ở các buôn làng, là sự giao hòa giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên nơi cao nguyên đại ngàn. Lễ hội truyền mừng lúa mới góp phần giữ được bản chất đích thực của lễ hội truyền thống tức là giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc không bị hòa nhập, hòa tan trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập văn hóa, kinh tế thế giới.