ĐỀ KIỂM TRA ĐỊNH KÌ
NGỮ VĂN 11
(Tự luận 100% – Dùng chung cho cả 03 bộ sách)
ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)
Đọc văn bản sau:
Giữa trưa đầy nắng Sài Gòn, chị bán cà phê vỉa hè chợt nói, sắp tháng chạp rồi nè. Thốt nhiên lòng se lại. Ừ nhỉ, tháng chạp sắp về rồi. Mưa phùn sắp về với Hà Nội rồi. Tôi đã đi qua hầu khắp những miền quê có mưa phùn. Chẳng biết có thiên vị không, trước sau tôi vẫn đinh ninh nói đến mưa phùn là người ta nhớ ngay đến Hà Nội.
[…]
Đúng là mưa nhưng không phải mưa. Không thấy hạt mưa nào cả, chỉ thấy những màn hơi lành lạnh nhẹ không, trắng mờ như hơi nước phả trên kính giăng rộng khắp nơi. Đường khô áo khô nhưng tóc và lá cây lấm tấm những giọt nhỏ tí xíu trong
Đúng là sương nhưng không phải sương, trắng mờ mênh mang như sương mà bay bay như mưa, rơi rơi như mưa. Bay dạt dào trên dòng sông cánh đồng ao hồ, bay nghiêng nghiêng trên đường phố rộng dài, bay thẳng đứng trong hẻm nhỏ ngõ nhỏ để rồi rơi phơ phất trên những tàng cây. Giọt giọt rơi từ lá, chảy ngoằn ngoèo trên nhưng thân cây khô ráo.
Và lạnh. Mùa đông sương sớm lạnh giá, cái lạnh rin rín nước. Mùa đông mưa lạnh buốt, cái lạnh sũng nước. Không như sương không như mưa, mưa phùn man mát lành lạnh, cái lạnh thanh thanh. Mưa phùn đủ lạnh để cho ta khi cầm tay nhau, áp vào má nhau, sà vào lòng nhau… bỗng thấy ấm áp lạ thường.
Mưa phùn là vậy đó nhưng chỉ có ở Hà Nội mới cảm được hết, không biết vì sao. Có lẽ mưa phùn ở đây ít bị pha tạp bởi sương mù, gió bấc. Cũng có thể Hà Nội hợp với mưa phùn, tưởng động mà tĩnh, tưởng lạnh mà mát, lặng lẽ nhẹ nhàng không hề vướng víu tiếng ồn như người Hà Nội… Mới hiểu vì sao ở đâu cũng thích mưa phùn, thích nhất vẫn là người Hà Nội.
Tôi có mưa phùn tuổi 18 ngày hoà bình đầu tiên, áo trấn thủ với áo bông hoa dung dăng dung dẻ dọc Bờ Hồ, tay thô ráp quê mùa nắm tay thon mềm dưới gốc cây Vô Ưu cổng đền Ngọc Sơn… Mưa phùn thấm vào má nhau, rọi vào mắt nhau, cuộn vào tóc nhau… ôi nhớ!.
Nhớ thời bao cấp tuổi 22 áo đại cán với áo len tím, tuổi 26 áo bay Liên Xô với áo phao ni lông hồng phớt, thời mở cửa tuổi 30 áo Nato với áo lông trắng, tuổi 34 áo da với áo Bomber Jacket xanh da trời… Cứ mùa mưa phùn là nhớ Hà Nội đến buốt tim.
[…]
Thương nhớ nghìn năm mưa phùn Hà Nội. Lý Thường Kiệt cưỡi ngựa trắng vượt sông Như Nguyệt về Thăng Long đưa tin đại thắng đả Tổng phá Khâm Ung Liêm. Người ngựa như bay trong mưa phùn tháng chạp Ất Mão Trong mưa phùn tháng chạp Kỷ Dậu 1789 Nguyễn Huệ cưỡi voi vào Cửa Bắc tìm cành đào Nhật Tân tặng công chúa Ngọc Hân, voi trận và cành đào như bơi trong ức vạn tấm voan mưa bay. Trong mưa phùn tháng chạp Bính Tuất 1946 “rộn ràng Đồng Xuân, xanh tươi bát ngát Tây Hồ. Hàng Đào ríu rít Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Gai”… máu thấm trong mỗi hạt mưa xuân. Mưa phùn năm ấy đượm màu máu đào ướt lạnh. Trong mưa phùn tháng chạp Nhâm Tý 1972 Hà Nội bị thương bởi B52, những em bé Hà Nội đội khăn tang đi tìm người thân, chập chờn trong màn mưa giăng những chiếc khăn tang trôi cùng những cành đào. Chẳng phải giáo điều, cái gì cũng gán cùng lịch sử, chỉ vì lịch sử Hà Nội dường như là lịch sử của những tháng chạp mưa phùn, lạ thế…
(Thương nhớ mưa phùn, Nguyễn Quang Lập, in trong
Những tản văn suýt bị bỏ quên của Bọ Lập, NXB Hội nhà văn, Hà Nội, 2021)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Xác định đề tài của văn bản? (0,5 điểm)
Câu 2. Dựa vào văn bản, hãy cho biết điều gì đã khiến tác giả nghĩ tới mưa phùn Hà Nội? (0,5 điểm)
Câu 3. Theo tác giả, mưa phùn Hà Nội mang những đặc trưng gì giống với con người ở nơi đây? (0,5 điểm)
Câu 4. Xác định nội dung của mỗi phần trong văn bản? (0,5 điểm)
Câu 5. Phân tích tác dụng của biện pháp liệt kê được tác giả sử dụng ở đoạn (4)? (0,5 điểm)
Câu 6. Phân tích sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và trữ tình được thể hiện trong văn bản? (1,0 điểm)
Câu 7. Văn bản trên đã để lại cho anh/ chị những suy ngẫm gì trong cách cảm nhận cuộc sống? (1,0 điểm)
Câu 8. Hãy viết một đoạn văn (khoảng 8 – 10 dòng) nói về một vẻ đẹp đặc trưng của một vùng đất mà anh/ chị yêu mến. (1,5 điểm)
LÀM VĂN (4,0 điểm)
Viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến: Những kỉ niệm đẹp sẽ giúp con người vượt qua những thử thách trong cuộc sống.
ĐÁP ÁN ĐỀ 3
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 6,0 | |
1 | Đề tài: Mưa phùn Hà Nội. | 0.5 | |
2 | Điều đã khiến tác giả nghĩ tới mưa phùn Hà Nội là: Giữa trưa đầy nắng Sài Gòn, chị bán cà phê vỉa hè chợt nói, sắp tháng chạp rồi nè. Thốt nhiên lòng se lại. Ừ nhỉ, tháng chạp sắp về rồi. Mưa phùn sắp về với Hà Nội rồi. |
0.5 | |
3 | Theo tác giả, mưa phùn Hà Nội mang những đặc trưng giống với con
người ở nơi đây là: tưởng động mà tĩnh, tưởng lạnh mà mát, lặng lẽ nhẹ nhàng không hề vướng víu tiếng ồn như người Hà Nội. |
0.5 | |
4 | Nội dung của mỗi phần trong văn bản:
– Phần 1: Nỗi nhớ mưa phùn Hà Nội bất chợt ùa về. – Phần 2: Đặc điểm của mưa phùn Hà Nội. – Phần 3: Những kỷ niệm của tác giả gắn với mưa phùn Hà Nội. – Phần 4: Lịch sử bi tráng của Hà Nội gắn với những cơn mưa phùn. |
0.5 | |
5 | Tác dụng của biện pháp liệt kê trong đoạn (4):
– Thể hiện sự phát hiện độc đáo của tác giả: những sự kiện lịch sử bi tráng của Hà Nội đều gắn với mưa phùn. – Niềm tự hào xen lẫn đau thương khi nhớ về những sự kiện lịch sử bi tráng ấy. |
0.5 | |
6 | Sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và trữ tình được thể hiện trong văn bản:
– Tự sự: + Kể lại những kỷ niệm của tác giả gắn với mưa phùn Hà Nội. + Kể lại những sự kiện lịch sử gắn với mưa phùn Hà Nội. – Trữ tình: + Thể hiện nỗi nhớ da diết đối với mưa phùn Hà Nội. + Lòng yêu mến đối với mưa phùn Hà Nội, con người Hà Nội, lịch sử bi tráng của Hà Nội. + Nỗi buồn man mác về những kỉ niệm một thời tuổi trẻ gắn với những cơn mưa phùn Hà Nội. |
1.0 | |
7 | Văn bản trên đã để lại những suy ngẫm trong cách cảm nhận cuộc sống:
– Cần sống và cảm nhận cuộc sống một cách sâu sắc, tinh tế, để phát hiện ra những vẻ đẹp tiềm ẩn của mỗi sự vật, mỗi hiện tượng, mỗi vùng đất, mỗi con người. – Cần trân trọng, nâng niu những kỷ niệm đẹp của quá khứ. |
1.0 | |
8 | Viết đoạn văn nói về vẻ đẹp đặc trưng của một vùng đất mà anh/ chị yêu mến.
Học sinh tự do lựa chọn đề tài, miễn là đảm bảo được yêu cầu của câu hỏi. |
1.5 | |
II | VIẾT | 4,0 | |
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận xã hội. | 0,25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Trình bày suy nghĩ về ý kiến sau: Những kỉ niệm đẹp sẽ giúp con người vượt qua những thử thách trong cuộc sống’. |
0,5 | ||
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm | 2.5 |
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng hợp lí. Sau đây là một số gợi ý:
1. Giải thích: – Kỉ niệm đẹp: là những sự kiện đem lại hạnh phúc cho con người, đã xảy ra trong quá khứ và vẫn còn để lại ấn tượng mạnh, gây xúc động cho con người mỗi khi nhớ về. – Câu nói đề cao vai trò của những kỉ niệm đẹp: nó là động lực để giúp con người vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc sống. 2. Bàn luận: a. Chứng minh tính đúng đắn của ý kiến: Ý kiến trên là đúng đắn, vì: – Những kỉ niệm đẹp sẽ cho chúng ta cảm giác vui vẻ, hạnh phúc khi nhớ về, từ đó, giúp ta có cái nhìn lạc quan hơn về những thử thách trước mắt. – Những kỉ niệm đẹp sẽ giúp ta nhận ra khả năng và sức mạnh mình đã từng có trong quá khứ, từ đó tiếp thêm niềm tin để ta nỗ lực hơn nữa trong hiện tại. – Những kỷ niệm đẹp, khi nhớ về, sẽ tạo ra một tinh thần phấn chấn, một thái độ hăng say để ta làm việc hiệu quả hơn, từ đó chiến thắng được những thử thách khó khăn. b. Phê phán tư tưởng trái ngược: – Phê phán những người lãng quên hoặc không biết tôn trọng, không ý thức được giá trị của những kỉ niệm đẹp trong quá khứ. – Phê phán những con người quá hoài cổ, luôn ngủ quên trong những êm đềm, hào quang của quá khứ mà không dám đối mặt với những thử thách trong hiện tại. 3. Rút ra bài học cho bản thân: – Nhận thức: Nhận thức được vai trò của những kỉ niệm đẹp trong việc giúp con người vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống. – Hành động: + Cần biết trân trọng, nâng niu những kỷ niệm đẹp. + Cần phát huy vai trò của những kỷ niệm đẹp trong việc đối mặt và vượt qua những thử thách trong cuộc sống hiện tại. |
|||
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt. |
0,25 | ||
e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy. | 0,5 | ||
Tổng điểm | 10.0 |