ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN – LỚP 11
Thời gian: 180 phút
Câu 1 (8,0 điểm).
Trong cuốn sách” Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu“, Rosie Nguyễn có dẫn câu nói: Con đường dài nhất là con đường từ cái đầu đến bàn tay.
Hãy trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý nghĩa của câu nói trên .
Câu 2 (12,0 điểm).
Bàn về thơ, Nguyễn Công Trứ tâm sự : “Trót nợ cùng thơ phải chuốt lời“.
Nhà thơ Lưu Trọng Lư từng khẳng định : “Thơ là sự sống tập trung cao độ, là cái lõi của cuộc sống”.( Theo Trần Đăng Suyền, phương pháp nghiên cứu và phân tích tác phẩm văn học, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012,tr.119)
Bằng hiểu biết và trải nghiệm văn học của mình, anh chị hãy bình luận ý kiến trên.
————————– HẾT ————————–
HƯỚNG DẪN CHẤM
Câu 1 | Nghị luận xã hội | Điểm |
I. Yêucầu về kĩ năng:
– Thí sinh biết cách làm bài nghị luận xã hội về tư tưởng đạo lý – Bài viết có bố cục rõ ràng, các luận điểm, luận cứ xác đáng – Vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận như giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, bác bỏ… – Diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp. |
0,25 | |
II. Yêu cầu về kiến thức:
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng bài làm cần đạt được những ý cơ bản sau: Giới thiệu được vấn đề nghị luận |
0,25 | |
1.Giải thích
– Con đường dài nhất: chỉ quá trình thực hiện một công việc nào đó đầy gian truân, khó khăn, khó tới đích. – Cái đầu: chỉ ý tưởng, khát khao, khát vọng bản lĩnh và hoài bão – Bàn tay chỉ hành động thực tiễn =>Câu nói là lời nhắc nhở những người không chủ động, thiếu mạnh dạn để thực hiện ý tưởng khát vọng hoài bão của mình và đề cao việc thực hành, thực thi công việc. |
2,0 | |
2. Bàn luận: – Con người ai cũng có những ý tưởng hay, những ước mơ hoài bão đẹp, nhưng thực tế không phải ai cũng biến những điều ấy thành hiện thực . Điều đó có nhiều nguyên nhân : Chần chừ, lười biếng, thiếu bản lĩnh, không có kĩ năng thực hành, chưa đủ điều kiện thực hiện …Nên từ cái đầu đến bàn tay trở thành con đường dài nhất. – Khi không thực hiện được những ý tưởng, ước mơ, hoài bão của mình, con người sẽ không đạt được bất kì kết quả nào tốt đẹp. Đặc biệt, làm việc sẽ giúp con người hình thành kỹ năng sống, phát huy năng lực bản thân, rèn luyện những phẩm chất quý giá – Để biến những ý tưởng, ước mơ thành hiện thực ngoài việc ý tưởng ấy phải phù hợp với thực tiễn , con người cần trang bị kiến thức cần thiết, đầy đủ ; rèn luyện bản lĩnh vững vàng để có thể đương đầu với khó khăn hay đối diện với thất bại, trao đổi kĩ năng thực hành … |
4,0
|
|
3) Bài học
– Thấy được vai trò của việc nỗ lực rút ngắn con đường từ cái đầu đến bàn tay – Rèn luyện thói quen tư duy, xây dựng ý tưởng, mạnh dạn nắm bắt tay vào công việc , từ những việc nhỏ nhất * Lưu ý: Trong quá trình bàn luận, thí sinh cần kết hợp hài hòa giữa lí lẽ và dẫn chứng minh họa để tăng sức thuyết phục cho lập luận. |
1,5 | |
Câu 2
|
Nghị luận văn học | |
I.Yêu cầu về kĩ năng:
– Biết cách làm một bài nghị luận văn học, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí luận văn học và cảm thụ tác phẩm có định hướng. Bài viết có bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ, hành văn mạch lạc, chuẩn xác, trong sáng, giàu cảm xúc. |
0,25 | |
II.Yêu cầu về kiến thức:
Bài viết có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau, song cần đảm bảo các ý cơ bản sau: – Giới thiệu được vấn đề cần nghị luận |
0,25 | |
1. Giải thích:
– Ý kiến của Nguyễn Công Trứ: + Trót nợ cùng thơ : duyên nợ, trách nhiệm của người cầm bút với thơ ca. + Chuốt lời: chỉnh sửa, lựa chọn ngôn từ một cách công phu để đạt tiêu chuẩn thẩm mĩ cao nhất. => ý kiến đặt ra yêu cầu trách nhiệm của người nghệ sĩ trong sáng tác thơ ca. Nhà thơ phải công phu tâm huyết và sáng tạo trong lựa chọn ngôn ngữ để đem đến cái mới, sự hoàn hảo và chiều sâu cho những sáng tác nghệ thuật. – Ý kiến của Lưu Trọng Lư: + Thơ là sự sống tập trung cao độ, là cái lõi của cuộc sống: thơ là sự sống kết tinh cao độ những vấn đề bản chất sâu xa, cốt lõi của đời sống. – Hai ý kiến trên bổ sung lẫn nhau thể hiện bản chất của thơ : thơ là sự kết hợp của chất hiện thực đậm đặc qua xúc cảm của nhà thơ nhưng thơ cũng đòi hỏi phải đẹp, ngôn ngữ của thơ phải trau chuốt, lựa chọn công phu. |
2,0 | |
2. Bình luận:
– Ý kiến của Nguyễn Công Trứ : Thơ phản ánh cuộc sống một cách sáng tạo đầy tính nghệ thuật. Nên ngôn ngữ thơ được các nhà thơ lựa chọn công phu, tâm huyết và sáng tạo.Nguyễn Công Hoan cho rằng ” Thơ phải chuốt lời để ngậm ý. Đọc một bài thơ hay, người hiểu thơ thấy như chữ có hồn …”. Lê Đạt tâm đắc ” Chữ bầu nên nhà thơ “… Ngôn ngữ thơ không chỉ mang tính hình tượng, gợi cảm hàm súc mà còn có chức năng truyền cảm, giàu cảm xúc và giàu nhạc tính …Nhờ cách tổ chức ngôn ngữ “hết sức quái đản” thơ nói được những điều tinh vi nhất và có sức khêu gợi lớn. – Ý kiến của Lưu Trọng Lư: + Bản chất của văn chương nghệ thuật nói chung và của thơ ca nói riêng đều phải gắn bó với cuộc sống. Lấy cuộc sống đời thường làm cội nguồn sáng tạo nghệ thuật, nhà thơ mới có thể có sự khám phá sâu sắc, gửi gắm tâm tình tha thiết với cuộc đời. + Với lượng câu chữ ít ỏi, thơ khó có thể tái hiện đời sống với tất cả sự phong phú, bề bộn mà phải chắt lọc, dồn nén, phải chạm vào cái lõi của cuộc sống thì mới có thể đem đến cho người đọc những trải nghiệm, rung động sâu sắc được. – Về mối quan hệ: cả 2 ý kiến đều bàn đến vấn đề căn bản của thơ ca: Hiện thực cuộc sống là nền tảng để thơ chắp cánh còn sự trau chuốt, cách tổ chức ngôn ngữ công phu tâm huyết, sáng tạo giúp thơ nói được những điều kì diệu, tinh tế. |
3.0
|
|
3. Chứng minh:
Học sinh có thể lựa chọn một số nhà thơ, tác phẩm để chứng minh, làm sáng tỏ vấn đề: – Ngôn ngữ thơ được lựa chọn công phu, tâm huyết và sáng tạo ( D/C vd Khổ 1 Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử ; Vội vàng của Xuân Diệu …) – Thơ là sự kết tinh cao độ cốt lõi của đời sống ( D/C) |
5,5 | |
3. Mở rộng nâng cao vấn đề:
– Nguyễn Công Trứ và Lưu Trọng Lư đều có suy ngẫm sâu sắc về thơ. Việc lựa chọn ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên quyết định thành công của một tác phẩm thơ nói riêng và tác phẩm văn học nói chung. Song những trải nghiệm trong quá trình sáng tác và hiện thực cuộc sống cũng góp phần làm nên sức hấp dẫn của thơ ca chân chính. – Để làm nên tác phẩm có giá trị nhà thơ cần có tấm lòng yêu cuộc sống gắn bó với cuộc sống kết hợp với tài năng , sức sáng tạo mãnh liệt.Mỗi nhà thơ phải là một người nghệ sĩ ngôn từ. – Đến với thơ người đọc cần có vốn sống, tiếp cận ngôn ngữ văn bản, bám sát đặc trưng thơ để cảm nhận những đóng góp riêng trong sử dụng ngôn từ của nghệ sĩ, trân trọng vẻ đẹp của văn chương, vẻ đẹp của ngôn ngữ, tài năng sáng tạo của nghệ sĩ ngôn từ. * Lưu ý: Có thể chấp nhận cả những bài làm có cách nhìn nhận vấn đề theo quan điểm riêng và có hệ thống ý riêng không giống với đáp án, với điều kiện phải có căn cứ xác đáng và lí lẽ thuyết phục. |
1.0 |