Đề thi HSG Trại hè Hùng Vương 16 (năm 2022) – Ngữ văn 10 – THPT Hùng Vương – Phú Thọ

ĐỀ THI ĐỀ XUẤT

TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG NĂM 2022

 MÔN:NGỮ VĂN 10

Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)

Câu 1 (8,0 điểm)

Có một người đánh rơi chiếc đồng hồ vào đống mạt cưa, nhưng chẳng nhớ cụ thể là đống mạt cưa nào, vậy biết tìm ở đâu? Anh ta hứa sẽ tặng một số tiền lớn cho người nào tìm được. Nhiều người đã lục tung đống mạt cưa đó lên nhưng vẫn không tìm thấy. Sau cùng có một đứa bé tìm ra được. Mọi người hỏi:

– Bằng cách nào?

Nó trả lời:

– Cháu nằm xuống trong mạt cưa rồi chăm chú lắng nghe. Cuối cùng cháu đã nghe thấy tiếng đồng hồ tích tắc.

(Dẫn theo Phép màu để trở thành chính mình – Nhan Húc Quân)

Từ câu chuyện trên, anh/chị hãy viết bài văn với chủ đề “Biết lắng nghe – điều kì diệu của cuộc sống”.

Câu 2 (12,0 điểm)

Phải chăng văn học có khả năng cuốn hút ta vào những cuộc đối thoại?

Anh/ chị hãy viết bài văn trả lời cho câu hỏi trên.

……………HẾT……………

 

HƯỚNG DẪN CHẤM

Câu 1 (8,0 điểm)

  1. Yêu cầu vềkĩ năng

– Có kĩ năng viết bài văn nghị luận xã hội, biết huy động các kiến thức sách vở, kiến thức đời sống và những trải nghiệm của riêng mình để làm bài.

– Vận dụng các thao tác lập luận phù hợp, lí lẽ xác đáng, trình bày khoa học, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

  1. Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có nhiều cách trình bày khác nhau, songcần đạt được những nội dung cơ bản sau:
  2. Tóm tắt câu chuyện, giải thíchvấn đề nghị luận (1,5 điểm)

– Tóm tắt câu chuyện: Mọi người đi tìm chiếc đồng hồ rơi trong đống mạt cưa. Ai tìm được sẽ được một khoản tiền lớn. Nhưng họ lục tung đống mạt cưa vẫn không sao tìm thấy. Chú bé nọ nằm xuống đống mạt cưa rồi chăm chú lắng nghe và thấy tiếng đồng hồ tích tắc.

=>Từ cách giải quyết tình huống của cậu bé, câu chuyện đem đến cho chúng ta một bài học sâu sắc về cuộc sống: Nếu biết lắng nghe, bạn sẽ nhận được những điều kì diệu.

– Giải thích:

+ Nghe là hoạt động cảm nhận âm thanh của cơ quan thính giác

+ Lắng nghe là hành động thể hiện sự theo dõi chăm chú và tập trung cao độ

+ Biết lắng nghe là khả năng nghe một cách cặn kẽ, thấu hiểu và nắm bắt trọn vẹn ý của người nói, không chỉ nghe bằng tai mà còn nghe bằng cả khối óc và trái tim.

+ Điều kì diệu của cuộc sống: là những điều tốt đẹp có ý nghĩa đối với con người, đem lại niềm vui, hạnh phúc và có khi là cả những thành quả không ngờ tới.

=>Biết lắng nghe là môt trong những kĩ năng quan trọng trong cuộc sống của mỗi con người.

  1. Bàn luận (4,0 điểm)

– Vì sao khibiếtlắng nghe, con người lại cảm nhận được những điều kì diệu:

+ Cuộc sống tấp nập, bộn bề, con người quá bận rộn, không còn thời gian lắng nghe những âm thanh từ thiên nhiên, cuộc sống; nghe bạn bè, người thân; thậm chí không còn cả thời gian để lắng nghe chính lòng mình.

+ Lắng nghe những âm thanh của tự nhiên, con người tạm xa những bộn bề, mệt mỏi, đủ tỉnh táo để suynghĩ một cách sáng suốt, tìm ra câu trả lời cho những vấn đề của cuộc sống. Đôi khi sự tĩnh lặng còn là cơ hội ươm mầm cho sự sáng tạo, tìm ra những điều mà ở xã hội ồn ào ta không thể nào cảm nhận được.

+ Lắng nghe chính bản thân trong tĩnh lặng, ta hiểu rõ nhất khao khát đang ẩn sâu bên trong tâm hồn, từ đó có những hành động thiết thực, đúng đắn, xây dựng cho mình những mục tiêu, kế hoạch, nuôi dưỡng ước mơ.

+ Lắng nghe không chỉ đơn giản bằng cảm giác mà bằng cả tâm hồn, đó là đặt mình vào người khác để thấu hiểu, cảm thông  và chia sẻ với những tâm sự, nỗi niềm của người khác. Lắng nghe là điều cần thiết giúp người với người được trải lòng, thấuhiểu và giúp đỡ lẫn nhau.

– Làm cách nào để con người biết lắng nghe trong cuộc sống: điều đó phụ thuộc vào kinh nghiệm sống, vốn văn hoá, tầm nhìn, sự nhạy cảm, độ tinh tường, tinh thần cầu thị, quan niệm sống của mỗingười.

  1. Mở rộng(1,5 điểm)

– Phê phánnhững người không học cách lắng nghe

– Phân biệt giữa sự im lặng và lắng nghe

  1. 4. Bài học (1,0 điểm)

HS nêu bài học với bản thân

Câu 2 (12,0 điểm)

  1. Yêu cầu vềkĩ năng

– Có kĩ năng viết bài văn nghị luận văn học, biết huy động các kiến thức lí luận, kiến thức về tác giả, tác phẩm để làm bài.

– Vận dụng các thao tác lập luận phù hợp, lí lẽ xác đáng, trình bày khoa học, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

  1. Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có nhiều cách trình bày khác nhau, songcần đạt được những nội dung cơ bản sau:
  2. 1. Giải thích (1,5 điểm)

Khả năng cuốn hút ta vào những cuộc đối thoại: hướng tới sự tranh biện với những ý kiến khác, cái nhìn khác.

-> Nhận định đề cập đến chức năng của văn học(chức năng giao tiếp), đặc trưng của văn học(tính đối thoại).

  1. Bình luận (3,0 điểm)

– Giải thích vì sao văn học có khả năng cuốn hút người đọc vào những cuộc đối thoại:

+ Trong tác phẩm văn học, nhất là trong văn xuôi, các nhà văn thường xây dựng đối thoại giữa các nhân vật. Đến với thế giới nghệ thuật của tác phẩm, độc giả cũng bị cuốn hút vào những cuộc đối thoại đó.

+ Từ tầng sâu chữ nghĩa, văn bản còn thể hiện quan điểm, tư tưởng của tác giả. Khi tìm hiểu tác phẩm, độc giả có thể đồng tình hoặc không đồng tình với những quan điểm, tư tưởng mà người nghệ sĩ nêu ra và ngầm đối thoại với các quan điểm, tư tưởng ấy.

+ Tiếp nhận văn học, bạn đọc như được sống một cuộc sống thứ hai, không chỉ hiểu người mà còn hiểu mình, tự đối thoại với chính mình, thậm chí day dứt, ăn năn, sám hối, từ đó có những điều chỉnh về nhận thức, tư tưởng, lẽ sống để ngày càng hoàn thiện bản thân.

Nhận diện các cấp độ của đối thoại: giữa các nhân vật; giữa tác giả với người đọc; giữa người đọc với chính mình.

– Ý nghĩa của việc tham dự vào đối thoại trong quá trình tiếp xúc với tác phẩm văn học: nới rộng chân trời nhận biết, khả năng tự nhận thức, thanh lọc tâm hồn,…

  1. Chứng minh (6,0 điểm): học sinh tự chọn những dẫn chứng phù hợp trong và ngoài chương trình để phân tích và làm nổi bật khả năng cuốn hút người đọc vào những cuộc đối thoại của tác phẩm văn học.
  2. Đánh giá, mở rộng, nâng cao (1,5 điểm)

– Ý kiến đúng

– Yêu cầu đối với người sáng tác và người tiếp nhận:

+ Người sáng tác: mài sắc tư tưởng, tình cảm, trau dồi tài năng.

+ Người tiếp nhận: nâng cao vốn hiểu biết, văn hóa, có khả năng tham gia vào những cuộc đối thoại thực sự trong văn học.

 

Chú ý: Đây là dạng đề mở, giám khảo cần tôn trọng ý kiến riêng, cách lựa chọn thể loại văn bản, lối hành văn riêng của thí sinh, miễn là bám sát yêu cầu của đề và bài viết có sức thuyết phục.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *