Đề tham khảo ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2021 – Môn Ngữ Văn – Đề 3 ( Vợ Nhặt)

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐẮK LẮK

                         ĐỀ SỐ 3

(Đề gồm có 02 trang)

ĐỀ THAM KHẢO ÔN THI TỐT NGHIỆP

TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2021

Môn: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

 

  1. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Việc mình làm được thì đừng để người khác.

Chúng ta hãy coi đây là một phương châm sống không chỉ trong cuộc sống cá nhân mà cả trong việc hành xử đối với người khác và giáo dục cho những đứa trẻ.

Không phải vì bởi đã có những người dọn rác nên chúng ta có thể xả rác bừa bãi và vô tội vạ để mặc cho những công nhân đó phải cực nhọc dọn dẹp những thứ hổ lốn do chúng ta vung ném ra.

Người Nhật, đi đâu, mỗi cá nhân đều có một túi đựng rác nhỏ gọn và tiện lợi để đựng rác của chính mình nhằm tránh việc phải vứt chúng một cách tuỳ tiện vào đâu đó. Họ coi việc đó là bổn phận và trách nhiệm của chính mình trước với môi trường và những người xung quanh. Và do vậy mà đất nước họ trở nên sạch đến mức mà cá có thể sống được ở trong các cống rãnh chứa nước thải sinh hoạt và sản xuất.

Việc mình làm được thì đừng để người khác.

Hãy lấy đó làm phương châm để tự mình ý thức mọi hành động của mình và để giáo dục những đứa trẻ trở nên văn minh với cùng một nhận thức như thế. Điều đó không chỉ tốt cho bản thân mà còn hữu ích cho cả những người khác và cho cả môi trường sống. Chính chúng ta sẽ thổi tuỳ tiện trong việc xả thải, và tự thấy có trách nhiệm để cân nhắc trước khi thực hiện những hành động kiểu đó.

Ở nhiều quốc gia châu Âu, họ quy định mỗi gia đình phải phân loại rác ngay tại tư gia với từng loại, nhóm rõ ràng, nếu không sẽ bị xử phạt rất nặng. Ví dụ nhóm rác hữu cơ có thể phân huỷ và không thể phân huỷ, nhóm vô cơ không thể phân huỷ và có thể tái chế…vì vậy, việc ra nơi công cộng và xả thải bừa bãi chính là việc xâm hại vào trật tự quản lý hành chính về môi trường. Những người thu gom rác vừa vất vả, lại vừa khó thể nào xử lý được việc phân loại các loại rác được người dân thải ra khắp nơi như thế.

Từ việc đó, có thể đưa đến một triết lý giáo dục dành cho những đứa trẻ, đó là muốn tự lập, tự chủ và tự tin để từ đó trở nên tự do thì việc gì làm được thì đừng để người khác”. Chúng ta sẽ có một thế hệ văn minh và độc lập, có thể tái thiết lại được đất nước đang rơi vào những suy đồi và tha hoá mọi mặt ngày hôm nay và giai đoạn lịch sử khốc hại này.

Chúng ta không thể thay đổi được lịch sử, nhưng chúng ta có thể tạo ra lịch sử và có thể quyết định được nó tồn tại theo cách nào. Và chúng ta, vào một lúc nào đó, chẳng tiếc về lịch sử khi nhìn lại, nhưng chính vì thế đừng để điều hối tiếc đó xảy ra mới là điều tốt đẹp hơn cả.

(Trích bài trên trang Facebook Cái Khả Thể, ngày 02/01/2018)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Nêu những dẫn chứng mà tác giả đã liệt kê để làm sáng tỏ cho quan điểm: Việc mình làm được thì đừng để người khác.

Câu 2. Theo đoạn trích thì ta cần hiểu “phương châm sống” là gì? Phương châm sống có vai trò gì đối với cuộc sống mỗi người?

Câu 3. Anh/Chị hiểu thế nào về triết lí giáo dục: Muốn tự lập, tự chủ và tự tin để từ đó trở nên tự do thì “việc gì làm được thì đừng để người khác?

Câu 4. Đoạn trích trên với tiêu chí: Việc mình làm được thì đừng để người khác. Có người lại cho rằng: Việc ai người đó phải tự làm, đã có sự phân công xã hội, đừng làm hộ người khác sẽ khiến họ ỷ lại. Anh/chị hãy bàn luận về hai ý kiến trên (Trình bày trong khoảng 5 đến 7 dòng)

  1. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về ý thức tự giác của mỗi người trong cuộc sống.

Câu 2. (5,0 điểm)

Sáng hôm sau, mặt trời lên bằng con sào, Tràng mới trở dậy. Trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra. Việc hắn có vợ đến hôm nay hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải.

Hắn chắp hai tay sau lưng lững thững bước ra sân. Ánh nắng buổi sáng mùa hè sáng lóa xói vào hai con mắt còn cay sè của hắn. Hắn chớp chớp liên hồi mấy cái, và bỗng vừa chợt nhận ra, xung quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ. Nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung bành ngay lối đi đã hót sạch.

Ngoài vườn người mẹ đang lúi húi giẫy những búi cỏ mọc nham nhở. Vợ hắn quét lại cái sân, tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất. Cảnh tượng thật đơn giản, bình thường nhưng đối với hắn lại rất thấm thía cảm động. Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này. Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà.

(Trích Vợ nhặt, Kim Lân, Ngữ văn 12, tập 2,

NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr.30)

Phân tích tâm trạng của nhân vật Tràng trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về tư tưởng nhân đạo của nhà văn Kim Lân được thể hiện trong đoạn trích.

 

—————- HẾT—————-

 

 

 




SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐẮK LẮK

ĐỀ SỐ 3

ĐỀ THAM KHẢO ÔN THI TỐT NGHIỆP

TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2021

Môn: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

ĐÁP ÁN – THANG ĐIỂM

(Đáp án -Thang điểm gồm có 03 trang)

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 3,0
  1 Quan điểm: Việc mình làm được thì đừng để người khác được làm sáng tỏ qua những dẫn chứng sau:

– Người Nhật, đi đâu, mỗi cá nhân đều có một túi đựng rác nhỏ gọn và tiện lợi để đựng rác của chính mình nhằm tránh việc phải vứt chúng một cách tuỳ tiện vào đâu đó.

– Ở nhiều quốc gia châu Âu, họ quy định mỗi gia đình phải phân loại rác ngay tại tư gia với từng loại, nhóm rõ ràng, nếu không sẽ bị xử phạt rất nặng.

0,5
2 Phương châm sống cần được hiểu là nguyên tắc quan trọng chi phối suy nghĩ, lời nói, hành động của một con người.

– Phương châm sống tác động đến suy nghĩ và hành vi của con người, từ đó, quyết định sự hoàn thiện nhân cách cũng như sự đánh giá của xã hội dành cho người đó. Mỗi một người có một phương châm sống tích cực, văn minh thì xã hội mới có thể tiến bộ và ngày một tốt đẹp.

0,5
3 Triết lí giáo dục: muốn tự lập, tự chủ và tự tin để từ đó trở nên tự do thì “việc gì làm được thì đừng để người khác” cần được hiểu là:

– Suy nghĩ việc mình làm được thì đừng để người khác sẽ khiến cho chúng ta chủ động được cuộc sống của mình thay vì chờ đợi, ỷ lại hay đùn đẩy công việc và trách nhiệm cho người khác. Khi đó, chúng ta có được sự tự lập và tự chủ – tức sự chủ động trong cuộc sống.

– Khi mình tin rằng mình có thể làm được là khi mình sẽ nhận thấy được khả năng thực sự của bản thân và thấy được mình làm được nhiều việc hơn trong cùng một khoảng thời gian. Qua đó, sự đóng góp của bản thân cho quá trình văn minh của xã hội sẽ tăng lên. Đó cũng chính là nguồn gốc đem đến sự tự tin, sự chủ động trong suy nghĩ, hành động của bản thân. Lúc đó, chúng ta sẽ được tự do.

1,0
4 Học sinh chọn trình bày quan điểm của bản thân và có cách lí giải sâu sắc, thuyết phục. Hình thức trình bày trong khoảng 5 – 7 dòng, diễn đạt mạch lạc. Sau đây là một số gợi ý:

– Việc mình làm đừng để người khác: Nhấn mạnh ý thức tự giác đảm nhận những công việc để thể hiện trách nhiệm với tập thể, cộng đồng.

– Việc ai người đó tự làm, đã có sự phân công xã hội, đừng làm hộ người khác sẽ khiến họ ỷ lại: Đề cao trách nhiệm và vai trò cá nhân, nhấn mạnh nghĩa vụ của mỗi người trong công việc của mình. Khi được giao công việc, phải hoàn thành trọn vẹn, không nên trông chờ sự giúp đỡ.

– Bàn luận: Cả hai ý kiến đều nhấn mạnh vào tinh thần tự giác và ý thức trước tập thể. Học sinh chủ động nêu quan điểm cá nhân, chú ý kết hợp dẫn chứng và lí lẽ.

1,0
II   LÀM VĂN 7,0
  1 Viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ của bản thân về ý thức tự giác của mỗi người trong cuộc sống. 2,0
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn nghị luận 200 chữ

Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, song hành hoặc móc xích.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Ý thức tự giác của mỗi người trong cuộc sống. 0,25
c. Triển khai vấn đề nghị luận

Học sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ ý thức tự giác của mỗi người trong cuộc sống và đưa ra các lí lẽ bảo vệ quan điểm. Có thể theo hướng sau:

– Tự giác là sự chủ động, là sự ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ đối với bản thân, công việc, xã hội mà không cần ai nhắc nhở, giám sát, đốc thúc.

– Người tự giác bao giờ cũng chăm chỉ, chỉn chu và hoàn thành tốt công việc được giao, là người luôn có được niềm tin từ mọi người. Từ đó, họ dễ có vị trí cao trong cơ quan, tổ chức, xã hội.

– Tự giác không phải là một tố chất bẩm sinh, mà được rèn luyện, dạy dỗ. Tự giác giúp con người đạt được những thành tựu.

– Đừng chờ đợi, hãy là người tiên phong. Những suy nghĩ, hành động, ý thức tự giác của chúng ta sẽ lan truyền những giá trị tích cực, có ý nghĩa cho cộng đồng.

– Tự giác, chủ động rèn luyện từ những thói quen hàng ngày, đến những hoạt động thường nhật như học tập, làm việc,… Từ đó, hình thành phẩm chất tự giác.

1,0
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ

0,25
2 Phân tích nhân vật Tràng trong đoạn trích; nhận xét về tư tưởng nhân đạo của nhà văn Kim Lân 5,0
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.        0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Tâm trạng của nhân vật Tràng trong đoạn trích; nhận xét tư tưởng nhân đạo của nhà văn Kim Lân 0,5
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:  
* Giới thiệu khái quát: tác giả Kim Lân, truyện ngắn Vợ nhặt, đoạn trích và vấn đề cần nghị luận. 0,5
* Cảm nhận về tâm trạng của nhân vật Tràng

– Tràng là người có khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc:

+ Cảm giác sung sướng, hạnh phúc của Tràng khi thức dậy.

+ Tâm trạng ngạc nhiên, ngỡ ngàng của Tràng trước sự đổi thay trong  chính ngôi nhà của mình

+ Niềm hạnh phúc lớn lao đã khiến Tràng đã trở thành người đàn ông trưởng thành, có trách nhiệm

– Tràng là người nông dân sống trong cảnh đói khổ cùng cực nhưng vẫn lạc quan, hướng về tương lai

– Nhà văn Kim Lân đã đặt nhân vật vào một tình huống độc đáo – tình huống nhặt vợ, kết hợp với ngôn ngữ mộc mạc, giản dị và cách kể chuyện tự nhiên … để thể hiện diễn biến tâm lí tinh tế của nhân vật.

2,0
* Nhận xét về tư tưởng nhân đạo của nhà văn Kim Lân

Thấu hiểu cho tình cảnh bi thảm của con người (gia cảnh khốn khổ của Tràng)

– Trân trọng với khát vọng hạnh phúc của con người

– Khẳng định niềm tin vào con người và sức mạnh của tình người: dù trong tình huống bi thảm tới đâu con người vẫn tin vào sự sống và vẫn hi vọng vào tương lai, vẫn muốn sống cho ra người.

1,0
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu

 Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ

0,5
TỔNG ĐIỂM 10,0

 

———Hết——-

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *