ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu:
“… với những thằng con trai mười tám tuổi
đất nước là nhịp tim có thể khác thường
là một làn mây mỏng đến bâng khuâng
là mùi mồ hôi thật thà của lính
đôi khi là một giọng nữ cao nghe từ Hà Nội
hay một bữa cơm rau rừng
chúng tôi không muốn chết vì hư danh
không thể chết vì tiền bạc
chúng tôi lạ xa với những tin tưởng điên cuồng
những liều thân vô ích
đất nước đẹp mênh mang
đất nước thấm tự nhiên đến tận cùng máu thịt
chỉ riêng cho Người, chúng tôi dám chết…”
(Thử nói về hạnh phúc – Thanh Thảo, Từ một đến một trăm, NXB Tác phẩm mới, 1984)
Câu 1 (0,5 điểm). Xác định thể thơ của văn bản trên. Xác định nhân vật trữ tình trong văn bản
Câu 2 (0,75 điểm). Chỉ ra ít nhất 3 cụm từ chỉ hình ảnh đất nước trong quan niệm của “những thằng con trai mười tám tuổi” được nói đến trong văn bản.
Câu 3 (0,75 điểm). Anh/chị hiểu như thế nào về 3 dòng thơ cuối:
đất nước đẹp mênh mang
đất nước thấm tự nhiên đến tận cùng máu thịt
chỉ riêng cho Người, chúng tôi dám chết
Câu 4 (1,0 điểm). Anh/chị hãy nhận xét về tình cảm của tác giả đối với đất nước được thể hiện trong đoạn trích.
LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bày tỏ suy nghĩ của mình về những việc cần làm để một bộ phận giới trẻ ngày nay không bị cám dỗ bởi hư danh.
Câu 2 (5,0 điểm)
Trong phần kết thúc truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”, nhà văn Nguyễn Minh Châu viết:
Những tấm ảnh tôi mang về, đã được chọn lấy một tấm. Trưởng phòng rất bằng lòng về tôi.
Không những trong bộ lịch năm ấy mà mãi mãi về sau, tấm ảnh chụp của tôi vẫn còn được treo ở nhiều nơi, nhất là trong các gia đình sành nghệ thuật. Quái lạ , tuy là ảnh đen trắng nhưng mỗi lần ngắm kĩ, tôi vẫn thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai lúc bấy giờ tôi nhìn thấy từ bãi xe tăng hỏng, và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ tôi cũng thấy người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh, đó là một người đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kệch, tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng, khuôn mặt rỗ đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm. Mụ bước những bước chậm rãi, bàn chân giậm trên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông…
(Trích Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu, SGK Ngữ văn 12, tập 2, NXB Giáo dục, tr 77,78)
Cảm nhận của anh/chị về những khám phá, suy ngẫm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng trong đoạn trích trên. Từ đó hãy nhận xét về nghệ thuật khắc họa nhân vật của nhà văn.
HƯỚNG DẪN CHẤM
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 3.0 | |
1 | Đoạn trích được viết theo thể thơ tự do. | 0.5 | |
2 | Những cụm từ chỉ hình ảnh đất nước trong quan niệm của “những thằng con trai mười tám tuổi” được nói đến trong văn bản
nhịp tim có thể khác thường; một làn mây mỏng đến bâng khuâng; mùi mồ hôi thật thà của lính; một giọng nữ cao nghe từ Hà Nội; một bữa cơm rau rừng
Trả lời được 1 cụm từ/hình ảnh được 0,25 điểm Chép lại nguyên vẹn câu thơ không cho điểm. |
0.75 | |
3 | Anh/chị hiểu như thế nào về 3 dòng thơ cuối:
đất nước đẹp mênh mang đất nước thấm tự nhiên đến tận cùng máu thịt chỉ riêng cho Người, chúng tôi dám chết Học sinh có thể trả lời theo cách hiểu của mình, sau đây là gợi ý: – Đất nước đẹp, rộng lớn – Đất nước gắn bó mật thiết, không thể tách rời khỏi mỗi con người. – Thế hệ trẻ như tác giả sẵn sàng hi sinh vì đất nước. Hs nêu được 1 ý cho 0,25 điểm |
0,75 | |
4 | Anh/chị hãy nhận xét về tình cảm của tác giả đối với đất nước được thể hiện trong đoạn trích.
– Tình cảm của tác giả được bộc lộ trong đoạn thơ: tình yêu đất nước, ca ngợi vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam. – Đây là tình cảm chân thành, gần gũi, khiến người đọc dễ dàng cảm nhận và đồng cảm. |
1.0 | |
II | LÀM VĂN | 7.0 | |
1 | Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bày tỏ suy nghĩ của mình về những việc cần làm để một bộ phận giới trẻ ngày nay không bị cám dỗ bởi hư danh. | 2.0 | |
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành. |
0.25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Những việc cần làm để một bộ phận giới trẻ ngày nay không bị cám dỗ bởi hư danh |
0.25 | ||
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ những việc cần làm để một bộ phận giới trẻ ngày nay không bị cám dỗ bởi hư danh . Có thể theo hướng sau: – Giải thích: Hư danh là ham muốn tầm thường của con người khi muốn đặt cái tôi cá nhân lên trên/nổi bật trước cộng đồng bằng những việc làm vô nghĩa lý, không đem lại những điều tốt đẹp cho cuộc đời. – Cần làm gì? + Giới trẻ phải nhận ra tác hại của việc chạy theo hư danh: Hủy hoại đạo đức, nhân cách và nhất là tàn phá lý tưởng sống của giới trẻ; tạo ra những giá trị ảo khiến con người chạy theo một cách điên cuồng; làm dấy lên một làn sóng nguy hại đến cả một thế hệ. + Phải xác định được nguyên nhân: do sự háo thắng, bồng bột, thích chứng tỏ bản thân; do nhận thức kém, thiếu đi lý tưởng sống cao đẹp; do tác động của mạng xã hội; do sự thất bại của giáo dục… + Sống có lí tưởng, có ước mơ tốt đẹp; gắn với cuộc sống đời thường bình dị nhưng tươi đẹp. Hi sinh cho đất nước, cho dân tộc. + Nhận ra đâu là giá trị thật của cuộc sống. |
1.0 | ||
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. |
0.25 | ||
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. |
0.25 | ||
2 | Cảm nhận của anh/chị về những khám phá, suy ngẫm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng trong đoạn trích trên. Từ đó hãy nhận xét về nghệ thuật khắc họa nhân vật của nhà văn. | 5.0 | |
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận | 0.25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Những khám phá, suy ngẫm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng trong những đoạn văn trên. Từ đó hãy nhận xét về nghệ thuật khắc họa nhân vật của nhà văn. |
0.5 | ||
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách. Có thể theo hướng sau: *Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích và vấn đề cần nghị luận. (0.5 điểm) *Cảm nhận (2.0 điểm) -Tấm ảnh chiếc thuyền ngoài xa của nhiếp ảnh Phùng có giá trị nghệ thuật cao: Những tấm ảnh tôi mang về… rất bằng lòng. Nó có giá trị lâu bền, được mọi người yêu thích xứng đáng với công sức người nghệ sĩ đã bỏ ra. -Tấm ảnh trong “bộ lịch năm ấy” là tấm ảnh đen trắng, nhưng “mỗi lần ngắm kỹ” thấy hiện lên “màu hồng hồng của ánh sương mai”; nếu nhìn lâu hơn, bao giờ cũng thấy “người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh” + “cái màu hồng hồng của ánh sương mai”, đó là chất thơ, vẻ đẹp lãng mạn của cuộc đời, cũng là biểu tượng của nghệ thuật. + Và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ anh cũng thấy “người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh”, đó là hiện thân của những lam lũ, khốn khó, là sự thật cuộc đời. -Những bước đi chắc chắn hòa lẫn vào đám đông của người đàn bà hàng chài thể hiện niềm tin vào con người, tin vào tương lai của Phùng về sự hòa nhập của họ trong hành trình đi lên của cuộc sống. – Qua đây tác giả muốn nói: người nghệ sĩ phải trung thực, dũng cảm nhìn thẳng và nhìn sâu sắc vào hiện thực và có niềm tin ở con người; hãy rút ngắn khoảng cách giữa nghệ thuật và cuộc đời. Khẳng định giá trị tư tưởng: Nghệ thuật chân chính không thể tách rời, thoát li cuộc sống. Nghệ thuật chính là cuộc đời và phải vì cuộc đời. – Về nghệ thuật: Giọng văn trầm lắng, suy tư, chiêm nghiệm; lối kết thức mở độc đáo, gợi nhiều suy nghĩ; chi tiết nghệ thuật giàu ý nghĩa biểu tượng; lối kể chuyện hấp dẫn từ cách lựa chọn ngôi kể, điểm nhìn thích hợp làm cho câu chuyện gần gũi, chân thực và có sức thuyết phục… *Nhận xét nghệ thuật khắc họa nhân vật của nhà văn: (0.5 điểm) -Người kể chuyện là nhân vật Phùng, cũng chính là sự hóa thân của tác giả, tạo điểm nhìn trần thuật sắc sảo, giúp lời kể chuyện trở nên khách quan, chân thật, giàu sức thuyết phục -Sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, sáng tạo … phù hợp với việc thể hiện tính cách nhân vật. -Nghệ thuật khắc họa nhân vật thông qua cách tạo tình huống mang ý nghĩa khám phá, phát hiện về cuộc đời từ dó giúp cho Phùng có sự thay đổi trong nhận thức, suy ngẫm, để anh có cách nhìn đời khác hẳn, anh hiểu sâu thêm về tính cách người đàn bà, chị em thằng Phác, người bạn- đồng đội của mình (Đẩu) và hiểu thêm chính mình. * Đánh giá (0.5 điểm) – Về tấm ảnh nghệ thuật: CTNX đẹp như mơ đó chỉ là cái vỏ bề ngoài, đằng sau nó còn có những cuộc đời đầy bi kịch, những mảnh đời lam lũ, vất vả, đói nghèo. + Về nhân vật Phùng: Qua những khám phá và suy ngẫm của người nghệ sĩta hiểu hơn về nhân vật. Với tư cách là một nghệ sĩ: Phùng là một nghệ sĩ chân chính, có cái tâm với nghề; với tư cách là một con người, Phùng là cũng là một con người chân chính, biết yêu thương, nâng đỡ cái yếu, căm ghét cái ác, có nhưng trăn trở, băn khoăn, lo lắng trước nỗi đau khổ của con người. Phùng là một nhân vật tư tưởng để nhà văn gửi gắm bao thông điệp -Khẳng định thành công nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu trong việc khắc họa nhân vật, thành công của truyện ngắn… |
3.5 | ||
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. |
0.25 | ||
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. |
0.5 |