TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG LẦN THỨ XV TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN TỈNH ĐIỆN BIÊN ĐỀ THI ĐỀ XUẤT |
ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN KHỐI 11 NĂM 2019 Thời gian làm bài: 180 phút Đề có 01 trang, gồm 02 câu |
Câu 1 (8,0 điểm)
Hãy chia sẻ suy nghĩ của anh/ chị về câu nói sau:
Đừng để đi đến cuối cuộc đời rồi mới nhận ra rằng bạn chỉ sống theo chiều dài của nó. Hãy sống theo cả chiều rộng nữa.
Câu 2 (12,0 điểm)
Nhà văn Nguyễn Khải từng phát biểu:
Một tác phẩm văn học hay, theo tôi quan niệm, lõi phải dày, vỏ phải mỏng; mọi vấn đề đặt ra trong đó phải thẳng căng, những tình cảm phải được đẩy đến mức tột cùng.
(Các nhà văn nói về văn, NXB Tác phẩm mới, 1985)
Anh/ chị có đồng ý với ý kiến trên không? Chọn và phân tích một tác phẩm hoặc đoạn trích trong chương trình Ngữ văn 11 để làm sáng tỏ.
——————Hết——————-
TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG LẦN THỨ XV TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN TỈNH ĐIỆN BIÊN ĐỀ THI ĐỀ XUẤT |
ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN KHỐI 11 NĂM 2019 Thời gian làm bài: 180 phút Đề có 01 trang, gồm 02 câu |
TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG LẦN THỨ XV TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN TỈNH ĐIỆN BIÊN HƯỚNG DẪN CHẤM |
ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN KHỐI 11 NĂM 2019 Thời gian làm bài: 180 phút |
Câu 1 (8,0 điểm)
Yêu cầu về kỹ năng
– Thí sinh biết cách làm bài văn nghị luận xã hội
– Kết cấu bài viết chặt chẽ.
– Diễn đạt lưu loát, trong sáng.
Yêu cầu kiến thức
Thí sinh có thể đưa ra ý kiến riêng và trình bày theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, cần làm nổi bật một số ý cơ bản sau:
Dẫn dắt – nêu được vấn đề nghị luận (0,5 điểm)
Giải thích ý kiến (2,0 điểm)
– Sống theo chiều dài của nó:cuộc đời đơn thuần chỉ tính theo số năm có mặt trên cuộc đời, không để lại dấu ấn, không mang nhiều ý nghĩa.
– Sống theo cả chiều rộng: sống cuộc đời phong phú, ý nghĩa, đầy màu sắc.
=>Câu nói mang ý nghĩa sâu sắc,khi đánh giá một đời người, người ta sẽ không căn cứ vào tuổi thọ, căn cứ vào lượng thời gian sống mà chủ yếu căn cứ vào thực tế người đó đã sống như thế nào. Từ đó, câu nói khuyên con người ta đừng để cuộc đời trôi qua một cách nhạt nhẽo, vô vị, chỉ đơn thuần là tồn tại trên cõi đời này mà hãy luôn làm cho cuộc đời mình trở nên thật nhiều ý nghĩa, thật phong phú, nhiều màu sắc.
Bình luận, chứng minh (4,0 điểm)
Thế nào là một cuộc sống có chiều rộng? (2,0 điểm)
– Cuộc đời nhiều trải nghiệm: Con người dám thử thách bản thân, dám thực hiện những điều mới mẻ, không ngại dấn thân, ngại khó khăn, gian khổ để tích lũy nhiều kinh nghiệm cho chính mình
– Cuộc đời nhiều ước mơ, khát vọng: Con người giàu mơ ước, hoài bão và luôn nỗ lực hết mình để biến ước mơ thành hiện thực
– Cuộc đời nhiều nghị lực: con người luôn mạnh mẽ, kiên cường trước muôn vàn khó khăn và sóng gió trong cuộc đời, không nhụt chí, không dễ dàng gục ngã.
– Cuộc đời nhiều cống hiến: con người luôn nỗ lực học tập, lao động để mang lại những điều tốt đẹp cho cuộc đời. Không phân biệt mỗi người làm công việc gì, giàu nghèo, sang hèn, ai cũng có thể tận hiến cho cuộc đời, cho mọi người bằng khả năng của mình. Tất cả những cống hiến ấy đều ý nghĩa.
– Cuộc đời giàu lòng nhân ái: con người luôn sống với nhau bằng tình yêu thương, sự sẻ chia, giúp đỡ. Mang đến điều tốt đẹp cho người khác đồng nghĩa chúng ta cũng sẽ hạnh phúc và cuộc sống của chúng ta cũng trở nên nhiều ý nghĩa, rộng hơn, sâu hơn.
Vì sao phải sống cuộc sống có chiều rộng?(2,0 điểm)
– Mỗi con người sinh ra trong cuộc đời này đã là một điều tuyệt diệu của tạo hóa, lớn lên được nhận bao ân huệ của những người đi trước, của gia đình, xã hội. Vì vậy, chúng ta không thể sống tẻ nhạt, nhàm chán, vô nghĩa. Sống có ý nghĩa chính là một cách để ta trả ơn đối với những gì ta nhận được của những người đi trước và những người xung quanh.
– Cuộc đời của bất kỳ ai cũng chỉ sống có một lần và nó cũng trôi qua rất nhanh chóng kể cả người thọ nhất. Do đó phải sống như thế nào để thực sự có ích cho đời, cho xã hội. Có những người sống không được lâu nhưng để lại cho đời rất nhiều giá trị quý báu; tên tuổi của họ được lưu mãi đến bao đời sau. Song cũng có không ít người thời gian sống rất dài nhưng những ngày sống cho thật có ý nghĩa thì chẳng bao nhiêu. Rõ ràng cách sống, chất lượng sống mới thực sự là tiêu chí, mới là căn cứ để đánh giá một đời người.
– Cuộc sống là vô cùng phong phú, có biết bao nhiêu miền đất mời gọi ta đặt chân đến, có biết bao nhiêu thử thách cần ta chinh phục, có bao nhiêu tri thức cần ta tích lũy và có biết bao điều tốt đẹp đang chờ ta khám phá và trân trọng. Bởi vậy, không có lí do gì ta lại cho phép mình sống một cuộc đời chật hẹp và đơn điệu. Đi và trải nghiệm là cách để ta làm giàu có thêm vốn tri thức cũng như làm giàu thêm tâm hồn mình, từ đó ta sẽ ngày càng hoàn thiện hơn và sống có ích hơn.
– Những con người chỉ sống theo chiều dài thì cuộc đời sẽ thật vô vị, tẻ nhạt, sẽ bỏ lỡ bao nhiêu điều ý nghĩa và tuyệt vời trong cuộc sống này.
* Chú ý với mỗi lí lẽ, học sinh cần đưa ra một số dẫn chứng thuyết phục để chứng minh
Bài học nhận thức và hành động (1,0 điểm)
– Câu nói khuyên nhủ con người ta từ bỏ nếp sống lạc hậu cũ kỹ, từ bỏ lối sống bó hẹp, nhỏ bé, thụ động, nhàm chán để khám phá những điều mới mẻ trong cuộc sống, tạo cho cuộc sống những điều lý thú chưa bao giờ trải qua. Hãy tự dấn thân để có những trải nghiệm thú vị, để xây dựng cho mình một cuộc sống thật nhiều ý nghĩa và đáng giá.
– Phê phán những con người có lối sống quẩn quanh, nhàm chán, tẻ nhạt, thu mình cũng như những kẻ sống hời hợt, không mục tiêu, lí tưởng.
– Khi chúng ta sống bằng những trải nghiệm không đồng nghĩa với lối sống vất vưởng, nay thế này mai thế khác mà là sống – tận hưởng – cống hiến, tạo nên một cuộc sống đa màu sắc và có chiều sâu.
Kết thúc vấn đề (0,5 điểm)
III. Biểu điểm
– Điểm 7-8: Bài chặt chẽ, mạch lạc, đúng hướng, đáp ứng các yêu cầu về kĩ năng và kiến thức, có thể còn mắc một vài lỗi nhỏ về diễn đạt.
– Điểm 5-6: Bài tương đối chặt chẽ, đúng hướng, đáp ứng các yêu cầu cơ bản về kĩ năng và kiến thức, có thể còn mắc một vài lỗi nhỏ về diễn đạt.
– Điểm 3-4: Bài còn sơ sài nhưng nhìn chung vẫn đúng hướng, mắc một số lỗi về diễn đạt.
– Điểm 1-2: Bài chưa hoàn chỉnh, mắc nhiều lỗi chính tả diễn đạt
– Điểm 0: Chưa làm được gì hoặc hoàn toàn lạc đề.
Câu 2 (12,0 điểm)
Yêu cầu chung
– Học sinh có kiến thức lý luận về đặc trưng của văn học, biết vận dụng hiểu biết về tác phẩm, đoạn trích văn học (lớp 11 đã học và đọc) để minh họa hợp lý cho vấn đề nghị luận.
– Thể hiện rõ năng lực bình luận, nhìn nhận vấn đề chặt chẽ.
– Hành văn mạch lạc, trong sáng, giàu cảm xúc.
Yêu cầu cụ thể
Học sinh có thể làm theo nhiều cách, người chấm tham khảo gợi dẫn dưới đây:
Dẫn dắt, giới thiệu được vấn đề (0,5 điểm)
Giải thích ý kiến (3,0 điểm)
– Tác phẩm văn học: Chỉ chung tất cả các thể loại văn học, tuy nhiên trong nhận định này, có lẽ nhà văn Nguyễn Khải thiên về văn xuôi nhiều hơn mà xác đáng nhất ở đây chính là thể loại truyện ngắn.
– Lõi: chỉ nội dung, ý nghĩa bên trong của tác phẩm. Lõi dày nghĩa là tác phẩm phải chứa đựng những ý nghĩa thiết thực, sâu sắc.
– Vỏ: chỉ hình thức bên ngoài. Vỏ mỏng nghĩa là tác phẩm nên có dung lượng gọn nhẹ, không nên phức tạp, cồng kềnh.
– Vấn đề tác phẩm đặt ra phải thẳng căng: lập trường tư tưởng của người viết phải rõ ràng, minh bạch.
– Tình cảm phải đẩy đến mức tột cùng: tình cảm phải chân thành, mãnh liệt.
=>Nguyễn Khải đã đưa ra quan niệm về một tác phẩm văn học hay trên cả hai bình diện nội dung và hình thức, đó là phải đạt đến độ hàm súc; tư tưởng nhà văn phải được bày tỏ công khai, rõ ràng và phải chứa đựng tình cảm, cảm xúc mãnh liệt.
Bàn luận (4,0 điểm)
Khẳng định ý kiến của Nguyễn Khải là đúng đắn vì nó nói lên được đặc trưng của tác phẩm nghệ thuật và bản chất của sự sáng tạo nghệ thuật:
* Vì sao tác phẩm hay lõi phải dày, vỏ phải mỏng? (đảm bảo tính hàm súc)
Một tác phẩm cô đọng, hàm súc là tác phẩm chứa đựng những giá trị lớn về nội dung, mang đến những ý nghĩa sâu sắc, khơi gợi nhiều suy tư, trăn trở nơi người đọc về cuộc đời, về cõi nhân sinh nhưng lại được biểu hiện trong một dung lượng ngôn ngữ ngắn gọn, vừa đủ, không rườm rà, tràng giang đại hải. (HS lấy ví dụ minh họa).
* Vì sao mọi vấn đề đặt ra trong đó phải thẳng căng (Tư tưởng của người viết phải được bày tỏ công khai, rõ ràng, minh bạch)
Một tác phẩm hay trước hết phải có tư tưởng. Cũng chính nhà văn Nguyễn Khải đã từng nói: Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó. Một tác phẩm văn học có giá trị trước hết nó phải đề xuất được những vấn đề mới mẻ, có ý nghĩa nhân sinh. Tư tưởng đó phải được bày tỏ một cách công khai, minh bạch, rõ ràng, không được trung lập, mập mờ, giấu diếm(HS tự lấy ví dụ)
* Vì sao những tình cảm phải đẩy đến mức tột cùng (yêu cầu về sự mãnh liệt của cảm xúc)
Tác phẩm văn học hay phải được viết ra từ trái tim sôi sục của người nghệ sĩ, đó là những tình cảm, cảm xúc mãnh liệt, chân thành. Tình cảm đẩy lên đến cao trào chính là lúc tài năng của nhà văn được tỏa sáng. Mọi sự hờ hững, hời hợt sẽ không bao giờ khơi gợi được những giá trị cho văn chương (HS lấy dẫn chứng minh họa)
Chứng minh (3,0 điểm)
Học sinh chọn tác phẩm hoặc đoạn trích bất kì, tuy nhiên phải làm rõ được vấn đề lí luận trên các phương diện:
+ Tính cô đọng, hàm súc được thể hiện trong tác phẩm như thế nào? (Dung lượng bao nhiêu trang? Những vấn đề được đặt ra trong tác phẩm là gì?)
+ Tư tưởng tác giả gửi gắm trong tác phẩm là gì?
+ Thái độ, tình cảm tác giả bộc lộ trong tác phẩm ra sao?
+ Để đạt đến thành công đó, tác giả đã sử dụng những thủ pháp nghệ thuật đặc sắc nào?
Bài học (1,0 điểm)
Nhận định của Nguyễn Khải là vô cùng xác đáng, để lại cho chúng ta bài học về quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ và quá trình đồng sáng tạo của bạn đọc:
– Về sáng tạo:
+ Người nghệ sĩ phải luôn có tư tưởng rõ ràng, mang triết lí nhân sinh sâu sắc, cùng với đó là một trái tim nóng hổi, tha thiết, khắc khoải với cuộc đời.
+ Sáng tạo nghệ thuật cần có độ tinh luyện, cô đọng, hàm súc cao, làm sao để một tác phẩm hài hòa giữa nội dung và hình thức, không có các yếu tố dư thừa, không cần thiết.
– Về tiếp nhận: Khi đọc tác phẩm văn học, người đọc không nên lạnh lùng, thờ ơ mà cần thưởng thức bằng cả trái tim và khối óc để cảm nhận được những trăn trở, nỗi niềm mà nhà văn, nhà thơ gửi gắm thông qua tác phẩm, từ đó trở thành những người đồng sáng tạo, đồng thời bồi dưỡng tâm hồn mình, hướng đến giá trị Chân – Thiện – Mĩ.
Kết thúc vấn đề (0,5 điểm)
III. Biểu điểm:
– Điểm 11 – 12: đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, bài viết sâu sắc độc đáo, diễn đạt lưu loát, câu văn giàu hình ảnh, cảm xúc.
– Điểm 8 – 10: Nội dung đầy đủ, có thể còn thiếu một vài ý nhỏ, bố cục rõ ràng, diễn đạt trôi chảy, câu văn có hình ảnh, cảm xúc.
– Điểm 5 – 7: Bài làm còn thiếu ý. Văn chưa hay nhưng rõ ý. Mắc không quá 7 lỗi chính tả, dùng từ, viết câu.
– Điểm 3 – 4: Trình bày ý còn sơ sài, kết cấu không rõ, nhiều lỗi diễn đạt (>7 lỗi).
– Điểm 1 – 2: Không hiểu đề, không có kĩ năng nghị luận, mắc quá nhiều lỗi diễn đạt.
———- Hết ———–