Đề nguồn thi HSG duyên hải Bắc Bộ Ngữ văn 11 năm 2019 Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm Quảng Nam

 

SỞ GD – ĐT QUẢNG NAM

ĐỀ ĐỀ NGHỊ

TRƯỜNG THPT CHUYÊN NGUYỄN BỈNH KHIÊM

KỲ THI OLYMPIC KHU VỰC DH – ĐBBB
NĂM HỌC 2018 – 2019
ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN 11
Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)
(Đề thi 02 trang)
   

          Câu 1 (8,0 điểm)
1.Tờ New York Times có một bài viết về Khin Myint Maung, một trung sĩ cảnh sát giao thông tại Yangon (cố đô của Myanmmar),vừa được bầu chọn là “anh hùng trong đời thực” (real-life hero). New York Times mô tả thành tích của Khin Myint Maung như sau: “Hàng ngày, Khin Myint Maung có khoảng 12 tiếng làm nhiệm vụ ở một trong những nút giao thông hỗn loạn nhất thành phố. Anh ấy gỡ rối và chống ùn tắc giao thông bằng một thái độ kiên nhẫn, không mệt mỏi và vui vẻ, hài hước”. Sự mô tả ấy rõ ràng không giống với chiến tích một người anh hùng. Nhưng Khin Myint Maung vẫn được cộng đồng tôn vinh bởi thái độ và trách nhiệm tuyệt vời trong công việc của anh đã thuyết phục được người dân.(Theo Vn Express)

  1. Khi giáo sư Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Huyết học Truyền máu Trung ương (Hà Nội) về hưu, hàng trăm người bệnh đứng xen kẽ với các y bác sĩ mặc blouse trắng đến chia tay và tri ân ông. Điểm chung giữa họ là gương mặt xúc động, nụ cười chia sẻ, và đâu đó có cả nước mắt nghẹn ngào…. Hơn 30 năm công tác, Giáo sư Trí có 14 năm gắn bó với Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, khởi xướng nhiều hoạt động hiến máu tình nguyện: Lễ hội xuân hồng, Hành trình đỏ… thu hút hàng nghìn người tham gia. Bản thân ông cũng đã 21 lần tham gia hiến máu tình nguyện. Ông là niềm yêu mến của các bệnh nhân và cán bộ nơi đây. (Theo Vn Express)

Từ những câu chuyện trên, anh/ chị hãy trình bày suy nghĩ của bản thân về những anh hùng trong đời thực.
Câu 2 (12,0 điểm)
Nhà thơ Thanh Thảo từng chia sẻ:
          “Tôi yêu chất người đầu tiên
          Những giọt sương lặn vào lá cỏ
          Qua nắng gắt, qua bão tốVẫn giữ lại cái mát lành đầy sức mạnh
Vẫn long lanh bình thản trước vầng dương” (Dấu chân qua trảng cỏ)
Ý thơ trên đã gợi cho anh/ chị suy nghĩ gì về vẻ đẹp của chất người?
Hãy làm sáng tỏ vẻ đẹp đó qua việc phân tích hai nhân vật trong các truyện ngắn ở chương trình Ngữ văn 11.
……………………………HẾT……………………….
Giám thị không giải thích gì thêm
 
Họ và tên giáo viên ra đề
Ngô Thị Minh Thủy
 
 

SỞ GD – ĐT QUẢNG NAM
TRƯỜNG THPT CHUYÊN NGUYỄN BỈNH KHIÊM
KỲ THI OLYMPIC KHU VỰC DH – ĐBBB
NĂM HỌC 2018 – 2019
 
HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN: NGỮ VĂN 11
                      (HDC gồm 06 trang)
   
  1. HƯỚNG DẪN CHUNG

– Giám khảo cần chủ động nắm bắt nội dung trình bày của học sinh để đánh giá tổng quát bài làm, tránh đếm ý cho điểm. Chú ý vận dụng linh hoạt và hợp lý Hướng dẫn chấm.
– Đặc biệt trân trọng , khuyến khích những bài viết có nhiều sáng tạo, độc đáo trong nội dung và hình thức.
– Điểm lẻ toàn bài tính đến 0.25 điểm

  1. ĐÁP ÁN VÀ BIỂU ĐIỂM

Câu 1 (8.0 điểm)

I  Yêu cầu về kĩ năng Điểm
  – Vận dụng thuần thục cách thức làm bài văn nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lý; kết hợp các thao tác lập luận một cách nhuần nhuyễn, huy động tốt kiến thức sách vở, đời sống, trải nghiệm bản thân để bảo vệ cho lập luận của mình.  
– Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt sáng rõ trôi chảy, hạn chế tối đa việc mắc lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.  
II  Yêu cầu về kiến thức  
   Cần giải thích được ý nghĩa của vấn đề, có lập luận rõ ràng, dẫn ra được những dẫn chứng xác đáng, thuyết phục để bảo vệ lập luận. Học sinh có quyền đưa ra ý kiến riêng song cách hiểu và cách bàn luận phải xuất phát từ ý tưởng được nêu trên đề và phù hợp với các chuẩn mực chung của xã hội. Bài làm cần hướng đến các nội dung sau:  
1   Giải thích vấn đề: Quan niệm về anh hùng từ hai câu chuyện 1.5
   – Anh hùng trong đời thực: Những con người cao cả, vĩ đại có thực trong cuộc sống đời thường.
+ Khin Myint Maung được tôn vinh là anh hùng vì đã tận tụy với công việc bằng một thái độ “kiên nhẫn, không mệt mỏi và vui vẻ, hài hước” ngay trong hoàn cảnh vất vả, nhiều áp lực.
+ Giáo sư Nguyễn Anh Trí có được sự yêu mến bởi lòng nhiệt thành với người bệnh, bằng những nỗ lực vì sự nghiệp cứu người.
– Như thế, anh hùng trong đời thực không hẳn là những người có chiến tích vĩ đại mà còn là những con người bình thường nhưng có lối sống đẹp. Họ rất tận tụy, nỗ lực hết mình, cống hiến nhiệt tình cho xã hội,
 
2  Bàn luận vấn đề: Những con người bình thường nhưng có lối sống đẹp, tận tụy với công việc, cống hiến cho cộng đồng xứng đáng là anh hùng 5.0
a, Tinh thần nỗ lực, tận tụy với công việc rât đáng được trân trọng:
– Nỗ lực không ngừng giúp ta vượt qua mọi thử thách, đạt đến ước mơ .
– Nỗ lực không ngừng còn giúp ta khám phá những năng lực của bản thân, có được những trải nghiệm phong phú để hoàn thiện chính mình.
– Sự tận tụy bộc lộ một tinh thần trách nhiệm, lòng tự trọng cao
b, Hướng đến cộng đồng sẽ làm nên ý nghĩa cao đẹp cho cuộc sống.
– Hướng đến cuộc đời để quan tâm, sẻ chia, thấu hiểu nghĩa là ta đã lan tỏa thành công một cách tích cực nhất, làm đẹp hơn hình ảnh của chính mình.
–  Hướng đến mọi người, hướng đến cuộc đời sẽ làm tâm hồn giàu có hơn, đem lại hạnh phúc cho chính mình.
* Lối sống đẹp của những anh hùng ấy đã truyền cảm hứng mạnh mẽ đến mọi người.
c,Cần có những định hướng đúng đắn trong khát vọng “anh hùng”
–  Mọi thành tích phải gắn với thái độ làm việc tích cực, trung thực cùng tinh thần ham học hỏi, cầu tiến, tránh xa những tham vọng, thủ đoạn thấp hèn để có hư danh.
– Tinh thần hướng đến con người phải xuất phát từ trái tim chân thành yêu thương, không vụ lợi.
 
3  Bài học nhận thức và hành động 1.5
–  Cần nhận thức được ý nghĩa của việc trau dồi một lối sống đẹp với ý chí nỗ lực vươn lên và trái tim yêu thương để làm đẹp cho chính mình và cuộc sống.
– Có những mục đích, thái độ và hành vi  đúng đắn, cao đẹp trong  mọi nỗ lực phấn đấu và cống hiến vì sự tiến bộ của xã hội cũng như gắn kết, sẻ chia trong cuộc đời.
 

 
Câu 2 ( 12,0 điểm):
 

I  Yêu cầu về hình thức và kĩ năng Điểm
  – Vận dụng thuần thục cách thức làm bài văn nghị luận. Học sinh cần giải thích được ý nghĩa của ý thơ, xác định đúng trọng tâm vấn đề;  phân tích nhân vật theo yêu cầu để làm sáng rõ tinh thần của ý thơ đồng thời xác định được nét riêng độc đáo của mỗi nhân vật và mỗi tác phẩm.
– Kết cấu bài văn chặt chẽ, bám sát vấn đề; hành văn mạch lạc, có hình ảnh, cảm xúc; hạn chế mắc lỗi chính tả, đặt câu, dùng từ.
 
II Yêu cầu về nội dung  
1  Giải thích nhận định 4.0
a,Giải thích ý nghĩa:
– Bằng những câu thơ đẹp, giàu hình ảnh, xúc cảm và trí tuệ, Thanh Thảo đã bày tỏ quan niệm của mình về vẻ đẹp của con người qua ý tưởng về chất người:
+ Chất người: Phần tinh túy, tinh hoa của đời sống tinh thần thuộc về nhân tính làm nên vẻ đẹp, giá trị của con người (Những năng lực, tình cảm, khát vọng…)
+ Hình ảnh những giọt sương là sự ẩn dụ rất sinh động về vẻ đẹp của chất người:
  .Những giọt sương lặn vào lá cỏ: Vẻ trong sáng, nhỏ bé, bình dị của chất người.
  .Qua nắng gắt,qua bão tố/Vẫn giữ lại cái mát lành đầy sức mạnh/Vẫn long lanh bình thản trước vầng dương: Tương phản với sự hiện diện bé nhỏ, bình dị là một sức sống tiềm tàng mãnh liệt bất chấp mọi nghịch cảnh để vươn lên tỏa sáng khẳng định giá trị cao quý của con người.
– Như thế, vẻ đẹp và giá trị mỗi con người chính là những điều tưởng như bé nhỏ, giản đơn nhưng lại ẩn chứa một sức sống và khao khát mạnh mẽ trong cõi đời đầy bão tố, phong ba.
– Tình yêu của tác giả cho thấy đây là một nguồn cảm hứng lớn trong văn học chân chính.
b, Lý giải vấn đề:
– Tại sao những điều tưởng như bé nhỏ, giản đơn ẩn chứa một sức sống và khao khát mạnh mẽ ấy lại làm nên vẻ đẹp của chất người?
+ Những điều bé nhỏ, trong sáng đã phản chiếu bản chất của con người:
* Con người thật bé mọn trong vũ trụ và nhân sinh. Bởi thế, điều đầu tiên làm nên chất người lại không phải là sự vĩ đại, lớn lao mà chính là những gì đơn sơ, dung dị nhất.
* Những gì làm nên chất người cũng thật trong sáng, nguyên sơ. Đó chính là bản tính thuần khiết tốt đẹp tự nhiên mà con người được tạo hóa ban tặng để xây dựng một đời sống gắn kết cùng nhau và cùng gắn bó với vạn vật.
+ Sức sống tiềm tàng  trong tâm hồn chính là sức mạnh, là nguồn lực để con người vươn lên khao khát khẳng định bản thân giữa vũ trụ và nhân sinh.
* Con người ý thức được sự bé nhỏ và hữu hạn nên họ nâng niu những điều quý giá của sự sống, họ trân trọng vẻ đẹp của tâm hồn, tình cảm, những giá trị đạo đức đích thực, luôn giữ cho con người được là là người.
* Con người quý trọng sự sống nên không ngừng mơ ước và nỗ lực đấu tranh xây dựng một cuộc sống tốt đẹp.
– Tại sao chất người lại là nguồn cảm hứng lớn trong văn học?
+ Văn học nghệ thuật ra đời từ nhu cầu, khát vọng của con người trên hành trình nhận thức bản thân và thế giới để đắp xây cuộc sống. Mỗi tác phẩm ra đời đều là một thành quả nghệ thuật chứa đầy cảm xúc, khát vọng chân thành nhất, mãnh liệt nhất về con người và về cuộc đời.
+ Trong tình yêu đó, văn học trước hết phải là con người, hướng về con người và đến với văn học là đến với những giá trị nhân bản đích thực thuộc về con người, giúp con người hoàn thiện mình hơn. Tấm lòng nhân đạo của người nghệ sĩ phải hướng đến chất người nguyên sơ, thuần khiết.
 
3 Phân tích – chứng minh 6.0
  a, Nhân vật Chí Phèo
Chí Phèo là câu chuyện số phận con người, số phận của chất người trong con người và thái độ căm phẫn của nhà văn khi nhân tính bị hủy hoại.
Từ một Chí Phèo với chất người thuần khiết, đẹp đẽ, nghèo khổ nhưng hiền lành, lương thiện, coi trọng nhân phẩm, khao khát hạnh phúc, các thế lực phong kiến và thực dân đã tước đi quyền sống lương thiện của Chí, hủy hoại cả nhân hình, nhân tính, biến anh thành quỷ dữ tiếp tay cho cái ác, bị cộng đồng xa lánh, khinh bỉ, cả cuộc đời chìm đi trong những cơn say u tối.
– Chí Phèo cũng là tiếng nói ngợi ca vẻ đẹp và sức mạnh tiềm ẩn của nhân tính trong cuộc đấu tranh với cái ác.
+  Tình yêu nguyên sơ và sự chăm sóc ân cần của một thứ lòng tốt thuần hậu ở Thị Nở, cũng là vẻ đẹp của chất người, đã thổi bùng ngọn lửa của nhân tính: những rung đông đơn sơ, sự xúc động chân thành,lòng biết ơn, khao khát yêu thương, gắn kết…Nhân tính đã hồi sinh bất chấp nghịch cảnh.
+  Sự trỗi dậy của chất người không những giúp anh tìm lại được tình yêu cuộc sống mà còn thức tỉnh sức mạnh căm thù và ý thức phản kháng với cái ác. Hành động giết người, tự sát đẫm máu cũng chính là hành động quyết liệt nhân danh tính người  để bảo vệ những điều tốt đẹp.
– Qua Chí Phèo, Nam Cao còn khẩn thiết đặt ra câu hỏi về trách nhiệm bảo vệ tính người:
+ Khi Chí thức tỉnh, khao khát hoàn lương thì những cái nhìn định kiến cay nghiệt đã cắt đứt con đường quay về, anh tự kết liễu đời mình đầy oan nghiệt.Tính người hồi sinh nhưng quyền làm người bị từ chối.
+  Cái chết của Chí còn để lại nỗi ám ảnh về sự nối dài của bi kịch nhân tính trong một xã hội bạo tàn. Vòng xoáy bạo liệt ấy sẽ không thôi vùi dập phần người nếu không có một sự thay đổi.
* Tỏa sáng với những sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật xây dựng nhân vật, hình tượng Chí Phèo đã kết tinh những khám phá sâu sắc về chất người Đó là tầm vóc của tư tưởng nhân đạo lớn.
b. Nhân vật quản ngục trong “Chữ người tử tù” có chất người cao quý như sự hiện diện lặng lẽ của cái đẹp giữa cuộc đời
– Quản ngục – một thanh âm trong trẻo của thiên lương bị đặt nhầm chỗ.
+ Viên quản ngục có tư chất nghệ sĩ và tình yêu cái đẹp tha thiết. Đó còn một người biết kính trọng tài năng, khí phách, có tấm lòng biệt nhỡn liên tài.
+ Thế nhưng, ông lại đang đại diện cho quyền lực của gông xiềng, tội ác, ở “nơi người ta sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc”, ông là cái thuần khiết bị đày giữa một đống cặn bã, là người có tâm điền tốt và thẳng thắn, lại phải ăn đởi kiếp với lũ quay quắt.
– Quản ngục – Sự vươn lên của chất người bằng sức mạnh của cái đẹp
+ Cái đẹp lý tưởng ở Huấn Cao đã đánh thức chất người bị vùi lấp trong hoàn cảnh tăm tối ở quản ngục. Cảm phục và tiếc cho một tài năng, con người này đã lựa chọn sống thực với bản chất thiên lương của mình, bảo vệ, gìn giữ cái đẹp.
+  Rung động trước cái đẹp ngay trong chốn lao tù tăm tối, lĩnh hội di nguyện của bậc anh hùng trong phút  biệt ly, quản ngục giác ngộ được những chân lý cao cả của nghệ thuật. Con người ấy cao cả hơn, bản lĩnh hơn trong giọt nước mắt “bái lĩnh”. Chất người thực sự tỏa sáng dưới sức mạnh của cái đẹp. Ông chính là “dòng chữ cuối cũng” đẹp nhất của Huấn Cao.
– Qua nhân vật quản ngục, nhà văn còn khẩn thiết đặt ra sứ mệnh bảo vệ thiên lương và cái đẹp
+ Trong xã hội bạo tàn, cái ác ngự trị, con người không được sống trọn ven với thiên lương cao quý của mình
+ Trong xã hội bạo tàn, cái đẹp bị vùi dập, có số phận bi thương. Để đến với cái đẹp chân chính, con người phải chịu đựng mất mát, hy sinh..
* Với sự độc đáo của bút pháp lãng mạn, ngôn ngữ cổ kính, Nguyễn Tuân đã giúp người đọc nhận ra sự tồn tại âm thầm mà mãnh liệt của cái đẹp ẩn sâu trong chất người đẹp đẽ. Đây là cái tâm cao cả của một nghệ sĩ luôn tôn thờ cái đẹp.
3.0
4 Đánh giá chung 2.0
  – Việc tiếp cận hai nhân vật Chí Phèo và Quản ngục đã làm sáng rõ quan niệm của Thanh Thảo về vẻ đẹp của chất người trong cuộc đời và cả trong văn học
–  Quan niệm này thật sâu sắc có ý nghĩa lí luận trong sáng tác và tiếp nhận:
+ Với người sáng tác, khám phá và thể hiện vẻ đẹp và sức sống của chất người là thiên chức và cũng là thách thức trên con đường sáng tạo nghệ thuật chân chính, vì con người. Muốn vậy nhà văn cần có một tầm nhận thức, một tấm lòng  sâu sắc hướng về con người và đề cao nguyên tắc sáng tạo.
+ Với người tiếp nhận: Đây là một tiêu chí quan trọng  định hướng con đường chiếm lĩnh và đánh giá một tác phẩm thành công, hấp dẫn.
 

 
———————————— HẾT————————————–
 
 
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *