Chuyên đề 2
DẠY HỌC TÍCH HỢP THEO CHỦ ĐỀ
Phần I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong những năm gần đây, vấn đề đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá được Bộ GD&ĐT đặc biệt chú trọng. Hướng dẫn số 791/HD-BGDĐT ngày 25/6/2013 của Bộ GD&ĐT về việc thí điểm phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông nêu rõ định hướng điều chỉnh nội dung dạy học trong chương trình hiện hành và xây dựng kế hoạch giáo dục mới ở từng môn học, hoạt động giáo dục của nhà trường theo các bước: rà soát lại nội dung chương trình SGK hiện hành, sắp xếp lại nội dung dạy học của từng môn học trong chương trình hiện hành theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Như vậy chủ trương của Bộ GD&ĐT là giao quyền tự chủ cho các nhà trường trong việc xây dựng kế hoạch dạy học cho phù hợp với đối tượng học sinh và phù hợp với tình hình thực tiễn tại nhà trường; khuyến khích giáo viên chủ động lựa chọn nội dung, xây dựng các chủ đề dạy học trong mỗi môn học và các chủ đề tích hợp, liên môn, đồng thời xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với các chủ đề và theo hình thức, phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực; chú trọng giáo dục đạo đức và giá trị sống, kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật, tăng cường các hoạt động nhằm đưa bài học gắn liền với thực tiễn cuộc sống.
Vì thế, trong buổi sinh hoạt chuyên môn đầu năm học 2017- 2018, nhóm Ngữ văn đã bàn bạc và thống nhất ý kiến xây dựng chuyên đề DẠY HỌC TÍCH HỢP THEO CHỦ ĐỀ, áp dụng cụ thể với chủ đề Trái tim buồn trong hai tác phẩm: Tràng Giang( Huy Cận) và Đây Thôn Vĩ Dạ( Hàn Mạc Tử).
Phần II. KẾ HOẠCH DẠY HỌC CHỦ ĐỀ TÍCH HỢP
TRÁI TIM BUỒN TRONG HAI TÁC PHẨM
“ TRÀNG GIANG” (HUY CẬN) , “ĐÂY THÔN VĨ DẠ” (HÀN MẠC TỬ)
GIỚI THIỆU CHUNG
Ý tưởng chọn chủ đề:
Theo dự án phát triển giáo dục trung học về “Xây dựng các chủ đề dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh” và dựa vào nội dung của sách giáo khoa hiện hành, từ các bài học trong SGK Ngữ văn 11 tập 2, tổ Ngữ Văn xây dựng chủ đề : Trái tim buồn trong hai tác phẩm: Tràng Giang (Huy Cận) và Đây Thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử)
Cơ sở xây dựng chủ đề:
– Cả hai tác phẩm có sự xâu chuỗi về kiến thức và kĩ năng
– Tránh sự trùng lặp về nội dung, giảm được thời gian giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh
– Phát huy năng lực tự học trải nghiệm sáng tạo cho học sinh.
– Đổi mới phương pháp học tập.
NỘI DUNG CHỦ ĐỀ:
Mô tả chủ đề: Chuyên đề này gồm các bài:
– “Tràng giang” ( Huy Cận)
– “ Đây thôn Vĩ Dạ” ( Hàn Mạc Tử)
Mạch kiến thức của chủ đề:
Cơ sở khoa học:
– Tác phẩm Tràng Giang (Huy Cận)
+ Vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên tràng giang và tâm trạng của nhà thơ
+ Đôi nét phong cách nghệ thuật thơ Huy Cận: sự kết hợp giữa hai yếu tố cổ điển và
hiện đại; tính chất suy tưởng, triết lí…
– Tác phẩm Đây Thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử)
+ Vẻ đẹp thơ mộng, đượm buồn của thôn Vĩ và nỗi buồn, cô đơn trong cảnh ngộ bất hạnh của một con người tha thiết yêu thiên nhiên, yêu sự sống.
+ Phong cách thơ Hàn Mặc Tử qua bài thơ: một hồn thơ luôn quằn quại yêu; trí tưởng tượng phong phú; hình ảnh thơ có sự hòa quyện giữa thực và ảo.
Vận dụng thực tiễn:
Chuyển thể văn bản ( Ngâm thơ, hát,..)
Dự kiến thời lượng, thời điểm:
– Thời lượng: 4 tiết ( tiêt 80,81,82,83)
– Thời điểm thực hiện chủ đề: trong học kì II – lớp 11 ( tuần 22, 23)
III. CHUẨN KIẾN THỨC, KĨ NĂNG, THÁI ĐỘ VÀ CÁC NĂNG LỰC HƯỚNG TỚI CỦA CHỦ ĐỀ:
- Kiến thức:
– Thấy được diện mạo cảu phong trào Thơ Mới qua việc phân tích, nhận xét, đánh giá một số tác giả, tác phẩm trong chương trình.
– Qua tác phẩm Tràng Giang: cảm nhận được nỗi buồn cô đơn trước vũ trụ rộng lớn, nỗi sầu nhân thế, niềm khao khát hòa nhập với cuộc đời và tình cảm đối với quê hương đất nước của tác giả. Thấy được màu sắc cổ điển trong một bài Thơ Mới.
– Qua tác phẩm Đây thôn Vĩ Dạ: cảm nhận bức tranh phong cảnh cũng là tâm cảnh, thể hiện nỗi buồn cô đơn của HMT trong mối tình xa xăm, vô vọng. Cảm nhận tấm lòng thiết tha của nhà thơ với thiên nhiên, cuộc sống, con người.
- Kĩ năng:
Hình thành kĩ năng đọc – hiểu các tác phẩm trữ tình theo đặc trưng thể loại; Kĩ năng cảm thụ, phân tích, bình giảng thơ trữ tình.
- Thái độ:
Giúp HS có thái độ nhận thức đối với cuộc sống: biết yêu thương con người, yêu quê hương, trân trọng những tình cảm tốt đẹp giữa người với người…
- Năng lực:
+ Năng lực thu thập thông tin liên quan đến văn bản.
+ Năng lực giải quyết những huống đặt ra trong văn bản.
+ Năng lực đọc- hiểu văn bản theo đặc trưng thể loại.
+ Năng lực trình bày suy nghĩ, cảm nhận của cá nhân về ý nghĩa của văn bản.
+ Năng lực hợp tác khi trao đổi, thảo luận về nội dung và nghệ thuật của văn bản.
+ Năng lực cảm thụ văn học
+ Năng lực giao tiếp bằng ngôn ngữ
+ Năng lực tư duy sáng tạo
+ Năng lực sử dụng CNTT và truyền thông (ICT) (HS biết khai thác thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, viết báo cáo; Trình chiếu báo cáo kết quả nghiên cứu, thực hiện website…)
+ Năng lực lập và thực hiện được kế hoạch học tập chủ đề
BẢNG MÔ TẢ CÁC MỨC ĐỘ NHẬN THỨC VÀ ĐỊNH HƯỚNG NĂNG LỰC CHÍNH ĐƯỢC HÌNH THÀNH THÔNG QUA CHỦ ĐỀ:
1/ Bảng mô tả
Nội dung | Nhận biết | Thông hiểu | Vận dụng thấp | Vận dụng cao |
Trái tim buồn trong hai tác phẩm “Tràng Giang” Và “Đây Thôn Vĩ Dạ” |
– Các tác phẩm tiêu biểu của Huy Cận, Hàn Mặc Tử: tên gọi, thể loại, hoàn cảnh sáng tác. – Xác định các hình ảnh thơ tươi mới, giàu sức sống thể hiện khát khao cháy bỏng của cá nhân trong thơ Huy cận, Hàn Mặc Tử – Chỉ ra một số chi tiết nghệ thuật tiêu biểu của mỗi tác phẩm |
– Lí giải mối quan hệ giữa hoàn cảnh sáng tác và nội dung tư tưởng của tác phẩm – Hiểu được quan điểm sáng tác của các nhà thơ thông qua nghệ thuật xây dựng hình ảnh thơ. |
– Trình bày cảm nhận về một hình ảnh thơ mình yêu thích để làm rõ đặc trưng. – Phân tích hình ảnh thơ độc đáo. Qua đó khái quát sự sáng tạo trong việc sử dụng cái tôi cá nhân. – So sánh cái tôi giữa các nhà thơ với nhau và các nhà thơ trong phong trào. |
– Vận dụng hiểu biết về tác giả, tác phẩm để phân tích, lí giải các hình ảnh thơ độc đáo, mang nét riêng của từng tác giả; giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm – Liên hệ thực tế để có lối nhận thức đúng đắn về mình và cuộc sống xung quanh |
2/ Câu hỏi và bài tập:
* Văn bản “Tràng giang” ( Huy Cận)
– Nêu những nét chính về tác giả Huy Cận?
– Qua thế giới nghệ thuật của bài thơ, anh (chị) có cho rằng Huy Cận là nhà thơ “mang mang thiên cổ sầu”?
– Huy Cận là nhà thơ của “Nỗi sầu vạn kỉ (Hoài Thanh). Theo anh (chị) nỗi sầu ấy được thể hiện như thế nào trong bài thơ “Tràng giang”?
– Cảm hứng và âm điệu chung của bài thơ “Tràng giang”? Vì sao có thể khẳng định đó là cảm hứng bao trùm bài thơ?
– Vì sao nói bức tranh thiên nhiên trong bài thơ mang đậm màu sắc cổ điển mà vẫn gần gũi, thân thuộc?
– Lời đề từ có mối liên hệ gì với bức tranh thiên nhiên và tâm trạng của tác giả trong bài thơ?
– Cách cảm nhận không gian và thời gian trong bài thơ này có gì đáng chú ý?
– Bức tranh thiên nhiên trong bài thơ hiện lên qua những hình ảnh nào?
– Các yếu tố ngôn ngữ và biện pháp nghệ thuật đã góp phần như thế nào vào việc thể hiện cảm xúc của bài thơ?
– Chỉ ra câu thơ thể hiện rõ nhất cảm nhận của Huy Cận trước không gian ba chiều?
– Lý giải căn nguyên của cảm hứng về nỗi buồn bao trùm bài thơ?
* Văn bản “Đây Thôn Vĩ Dạ” ( Hàn Mặc Tử)
– Hãy cho biết vài nét về cuộc đời và sự nghiệp thơ của HMT?
– Cảm hứng sáng tác bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ?
– Nét đẹp của phong cảnh thiên nhiên và tâm trạng tác giả?
– So sánh vẻ đẹp lãng mạn của thơ HMT với các nhà thơ cùng thời.
– Câu thơ mở đầu của bài gợi cho em suy nghĩ gì?
– Các hình ảnh thiên nhiên gió, mây, sông, trăng gợi cảm xúc gì?
– Xác định tâm trạng nhân vật trong bài thơ ?
– Bằng hiểu biết của mình hãy chứng minh: tâm trạng, tình cảm của nhà thơ trước bức tranh thiên nhiên.
– Phân tích các câu thơ: Có chở trăng về kịp tối nay; Ai biết tình ai có đậm đà?
– Nỗi buồn, sự day dứt của HMT là biểu hiện của niềm tha thiết với cuộc đời ?
– Đây là bài thơ về tình yêu hay tình quê?
V/ KẾ HOẠCH DẠY HỌC
Kế hoạch chung:
Thời gian | Tiến trình dạy học | Hoạt động của HS | Hỗ trợ của GV | Kết quả/ sản phẩm dự kiến |
Tiết 1 | Hoạt động 1 – Khởi động và giao nhiệm vụ |
Tiếp nhận nhiệm vụ của GV giao về tìm hiểu những nội dung cả bài học: ( Theo hệ thống câu hỏi) |
-GVchuyển giao nhiệm vụ cho HS bằng câu hỏi. -Cung cấp tư liệu, hình ảnh mang tính chất định hướng hỗ trợ HS |
Học sinh có thể nêu những hiểu biết ban đầu về: Tác giả, tác phẩm. |
Hoạt động 2 Nghiên cứu bài học |
-Thực hiện theo kế hoạch và những định hướng của GV đã nêu ra. | – Chuẩn bị kế hoạch thực hiện bài dạy, và những hỗ trợ khác cho việc nghiên cứu bài học. | – Kế hoạch thực hiện bài học | |
Tiết 2,3,4 | Hoạt động 3 Báo cáo và đánh giá nhiệm vụ thực hiện |
– Báo cáo kết quả làm việc của nhóm. – Lắng nghe và đánh giá sản phẩm của nhóm khác. – Thảo luận tổng kết vấn đề nghiên cứu. |
-Lắng nghe các nhóm trình bày. – Đánh giá sản phẩm của các nhóm. – Nhận xét và tổng kết hoạt động của nhóm. |
– Bản thuyết trình báo cáo và kết quả tìm hiểu – Bảng đánh giá hoạt động của cá nhân trong nhóm. – Kết quả đánh giá sản phẩm của nhóm. |
Chuẩn bị của giáo viên và học sinh
2.1.Chuẩn bị của giáo viên:
– Giáo án, sgk
– Máy tính, máy chiếu
– Tranh ảnh về các nội dung, các tư liệu, một số hình ảnh và video clip sưu tầm được có liên quan đến hai tác phẩm.
– Bản kế hoạch phân công, tổ chức nhiệm vụ cho học sinh.
– Giấy A0, bút dạ, phiếu học tập…. để học sinh thảo luận nhóm.
2.2. Chuẩn bị của học sinh
– Giấy A0, bút màu, giấy màu, thước kẻ….
– Sưu tầm các tranh ảnh, tư liệu có liên quan đến nội dung đến bài học
– Chuẩn bị tài liệu báo cáo theo các nhóm
– Các ấn phẩm do học sinh tự thiết kế.
Hoạt động học tập
* HOẠT ĐỘNG 1: KHỞI ĐỘNG VÀ GIAO NHIỆM VỤ
Mục tiêu:
– Xây dựng được chủ đề cần tìm hiểu;
– Thành lập được các nhóm theo sở thích;
– Phổ biến nhiệm vụ cho các nhóm;
– Rèn luyện kĩ năng làm việc nhóm.
Thời gian: tiết 1
Cách thức tổ chức hoạt động:
Bước 1: Giáo viên và học sinh cùng thảo luận để xác định các nội dung chính của đề tài.
Nội dung 1: Nêu vài nét về cuộc đời và sự nghiệp của Huy Cận và Hàn Mặc Tử
Nội dung 2: Nêu Hoàn cảnh ra đời của 2 tác phẩm.
Nội dung 3: So sánh “Trái tim buồn” của thi nhân trong hai tác phẩm.
Nội dung 4: So sánh với tâm hồn của các tác giả khác cùng thời.
Bước 2: Thành lập nhóm
– GV Phát phiếu thăm dò sở thích nhóm (Phụ lục I).
– GV Công bố kết quả sắp xếp nhóm theo sở thích.
– Các nhóm bàn bạc bầu nhóm trưởng, thư kí
Bước 3: GV giao nhiệm vụ cho từng nhóm, hướng dẫn lập kế hoạch nhóm
Nhóm | Nội dung nhiệm vụ | Điều chỉnh nhiệm vụ |
I (tổ 1) |
– Nêu vài nét về cuộc đời và sự nghiệp của Huy Cận và HMT; Hoàn cảnh ra đời của 2 bài thơ. – Hiểu thế nào về lời đề từ “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”( Tràng giang – Huy Cận) |
|
II (tổ 2) |
– Phân tích tâm trạng của 2 nhà thơ? ( Nỗi buồn thời thế) | |
III (tổ 3) |
Nỗi buồn cá nhân của 2 tác giả ( nỗi buồn nhân thế) thể hiện như thế nào trong hai tác phẩm? | |
IV (tổ 4) |
– Các yếu tố ngôn ngữ và các biện pháp nghệ thuật trong 2 bài thơ góp phần thể hiện cảm xúc, tâm trạng của thi nhân. Chỉ ra điểm giống và khác nhau về mặt nghệ thuật trong hai tác phẩm. |
Sản phẩm:
– Thành lập được 04 nhóm học sinh, mỗi nhóm có 8 – 12 học sinh. Các nhóm đã bầu được các nhóm trưởng.
– Các nhóm đã nhận nhiệm vụ của nhóm mình và bước đầu xây dựng kế hoạch và phân công nhiệm vụ.
* HOẠT ĐỘNG 2: XÂY DỰNG KẾ HOẠCH LÀM VIỆC TỪNG NHÓM
Mục tiêu:
– Các nhóm dưới sự hướng dẫn của giáo viên sẽ thảo luận về chủ đề được giao, xây dựng đề cương .
– Các nhóm xác định được những việc cần làm, thời gian dự kiến, phương pháp tiến hành.
– Các nhóm tự phân công tìm hiểu, nghiên cứu, sưu tầm tranh ảnh, tư liệu, video về các nội dung được phân công.
– Rèn luyện được kĩ năng làm việc nhóm.
– Góp phần hình thành kĩ năng thu thập thông tin, phỏng vấn, điều tra thực tế,…
– Kỹ năng trình bày vấn đề và viết báo cáo
Thời gian: chuẩn bị ở nhà 1 tuần
Cách thức tổ chức hoạt động:
Bước 1: GV định hướng cho học sinh và các nhóm trong quá trình xây dựng kế hoạch làm việc.
Bước 2: Giải đáp thắc mắc cho HS. Giúp đỡ HS khi HS yêu cầu.
Bước 3: Các nhóm HS dựa trên phiếu định hướng hoạt động phân công nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch sinh hoạt nhóm để hoàn thành nhiệm vụ.
Nhóm trưởng tiếp nhận ý kiến đóng góp của các thành viên, hoàn thiện báo cáo của nhóm, chuẩn bị trình bày trước lớp vào tiết sau.
Sản phẩm
– Đề cương chi tiết cho từng nhóm
– Bảng phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; thời gian hoàn thành nhiệm vụ.
đ. Các nhóm hoàn thành sản phẩm: chuyển đến tất cả các bạn trong lớp để đọc trước và chuẩn bị các câu hỏi .
* HOẠT ĐỘNG 3: HÌNH THÀNH KIẾN THỨC MỚI QUA CÁC BÁO CÁO CỦA CÁC NHÓM
Mục tiêu:
– Học sinh báo cáo được kết quả làm việc của các nhóm: trình bày báo cáo thông qua thuyết trình, thảo luận
– Biết tự đánh giá sản phẩm của nhóm và đánh giá sản phẩm của các nhóm khác.
– Hình thành được kĩ năng: lắng nghe, thảo luận, nêu vấn đề và thuyết trình.
– Góp phần rèn luyện các kĩ năng bộ môn.
Thời gian: tiết thứ 2,3
Thành phần tham dự:
– Ban Giám hiệu và tổ trưởng chuyên môn
– Giáo viên trong trường
– Học sinh lớp 11.
- Nhiệm vụ của học sinh
– Báo cáo các nội dung chủ đề theo sự phân công.
– Thảo luận và chuẩn bị các câu hỏi cho các nhóm khác.
– Tự đánh giá bài thu hoạch của nhóm mình và tham gia đánh giá sản phẩm của các nhóm khác.
đ. Nhiệm vụ của giáo viên
– Dẫn dắt vấn đề, tổ chức thảo luận
– Quan sát, đánh giá
– Hỗ trợ, cố vấn.
– Thu hồi các sản phẩm và các phiếu giao việc trong nhóm
– Nhận xét và đánh giá các sản phẩm của học sinh
Cách thức tổ chức hoạt động:
Bước 1: GV phát cho HS và các đại biểu tham dự sản phẩm của các nhóm.
Dẫn dắt vấn đề cho học sinh tiến hành báo cáo và thảo luận.
Bước 2. Các nhóm cử đại diện báo cáo các nội dung chủ đề theo sự phân công.
*. Nhóm 1: – Nêu vài nét về cuộc đời và sự nghiệp của Huy Cận và HMT; Hoàn cảnh ra đời của 2 bài thơ.
– Cảm nhận chung về 2 bài thơ.
(Hình thức báo cáo: Thuyết trình + Clip+ thảo luận; Sản phẩm: Bản báo cáo + Clip
(1) Đại diện nhóm trình bày bài thuyết trình
(2) HS các nhóm khác lắng nghe bài thuyết trình và ghi nhận thông tin.
(3) Sau khi nhóm 1 thuyết trình xong, GV yêu cầu các học sinh ở các nhóm khác phản biện phần trình bày của nhóm I
(4) GV nhận xét, kết luận về bài thuyết trình của nhóm 1
+ Nội dung
+ Hình thức
+ Cách trình bày và trả lời câu hỏi của các bạn nhóm khác.
*. Nhóm 2: – Phân tích bức tranh thiên nhiên trong 2 tác phẩm.
(Hình thức báo cáo: Thuyết trình + Clip + thảo luận; Sản phẩm: Bản báo cáo + Clip)
(1) Đại diện nhóm trình bày bài thuyết trình
(2) HS các nhóm khác lắng nghe bài thuyết trình và ghi nhận thông tin.
(3) Sau khi nhóm 2 thuyết trình xong, GV yêu cầu các học sinh ở các nhóm khác đưa ra các câu hỏi
(4) GV nhận xét, kết luận về bài thuyết trình của nhóm 2
+ Nội dung
+ Hình thức
+ Cách trình bày và trả lời câu hỏi của các bạn nhóm khác.
* Nhóm 3: – Phân tích; so sánh tâm trạng của nhân vật trữ tình trong 2 bài thơ. Liên hệ với các nhà thơ khác cùng thời.
(Hình thức báo cáo: Thuyết trình+ thảo luận; sản phẩm: Bài thuyết trình)
(1) Đại diện nhóm trình bày bài thuyết trình
(2) HS các nhóm khác lắng nghe bài thuyết trình và ghi nhận thông tin.
(3) Sau khi nhóm 2 thuyết trình xong, GV yêu cầu các học sinh ở các nhóm khác đưa ra các câu hỏi
(4) GV nhận xét, kết luận về bài thuyết trình của nhóm 3
+ Nội dung
+ Hình thức
+ Cách trình bày và trả lời câu hỏi của các bạn nhóm khác.
*.Nhóm 4: – Các yếu tố ngôn ngữ và các biện pháp nghệ thuật trong 2 bài thơ góp phần thể hiện cảm xúc, tâm trạng của thi nhân.
(Hình thức báo cáo: Thuyết trình + thảo luận; Sản phẩm: Bài thuyết trình và Clip)
(1) Đại diện nhóm trình bày bài thuyết trình
(2) HS các nhóm khác lắng nghe bài thuyết trình và ghi nhận thông tin.
(3) Sau khi nhóm 2 thuyết trình xong, GV yêu cầu các học sinh ở các nhóm khác đưa ra các câu hỏi
(4) GV nhận xét, kết luận về bài thuyết trình của nhóm 4
+ Nội dung
+ Hình thức
+ Cách trình bày và trả lời câu hỏi của các bạn nhóm khác.
KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ:
Kiểm tra học sinh bằng hình thức kiểm tra Tự luận – Viết bài tập làm văn số 6
Đề bài: Có ý kiến cho rằng: “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử có cả tâm cảnh và phong cảnh. Em hãy phân tích khổ thơ đầu của bài thơ để làm rõ nhận định trên.
GV định hướng cách làm : Đây là dạng đề nghị luận ý kiến bàn về văn học
Dàn ý :
Mở bài :
+ Giới thiệu Hàn Mặc Tử và bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”
+ Trích dẫn nhận định : Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử có cả tâm cảnh và phong cảnh
Thân bài :
– Giải thích :
+ Tâm cảnh : Bài thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên, tâm hồn nhạy cảm, đồng thời giãi bày một nỗi niềm bâng khuâng, một khao khát về hạnh phúc của thi sĩ đa tình, có nhiều duyên nợ với cảnh và con người Vĩ Dạ.
+Phong cảnh : Bài thơ là bức tranh đẹp về thiên nhiên xứ Huế, cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, con người xứ Huế duyên dáng, phúc hậu, Thiên nhiên và con người xứ Huế hài hoà trong vẻ đẹp nên thơ.
– Bình luận, chứng minh nhận định :
( Lần lượt triển khai theo 2 luận điểm :Tâm cảnh và Phong cảnh trong bài thơ: lần lượt phân tích các khổ thơ để làm nổi bật bức tranh phong cảnh và tâm cảnh.)
+ Khổ 1 : Cảnh thôn Vĩ lúc bình minh với những ngọn cau, tàu cau ngời lên màu nắng mới, “nắng mới lên” rực rỡ. Hàng cau cao vút là hình ảnh thân thuộc thôn Vĩ Dạ từ bao đời nay. . Nhà thơ trầm trồ thốt lên khi đứng trước một màu xanh vườn tược thôn Vĩ Giạ: “vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. Sương đêm ướt đẫm cây cỏ hoa lá. Màu xanh mỡ màng, non tơ ngời lên, bóng lên dưới ánh mai hồng, trông “mượt quá” một màu xanh như ngọc bích. Đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hoà, con người cần cù chăm bón mới có “màu xanh như ngọc” ấy. Thiên nhiên rạo rực, trẻ trung và đầy sức sống. Con người thôn Vĩ xuất hiện kín đáo, dịu dàng, vừa duyên dáng vừa phúc hậu ( phân tích… ).
+ Nghệ thuật : điệp từ ” nắng”, so sánh ” xanh như ngọc” và tính tứ ” mướt” ->> khắc hoạ hình ảnh thôn Vĩ tươi tắn, sinh động, sang trọng, đầy sức sống.
+ Tâm cảnh: thể hiện ở câu hỏi tu từ: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?”
Câu hỏi khắc khoải, như lời tâm sự của nhà thơ với chính mình , bộc lộ ao ước thầm kín được trở về thôn Vĩ ->> Câu hỏi tu từ là một cái cớ để khơi dậy trong tâm hồn nhà thơ bao kỉ niệm sâu sắc , bao hình ảnh đẹp đẽ về xứa Huế .
Cảm xúc của tác giả bộc lộ kín đáo qua đoạn thơ : phải là người yêu tha thiết xứ Huế, gắn bó sâu sắc với thôn Vĩ , niềm khao khát được trở lại thôn Vĩ mới có được trong tâm trí những hình ảnh sinh động và đẹp đẽ như thế. ( Lưu ý : cảnh xứ Huế được hiện lên trong tâm tưởng, trong hoài niệm chứ không phải được ngắm nhìn trực tiếp ).
->>Nỗi trăn trở, dằn vặt trong lòng, nỗi cô đơn trống vắng, niềm khao khát được sống trong tình yêu và hạnh phúc lứa đôi…
Tóm lại : Khổ thơ là bức tranh đẹp về thiên nhiên xứ Huế, đồng thời là tiếng lòng của một hồn thơ luôn tha thiết yêu đời, yêu người.
Nhận xét chung về nghệ thuật : Bút pháp gợi tả, ngôn ngữ tinh tế, giàu liên tưởng…
(khái quát những biện pháp nghệ thuật tiêu biểu trong khổ thơ)
Kết luận : Đánh giá chung, khẳng định ý kiến trên.
VII. TIẾN TRÌNH BÀI HỌC
HOẠT ĐỘNG CỦA GV & HS | NỘI DUNG BÀI HỌC |
– Gv giới thiệu về phong trào Thơ mới (1932 -1945) – Thơ mới có những đặc điểm nào nổi bật? Nêu một số đặc sắc nghệ thuật của Thơ mới – Hs nêu những nét chính về tác giả Huy Cận, Hàn Mạc Tử và những lưu ý về tác phẩm Tràng giang và Đây thôn Vĩ Dạ. (Nhóm 1 cử đại diện trình bày) – Tìm những nét chung về nội dung trong hai tác phẩm ( Hs làm việc theo nhóm nhỏ, trả lời) + Nhóm 2 : Tìm hiểu nỗi buồn của 2 nhà thơ trước thời cuộc- Cái sầu thời thế. ( Gợi ý: xã hội lúc bấy giờ như thế nào? Xh đó tác động thế nào đến đời sống các nhà thơ? Chi tiết, hình ảnh nào nói đến cái sầu, buồn thời thế) – Nhóm 3: Nỗi buồn cá nhân của các nhà thơ là nỗi buồn như thế nào? Phân tích một vài chi tiết, hình ảnh cụ thể ở hai tác phẩm để làm rõ nỗi buồn cô đơn, bế tắc của nhà thơ? – Theo em, nỗi buồn của 2 tác giả là nỗi buồn tích cực hay tiêu cực? tại sao? (Hs trả lời cá nhân) – Nhóm 4: Chỉ ra những điểm chung và riêng về nghệ thuật giữa hai tác phẩm? |
A. GIỚI THUYẾT CHUNG I. Phong trào Thơ mới (1932 – 1945) 1. Định nghĩa: Có nhiều định nghĩa về Thơ mới: – Hoài Thanh ( trong “Thi Nhân Việt Nam”): “Thơ mới là lối thơ đem ý thật có trong tâm khảm mình tả ra bằng những câu thơ có vần mà không bó buộc niêm luật gì hết.” – Vũ Ngọc Phan (trong “ Nhà văn hiện đại”): “ Thơ mới là loại thơ làm theo thể tự do không bó buộc bởi luật nào” 2. Đặc điểm nổi bật của Thơ mới: – Khẳng định cái tôi: + Giải phóng bản ngã, giải phóng cá nhân. + Nói lên niềm khao khát được sống, được hưởng hạnh phúc, được giao cảm với đời. – Nỗi buồn cô đơn: + Đó là nỗi buồn của con người có tâm huyết, đau buồn vì bế tắc chưa tìm thấy lối ra. + Đó là cách để họ giải thoát tâm hồn, trải lòng với đời. – Cảm hứng về thiên nhiên và tình yêu: + Cảm xúc mới trước thiên nhiên, trước cuộc đời. + Cảm xúc trước tình yêu. 3. Một số đặc sắc nghệ thuật. – Thể loại: Ban đầu Thơ mới phá cách một cách phóng túng nhưng dần dần trở về với các thể thơ truyền thống thân thuộc như thơ ngũ ngôn, thất ngôn, thơ lục bát – Thóat ra khỏi tính quy phạm chặt chẽ và hệ thống uớc lệ dày đặc của “thơ cũ”. – Hiệp vần: đa dạng, ít sử dụng độc vận( 1 vần) mà kết hợp nhiều cách hiệp vần . – Ngắt nhịp linh hoạt. – Ảnh hưởng của thơ Đường, thơ Pháp…. 4. Vị trí của phong trào Thơ mới: Phong trào thơ mới có vị trí vững chắc trong đời sống văn học dân tộc, có sức sống lâu bền trong lòng các thế hệ người đọc. II. Tác giả; Tác phẩm 1. Tác giả Huy Cận và tác phẩm Tràng giang. 1.1 Tác giả: Huy Cận (1919 – 2005) – Quê quán: Hương Sơn – Hà Tĩnh. – Cuộc đời: Học hết trung học ở Huế, ông ra Hà Nội học trường Cao đẳng Canh nông (1939); hoạt động mặt trận Việt Minh; sau cách mạng giữ nhiều trọng trách quan trọng trong chính quyền cách mạng – Là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của phong trào Thơ mới. – Trước Cách mạng tháng Tám 1945, tác phẩm đáng chú ý nhất của Huy Cận là tập “Lửa thiêng”, một tập thơ thể hiện rõ nét cá tính, tài năng, phong cách thơ Huy Cận: Buồn, ảo não, giàu chất suy tưởng, triết lí… 1.2. Tác phẩm “ Tràng Giang” – “Tràng giang” được in trong tập “Lửa thiêng” và được xem là bài thơ hay nhất của Huy Cận trước Cách mạng. – Cảm xúc bài thơ được khơi gợi từ một buổi chiều nhà thơ đứng trước sông Hồng mênh mang sóng nước (1939) 2. Tác giả Hàn Mặc Tử, Tác phẩm Đây thôn Vĩ Dạ. 2.1. Tác giả: – Hàn Mặc Tử (1912 – 1940) – Quê quán: Đồng Hới, Quảng Bình . (Sống nhiều ở Quy Nhơn, Bình Định.) – Cuộc đời: Học trung học ở Huế; làm công chức ở Sở Đạc điền Bình Định; vào Sài Gòn làm báo; mắc bệnh phong, về Quy Nhơn chữa bệnh, mất tại trại phong Quy Hòa. – Là một trong những nhà thơ có sức sáng tạo mạnh mẽ nhất của phong trào Thơ mới. – Thơ ông luôn thể hiện một tình yêu đớn đau hướng về cuộc đời trần thế. 2.2. Tác phẩm “ Đây Thôn Vĩ Dạ” – Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ lúc đầu có tên “Ở đây thôn Vĩ Dạ” được viết năm 1938, in trong tập Thơ điên (về sau đổi thành “Đau thương”). – Bài thơ được gợi cảm hứng từ mối tình đơn phương của Hàn Mặc Tử với một cô gái Huế, ở thôn Vĩ Dạ. B. ĐỌC – HIỂU I. NÉT CHUNG GIỮA HAI TÁC PHẨM 1. Nét chung về nội dung: 1.1. Nỗi buồn trước thời cuộc. – Nói đến Thơ mới là nói đến nỗi buồn của những tâm hồn đa cảm đa sầu. Huy Cận, Hàn Mạc Tử cũng không thoát khỏi khuynh hướng tất yếu ấy. – Nỗi buồn đó chính là hệ quả tất yếu khi cả hai nhà thơ ý thức được một cách sâu sắc về cảnh ngộ đất nước và thân phận con người trong xã hội nô lệ, một xã hội bế tắc, quằn quại. Trước cảnh nhân dân nô lệ lầm than dưới ách thực dân Pháp, Huy Cận, Hàn Mạc Tử càng yêu quê hương thắm thiết bao nhiêu, lại càng thấy ảo não, buồn bấy nhiêu. Đấy là nỗi buồn của những con người yêu nước. – Dòng tâm trạng buồn trước thời cuộc được hai nhà thơ cụ thể hóa trong từng cảnh vật: + Thơ Huy Cận: “tràng giang, mái nước song song, sông dài trời rộng, mênh mông, con nước…” – Đó là hình ảnh tượng trưng cho dòng đời bao la, mênh mông rợn ngợp… Câu cuối “ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” “ Nhớ nhà” – Nỗi buồn, nhớ quê nhà ấm áp. Rộng hơn đó là nỗi nhớ quê hương, đất nước khi đất nước chưa phải chịu cảnh nô lệ lầm than. + Thơ Hàn Mặc Tử: “Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”. Dòng nước thấm cái buồn của ngoại cảnh hay chính là cái buồn thiu của tâm cảnh. Thiên nhiên đẹp nhưng cũng thật lạnh lẽo, nó mang đầy tâm trạng u buồn, cô đơn của nhà thơ trước sự xa cách, thờ ơ của cuộc đời đối với mình: “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/ Ai biết tình ai có đậm đà” 1.2 Nỗi buồn cô đơn, bế tắc. – Nỗi buồn cô đơn, lẻ loi của con người trong xã hội cũ một phần là do họ không tìm thấy sự giao cảm với cuộc đời. Cuộc đời không định hướng, chưa nhận ra lối đi, họ rơi vào bế tắc: + “củi một cành khô>< lạc mấy dòng” + “ Bèo dạt về đâu” à Sự chìm nổi, cô đơn – biểu tượng về thân phận con người lênh đênh, lạc loài giữa dòng đời. – Khát khao được sum họp: + “chim nghiêng cánh nhỏ” + “Thuyền ai… ,có chở trăng về kịp tối nay” – Khao khát, mong ước được được giao hòa, hòa nhập với cuộc đời, nhưng mọi cánh cửa đều khép, mọi đối tượng tương giao không cònàBuồn. + “ nước song song”,” sầu trăm ngã”, lạc mấy dòng”… + “ thuyền về nước lại” + “không cầu, không một chuyến đò, +“ Gió theo lối gió, mây đường mây” à Những chi tiết, hình ảnh trên không hứa hẹn sự hội tụ, gặp gỡ mà gợi lên sự chia tan, xa lìa, buồn bã. Các sự vật của thế giới khách quan vẫn tồn tại và đươc đặt bên cạnh nhau nhưng giữa chúng chẳng hề có sự liên hệ nào. àTất cả tạo nên một nỗi cô đơn, bế tắc, buồn trùng điệp trong lòng chủ thể trữ tình. 1.3 Nỗi buồn trong sáng. – Cái buồn trong thơ của Huy Cận và Hàn Mạc Tử là cái buồn đẹp, thanh khiết và tích cực vì đó là cái buồn của những tâm hồn chưa khô héo, chưa lạnh nhạt, thờ ơ, phó mặc trước cuộc đời. + Nỗi buồn đó được Huy Cận gửi gắm vào các hình ảnh thiên nhiên sông nước mênh mông, rợn ngợp: “ Sóng gợn tràng giang”, “ con thuyền xuôi mái”, “ bờ xanh tiếp bãi vàng” “ Nắng xuống trời lên”, “sông dài trời rộng”… + Hàn Mạc Tử gửi gắm vào bức tranh Thôn Vĩ đẹp, thơ mộng, tràn đầy sức sống. “Nắng hàng cau, nắng mới lên” “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc” – Với nỗi sầu buồn ấy, Huy Cận và HMT gởi đến người đọc thông điệp về sự hòa nhập giữa nỗi buồn, sự cô đơn cá nhân với cuộc đời chung. 2. Nét chung về nghệ thuật. – Cả 2 tác phẩm đều là thơ thất ngôn; – Bút pháp tả cảnh giàu tính tạo hình – Cách hiệp vần phong phú. – Cách ngắt nhịp linh hoạt. II. NÉT RIÊNG GIỮA HAI TÁC PHẨM 1. Nội dung: – “ Tràng giang” ( Huy Cận): Nỗi buồn bắt nguồn từ sự ý thức về nỗi cô đơn, nhỏ nhoi, bất định của kiếp người trong cái vô cùng, vô tận của đất trời. – “Đây thôn Vĩ Dạ” ( Hàn Mạc Tử): Nỗi buồn , đau thương của một tâm hồn khát yêu, khát sống do bị bệnh tật đọa đày, cách biệt với cuộc đời. 2. Nghệ thuật: – “ Tràng giang” : + Sd từ Hán Việt ( tràng giang ) + Hình ảnh ẩn dụ ( thuyền, bèo, củi…) + Kết hợp giữa cổ điển và hiện đại + Nghệ thuật đối lập. + Hệ thống từ láy giàu giá trị biểu cảm. – “Đây thôn Vĩ Dạ”: + Sd câu hỏi tu từ + Nghệ thuật so sánh, nhân hóa. + Thủ pháp lấy động tả tĩnh. + Hình ảnh sáng tạo với trí tưởng tượng phong phú. |
Phần III. KẾT LUẬN
Trong quá trình thực hiện chuyên đề, tổ Ngữ văn nhận thấy việc đổi mới phương pháp dạy học theo chủ đề có rất nhiều ý nghĩa đối với người dạy, người học, đối với hoạt động giáo dục trong nhà trường. Nếu như trước đây các em tiếp nhận kiến thức một cách thụ động trong mô hình người dạy là trung tâm thì bây giờ, học sinh thực sự là trung tâm của quá trình học. Nội dung học tập được nghiên cứu để phù hợp với từng đối tượng học sinh. Tiến trình bài học không còn khô cứng, khuôn mẫu mà được thiết kế một cách linh hoạt, dựa trên khả năng sáng tạo của học sinh. Học sinh không phải chỉ học, tiếp thu kiến thức trên lớp thông qua sự truyền đạt của giáo viên mà quan trọng hơn, trên cơ sở những gì giáo viên đã hướng dẫn, học sinh sẽ học ngay trong quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập, học sinh có nhiều cơ hội trải nghiệm, có thể phát biểu quan điểm chính kiến riêng của bản thân trước các vấn đề đặt ra trong bài học.