8. Đề thi thử tốt nghiệp THPT 2021 môn Văn – THPT Lý Thái Tổ – Lần 1

  1. ĐỌC HIỂU

Đọc câu chuyện sau và trả lời câu hỏi:

Câu chuyện của hai hạt mầm

Có hai hạt mầm nằm cạnh nhau trên một mảnh đất màu mỡ. Hạt mầm thứ nhất nói: – Tôi muốn lớn lên thật nhanh. Tôi muốn bén rễ sâu xuống lòng đất và đâm chồi nảy lộc xuyên qua lớp đất cứng phía trên…Tôi muốn nở ra những cánh hoa dịu dàng như dấu hiệu chào đón mùa xuân… Tôi muốn cảm nhận sự ấm áp của ánh mặt trời và thưởng thức những giọt sương mai đọng trên cành lá. Và rồi hạt mầm mọc lên. Hạt mầm thứ hai bảo: – Tôi sợ lắm. Nếu bén những nhánh rễ vào lòng đất sâu bên dưới, tôi không biết sẽ gặp phải điều gì ở nơi tối tăm đó. Và giả như những chồi non của tôi có mọc ra, đám côn trùng sẽ kéo đến và nuốt ngay lấy chúng. Một ngày nào đó, nếu những bông hoa của tôi có thể nở ra được thì bọn trẻ con cũng sẽ vặt lấy mà đùa nghịch thôi. Không, tốt hơn hết là tôi nên nằm ở đây cho đến khi cảm thấy thật an toàn đã. Và rồi hạt mầm nằm im và chờ đợi. Một ngày nọ, một chú gà đi loanh quanh trong vườn tìm thức ăn, thấy hạt mầm nằm lạc lõng trên mặt đất bèn mổ ngay lập tức.

(Theo Hạt giống tâm hồn)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật trong lời nói của hạt mầm thứ nhất.

Câu 3: Vì sao hạt mầm thứ hai lại nằm im và chờ đợi?

Câu 4: Bài học được rút ra cho chúng ta qua câu chuyện trên?

  1. LÀM VĂN

Câu 1:

Dựa vào những nội dung trong phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về bản lĩnh của con người trong cuộc sống.

Câu 2:

Cảm nhận tinh thần bi tráng của hình tượng người lính Tây Tiến được nhà thơ Quang Dũng thể hiện trong những đoạn thơ sau:

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời! …

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

(Trích Tây Tiến, Quang Dũng, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục, 2008, tr.88-89)

LỜI GIẢI CHI TIẾT

 

Phần Nội dung
I Câu 1 (NB)

Phương pháp: Vận dụng những kiến thức về các phương thức biểu đạt đã học: Tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận.

Cách giải:

Phương thức biểu đạt chính: Tự sự.

Câu 2 (TH)

Phương pháp: Vận dụng kiến thức về câu hỏi tu từ.

Cách giải:

– Biện pháp điệp – điệp từ và điệp cấu trúc câu, ẩn dụ, nhân hóa.

– Tác dụng: nhấn mạnh diễn tả những khát khao, ước mơ của hạt mầm thứ nhất, gợi lối sống mạnh mẽ, đam mê hành động, cống hiến và tận hưởng; khiến câu văn gợi hình ảnh, biểu cảm và giàu nhịp điệu.

Câu 3 (TH)

Phương pháp: Đọc kỹ, tìm ý.

Cách giải:

Hạt mầm nằm im và chờ đợi vì: hạt mầm sợ nơi tối tăm, sợ đám côn trùng sẽ kéo đến và nuốt ngay, sợ bọn trẻ con cũng sẽ vặt lấy mà đùa nghịch nên nằm im cho đến khi cảm thấy thật an toàn đã.

Câu 4 (TH)

Phương pháp: Phân tích, lý giải, tổng hợp.

Cách giải:

Bài học rút ra:

+ Cuộc sống luôn có những cơ hội cho những ai dám chấp nhận thử thách.

+ Dám thực hiện ước mơ vì cuộc sống đích thực có ý nghĩa với chính mình và cuộc đời.

II Câu 1 (VDC)

Phương pháp:

Tìm hiểu đề, xác định rõ vấn đề cần nghị luận Bản lĩnh của con người trong cuộc sống.

– Phân tích, lí giải, tổng hợp.

Cách giải:

* Yêu cầu:

– Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn.

– Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

a. Nêu vấn đề:

b. Bàn luận:

– Bản lĩnh là khả năng, đức tính tự quyết định một cách độc lập thái độ, hành động của mình, không vì áp lực bên ngoài mà thay đổi quan điểm.

– Cuộc sống con người cần có bản lĩnh vì đó là quá trình quyết tâm kiên cường không ngại khó khăn gian khổ.

– Người bản lĩnh luôn có sự can đảm, tự tin, ý chí nghị lực mạnh mẽ…những phẩm chất cần thiết để dám nghĩ, dám làm, dám thành công, dám là chính mình… là chỗ dựa đáng tin cho những người xung quanh.

– Phân biệt bản lĩnh với liều lĩnh, phê phán lối sống hèn nhát, adua…

c. Đánh giá, mở rộng:

Câu 2 (VDC)

Phương pháp:

Xác định rõ vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận tinh thần bi tráng của hình tượng người lính Tây Tiến được nhà thơ Quang Dũng thể hiện trong đoạn thơ.

– Biểu cảm, bình luận, phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

I. Mở bài

– Giới thiệu một số nét tiêu biểu về tác giả Quang Dũng: Cuộc đời, con người và phong cách nghệ thuật đặc trưng của nhà thơ.

– Nêu khái quát chung về tác phẩm “Tây Tiến”: hoàn cảnh sáng tác, vị trí, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật.

– Khái quát nội dung của đoạn trích: tinh thần bi tráng của hình tượng người lính Tây Tiến

II. Thân bài

* Cảm nhận về tinh thần bi tráng của hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn thơ

– Tinh thần bi tráng (mang hai yếu tố bi và tráng) là những mất mát đau thương nhưng vẫn mang màu sắc hào hùng, là đặc điểm của hình tượng người lính Tây Tiến được Quang Dũng tái hiện trong hai đoạn thơ khi nhà thơ nhìn thẳng vào hiện thực gian khó, thiếu thốn nhưng không phải để bi lụy mà nhằm ngợi ca tinh thần chiến đấu, xả thân của anh bộ đội cụ Hồ.

– Tinh thần bi tráng được thể hiện qua sự khẳng định những hiện thực trên chặng đường hành quân, nơi khốc liệt chiến trường nhưng người lính Tây Tiến vẫn giữ vững lí tưởng cao đẹp, làm nên vẻ đẹp bi tráng hào hùng.

+ Hai câu thơ ở đoạn 1 bài thơ: Bi thương bởi hiện thực nghiệt ngã về giây phút nghỉ chân hiếm hoi, nỗi nhọc mệt, sự hi sinh giữa cuộc hành quân: dãi dầu không bước nữa…gục lên súng mũ Hùng tráng bởi sự ra đi thầm lặng, thanh thản với khí phách bỏ quên đời, hiến dâng đời xanh làm nên mùa xuân cho đất nước.

+ Bốn câu thơ tiếp ở đoạn 3 bài thơ: Bi thương với hiện thực tàn khốc chiến tranh: thiếu thốn, bệnh tật, mất mát hi sinh rải rác biên cương mồ viễn xứ…áo bào thay chiếu anh về đất Hùng tráng với lí tưởng cao đẹp vì độc lập tự do Tổ quốc- Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, với âm vang vừa đau thương vừa dữ dội oai hùng Sông Mã gầm lên khúc độc hành tiễn đưa, tôn vinh tầm vóc sử thi của người lính trong hi sinh

– Tinh thần bi tráng được thể hiện bằng giọng điệu trầm hùng; thể thất ngôn rắn rỏỉ, cách nói giảm nói tránh, bút pháp lãng mạn với sự tương phản, cường điệu, ngôn ngữ vừa quen thuộc vừa mới lạ giàu tính tạo hình, biểu cảm, giàu chất họa, chất nhạc, chất thơ… với lượng từ Hán Việt tôn nghiêm, bất tử hóa sự ra đi của người lính Tây Tiến.

* Đánh giá

– Tinh thần bi tráng cùng cảm hứng lãng mạn làm nên nét đặc sắc của hình tượng người lính Tây Tiến và sức sống thi phẩm.

– Nhà thơ đã sáng tạo được bức tượng đài tập thể những người lính với vẻ đẹp tinh thần tiêu biểu cho vẻ đẹp của dân tộc những năm tháng đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp – vừa gian khổ hi sinh vừa hào hùng oanh liệt

III. Kết bài:

– Vẻ đẹp hình tượng người lái đò.

– Phong cách nghệ thuật độc đáo, tài hoa và uyên bác của nhà văn Nguyễn Tuân.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *