MỤC TIÊU
– Kiểm tra mức độ kiến thức của học sinh cụ thể:
+ Kiến thức tiếng việt, làm văn
+ Kiến thức văn học: Tác giả, tác phẩm
+ Kiến thức đời sống.
– Rèn luyện các kỹ năng cơ bản:
+ Kỹ năng đọc hiểu
+ Kỹ năng tạo lập văn bản (đoạn văn nghị luận xã hội, bài văn nghị luận văn học)
- ĐỌC HIỂU
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Thế giới hiện đại phát triển quá nhanh khiến cho nhiều người cảm thấy chỉ một khắc chậm chân đã tụt lại phía sau quá xa. Lấy việc đó làm động lực để bước tiếp hay chịu thua và bị trói buộc vào cuộc sống nhàm chán, đơn điệu hàng ngày là sự lựa chọn của mỗi người; thế nhưng thế giới vĩnh viễn sẽ không bao giờ thu nhỏ lại, vậy nên tầm nhìn của bạn cần phải to lớn hơn.
Bạn có biết rằng, từ “Sekai” trong tiếng Nhật có nghĩa là “thế giới”; nhưng trong đó bản thân từ “kai” lại vừa có nghĩa là “giải”- “phát triển”; lại có nghĩa là “đáng giá”? Điều đó có nghĩa là, mỗi cuộc dấn thân, mỗi chuyến phiêu lưu tìm hiểu thế giới này đều là những trải nghiệm cần thiết và quý báu. Thay vì dính chặt lấy cuộc sống thường nhật tẻ nhạt và nhàm chán, nhiều bạn trẻ giờ đây đã chọn cách mạnh mẽ thể hiện bản thân mình, trải nghiệm cuộc sống bằng những chuyến đi xa, những cuộc gặp gỡ, kết giao thú vị. Có thể nói, đó chính là những người trẻ chọn việc không ngừng phấn đấu và tiến về phía trước, và sẽ là những người thu vào trong tầm mắt phần rộng lớn và tươi đẹp nhất của thế giới này (…).
Vậy nên hãy luôn khát khao bám đuổi theo cái tôi mới mẻ và bứt phá; mạnh dạn chấp nhận những thử thách của cuộc sống để bước chân ra khỏi vùng an toàn của chính mình, bạn nhé ! Bởi cuộc đời chỉ thực sự trở nên hoàn hảo khi tầm nhìn của bạn rộng mở hơn.
(http://ttvn.vn/nhip-song/mo-rong-doi-mat-truoc-cuoc-doi-rong-lon-ban-se-nhanlai-dieu-gi 2120181211181847470.htm)
Câu 1: (NB) Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2: (VD) Anh/chị nêu ít nhất hai hình thức trải nghiệm cuộc sống dành cho tuổi trẻ học đường?
Câu 3: (TH) Nêu tác dụng của việc giải thích từ “Sekai” trong tiếng Nhật của văn bản?
Câu 4: (TH) Anh/ chị có đồng tình với quan điểm “thế giới vĩnh viễn sẽ không bao giờ thu nhỏ lại, vậy nên tầm nhìn của bạn cần phải to lớn hơn” được nêu trong văn bản hay không? Vì sao?
- LÀM VĂN
Câu 1:
Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, Anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày về ý nghĩa của việc “Mạnh dạn chấp nhận những thử thách của cuộc sống” đối với tuổi trẻ trong cuộc sống hôm nay.
Câu 2:
…“Hùng vĩ của sông Đà không phải chỉ có thác đá. Mà nó còn là những cảnh đá bờ sông, dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời. Có vách đá thành chẹt lòng Sông Đà như một cái yết hầu. Đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách. Có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia. Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện. Lại như quãng mặt ghềnh Hát Loóng, dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió , cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò Sông Đà nào tóm lược qua đấy. Quãng này mà khinh suất tay lái thì cũng dễ đòi lật ngửa bụng thuyền ra. Lại như quãng Tà Mường Vát phía dưới Sơn La. Trên sông bỗng có những cái hút nước giống như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu. Nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc. Trên mặt cái hút xoáy tít đáy, cũng đang quay lừ lừ những cánh quạ đàn . Không thuyền nào dám men gần cái hút nước ấy, thuyền nào qua cũng chèo nhanh để lướt quãng sông, y như ô tô sang số ấn ga cho nhanh để vút qua một quãng đường mượn cạp ra ngoài bờ vực.
(Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2005, tr186,và 191)
Anh chị hãy phân tích hình tượng Sông Đà trong đoạn trích trên, từ đó nhận xét phong cách nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Tuân trong tùy bút Người lái đò Sông Đà.
———–HẾT———-
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
- ĐỌC HIỂU
Câu 1
Phương pháp: Vận dụng những kiến thức về các phương thức biểu đạt đã học: Tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận.
Cách giải:
Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.
Câu 2
Phương pháp: Vận dụng kiến thức thực tế.
Cách giải:
Học sinh nêu hai trong các hình thức sau:
-Hoạt động câu lạc bộ
-Tổ chức trò chơi
-Tổ chức diễn đàn
-Tham quan dã ngoại
-Hoạt động chiến dịch
Câu 3
Phương pháp: Phân tích, lý giải, tổng hợp.
Cách giải:
Việc giải thích từ “Sekai” trong tiếng Nhật của văn bản có tác dụng:
– Làm rõ đặc điểm của thế giới: thế giới rộng lớn, luôn phát triển không ngừng và đáng giá.
– Khuyến khích tuổi trẻ cần phải biết khám phá thế giới
Câu 4
Phương pháp: Phân tích, lý giải, tổng hợp.
Cách giải:
Học sinh có thể trả lời: Đồng tình ý kiến, không đồng tình hoặc đồng tình một phần nhưng lí giải hợp lí, thuyết phục. Sau đây là gợi ý:
-Đồng tình vì: Quy luật của thế giới là luôn vận động và phát triển không ngừng. Vì thế, sứ mệnh của mỗi người là phải mở rộng tầm nhìn về thế giới để tăng cường sự hiểu biết, tiếp thu tri thức nhân loại, rèn luyện kĩ năng sống và làm giàu đời sống tâm hồn.
– Không đồng tình (HS nêu lí lẽ hợp lí thuyết phục, không lệch chuẩn đạo đức)
– Đồng tình một phần (HS nêu lí lẽ hợp lí thuyết phục, không lệch chuẩn đạo đức)
- LÀM VĂN
Câu 1
Phương pháp:
– Tìm hiểu đề, xác định rõ vấn đề cần nghị luận Sự cần thiết phải biết chấp nhận thất bại trong cuộc sống
– Phân tích, lí giải, tổng hợp.
Cách giải:
* Yêu cầu:
– Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn.
– Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
- Giải thích: Thử thách là những yếu tố gây khó khăn, cản trở đến việc thực hiện một công việc, một kế hoạch, một mục tiêu nào đó, buộc con người ta phải vượt qua.
2.Ý nghĩa: Khi “mạnh dạn chấp nhận những thử thách của cuộc sống” đối với tuổi trẻ trong cuộc sống hôm nay.
-Tuổi trẻ là tuổi của ước mơ, khát vọng vươn cao, bay xa; được giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội; Những khó khăn của cuộc sống là môi trường để thử thách tuổi trẻ.
– Mạnh dạn chấp nhận những thử thách của cuộc sống giúp tuổi trẻ sẽ có bản lĩnh vững vàng; rèn được ý chí, nghị lực; có sức mạnh tinh thần để từng bước dấn thân vào cuộc đời; làm chủ cuộc đời của mình…
– Phê phán một bộ phận giới trẻ luôn sống thiếu bản lĩnh và nghị lực: sợ khó, sợ khổ, trở thành người nhụt chí, dễ sa ngã trước những cám dỗ của cuộc sống.
3.Bài học:
– Phải biết thử thách là điều tất yếu để chuẩn bị tinh thần tìm mọi cách vượt qua.
– Cá nhân tích cực học tập và rèn luyện, tham gia hoạt động trải nghiệm cuộc sống…
Câu 2
Phương pháp:
– Xác định rõ vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận vẻ đẹp của Sông Đà thông qua đoạn trích – Biểu cảm, bình luận, phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
- Mở bài
– Giới thiệu một số nét tiêu biểu về tác giả Nguyễn Tuân: Cuộc đời, con người và phong cách nghệ thuật đặc trưng của nhà thơ.
– Nêu khái quát chung về tác phẩm “Người lái đò Sông Đà”: hoàn cảnh sáng tác, vị trí, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật.
– Khái quát nội dung của đoạn trích: Vẻ đẹp của Sông Đà thông qua đoạn trích
3
- Thân bài
- Vẻ đẹp hình tượng sông Đà.
a.Vẻ đẹp hình tượng Sông Đà
*Vách đá
-Đá dựng vách thành, và những bức thành vách đá chẹt Sông Đà như một cái yết hầu
– Độ hẹp của Sông Đà được thể hiện qua các biện pháp tu từ so sánh và những liên tưởng, tưởng tượng. Mặt sông lúc ấy đúng ngọ mới có mặt trời Con hổ con nai có thể vọt từ bờ bên này sang bờ bên kia Đang mùa hè cũng thấy lạnh
→ Bờ Sông Đà hùng vĩ, hiểm trở.
*Ghềnh Hát Loóng
– Nhân hóa con sông như một kẻ chuyên đi đòi nợ thuê: dữ dằn, gắt gao, tàn bạo.
– Điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc (nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió) được hỗ trợ bởi những thanh trắc liên tiếp đã tạo nên âm hưởng dữ dội, nhịp điệu khẩn trương, dồn dập như vừa xô đẩy, vừa hợp sức của sóng, gió và đá khiến cho cả ghềnh sông như sôi lên, cuộn chảy dữ dằn, tạo nên một mối đe dọa thực sự đối với bất kì người lái đò nào “quãng này mà khinh suất tay lái thì cũng dễ lật ngửa bụng thuyền ra”.
*Hút nước
– Tác giả so sánh và nhân hóa hút nước để thấy được sự hung bạo: Nước ở đây thở và kêu như của cống cái bị sặc, chỗ nước giếng sâu ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào
→ Lối so sánh độc đáo khiến Sông Đà không khác gì loài thủy quoái với những tiếng kêu ghê rợn như muốn khủng bố tinh thần và uy hiếp con người.
– Hút nước còn nguy hiểm: Tác giả liên tưởng đến quãng đường mượn cạp ra ngoài bờ vực giúp người đọc hình dung cảm giác hãi hùng khi phải đi thuyền qua những hút nước đó.
- Nghệ thuật:
– Hình tượng Sông Đà được khắc họa bằng một số biện pháp nghệ thuật: nhân hóa, so sánh, liên tưởng tưởng tượng,
– Hệ thống từ vựng phong phú, giàu có, vận dụng kiến thức của cá lĩnh vực khác để miêu tả con Sông Đà
– Sử dụng nhiều câu văn dài nhịp nhàng, uyển chuyển.
- Nhận xét về đặc điểm phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân.
– Qua tùy bút thể hiện vốn tri thức uyên bác của Nguyễn Tuân phô diễn trên trang viết. Nhà văn đã vận dụng kiến thức của nhiều lĩnh vực như: Điện ảnh, giao thông, thể thao…..
-Nguyễn Tuân luôn quan sát, khám phá và diễn tả sự vật ở góc độ thẩm mĩ và được soi rọi dưới ánh sáng của nghệ thuật; quan sát, khám phá con người nghiêng về phương diện tài hoa nghệ sĩ.
– Tô đậm cái phi thường gây cảm giác mãnh liệt dữ dội. Tấm lòng yêu thiên nhiên, yêu Tổ quốc qua những trang văn. Vận dụng thể tùy bút linh hoạt, sáng tạo.
- Đánh giá
– Con Sông Đà với tính cách hung bạo tạo nên cá tính độc đáo khác biệt trong văn chương.
– Khẳng định bút pháp tài hoa độc đáo của Nguyễn Tuân trong nghệ thuật xây dựng hình tượng văn học.
III. Kết bài:
– Vẻ đẹp hình ảnh con sông Đà.
– Phong cách nghệ thuật độc đáo, tài hoa và uyên bác của nhà văn Nguyễn Tuân.