0. Đề minh họa môn Ngữ Văn – Thi tốt nghiệp THPT 2021 – Bộ GD_ĐT

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

ĐỀ THI THAM KHẢO

 

KỲ THI TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2021

Bài thi: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút không kể thời gian phát đề

  1. ĐỌC HIẾU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích: 

Miền Trung

Câu ví dặm nằm nghiêng

Trên nắng và dưới cát

Đến câu hát cũng hai lần sàng lại

Sao lọt tai rồi vẫn day dứt quanh năm.

 

Miền Trung

Bao giờ em về thăm

Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt

Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ

Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ

Không ai gieo mọc trắng mặt người.

 

Miền Trung

Eo đất này thắt đáy lưng ong

Cho tình người đọng mật

Em gắng về 

Đừng để mẹ già mong… 

(Trích Miền Trung, Hoàng Trần Cương, Thơ hay Việt Nam thế kỉ XX, 

NXB Văn hóa Thông tin, 2006, tr. 81-82)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Chỉ ra hai hình ảnh trong đoạn trích diễn tả sự khắc nghiệt của thiên nhiên miền Trung.

Câu 3. Những dòng thơ sau giúp anh/chị hiểu gì về mảnh đất và con người miền Trung?

Miền Trung

Eo đất này thắt đáy lưng ong 

Cho tình người đọng mật

Câu 4. Anh/Chị hãy nhận xét về tình cảm của tác giả đối với miền Trung được thể hiện trong đoạn trích.

  1. LÀM VĂN (7,0 điểm) 

Câu 1. (2,0 điểnm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sức mạnh của tình người trong hoàn cảnh khó khăn thử thách.

Câu 2. (5,0 điểm).

Phải nhiều thế kỉ qua đi, người tình mong đợi mới đến đánh thức người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại. Nhưng ngay từ đầu vừa ra khỏi vùng núi, sông Hương đã chuyển dòng một cách liên tục, vòng giữa khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm, như một cuộc tìm kiếm có ý thức để đi tới nơi gặp thành phố tương lai của nó. Từ ngã ba Tuần, sông Hương theo hướng nam bắc qua điện Hòn Chén; vấp Ngọc Trản, nó chuyển hướng sang tây bắc, vòng qua thềm đất bãi Nguyệt Biều, Lương Quán rồi đột ngột vẽ một hình cung thật tròn về phía đông bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ, xuôi dần về Huế. Từ Tuần về đây, sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn, vượt qua một lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản để sắc nước trở nên xanh thắm, và từ đó nó trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách, với những điểm cao đột ngột như Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo mà từ đó, người ta luôn luôn nhìn thấy dòng sông mềm như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé vừa bằng con thoi. Những ngọn đồi này tạo nên những mảng phản quang nhiều màu sắc trên nền trời tây nam thành phố, “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” như người Huế thường miêu tả. Giữa đám quần sơn lô xô ấy, là giấc ngủ nghìn năm của những vua chúa được phong kín trong lòng những rừng thông u tịch và niềm kiêu hãnh âm u của những lăng tầm đồ sộ tỏa lan khắp cả một vùng thượng lưu “Bốn bề núi phủ mây phong – Mảnh trăng thiên cổ bóng tùng Vạn Niên”. Đó là vẻ đẹp trầm mặc nhất của sông Hương, như triết lí, như cổ thi, kéo dài mãi đến lúc mặt nước phẳng lặng của nó gặp tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga tận bờ bên kia, giữa những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà… 

(Trích Ai đã đặt tên cho dòng sông, Hoàng Phủ Ngọc Tường

Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr. 198-199)

Phân tích hình tượng sông Hương trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về tính trữ tình của bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường.

——— HẾT ——–

NHẬN XÉT ĐỀ THAM KHẢO THI TỐT NGHIỆP THPT 2021

MÔN NGỮ VĂN

 

  1. Nhận xét chung:

Đề tham khảo môn Ngữ văn kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2021 giữ nguyên thời lượng và cấu trúc của đề thi chính thức môn Ngữ văn trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2020. Học sinh trung bình nắm chắc kiến thức cơ bản có thể đạt được điểm 5- 6 đủ đảm bảo để xét tốt nghiệp, học sinh khá có thể đạt được trên dưới điểm 7, học sinh giỏi có thể đạt được điểm 8 trở lên.

Đề tham khảo môn Ngữ văn giữ nguyên cấu trúc cũ và có sự giảm bớt về độ khó đã mang lại cảm giác yên tâm cho cả giáo viên và học sinh trong giai đoạn học tập và ôn thi, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đã ảnh hưởng đến việc dạy và học của giáo viên và học sinh trong suốt thời gian qua.

  1. Phân tích cấu trúc:

Cấu trúc đề gồm 2 phần:

Phần I: Đọc hiểu (3 điểm)

Đề cung cấp 01 văn bản đọc hiểu là một đoạn thơ với dung lượng vừa phải và đưa ra 4 câu hỏi đọc hiểu ở các mức độ từ nhận biết (câu 1 và câu 2) đến thông hiểu (câu 3), rồi đến vận dụng (câu 4). Dù ở các mức độ của tư duy, nhưng các câu hỏi đều không khó, học sinh có thể trả lời dễ dàng. Phổ điểm cho phần này sẽ là 2 đến 2,25 điểm.

Phần II: Làm văn (7 điểm)

Phần II gồm 2 câu: câu 1 (2 điểm) yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội- giới hạn dung lượng khoảng 200 chữ, câu 2 (5 điểm) yêu cầu viết bài văn nghị luận văn học- không giới hạn dung lượng

– Câu 1 đưa ra vấn đề tư tưởng đạo lí “sức mạnh của tình người trong hoàn cảnh khó khăn thử thách” liên quan đến nội dung của văn bản đọc hiểu trong phần I. Đây là vấn đề thiết thực, không xa lạ với học sinh nên cũng không “làm khó” các em. Phổ điểm của câu 1 sẽ là 1,5 điểm.

– Câu 2 yêu cầu học sinh phân tích hình tượng sông Hương trong đoạn trích, từ đó nhận xét về tính trữ tình của bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường- là một nét phong cách nghệ thuật tiêu biểu của nhà văn. Đề cung cấp sẵn văn bản đoạn trích sẽ giảm nhẹ gánh nặng học thuộc dẫn chứng, nhưng sẽ đòi hỏi kĩ năng lập ý và phân tích ở học sinh. Vì vậy sẽ tránh được tình trạng điểm quá kém, nhưng để bật lên điểm giỏi- 4 điểm trở lên, các em học sinh cần có khả năng tư duy, khả năng cảm thụ và khả năng diễn đạt ở mức độ tốt. Yêu cầu đặt ra với học sinh hoàn toàn nằm trong phần kiến thức cơ bản đã được học của chương trình Ngữ văn 12, nên phổ điểm sẽ khoảng 3 điểm.

  1. Một số gợi ý giúp học sinh ôn tập hiệu quả đối với kì thi:

– Tranh thủ vừa học bài mới vừa ôn tập lại các kiến thức đã học từ đầu năm. Kiến thức phần văn học cần được hệ thống theo hình thức sơ đồ tư duy và lập bảng để việc ghi nhớ được thuận lợi và bền vững.

– Có kế hoạch tự ôn tập khoa học và thực hiện một cách nghiêm túc, tự giác.

– Tăng cường luyện tập các dạng bài: đọc hiểu, nghị luận xã hội, nghị luận văn học để hình thành các kỹ năng cần thiết.

– Làm thật nhiều đề thi thử bám sát cấu trúc của đề thi để có sự chuẩn bị tâm lí tốt nhất.

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

  1. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

Phương pháp: Vận dụng những kiến thức về các thể thơ đã học.

Cách giải:

Thể thơ được sử dụng trong tác phẩm: Thể thơ tự do.

Câu 2:

Phương pháp: Đọc đoạn trích, tìm ý.

Cách giải:

Hai hình ảnh nói đến sự khắc nghiệt của thiên nhiên miền Trung:

– “Câu ví dặm nằm nghiêng/ Trên nắng và dưới cát”

-> Thiên nhiên không thuận lợi quanh năm đối diện với nắng gắt, thay vì đất đai màu mỡ nơi đây phần nhiều là cát trắng.

“Chỉ gió bão là tốt tươi như có/ Không ai gieo mọc trắng mặt người”.

-> Gió bão diễn ra liên tục, khắc nghiệt vô cùng làm ảnh hưởng không tốt tới con người.

Câu 3

Phương pháp: Phân tích, lý giải.

Cách giải:

Học sinh có thể trình bày theo ý hiểu của mình và lý giải.

Gợi ý:

Miền Trung

Eo đất này thắt đáy lưng ong

Cho tình người đọng mật

Ba câu thơ trên đã gợi ra hình ảnh về mảnh đất và con người Miền Trung:

– Mảnh đất miền Trung vô cùng khắc nghiệt với nắng gió, thiên tai, đất đai không màu mỡ. Tất cả những điều ấy tạo nên những bất lợi cho hoạt động sản xuất và sinh sống của người dân.

– Tuy nhiên, con người miền Trung vẫn luôn chăm chỉ, cần cù và sống với nhau bằng tất cả sự yêu thương chân thành nhất.

Câu 4

Phương pháp: Phân tích, lý giải, tổng hợp.

Cách giải:

Học sinh có thể tự đưa ra quan điểm của mình, lý giải.

Gợi ý:

– Tác giả thể hiện sự cảm thương đối với cuộc sống trước thiên nhiên khắc nghiệt của người dân miền Trung.

– Đồng thời qua đó, thể hiện sự trân trọng, ngợi ca những đức tính đáng quý của con người nơi đây: Cần cù, chịu khó, chân tình.

 

  1. LÀM VĂN

Câu 1:

Phương pháp:

– Tìm hiểu đề, xác định rõ vấn đề cần nghị luận Sức mạnh của tình người trong hoàn cảnh khó khăn thử thách.

– Phân tích, lí giải, tổng hợp.

Cách giải:

* Yêu cầu:

– Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn.

– Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

  1. Nêu vấn đề:

Giới thiệu vấn đề: Sức mạnh của tình người trong hoàn cảnh khó khăn thử thách

  1. Giải thích vấn đề:

– Tình người: Là thuật ngữ dùng để chỉ sự đối đãi, cư xử giữa người với người dựa trên tình yêu thương chân thành không có sự phân biệt.

– Hoàn cảnh khó khăn thử thách: Là những tình huống, việc làm không dễ dàng được đặt ra trong cuộc sống mỗi con người buộc con người phải đối diện.

=> Trong hoàn cảnh khó khăn nhất, tình yêu thương là phương thuốc hữu hiệu mang sức mạnh to lớn giúp con người vượt qua thử thách, giải quyết khó khăn.

  1. Bàn luận vấn đề:

– Trong hoàn cảnh khó khăn thử thách, tình yêu thương là động lực giúp con người vượt qua khó khăn, thử thách.

+ Tình yêu thương giúp xoa dịu, trấn tĩnh tâm hồn khi gặp phải phải khó khăn, thử thách.

+ Tình yêu thương tạo động lực khiến con người dám đối diện với thử thách, đối mặt với khó khăn để từ đó tìm ra hướng giải quyết tốt nhất.

+ Tình yêu thương là điểm tựa vững chắc nhất trong hành trình cố gắng giải quyết vấn đề của con người.

– Trong hoàn cảnh khó khăn, tình yêu thương tạo nên những sức mạnh phi thường.

+ Tình yêu thương giữa con người với con người đôi khi có khả năng khơi dậy những điểm mạnh, tiềm năng vốn có trong con người.

+ Tình yêu thương có khả năng tạo nên những sức mạnh phi thường mà con người không ngờ tới.

  1. Bàn luận mở rộng, nhận thức và hành động.

– Tình yêu thương rất quan trọng trong cuộc sống không chỉ là khi gặp khó khăn.

– Phê phán lối sống ích kỉ, vụ lợi cá nhân, nhỏ nhen.

– Tích cực trau dồi, mở rộng trái tim, trao đi yêu thương mỗi ngày để tạo nên những giá trị tuyệt vời cho cuộc

sống.

  1. Kết thúc vấn đề: Tổng kết, khái quát lại vấn đề.

Câu 2:

Phương pháp:

– Xác định rõ vấn đề cần nghị luận: Phân tích hình tượng sông Hương trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về tính trữ tình của bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường.

– Biểu cảm, bình luận, phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

  1. Mở bài

– Giới thiệu một số nét tiêu biểu về tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường:

+ Là một nhà văn chuyên viết về bút ký, được nhà văn Nguyên Ngọc đánh giá là một trong mấy người viết ký hay nhất của văn học đương đại.

+ Ông kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và chất trữ tình, giữa nghị luận sắc bén và suy tư đa chiều. Tất cả được tổng hợp từ vốn kiến thức phong phú về lịch sử, địa lý, văn hóa, triết học,.. với lối hành văn hướng nội, súc tích, mê đắm và tài hoa.

– Nêu khái quát chung về tác phẩm “Ai đã đạt tên cho dòng sông”:

+ Ai đã đặt tên cho dòng sông là bài bút ký xuất sắc in trong tập sách cùng tên.

+ Sáng tác ngay sau chiến thắng 1975 nên vẫn còn dư âm của khí thế chống giặc ngoại xâm và ngợi ca chủ nghĩa anh hùng.

– Khái quát nội dung: Vẻ đẹp con sông Hương dưới góc nhìn địa lý khi chảy ở ngoại ô thành phố Huế. Qua đó tính trữ tình của bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường được thể hiện rõ nét.

  1. Thân bài

* Vị trí đoạn trích: Nằm ở ngay đầu tác phẩm, đây là khi con sông Hương vừa chảy ra khỏi rừng già và đến với sự thơ mộng của cánh đồng Châu Hóa cùng cảnh vật những ngôi làng ngoại ô kinh thành Huế.

  1. Vẻ đẹp con sông Hương dưới góc nhìn địa lý khi chảy ở ngoại ô thành phố Huế qua vùng châu thổ êm đềm.

– Hình ảnh liên tưởng: Người gái đẹp đang nằm ngủ mơ màng giữa cách đồng Châu Hóa đầy hoa dại được người tình mong đợi đến đánh thức.

+ Người gái đẹp: Người con gái ở độ tuổi trăng trong, nhăn sắc trẻ trung phơi phới sức sống.

+ Nằm ngủ mơ màng: Giấc ngủ êm đềm với một giấc mộng đẹp kéo dài đến mấy thế kỉ.

+ Cánh đồng đầy hoa dại: Cánh đồng được sông Hương bồi đắp trở nên trù phú. Hoa dại là một loại hoa có sức sống mãnh liệt, màu sắc rực rỡ, mang hương thơm của đồng nội.

+ Người tình mong đợi: Chờ đợi càng kéo dài thì hạnh phúc càng lớn lao.

– Hành trình của sông Hương liên tưởng tới hành trình của người gái đẹp đi tìm người tình nhân đích thực của mình. Gọi là người tình đích thực vì người ấy rất xứng đáng, xứng đôi vừa lứa. Hành trình này vô cùng lãng mạn giống như những câu truyện tình yêu nhuốm màu cổ tích. Hành trình sông Hương về với Huế giống như hành trình cuộc tình nhân lý tưởng trong truyện Kiều: Tìm kiếm và đuổi bắt, hào hoa và đam mê, thi ca và âm nhạc.

– Vẻ đẹp của sông Hương trong hành trình đi tìm người yêu.

+ Sông Hương không ngừng hoàn thiện vẻ đẹp của mình để phô khoe trước người yêu, là để dâng tặng trước người yêu của mình.

+ Hành trình của sông Hương đi qua rất nhiều đoạn chảy nhỏ và được cảnh quan của đôi bờ soi bóng, tô điểm cho nên sông Hương ở mỗi đoạn chảy lại mang những nét đẹp đa dạng, phong phú.

++ Sông Hương tỉnh dậy sau một giấc ngủ kéo dài đến mấy thế kỉ sau một thời gian dài chờ đợi được người tình mong đợi đến đánh thức -> niềm hạnh phúc trang ngập -> Sức sống mạnh mẽ và háo hức đi tìm người yêu. Nhưng hành trình này không dễ dàng, khá là gian truân vượt qua rất nhiều chướng ngại vật (điện hòn 3 Chén; gò vấp, thềm đất bãi) uốn lượn quanh co được tác giả diễn tả qua những hình ảnh rất đẹp. Sông Hương chuyển dòng liên tục vòng giữa những khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm, vẽ một cánh cung thật trong ôm lấy chân đồi Thiên Mụ.

=> Trong quá trình vất vả để vượt qua chướng ngại vật sông Hương đã vô tình phô khoe những nét đẹp riêng rất ấn tượng.

+ Khi đi trong dư vang của Trường Sơn sông Hương vượt qua một lòng vực sâu dưới chân núi. Sắc nước có màu xanh thẳm rất khác với màu xanh ngọc bích của sông Đà, màu xanh của sông Hương gợi độ sâu, không thuần túy là cái đẹp hình thức mà có cả độ lắng của trải nghiệm.

+ Trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách, đồi núi trùng điệp, cao vững chãi như những bức tường thành dang che chở, bao bọc cho sông Hương -> Sông Hương trở nên mềm như tấm lụa -> mặt sông trải rộng, êm đềm -> Con thuyền trên sông giống như những con thoi.

+ Những dãy đồi núi với điểm cao đột ngột đã tạo nên những phản quang nhiều màu sắc cho dòng sông: Sớm mang màu xanh của nền trời in bóng mang theo độ trong của mặt nước. Đến trưa sông Hương lại chuyển màu do phản chiếu màu nắng rực rỡ. Đến chiều mặt nước sông hương lại chuyển sang màu tím. -> Thay đổi theo các thời điểm từng ngày đều tươi sáng, rực rỡ -> Sông Hương là một người con gái rát điệu đà, rất đáng yêu.

+ Sông Hương đi qua những lăng tẩm đồ sộ – nơi yên nghỉ ngàn thu của các vua chúa mang niềm kiêu hãnh âm u được phong kín trong lòng những lòng sông u tịch. -> Sông Hương trở nên trầm mặc như triết lý, như cổ thi.

+ Sông Hương nhận thấy những dấu hiệu từ xa của thành phố hay chính người tính từ xa. Đây là những dấu hiệu âm thanh: Tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga tận bờ bên kia giữa những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà -> Gợi cuộc sống bình yên, yên ả.

=> Sông Hương trở nên bừng sáng, tươi tắn.

  1. Tính trữ tình của bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường.

– Làm nên sức hấp dẫn cúa đoạn trích trước hết là nhờ xúc cảm sâu lắng của tác giả in hằn trong từng câu chữ.

– Tính trữ tình được tổng hợp từ vốn hiểu biết sâu rộng về lịch sử, địa lý, văn hóa, văn chương của Huế cùng với đó là tình yêu tha thiết với thành phố Huế thân yêu.

– Tính trữ tình thể hiện thông qua văn phong súc tích, hướng nội, tinh tế, tài hoa.

– Biện pháp nghệ thuật sử dụng rất dày đặc như so sánh, nhân hóa,… gắn với liên tưởng bất ngờ, sáng tạo

-> Mang đến sự thích thú đặc biệt cho người đọc.

III. Kết bài:

Khái quát lại nội dung, nghệ thuật của đoạn trích nói riêng và tác phẩm nói chung.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *