Viết bài văn bày tỏ suy nghĩ về “những giá trị ảo” trong cuộc sống hôm nay.

VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ XÃ HỘI

(Con người và cuộc sống xung quanh)

BỘ KẾT NỐI

Đề bài

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

(1) Chứng kiến loạt scandal xảy ra trong những tháng vừa qua, nhiều người không khỏi thốt lên “Showbiz Việt nhiễu loạn quá!”. Công chúng cũng bắt đầu đặt dấu hỏi về phạm trù thật – giả và những giá trị ảo.

(2) Trong thế giới giải trí, hai mảng sáng – tối luôn tồn tại song hành. Những gì công chúng thấy thường là mảng sáng. Và khi mảng tối được phơi bày ra trước mắt, nhiều người “vỡ mộng”.

(…)    (3) Ở Việt Nam, cơ quan quản lý văn hóa nghệ thuật chưa có quy định hay chế tài xử phạt cụ thể cho những sai phạm về chuẩn mực đạo đức, lối sống. Tuy nhiên, sau loạt sự việc ồn ào đã xảy ra trong nửa đầu năm 2021 (như đề cập ở trên), đã đến lúc showbiz Việt cần thay đổi. Nghệ sĩ phải có trách nhiệm giữ gìn hình ảnh, thay vì cứ làm sai rồi hồn nhiên xin lỗi với lý do sơ suất hay không cố ý. Giữ hình ảnh, không vi phạm chuẩn mực đạo đức cũng là cách nghệ sĩ tôn trọng khán giả, tôn trọng danh xưng của chính mình.

(4) Theo ý kiến của một chuyên gia truyền thông, khán giả đóng vai trò quan trọng, tác động trực tiếp đến nghệ sĩ, buộc họ phải nghiêm khắc với chính mình. Khán giả ngày nay không còn dễ dãi, dung túng cho hành động lệch lạc, sai trái của người nổi tiếng.

(5) Khi “giọt nước tràn ly”, thanh lọc showbiz là điều tất yếu, sẽ xảy ra!

(Theo Zingnews.vn ngày 15/08/2021)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên? (0.5 điểm)

Câu 2: Luận đề của văn bản trên là gì? (0.5 điểm)

Câu 3: Chỉ ra các luận điểm trong đoạn trích. (0.5 điểm)

Câu 4: Vai trò của khán giả với nghệ sĩ được đề cập như thế nào trong bài viết? (0.5 điểm)

Câu 5: Anh/chị hiểu hai mảng sáng – tối luôn tồn tại song hànhlà gì? (1.0 điểm)

Câu 6: Theo anh/chị việcthanh lọc showbiz”có cần thiết không? Vì sao? (1.0 điểm)

Câu 7: Chỉ ra các yếu tố bổ trợ trong đoạn trích. (1.0 điểm)

 Câu 8: Anh/ chị có đồng tình với quan điểm: “Giữ hình ảnh, không vi phạm chuẩn mực đạo đức cũng là cách nghệ sĩ tôn trọng khán giả, tôn trọng danh xưng của chính mình”? Vì sao? (1.0 điểm)

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn bày tỏ suy nghĩ về “những giá trị ảo” trong cuộc sống hôm nay.

 

 

HƯỚNG DẪN ĐÁP ÁN CHI TIẾT  

ĐỌC – HIỂU

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: nghị luận. (0.5 điểm)

Câu 2: Luận đề của văn bản trên là cần thanh lọc showbiz Việt. (0.5 điểm)

Câu 3: Chỉ ra các luận điểm trong đoạn trích. (0.5 điểm)

– Hiện trạng nhiễu loạn của showbiz Việt (1) + (2)

– Trách nhiệm của nghệ sĩ trong gìn giữ hình ảnh (3)

– Vai trò quan trọng của khán giả trong thanh lọc showbiz (4)

– Thanh lọc showbiz là điều tất yếu (5)

Hướng dẫn chấm: Trả lời được 3-4 luận điểm đạt 0.5 điểm; 1-2 luận điểm được 0.25 điểm

Câu 4: Vai trò:  khán giả đóng vai trò quan trọng, tác động trực tiếp đến nghệ sĩ, buộc họ phải nghiêm khắc với chính mình. Khán giả ngày nay không còn dễ dãi, dung túng cho hành động lệch lạc, sai trái của người nổi tiếng. (0.5 điểm)

Câu 5: – “Mảng sáng” và những điệu tốt đẹp, tích cực dễ nhìn thấy. “Mảng tối” là những cái xấu thường ẩn mình, khó nhìn thấy. (0.5 điểm)

– Trong cuộc sống, cái tốt và cái xấu luôn song hành với nha. Đó là hai mặt của một vấn đề. (0.5 điểm)

Câu 6: Học sinh có thể nêu quan điểm riêng miễn lí giải hợp lí, thuyết phục.

Gơi ý cách trả lời theo hướng đồng ý:

– Việcthanh lọc showbiz” là cần thiết (0.5 điểm)

– Bởi vì: + Thanh lọc showbiz mới giúp lấy lại sự trong sạch, giữ được vẻ đẹp của nghệ sĩ nói riêng và nghệ thuật nói chung (0.25 điểm)

+ Lấy lại được niềm tin và sự yêu mến của công chúng với showbiz; để showbiz có tác động tích cực đến người đọc. (0.25 điểm)

Câu 7: Các yếu tố bổ trợ trong đoạn trích: (1.0 điểm)

– Biểu cảm: nhiều người không khỏi thốt lên “Showbiz Việt nhiễu loạn quá!”…(0.5 điểm)

Thuyết minh: Ở Việt Nam, cơ quan quản lý văn hóa nghệ thuật chưa có quy định hay chế tài xử phạt cụ thể cho những sai phạm về chuẩn mực đạo đức, lối sống…(0.5 điểm)

Hướng dẫn chấm: nếu học sinh nêu được tên phương tiện bổ trợ mà không lấy dẫn chứng thì được ½ số điểm

 Câu 8: Học sinh có thể trình bày bài học theo ý kiến cá nhân, miễn hợp lí, thuyết phục.

LÀM VĂN

Mở bài:

Giới thiệu vấn đề nghị luận: “những giá trị ảo” trong cuộc sống hôm nay.

Thân bài:

* Trình bày bản chất của vấn đề đời sống

“Giá trị ảo”:

+ là những vẻ ngoài đẹp đẽ phù phiếm dễ cuốn hút người khác nhưng không được xây dựng trên nền tảng thực tế, dễ dàng bị sụp đổ.

+ Cũng có thể  “những giá trị ảo” là các giá trị vật chất tạo sự thèm muốn, khao khát nhưng nó không mang lại niềm hạnh phúc, giá trị sống đích thực cho con người.

* Xem xét vấn đề dưới nhiều góc nhìn khác nhau, bàn về các khía cạnh của vấn đề.

Giá trị ảo gây ra nhiều điều tiêu cực:

+ Mất khả năng phân biệt giữa giá trị thực và giá trị ảo

+ Ảo tượng giá trị của bản thân.

+ Dễ bị suy sụp khi “vỡ mộng” bởi các giá trị ảo sụp đổ.

+ Quên đi hết thực tại cuộc sống, quên đi hết những tình cảm quý giá như tình thân, tình cảm giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên.

Tâm hồn sẽ ngày bị tàn lụi dẫn đến tha hóa về nhân cách, sẵn sàng giẫm đạp lên những chuẩn mực đạo đức xã hội.

+ Chạy theo những giá trị ảo làm những giá trị đích thực của cuộc sống bị mai một, lung lay.

+ Kéo lùi sự phát triển của xã hội khi quá coi trọng những giá trị phù phiếm. Đặc biệt với giới trẻ – chủ nhân tương lai của đất nước mải chạy theo giá trị ảo sẽ tạo nên những trào lưu tiêu cực.

* Bàn luận vấn đề từ góc nhìn trái chiều

– Xét trên khía cạnh tích cực:

+ “Những giá trị ảo” đem lại niềm vui tức thời cho người sở hữu nó.

+ “Những giá trị ảo” giúp người sở hữu nó dễ gây được sự chú ý từ người khác, tạo cơ hội để đạt được điều mình mong muốn ngay lập tức.

– Tuy nhiên những tác dụng đó chỉ mang tính chất nhất thời, không lâu bền, không tạo ra được những diều tích cực cho mỗi cá nhân và toàn xã hội.

+ Phân tích tác động của việc nhận thức đúng đắn về vấn đề đối với cá nhân hoặc cộng đồng.

– Hiểu đúng đắn vấn đề này giúp mỗi bạn trẻ trân trọng, xây đắp những giá trị thực trong mỗi con người và trong cuộc sống.

– Từ đó giúp xã hội ngày càng phát triển hơn, hạnh phúc hơn.

Kết bài: Rút ra ý nghĩa của việc bàn luận vấn đề.

Từ chối những giá trị ảo, tôn vinh những giá trị thực giúp chúng ta sống đẹp hơn, sống tốt hơn và có cuộc đời ý nghĩa.

Bài viết tham khảo

Trăn trở trước vấn đề “những giá trị ảo” trong cuộc sống hôm nay, có ý kiến đã cho rằng: “Khi con người mải mê chạy theo những giá trị ảo thì những giá trị đích thực của cuộc sống có nguy cơ bị mai một, lung lay”.

Nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, những mối quan hệ phức tạp, những yêu cầu mới của cuộc sống đã tạo ra nhiều khái niệm mới. Thời gian gần đây, nhiều nười thường nhắc tới “Giá trị ảo”. “Giá trị ảo” là những vẻ ngoài đẹp đẽ phù phiếm dễ cuốn hút người khác nhưng không được xây dựng trên nền tảng thực tế, dễ dàng bị sụp đổ. Cũng có thể  “những giá trị ảo” là các giá trị vật chất tạo sự thèm muốn, khao khát nhưng nó không mang lại niềm hạnh phúc, giá trị sống đích thực, lâu bền cho con người.

“Giá trị ảo” ra đời như một “nguồn cung” tất yếu của nhu cầu cuộc sống hiện đại. Trước kia, với nhịp sống chậm, con người có thời gian chiêm nghiệm, kiếm tìm bề sâu trong mỗi người, mỗi vật, mỗi việc; lắng nghe cuộc sống bằng trí huệ, bằng trái tim. Nhưng giờ đây, không ai muốn mình bị bỏ lại phía sau trong guồng quay hối hả của công việc và cuộc sống. Dần dần, họ quên đi cách chiêm nghiệm, nhìn nhận sâu sắc về giá trị cuộc sống mà đôi mắt nhân gian chỉ có thể thấy được vẻ bề ngoài mọi vật. Nếu xưa kia cha ông khẳng định “Chiếc áo không làm nên thầy tu” thì giờ đây “nhà lầu xe hơi”, quần áo hàng hiệu, … trở thành thước đo để đánh giá con người. Chính bởi vậy nên đã làm nảy sinh và dung dưỡng cho các giá trị ảo lên ngôi. Giá trị ảo gây ra nhiều điều tiêu cực đối với mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội. Trong môi trường sống mà số đông chạy theo những giá trị ảo thì con người dần  mất khả năng phân biệt giữa giá trị thực và giá trị ảo, thật thật giả giả lẫn lộn khó lòng phân biệt. Khi đã không phân biệt được điều đó thì con người sa vào ảo tượng giá trị của bản thân, ngỡ mình nổi tiếng, tài năng, xinh đẹp… trong khi đó chỉ là sản phẩm của app chỉnh sửa, của công nghệ, sự vay mượn từ bên ngoài. Không chỉ thế, khi tôn sùng, thần tượng những giá trị ảo thì họ cũng dễ bị suy sụp khi “vỡ mộng” bởi các giá trị ảo sụp đổ. Điều đó còn có thể gây ra những hậu quả xấu hơn nữa cho tinh thần và tính mạng: trầm cảm, mất niềm tin vào cuộc sống, sống mất phương hướng, tìm đến cái chết… Sa cào giá trị ảo khiến ta quên đi hết thực tại cuộc sống, quên đi hết những tình cảm quý giá như tình thân, tình cảm giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên. Tâm hồn sẽ ngày bị tàn lụi dẫn đến tha hóa về nhân cách, sẵn sàng giẫm đạp lên những chuẩn mực đạo đức xã hội. Chạy theo những giá trị ảo làm những giá trị đích thực của cuộc sống bị mai một, lung lay. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến mỗi cá nhân mà còn là căn bệnh nan y với toàn xã hội. Nó kéo lùi sự phát triển của xã hội khi quá coi trọng những giá trị phù phiếm. Đặc biệt với giới trẻ – chủ nhân tương lai của đất nước mải chạy theo giá trị ảo sẽ tạo nên những trào lưu tiêu cực, ảnh hưởng tới tương lai của mỗi người trẻ cũng như tương lai đất nước.

Tất nhiên cúng ta cũng nên nhìn vấn đề từ nhiều chiều. Xét trên khía cạnh tích cực, “những giá trị ảo” đem lại niềm vui tức thời cho người sở hữu nó. “Những giá trị ảo” giúp người sở hữu nó dễ gây được sự chú ý từ người khác, tạo cơ hội để đạt được điều mình mong muốn ngay lập tức. Họ trở nên sành điệu, hiện đại trong mắt những bạn bè đồng trang lứa, nhất là trong giới trẻ. Họ dễ nhận được sự hâm mộ, yêu thích từ người khác thậm chí có thể trở nên nổi tiếng và kiếm được nhiều tiền từ điều đó. Tuy nhiên những tác dụng đó chỉ mang tính chất nhất thời, không lâu bền, không tạo ra được những diều tích cực cho mỗi cá nhân và toàn xã hội. Gần đây hàng loạt các hiện tượng mạng xã hội là minh chứng cho việc giá trị ảo lên ngôi. Có thể kể đến Khá Bảnh, Phú Lê, Huấn Hoa Hồng… Đó là những đối tượng không có tài năng nào nổi trội hay đóng góp tốt đẹp cho xã hội nhưng chỉ nhờ khoe đồ hiệu, nói tục,… trên mạng là đã trở thành “idol giới trẻ”, gây ra những hệ lụy xấu trong nhận thức và hành động của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Hiểu đúng đắn vấn đề này giúp mỗi bạn trẻ trân trọng, xây đắp những giá trị thực trong mỗi con người và trong cuộc sống. Vẻ đẹp của nhân cách, của trí tuệ mới là những vẻ đẹp đích thực trong mỗi con người, trường tồn, bền vững. Từ đó giúp xã hội ngày càng phát triển hơn, hạnh phúc hơn.

Từ chối những giá trị ảo, tôn vinh những giá trị thực giúp chúng ta sống đẹp hơn, sống tốt hơn và có cuộc đời ý nghĩa.Như nhà văn Nguyễn Khải từng khẳng định: “Để sống được hàng ngày tất nhiên phải nhờ vào những “giá trị tức thời”. Nhưng sống cho có phẩm hạnh, có cốt cách nhất định phải dựa vào những “giá trị bền vững””.

 

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *