Trình bày suy nghĩ về sống tỉnh thức trong thời đại hiện nay

VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ XÃ HỘI

(Con người và cuộc sống xung quanh)

Mục đích: Chia sẻ đề bài, dàn ý và bài viết tham khảo về một vấn đề xã hội

– Có đề, hướng dẫn chấm chi tiết và bài viết tham khảo, đề KHÔNG được TRÊN MẠNG XÃ HỘI.

– Nội dung: VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ XÃ HỘI

– Làm theo đúng kiểu bài, đảm bảo các luận điểm ở phần dàn ý chi tiết mẫu, bài viết tham khảo bám vào dàn ý.

BỘ KẾT NỐI

ĐỀ BÀI

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

(Văn bản nghị luận)

Cuộc sống hạnh phúc hơn nếu ta biết nâng niu cảm xúc của mình thay vì mổ xẻ và phán xét nó. Nếu ta đang cô đơn, tuyệt vọng, đừng cố gắng làm gì đó để tìm quên, cũng đừng xem nó như một ung nhọt không thể cứu chữa. Thay vào đó, hãy cho mình thời gian và sự tĩnh tâm để nhìn lại những cảm xúc ấy. Hãy mở rộng tâm hồn mình bằng những cảm xúc khác, thay vì tập trung nghĩ đến điều tiêu cực hiện tại…

Bạn rất cần biết về sự khác nhau và tầm ảnh hưởng của hai lối suy nghĩ tiêu cực và tích cực đối với cuộc đời mình.

Lối suy nghĩ tiêu cực sẽ khiến ta gặp nhiều khó khăn, bất hạnh. Chừng nào ta chưa chịu thay đổi thì chừng đó chúng còn dai dẳng bám theo ta. Mặc dù khó có thể thay đổi cách suy nghĩ của mình trong một sớm một chiều, nhưng ta cần giữ đầu óc thật tỉnh táo để nhìn nhận sự việc. Bằng cách nhận diện vấn đề, chia sẻ với mọi người và giải quyết nó, ta sẽ dần loại bỏ được thói quen nhìn nhận mọi việc một cách tiêu cực.

Giữa suy nghĩ tích cực và tiêu cực tồn tại một sự khác biệt rất lớn. Chỉ cần một ý nghĩ “mình không thể” thoáng qua trong đầu, phần tiêu cực trong con người chúng ta sẽ nhanh chóng lấn lướt, rồi ám ảnh cho đến khi tâm trí ta bị mặc cảm bủa vây. Kết quả là ta rất dễ buông tay đầu hàng. Ngược lại, nếu biết hướng sự lựa chọn ấy đến những điều tốt đẹp, ta sẽ nhận được một kết quả khác, sáng sủa hơn. Những suy nghĩ tích cực được ươm mầm trong tâm hồn ta sẽ không ngừng sinh sôi nảy nở và đưa ta đến một cuộc sống tươi đẹp.

(Theo Tian Dayton, Ph.D- Quên hôm qua, sống cho ngày mai, NXB Tổng hợp TP HCM, tr 44-45)

Trả lời các câu hỏi: (Luận đề, luận điểm, lí lẽ, bằng chứng, yếu tố bổ trợ)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản?

Câu 2: Xác định chính xác vấn đề/ luận đề được bàn đến trong văn bản trên?

Câu 3:Để cho người đọc hiểu rõ vấn đề, tác giả đã đưa ra những lí lẽ, bằng chứng nào?

Câu 4: Trong văn bản, tác giả đã sử dụng yếu tố bổ trợ nào để làm sáng rõ vấn đề nghị luận?

Câu 5:Theo tác giả, thay vì mổ xẻ và phán xét cảm xúc của mình, mỗi người cần làm gì để cuộc sống hạnh phúc hơn?

Câu 6: Tại sao tác giả cho rằng “Lối suy nghĩ tiêu cực sẽ khiến ta gặp nhiều khó khăn, bất hạnh”?

Câu 7: Nêu ngắn gọn hiệu quả của thao tác lập luận phân tích được sử dụng trong văn bản trên?

 Câu 8: Hãy đề xuất một số giải pháp để mỗi chúng ta có thể  loại bỏ thói quen nhìn nhận mọi việc một cách tiêu cực? Lý giải tại sao chọn những giải pháp đó?

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn khoảng 500 chữ, trình bày suy nghĩ về sống tỉnh thức trong thời đại hiện nay.

———————Hết————————

 

HƯỚNG DẪN ĐÁP ÁN CHI TIẾT

ĐỌC – HIỂU

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

Câu 2: Vấn đề/ luận đề được bàn luận trong văn bản là:

Sự khác nhau và tầm ảnh hưởng của hai lối suy nghĩ tiêu cực và tích cực đối với cuộc đời mình.

Câu 3: Để người đọc hiểu rõ vấn đề, tác giả đã triển khai bằng các lý lẽ và bằng chứng sau:

– Lý lẽ:

+ Lối suy nghĩ tiêu cực sẽ khiến ta gặp nhiều khó khăn, bất hạnh

+ Lối suy nghĩ tích cực khiến cho đầu óc tỉnh táo nhìn lại bản thân và những việc đã làm bằng những cảm xúc chân thành.

– Bằng chứng:

+ Lối sống tiêu cực đeo bám khiến ta mệt mỏi, bị ám ảnh, mặc cảm bủa vây,

+ Lối sống tích cực mở rộng tâm hồn, chia sẻ với mọi người và giải quyết nó và sẽ loại bỏ được thói quen nhìn mọi việc bằng suy nghĩ tiêu cực.

Câu 4: Để cho vấn đề thấu rõ đối với người đọc, tác giả đã sử dụng yếu tố bổ trợ:

– Tự sự: liệt kê biểu hiện của lối suy nghĩ tích cực (nâng niu cảm xúc, mở rộng tâm hồn, nghĩ đến điều tốt đẹp…, tiêu cực ( lấn lướt, ám ảnh, bủa vây…)

– Nghị luận: Tác hại của lối suy nghĩ tiêu cực và tác dụng của lối suy nghĩ tích cực…

Câu 5: Theo tác giả, thay vì mổ xẻ và phán xét cảm xúc của mình, mỗi người cần biết nâng niu cảm xúc của mình để cuộc sống hạnh phúc hơn.

Câu 6: Tác giả cho rằng “Lối suy nghĩ tiêu cực sẽ khiến ta gặp nhiều khó khăn, bất hạnh” vì:

– Khi lối suy nghĩ tiêu cực đeo bám dai dẳng, nó làm cho ta mệt mỏi, luôn bị ám ảnh bởi sự tiêu cực ấy gây ra,

– Phần suy nghĩ tiêu cực sẽ lấn lướt, khiến ta bị ám ảnh, tâm trí bị bủa vây sinh mặc cảm, tự ti,

– Kết quả là dễ buông, dễ đầu hàng trước những điều bất như ý mà nguyễn nhân sâu xa là do nội lực của ta còn yếu.

Câu 7: Hiệu quả của thao tác lập luận phân tích.

– Thao tác lập luận phân tích: tác giả đưa ra các biểu hiện của sự khác nhau và tầm ảnh hưởng của 2 lối suy nghĩ tiêu cực và tích cực.

– Hiệu quả:

+ Tăng sức thuyết phục cho lập luận,

+ Góp phần làm rõ vấn đề: hai lối suy nghĩ tiêu cực và tích cực có sự khác nhau cực kỳ lớn.

Câu 8: HS có thể đề xuất giải pháp khác nhau và lý giải theo suy nghĩ cá nhân. Những giải pháp đưa ra cần có tính khả thi và lý giải không vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội và pháp luật.

Ví dụ:

– Luôn nghĩ đến mặt tích cực của vấn đề,

– Luôn sống lạc quan, tin tưởng trước cuộc sống,

– Rèn thói quen chịu trách nhiệm khi gặp thất bại, không đổ lỗi, phán xét người khác…

– Rèn năng lực chấp nhận, sự cân bằng…

LÀM VĂN

(Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)

Mở bài: Giới thiệu vấn đề trong cuộc sống cần bàn luận.

– Cuộc sống hiện tại có nhiều cám dỗ mà lòng ham muốn của con người thì vô hạn vô cùng. Vì thế, họ mới bị dẫn dắt bởi lối sống tiêu cực, dễ sa ngã, buông thả.

– Trước những bộn bề ấy, chúng ta cần sống tỉnh thức để được hạnh phúc, an yên. (Thực chất của sống tỉnh thức là biết và hiểu rõ tâm bản thân đang nghĩ và việc mà bản thân đang làm).

Thân bài:

* Trình bày bản chất của vấn đề đời sống

– Tỉnh thức là tập trung toàn bộ cảm xúc, cảm giác và suy nghĩ của mình vào một sự vật, sự việc mà không có bất kỳ phán xét gì.

– Sống tỉnh thức là là chuyên tâm vào hiện tại để nhận diện rõ những gì đang diễn ra bên trong và xung quanh mình. Nhờ đó, con người có thể triển khai mọi công việc với hiệu quả cao nhất.

* Xem xét vấn đề dưới nhiều góc nhìn khác nhau, bàn về các khía cạnh của vấn đề.

– Sống tỉnh thức giúp kiểm soát và điều chỉnh hành vi, suy nghĩ, thái độ, cảm xúc và lời nói của bản thân,

+ Bình tĩnh trước những tình huống bất ngờ, khó xử,

+ Suy nghĩ kỹ trước khi nói hoặc hành động để lời nói không gây sát thương và hành động không trở lên lỗ mãng…

+ Tâm trí được tĩnh lặng, không nổi giận trước điều không hài lòng…

– Hoàn thành công việc hoàn hảo và chỉn chu,

+ Người sống tỉnh thức luôn chủ động trong công việc riêng và chung…

+ Lập kế hoạch cụ thể, chi tiết cho từng việc để không bị phân tán thời gian, tâm trí và đạt hiệu quả công việc cao.

+ Không bị cám dỗ bởi những yếu tố bên ngoài: mua sắm, những cuộc hẹn không có mục đích, những cuộc ăn chơi ngoài kế hoạch…

+ Tiết kiệm chi tiêu…

(dẫn chứng minh họa- câu chuyện về Phật hoàng Trần Nhân Tông và vị vua trẻ Trần Anh Tông)

– Sống tỉnh thức còn là lối sống thân thiện với môi trường và thế giới tự nhiên:

+ Bảo vệ nguồn nước sạch, nguồn không khí trong lành, trồng cây xanh để điều hòa khí hậu…

+ Không gây hại cho môi trường: xả rác, xả thải bừa bãi…

+ Quét dọn, vệ sinh nơi ở cá nhân và khu dân cư thường xuyên…

* Bàn luận vấn đề từ góc nhìn trái chiều

– Bên cạnh đó, có hiện tượng sống thiếu ý chí, thiếu mục tiêu và dựa dẫm hoặc buông thả kiểu như được đâu âu đấy,

– Sống không có mục đích, không có chính kiến và không có lý tưởng, hay do dự, thiết quyết đoán…

Lối sống như vậy sẽ dễ bị sa ngã, khó chạm đến thành công, và nảy sinh sự bế tắc, tiêu cực…

* Phân tích tác động của việc nhận thức đúng đắn về vấn đề đối với cá nhân hoặc cộng đồng.

– Cá nhân: Sống tỉnh thức là lối sống đẹp, lối sống văn minh, hiện đại. Lối sống ấy là một trong những xu thế sống của thanh niên ở thế kỷ XXI. Họ luôn biết và ý thức được điều mà họ nghĩ và làm. Đó chính là dấu hiệu của những công dân toàn cầu: dám nghĩ-dám làm-dám thành công.

– Cộng đồng: Nếu trong cộng đồng có nhiều người sống tỉnh thức thì sẽ bớt đi tính ghét ghen đố kỵ. Ai cũng nhận ra năng lực của bản thân và làm việc theo năng lực ấy thì xã hội sẽ văn minh vô cùng.

* Bài học nhận thức và hành động

– Nhận thức: Sống tỉnh thức là biểu hiện của lối sống văn minh, hiện đại. Cùng với lối sống đơn giản, sống tỉnh thức trở thành xu thế phổ biến của nhân loại ở thế kỷ XXI.

– Hành động

+ Cá nhân

++ Tập thói quen đi ngủ sớm và dậy sớm mỗi ngày…

++ Viết ra những việc càn làm mỗi ngày và thực hiện theo đúng thời gian dành cho những việc đó (linh hoạt)

++ Tự nấu ăn cho bản thân và gia đình…

++ Thay đổi thói quen xấu đã lặp lại từ trước,

++ Dọn dẹp nhà cửa thường xuyên,

++ Mỗi tuần thực hiện một ngày nói không với điện thoại,máy tính, internet…

+ Cộng đồng: Mỗi địa phương cần tạo môi trường lành mạnh cho những thói quen lành mạnh: đọc sách,văn hóa- văn nghệ mỗi tuần/ tháng; trồng cây, trồng hoa, dọn dẹp vệ sinh…

Kết bài: Rút ra ý nghĩa của việc bàn luận vấn đề.

– Sống tỉnh thức là lối sống của người biết mình và hiểu mình.

– Cần rèn luyện bản thân mỗi ngày để trở thành người có lối sống tỉnh thức.

 

*                      *                      *

BÀI VIẾT THAM KHẢO

Cuộc sống hiện tại của chúng ta có nhiều điều phải lo toan. Vì thế, ai cũng quay cuồng trong vòng xoáy mưu sinh, tất bật hàng ngày với cơm-áo-gạo-tiền mà quên mất việc chăm sóc bản thân, chăm sóc gia đình và những mối quan hệ xung quanh. Trước những bộn bề ấy, chúng ta cần sống tỉnh thức để cuộc sống được hạnh phúc, an yên.

Trước tiên, ta hiểu tỉnh thức là tập trung toàn bộ cảm xúc, cảm giác và suy nghĩ của mình vào một sự vật, sự việc mà không có bất kỳ phán xét gì. Sống tỉnh thức là là chuyên tâm vào hiện tại để nhận diện rõ những gì đang diễn ra bên trong con người của ta và thế giới xung quanh mình. Nhờ đó, chúng ta có thể triển khai mọi công việc với hiệu quả cao nhất.

Sống tỉnh thức giúp kiểm soát và điều chỉnh hành vi, suy nghĩ, thái độ, cảm xúc và lời nói của bản thân. Trước những tình huống bất ngờ, không như ý muốn xảy, người sống tỉnh thức sẽ luôn giữ được bình tĩnh, suy xét kỹ lưỡng rồi mới hành động. Người sống tỉnh thức cũng sẽ không nóng vội mà luôn có sự cân nhắc thiệt- hơn; nặng- nhẹ mỗi khi đưa ra quyết định để lời nói không gây tổn thương cho người khác. Người sống tỉnh thức cũng không có hành động lỗ mãng mà luôn cư xử có chừng mực, ứng xử có văn hóa trước mọi sự việc trong đời sống cũng như trong công việc hàng ngày. Người biết sống tỉnh thức cũng là người luôn biết giữ cho tâm trí được tĩnh lặng và thái độ điềm đạm trước mọi hoàn cảnh. Đặc biệt, người sống tỉnh thức ít khi nổi nóng khi chưa rõ nguyên nhân.

Người sống tỉnh thức cũng luôn hoàn thành công việc chu đáo và hoàn hảo. Họ luôn chủ động trong công việc riêng- chung. Trong quá trình làm việc, họ  luôn ý thức về việc hoàn thành kế hoạch, mục tiêu công việc đã đưa ra. Vì vậy, trước khi thực hiện bất cứ công việc nào, họ luôn lập kế hoạch cụ thể, chi tiết cho từng việc để không bị phân tán thời gian, phân tâm khi làm việc và để đạt hiệu quả công việc cao. Họ cũng là người biết quản lý thời gian hiệu quả và phân chia thời gian cho những công việc trong ngày. Với họ, những yếu tố bên ngoài không thuộc kế hoạch khó có thể lôi kéo được họ như: mua sắm ngẫu hứng, hẹn hò không mục đích hoặc những cuộc ăn chơi ngoài dự kiến…Những nhười sống tỉnh thức cũng là những người sống tiết kiệm, biết đủ, không lãng phí vào những việc mà theo họ là không cần thiết.

Hẳn chúng ta còn nhớ câu chuyện về Phật hoàng Trần Nhân Tông. Sau khi truyền ngôi cho con để một lòng hướng Phật, giao cho các quan đại thần kèm cặp vua trẻ Trần Anh Tông. Nhà vua trẻ người non dạ lại không được cha kèm cặp thường xuyên nên sinh ra thói chơi bời. Có lần, thượng hoàng từ Yên Tử về kinh bất chợt thấy vua Anh Tông say rượu, Ngài giận lắm, định trong buổi thiết triều sớm mai sẽ phế ngôi vị. Sau khi tỉnh rượu, vua Anh Tông đã dâng sớ tạ tội và xin cho một cơ hội để sửa sai. Thượng hoàng đã bằng lòng và chúng ta lại có vị vua trẻ tài năng, tâm huyết với dân tộc, nhân dân. Sự tỉnh thức của vua Anh Tông rất kịp thời, khiến Thượng hoàng cũng vững tin ở con trai của Ngài hơn khi tiếp tục con đường hướng Phật.

Bên cạnh đó, còn có hiện tượng sống thiếu ý chí, thiếu mục tiêu và dựa dẫm hoặc buông thả kiểu như được đâu âu đấy. Họ quen được ôm ấp, che chở vì thiếu ý chí, nghị lực mà không biết rằng cuộc sống ấy như cái đĩa cạn, cái giếng khô, chẳng mấy chốc mà sinh cây tầm gửi. Lối sống như vậy sẽ dễ bị sa ngã, khó chạm đến thành công, và nảy sinh bế tắc, tiêu cực…

Trước thực tế cuộc sống hiện nay, những người trẻ cần nhận ra sống tỉnh thức là lối sống và cách sống của người biết và hiểu rõ về bản thân, về mục tiêu cuộc sống, mục đích mà cuộc đời của họ cần hướng tới. Nếu cả cộng đồng đều sống tỉnh thức sẽ tạo nên một xã hội văn minh, giàu yêu thương và đầy tử tế.

Muốn có được lối sống tỉnh thức và bản thân là người sống tỉnh thức, mỗi người trẻ chúng ta cần tập những thói quen tốt như: sinh hoạt điều độ, đi ngủ sớm, dậy sớm tập thể dục, hít thở không khí trong lành. Hãy viết ra những việc cần làm mỗi ngày và thực hiện theo đúng thời gian dành cho những việc đó. Người trẻ cũng nên tự nấu ăn cho bản thân và gia đình thay vì những bữa tiệc tốn kém ở nơi ồn ào. Nhà cửa cũng nên được dọn dẹp thường xuyên và cần thay, bỏ những vật dụng mà không dùng trong vài tháng. Đặc biệt là, người trẻ hãy thực hiện một ngày nói không với điện thoại, máy tính, internet…mỗi tuần để được kết nối thân thiện, bền chặt hơn với người thân trong gia đình.

Mỗi địa phương cần tạo môi trường lành mạnh cho những thói quen lành mạnh: đọc sách,văn hóa- văn nghệ mỗi tuần/ tháng; trồng cây, trồng hoa, dọn dẹp vệ sinh…để cuộc sống ngày càng xanh- sạch- đẹp hơn.

Sống tỉnh thức là một lối sống chân thực, giúp chúng ta tiếp cận cuộc sống mỗi ngày một cách trọn vẹn và ý nghĩa hơn. Bằng việc luyện tập “sống tỉnh thức”, không chỉ tâm hồn được bình an mà chất lượng cuộc sống cũng được nâng cao. Đây là một trong những cách tốt nhất giúp cho chúng ta thực sự trải nghiệm và tận hưởng mỗi khoảnh khắc, sống một cuộc sống đầy ý nghĩa.

, ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *