VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ XÃ HỘI
(Con người và cuộc sống xung quanh)
Mục đích: Chia sẻ đề bài, dàn ý và bài viết tham khảo về một vấn đề xã hộiI.
– Nội dung: VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ XÃ HỘI
– Làm theo đúng kiểu bài, đảm bảo các luận điểm ở phần dàn ý chi tiết mẫu, bài viết tham khảo bám vào dàn ý.
BỘ KẾT NỐI
Đề bài
ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:
LỜI TỰA TẬP “THƠ THƠ” CỦA XUÂN DIỆU
(Thế Lữ)
Nhà thi sĩ ấy là một chàng trai trẻ hiền hậu và say mê, tóc như mây vương trên đài trán ngây thơ, mắt như bao luyến mọi người, và miệng cười mở rộng như một tấm lòng sẵn sàng ân ái. Chàng đi trên đường thơ, hái những bông hoa gặp dưới bước chân, những hương sắc nảy ra bởi ánh sáng của lòng chàng. “Thơ Thơ” là cụm đầu mùa chàng tặng cho nhân gian. Và từ đây, chúng ta đã có Xuân Diệu.
Loài người hãy hiểu con người ấy!
Xuân Diệu là một người của đời, một người ở giữa loài người. Lầu thơ của ông xây dựng trên đất của một tấm lòng trần gian; ông đã không trốn tránh mà lại còn quyến luyến cõi đời, và lời nguyện ước của ông có bao nhiêu sức mạnh:
Ta ôm bó, cánh tay ta làm rắn,
Làm dây da, quấn quýt cả mình xuân,
Không muốn đi, mãi mãi ở vườn trần,
Chân hoá rễ để hút mùa dưới đất.
Là một người sinh ra để sống, Xuân Diệu rất sợ chết, sợ lặng im và bóng tối, hai hình ảnh của hư vô. Mục đích của đời người có phải là hạnh phúc đâu! Mục đích chính là sự sống. Mà còn gì làm sự sống đầy đủ hơn Xuân và Tình?
Cho nên Xuân Diệu say đắm với tình yêu và hăng hái với mùa xuân, thả mình bơi trong ánh nắng, rung động với bướm chim, chất đầy trong bầu tim mây trời thanh sắc. Ông hăm hở đi tìm những nơi sự sống dồi dào tụ lại. Khi ông khao khát vô biên, tuyệt đích, chẳng phải ông muốn lên đến đỉnh cao nhất của sự sống đó sao? Ham yêu, biết yêu, Xuân Diệu muốn tận hưởng tình yêu, vì ông thấy tình yêu mới gồm được bao nhiêu ý nghĩa.
Nhưng Xuân không dài dặc, Tình có bền đâu! Xuân với Tình cũng vô định như sự thực không bền, và lại còn mong manh hơn cuộc đời chảy trôi. Bởi thế, Xuân Diệu vội vàng, bao giờ cũng lo âu thắc mắc. Luôn luôn tận tâm, siêng năng mà sống, ông mau mau đem hết cả tâm hồn mà tặng cho đời, và ông cũng đòi hết cả tâm hồn của người yêu dấu, của trời đất, của mọi sự vật trên trần gian.
Ta thấy cả nỗi cuống quýt sảng sốt của thi nhân giơ tay với lấy giây phút qua, bám lấy bầu xuân hồng, và rền rĩ thở than với người yêu dấu. Người tình nhân ấy có những câu não ruột thấm thía, khiến nụ cười ta rung ở miệng cùng nước mắt ứa dưới hàng mi…
Sở dĩ Xuân Diệu tham lam tình yêu, chất chứa vào lòng không chán, không đủ, không nguôi, là bởi thi sĩ rất sợ cô độc. Ông muốn biến ra nhiều thân, hoá thành muôn ức, triệu, vì ông thấy người ta đều chỉ trơ trọi một mình. Ông tìm gần gụi vì ông quá riêng tây, ông thấy nỗi mênh mông của tâm hồn nên ông muốn thành một cây kim để hút vào mình thiên hạ.
Thơ Xuân Diệu do đấy mà buồn tịch mịch ngay trong những điều ấm nóng reo vui. Lạnh lùng ám khắp mọi nơi, “xa vắng gồm tự muôn đời”, ở đâu cũng là nỗi nhớ nhung, thương tiếc. Lòng thi sĩ thấy rõ điều trái ngược: nồng nàn bởi vì thê lương, khăng khít nhưng vẫn hững hờ, bao nhiêu éo le của cảnh đời mà Xuân Diệu yêu tới đau khổ. Thơ Xuân Diệu là hơi thở thầm kín, giấu giếm, trong đó ẩn sự huyền bí ghê rợn của một đêm trăng, sự não nùng bao la của một buổi chiều, và tất cả tâm hồn khó hiểu của người, của cảnh.
Rồi càng khó hiểu, người thi sĩ càng cố tìm. Ông dò xét cái “thế giới bên trong”, lượm lặt từng sợi tơ mềm yếu, từng mảnh nhớ thương, từng vụn sầu tủi. Ông nghiệm thấy rằng:
Phải can đảm mới bền gan yếu đuối,
Phải khôn ngoan mới dư trí dại khờ,
nên chịu mất một ít kiêu căng để thêm được rất nhiều sự sống. Và ông đã du ngoạn trong xứ yêu mến, nói cho ta hay những đường lối ẩn khúc quanh co.
Ông còn nghe thấu sự mơ hồ, như đã thạo dò la những điều tinh tế. Con người phức tạp cũng đơn sơ, con người thiết thực cũng mơ mộng: ông có một trái tim, nhưng ông còn có một linh hồn. Ông tỏ ra đã từng vào trong thế giới của mọi sự u huyền: hương trầm, âm nhạc, thời khắc, khói sương… tất cả đều nói cho ông những lời chi ly và những dây liên lạc.
Với những câu thơ ít lời nhiều ý, xúc tích như đọng lại bao nhiêu tinh hoa, Xuân Diệu lại là một tay thợ biết làm ta ngạc nhiên vì nghệ thuật dẻo dang và cần mẫn.
Nhưng ở trên nhà nghệ thuật, ở trên nhà thi sĩ, ta thấy lòng ta mến yêu một linh hồn mở rộng, một tấm lòng chào đón, một con người ân ái đa tình. Người ấy chắc không cần phải quá đợi chờ, van xin, vì lẽ nào cõi đời, còn mãi mãi lạnh lùng vô tri, khi đã nghe tiếng đàn si mê của Xuân Diệu?
(Tuyển tập Thế Lữ, Nxb Văn học, HN 1984)
Trả lời các câu hỏi: (Luận đề, luận điểm, lí lẽ, bằng chứng, yếu tố bổ trợ)
Câu 1: Văn bản trên thuộc kiểu văn bản nào?
Câu 2: Chỉ ra câu văn nêu đối tượng chính chính mà tác giả trình bày trong bài viết
Câu 3: Thi sĩ Xuân Diệu được nhà văn hình dung và miêu tả như thế nào?
Câu 4: Hãy nêu luận đề của bài viết?
Câu 5: Chỉ ra các luận điểm nổi bật trong văn bản?
Câu 6: Tác giả đã mở rộng cách hiểu về luận điểm “Xuân Diệu nghe thấu sự mơ hồ, như đã thạo dò la những điều tinh tế” bằng cách nào?
Câu 7: Với câu văn sau, tác giả thuyết phục người đọc điều gì? “Nhưng ở trên nhà nghệ thuật, ở trên nhà thi sĩ, ta thấy lòng ta mến yêu một linh hồn mở rộng, một tấm lòng chào đón, một con người ân ái đa tình. Người ấy chắc không cần phải quá đợi chờ, van xin, vì lẽ nào cõi đời, còn mãi mãi lạnh lùng vô tri, khi đã nghe tiếng đàn si mê của Xuân Diệu?”
Câu 8: Em có đồng ý với nhân định của tác giả: “Xuân Diệu lại là một tay thợ biết làm ta ngạc nhiên vì nghệ thuật dẻo dang và cần mẫn”? vì sao?
LÀM VĂN (4,0 điểm)
Anh/chị hãy viết bài văn khoảng 500 chữ, trình bày suy nghĩ của anh chị về vấn đề giới trẻ hiện nay sử dụng tiếng Việt thiếu trong sáng.
Hướng dẫn đáp án chi tiết
ĐỌC – HIỂU
Câu 1:
Văn bản nghị luận (vì có ý kiến, lí lẽ và dẫn chứng)
Câu 2:
Câu văn ““Thơ Thơ” là cụm đầu mùa chàng tặng cho nhân gian”
(Thơ thơ là tập thơ đầu tay của nhà thơ Xuân Diệu)
Câu 3:
– là một chàng trai trẻ hiền hậu và say mê, tóc như mây vương trên đài trán ngây thơ, mắt như bao luyến mọi người, và miệng cười mở rộng như một tấm lòng sẵn sàng ân ái.
– Chàng đi trên đường thơ, hái những bông hoa gặp dưới bước chân, những hương sắc nảy ra bởi ánh sáng của lòng chàng.
-> trẻ tuổi, và tâm hồn rộng mở.
Câu 4:
– Đặc trưng thơ Xuân Diệu thể hiện trong tập thơ đầu tay “Thơ thơ”
Câu 5:
– Luận điểm 1: Xuân Diệu là một người của đời, một người ở giữa loài người.
– Luận điểm 2: Xuân Diệu say đắm với tình yêu và hăng hái với mùa xuân,
– Luận điểm 3: Thơ Xuân Diệu buồn tịch mịch ngay cả trong những điều ấm nóng reo vui
– Luận điểm 4: Xuân Diệu nghe thấu sự mơ hồ, như đã thạo dò la những điều tinh tế
Câu 6:
– bằng cách giải thích căn nguyên của vấn đề và đưa dẫn chứng từ thế giới thơ ca của Xuân Diệu
Câu 7:
– Thuyết phục người đọc hãy đón đọc và cảm nhận để hiểu tấm lòng thi sĩ qua những trang thơ của ông.
Câu 8:
Hs dựa trên hiểu biết của mình về thơ Xuân Diệu, nêu một vài dẫn chứng và lí lẽ để trình bày quan điểm, có thể đồng tình hoặc không đồng tình song lập luận cần thuyết phục.
LÀM VĂN
(Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)
Mở bài: Giới thiệu vấn đề trong cuộc sống cần bàn luận.
– Hiện trạng giới trẻ hiện nay sử dụng tiếng Việt thiếu trong sáng.
Thân bài:
* Trình bày bản chất của vấn đề đời sống
– Tiếng Việt là tài sản quý giá của dân tộc. Trải qua hàng nghìn năm, tiếng Việt cũng trải qua những thăng trầm của lịch sử đất nước. Cha ông ta đã đổ bao xương máu để tiếng Việt được bảo tồn và phát triển.
– Tiếng Việt có quy tắc, chuẩn mực riêng, đảm bảo cho cộng đồng cùng chung ngôn ngữ có thể hiểu và giao tiếp dễ dàng.
* Xem xét vấn đề dưới nhiều góc nhìn khác nhau, bàn về các khía cạnh của vấn đề.
– Tiếng Việt là sản phẩm của văn hoá, của trí tuệ và tâm hồn người Việt, là thành quả sáng tạo vô giá của các thế hệ người Việt.
– sử dụng tiếng Việt trong sáng, phát huy sự giàu đẹp của tiếng Việt là nét đẹp văn hóa của con người Việt Nam.
– Ngày nay, Người Việt, đặc biệt ở tầng lớp thanh thiếu niên đang có những hiện tượng sử dụng tuỳ tiện tiếng Việt tự chế: viết thiếu nét của chữ, thêm những kí tự lạ, chêm xen các từ nước ngoài…
– Hiện tượng này khá phổ biến, cả trong văn nói và văn viết, từ thành thị đến nông thôn, từ thiếu niên đến thanh niên có đủ nhận thức …
– Các ngôn ngữ “tự chế” của giới trẻ là biến thể thiếu chuẩn mực của tiếng Việt – cả ở bình diện ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp.
* Bàn luận vấn đề từ góc nhìn trái chiều
– Có người gọi đó là sự sáng tạo của giới trẻ.
– Giới trẻ cho rằng sử dụng tiếng Việt như vậy tạo ra sự vui vẻ, hài hước, mới lạ, thể hiện sự trẻ trung, năng động.
– Thực chất điều đó đã khiến tiếng Việt mất đi sự trong sáng, là hành vi bôi nhọ tiếng Việt. Tạo nên thói quen tuỳ tiện trong giao tiếp, gây khó chịu cho người giao tiếp,…
– Xã hội không cổ suý cho những hành động bôi nhọ tiếng Việt.
– Quan điểm của người viết: Tiếng Việt cần những sản phẩm sáng tạo, nhưng sáng tạo phải dựa trên cơ sở chuẩn mực, để làm đẹp thêm cho tiếng Việt. Những hiện tượng làm thiếu sự trong sáng của tiếng Việt cần phải được ngăn chặn.
* Phân tích tác động của việc nhận thức đúng đắn về vấn đề đối với cá nhân hoặc cộng đồng.
– Ngôn ngữ nói là diện mạo thứ hai của mỗi người.
– Nếu nhận thức đúng đắn vấn đề này, người dùng sẽ sử dụng đúng chuẩn mực và sáng tạo ngôn ngữ tiếng Việt, người dùng thể hiện được trình độ văn hóa, tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm
– Nhờ đó, vẻ đẹp ngôn ngữ dân tộc được duy trì, bảo vệ và phát triển. Điều này sẽ củng cố vững chắc cho những giá trị tinh thần của dân tộc, tạo sức ảnh hưởng lớn cho sự phát triển của cộng đồng trên nhiều lĩnh vực.
Kết bài: Rút ra ý nghĩa của việc bàn luận vấn đề.
……………………………………………………………………………………
Bài viết tham khảo
Trải qua biết bao nhiêu thế kỷ, vượt qua biết bao sóng gió của lịch sử với những cuộc chiến vô cùng cam go, khốc liệt, ông cha ta mới có thể xây dựng nền văn hóa Việt Nam giàu đẹp, bền vững như ngày nay. Và tiếng Việt của ta được xem như “quốc hồn”, “quốc túy”, là một trong những thành quả đẹp đẽ của quá trình kiến tạo và phát triển bản sắc văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, một bộ phận giới trẻ ngày nay đang sử dụng ngôn ngữ dân tộc mình một cách sai lệch, thiếu trong sáng. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc.
“Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ”
Giọng thơ đầy yêu thương khi nhắc về tiếng Việt của nhà thơ Lưu Quang Vũ khiến chúng ta thêm tự hào về ngôn ngữ của dân tộc Việt Nam. Tiếng Việt là tài sản quý giá và thiêng liêng của dân tộc, là sản phẩm của văn hoá, của trí tuệ và tâm hồn người Việt, là thành quả sáng tạo vô giá của các thế hệ người Việt. Sử dụng tiếng Việt trong sáng, phát huy sự giàu đẹp của tiếng Việt là nét đẹp văn hóa của con người Việt Nam. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, tiếng Việt cũng có số phận, cũng từng kinh qua những thăng trầm, có những đau thương, có cả những thành tựu rực rỡ… Để bảo tồn và phát triển tiếng Việt, để có được tiếng Việt là ngôn ngữ chính thống của người Việt như hôm nay, cha ông ta đã phải đổ bao xương máu, đã gửi vào tiếng Việt biết bao tâm huyết, niềm tin và khát vọng…
Giống như những ngôn ngữ khác, tiếng Việt có quy tắc, chuẩn mực riêng, đảm bảo cho cộng đồng cùng chung ngôn ngữ có thể hiểu và giao tiếp dễ dàng. Tiếng Việt có những ưu thế bởi hệ thống thanh điệu với 6 thanh huyền, sắc, hỏi , ngã, nặng và thanh không. Những dấu thanh này khiến tiếng Việt có độ cao, thấp, bổng trầm vô cùng linh hoạt. Nhờ đó, những nghệ sĩ ngôn từ có thể sáng tạo những áng thơ văn làm đắm say lòng người. Dưới bàn tay của những nghệ sĩ tài hoa ấy, tiếng Việt được thăng hoa, bay bổng “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi” (Ca dao) ; hay “ Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng” (Truyện Kiều- Nguyễn Du)
Tuy nhiên, ngày nay, do sự vận động của thời đại, Tiếng Việt cũng giống như nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới, đang đứng trước nguy cơ bị mai một khi mà chuyển mình hội nhập rất sâu rộng và mạnh mẽ với quốc tế, những ngôn ngữ lớn, đặc biệt là tiếng Anh, đang thâm nhập và len lỏi vào mọi ngóc ngách của ngôn ngữ …
Không thể phủ nhận rằng việc hội nhập văn hóa khiến kho từ tiếng Việt cũng đã trở nên phong phú hơn, giàu có hơn. Tuy nhiên, nếu tiếng Việt không thực sự “khỏe”, người Việt trẻ không có ý thức bảo tồn và giữ gìn, hệ lụy từ việc vay mượn ngôn ngữ nước ngoài tùy tiện sẽ chắc chắc xảy ra.
Không khó để chúng ta nhận thấy trong sinh hoạt đời thường, người ta sẵn sàng “xổ ra” tiếng Anh, “xổ ra” những từ ngữ khó hiểu bất cứ lúc nào khi cần, mà chẳng thèm đoái hoài đến người nghe người đọc là ai, trong bối cảnh nào… Họ nói book phòng thay vì đặt phòng, nói order hàng thay vì đặt hàng, ship hàng thay vì chuyển hàng…, Một cô người mẫu trả lời một cuộc phỏng vấn trong một chương trình truyền hình chêm xen một cách tùy tiện những từ tiếng Anh trong một cuộc phỏng vấn bằng tiếng Việt. Họ tự tin sử dụng kiểu ngôn ngữ lai căng như thể nếu họ dùng từ thuần Việt thì bị cho là kém sang hay không thức thời.
Không chỉ có vậy, người Việt, đặc biệt ở tầng lớp thanh thiếu niên đang có những hiện tượng sử dụng tuỳ tiện tiếng Việt tự chế: viết thiếu nét của chữ, thêm những kí tự lạ, chêm xen các từ nước ngoài… Hiện tượng này khá phổ biến, cả văn nói và văn viết, từ thành thị đến nông thôn, từ thiếu niên đến thanh niên có đủ nhận thức … Hãy cứ vào một trang facebook của một bạn trẻ, ta sẽ dễ dàng bắt gặp những dòng trạng thái, những lời bình luận với những câu, từ tiếng Việt vô cùng lạ lẫm với chuẩn mực trước đây. Họ viết “hok bit” thay vì “không biết”, “lun” thay cho “luôn”, “gòi” thay cho “rồi”; họ nói “đừng có Yết Kiêu thế” thay vì “đừng có kiêu thế”…
Vậy căn nguyên của vấn đề từ đâu? Do sự phát triển mạnh mẽ của internet cũng như tiếp cận sớm các thiết bị công nghệ số đã hình thành nên những phương cách giao tiếp, trao đổi kiểu mới của giới trẻ. Dẫn đến tình trạng giới trẻ, nhất là trong lứa tuổi học sinh, sinh viên thường sử dụng ngôn ngữ theo kiểu viết tắt, viết ký hiệu, ngôn ngữ “tự chế” nửa tây, nửa ta, nửa chữ, nửa số, tiếng lóng… để nhắn tin trên điện thoại, mạng xã hội ngày càng nhiều.
Có người gọi đó là sự sáng tạo, là phương thức đáp ứng nhu cầu truyền thông điệp nhanh, thể hiện biểu cảm, cá tính của tuổi mới lớn…thực sự nó lại là hành vi bôi nhọ tiếng Việt của một bộ phận không nhỏ giới trẻ. Nếu sử dụng tràn lan, không phù hợp với hoàn cảnh và môi trường giao tiếp sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc hình thành nhân cách của các em. Nguy hại hơn, khả năng phát triển tư duy, kỹ năng giao tiếp, đặc biệt trong việc trình bày ý tưởng cũng như khi thể hiện văn bản, gây bất lợi trong quá trình học tập và làm việc. Mặt khác, còn tạo khoảng cách với thế hệ đi trước, gây hiểu lầm, khó chịu…
Xã hội không cổ suý cho những hành động bôi nhọ tiếng Việt. Nó làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt, những hiện tượng này cần được cảnh báo và ngăn chặn kịp thời.Vẫn biết rằng ngôn ngữ nào cũng cần vay mượn từ ngữ từ các ngôn ngữ khác khi ngôn ngữ đi mượn thiếu vắng những từ ngữ để biểu đạt điều cần nói, nhưng sự vay mượn đó phải có chừng mực, không thừa, không trùng lặp với những cái đã có và vốn đã rất trong sáng, chính xác.
Ngôn ngữ cho phép người ta sáng tạo, nghĩ ra cách dùng riêng, đôi lúc là cả sự phá cách, cho phép viết tắt, cho phép rút gọn… nhưng sự sáng tạo, sự phá cách, cách dùng riêng, cách viết tắt, cách rút gọn đó phải đúng văn cảnh, bối cảnh, chủ thể và lĩnh vực giao tiếp. …
Ngôn ngữ nói là diện mạo thứ hai của mỗi người. Nếu nhận thức đúng đắn vấn đề này, người dùng sẽ sử dụng đúng chuẩn mực và sáng tạo ngôn ngữ tiếng Việt, trở thành một người có trách nhiệm và có văn hóa. . Nhờ đó, vẻ đẹp ngôn ngữ dân tộc được duy trì, bảo vệ và phát triển. Điều này sẽ củng cố vững chắc cho những giá trị tinh thần của dân tộc, tạo sức ảnh hưởng lớn cho sự phát triển của cộng đồng trên nhiều lĩnh vực.
Tóm lại, mỗi người Việt trẻ cần ý thức sâu sắc về việc sử dụng tiếng Việt. Đùng đúng chuẩn mực tiếng Việt là một hành động văn minh; sử dụng sáng tạo tiếng Việt là góp phần xây dựng cho tiếng Việt thêm giàu đẹp, đó cũng chính là hành động thiết thực thể hiện lòng yêu nước và tính trách nhiệm của một người Việt đích thực.