Mục lục
ÔN TẬP CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ
– Nguyễn Tuân –
Kiến thức cơ bản về truyện ngắn Chữ người tử tù
Khái quát về tác phẩm:
Truyện “ Chữ người tử tù” lúc đầu có tên là “Dòng chữ cuối cùng” in trên tạp chí “Tao đàn” (1939), sau được tuyển in trong tập “Vang bóng một thời” và đổi tên thành “Chữ người tử tù”.
Truyện “Chữ người tử tù” kể về nhân vật Huấn Cao, một người “văn võ toàn tài”. Mở đầu truyện là cảnh nhà ngục tỉnh Sơn chuẩn bị đón sáu tên tử tù nguy hiểm, trong đó đứng đầu là Huấn Cao. Trước khi tù đến, viên quản ngục đã tỏ lòng khâm phục Huấn Cao vì cái tài viết chữ đẹp, vì tài cầm quân, tài bẻ khóa, vượt ngục. Suốt nửa tháng, quản ngục đã biệt đãi Huấn Cao và năm tử tù nhưng vì chưa hiểu nỗi niềm của viên quản ngục nên Huấn Cao vẫn tỏ ra “khinh bạc”. Có lệnh chuyển tù, quản ngục đã nhờ viên thơ lại đến nói với Huấn Cao tâm sự của mình (muốn xin mấy chữ đại tự trên lụa trắng). Nhận ra tấm lòng của quản ngục, Huấn Cao đã đồng ý. Đêm hôm đó, cảnh cho chữ kì lạ diễn ra trong ngục tối. Viết xong, Huấn Cao khuyên quản ngục thay chốn ở mà giữ “thiên lương”. Quản ngục cảm động, vái người tử tù “xin lĩnh ý”.
Những đề thi về Chữ người tử tù
Dựa vào kiến thức cơ bản và phương pháp làm bài nghị luận văn học về tác phẩm, đoạn trích văn xuôi, học sinh luyện tập với các đề văn sau:
Đề 1.
Hãy phân tích nhân vật Huấn Cao trong truyện “Chữ người tử tù” của nhà văn Nguyễn Tuân.
Đề 2.
Hãy phân tích nhân vật viên quản ngục trong truyện “Chữ người tử tù” của nhà văn Nguyễn Tuân.
Đề 3.
Hãy phân tích cảnh cho chữ – một “cảnh tượng xưa nay chưa từng có” – trong truyện “Chữ người tử tù” của nhà văn Nguyễn Tuân.
Hướng dẫn luyện tập đề 1 :
Tìm hiểu đề
Dạng đề : Phân tích nhân vật trong tác phẩm truyện.
Yêu cầu của đề :
- Yêu cầu về nội dung : Làm nổi bật đặc điểm hình tượng nhân vật Huấn Cao.
- Yêu cầu về thao tác : Phân tích là thao tác chính, cần kết hợp các thao tác khác như: chứng minh, bình luận, so sánh…
- Yêu cầu về tư liệu : Dẫn chứng là những từ ngữ, câu văn, chi tiết tiêu biểu ở văn bản trong sách giáo khoa Ngữ văn 11.
Lập dàn ý
Mở bài : Giới thiệu tác giả Nguyễn Tuân, dẫn vào truyện ngắn “Chữ người tử tù”. Nêu vấn đề : Trong tác phẩm này, nhà văn đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật Huấn Cao hội tụ nhiều vẻ đẹp.
Thân bài :
Khái quát : Nêu xuất xứ, thời gian sáng tác, tóm tắt truyện.
Phân tích :
Vẻ đẹp của sự tài hoa.
Vẻ đẹp của khí phách ngang tàng.
Vẻ đẹp của thiên lương trong sáng.
Nghệ thuật xây dựng nhân vật
Tạo dựng tình huống truyện độc đáo, đặc sắc (cuộc gặp gỡ và mối quan hệ éo le, trớ trêu giữa viên quản ngục và Huấn Cao).
Sử dụng thành công thủ pháp đối lập, tương phản.
Xây dựng thành công hình tượng nhân vật Huấn Cao – con người hội tụ nhiều vẻ đẹp.
Ngôn ngữ góc cạnh, giàu hình ảnh, có tính tạo hình, vừa cổ kính, vừa hiện đại.
Kết bài :
Kết luận chung về đặc điểm nhân vật. Ý nghĩa của hình tượng nhân vật.
Cảm nghĩ về tác giả.
Bài văn mẫu phân tích nhân vật Huấn Cao
Bài viết
Nguyễn Tuân là nhà văn lớn của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Ông là một nghệ sĩ tài hoa, uyên bác, có cá tính độc đáo. Sáng tác của ông có nhiều thể loại và ở thể loại nào cũng có những thành công đáng kể. Một trong số tác phẩm kết tinh tài năng độc đáo của Nguyễn Tuân ở thể loại truyện ngắn là “ Chữ người tử tù”. Trong tác phẩm này, nhà văn đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật Huấn Cao hội tụ nhiều vẻ đẹp.
Truyện “ Chữ người tử tù” lúc đầu có tên là “Dòng chữ cuối cùng” in trên tạp chí “Tao đàn” (1939), sau được tuyển in trong tập “Vang bóng một thời” và đổi tên thành “Chữ người tử tù”.
Truyện “Chữ người tử tù” kể về nhân vật Huấn Cao, một người “văn võ toàn tài”. Mở đầu truyện là cảnh nhà ngục tỉnh Sơn chuẩn bị đón sáu tên tử tù nguy hiểm, trong đó đứng đầu là Huấn Cao. Trước khi tù đến, viên quản ngục đã tỏ lòng khâm phục Huấn Cao vì cái tài viết chữ đẹp, vì tài cầm quân, tài bẻ khóa, vượt ngục. Suốt nửa tháng, quản ngục đã biệt đãi Huấn Cao và năm tử tù nhưng vì chưa hiểu nỗi niềm của viên quản ngục nên Huấn Cao vẫn tỏ ra “khinh bạc”. Có lệnh chuyển tù, quản ngục đã nhờ viên thơ lại đến nói với Huấn Cao tâm sự của mình (muốn xin mấy chữ đại tự trên lụa trắng). Nhận ra tấm lòng của quản ngục, Huấn Cao đã đồng ý. Đêm hôm đó, cảnh cho chữ kì lạ diễn ra trong ngục tối. Viết xong, Huấn Cao khuyên quản ngục thay chốn ở mà giữ “thiên lương”. Quản ngục cảm động, vái người tử tù “xin lĩnh ý”.
Trước hết, vẻ đẹp của hình tượng nhân vật Huấn Cao thể hiện ở phương diện tài hoa. Huấn Cao là một nghệ sĩ trong nghệ thuật thư pháp. Chữ của Huấn Cao “ đẹp lắm”, “vuông lắm”. Để thể hiện tài hoa ở chữ, Nguyễn Tuân không miêu tả kĩ lưỡng về chữ đó mà ông tập trung thể hiện sức hấp dẫn, sức chinh phục của những nét chữ. Tài hoa trong nghệ thuật thư pháp của Nguyễn Tuân đã nức tiếng gần xa. Trước khi đến nhà ngục, danh tiếng của Huấn Cao đã được quản ngục biết đến và hằng ngưỡng mộ, kính phục. Khi Huấn Cao đặt chân đến nhà ngục, tài hoa của ông đã khơi dậy trong viên quản ngục niềm khao khát cháy bỏng: được treo riêng ở nhà một câu đối do ông Huấn Cao viết và đó sẽ là “báu vật trên đời”. Không chỉ ao ước, khao khát, viên quản ngục còn tìm mọi cách “biệt đãi” để mong Huấn Cao cho chữ. Ngay cả khi bị Huấn Cao tỏ ra khinh bạc, viên quản ngục cũng chỉ biết vâng lời, nhẫn nhục và vẫn hết lòng trọng đãi. Có thể nói, tài hoa của Huấn Cao đã hoàn toàn chinh phục viên quản ngục. Trước cái đẹp tài hoa của ông Huấn, quản ngục đã bất chấp sự nguy hiểm đến danh vị và sinh mạng. Hành động hạ mình trước Huấn Cao của viên quản ngục chính là sự khuất phục của quyền uy trước cái đẹp.
Cùng với tài hoa, ở Huấn Cao còn chói ngời khí phách hiên ngang. Huấn Cao mang ý chí “chọc trời khuấy nước” nên đã cầm quân chống lại triều đình phong kiến thối nát, khi bị bắt thì “bẻ khóa, vượt ngục” để tiếp tục thực hiện lí tưởng. Điều này cũng thể hiện rõ qua ý nghĩ của Quản ngục về Huấn Cao “những kẻ chọc trời khuấy nước đến trên đầu người ta cũng chẳng biết có ai nữa”. Như vậy Huấn Cao rõ ràng là một trang anh hùng nghĩa liệt có lí tưởng, có dũng khí, có chí lớn, yêu công bằng và tự do. Khí phách hiên ngang của Huấn Cao còn hiện rõ ở tinh thần “uy vũ bất năng khuất”(không sợ gông xiềng, đòn roi, cường quyền). Vừa đến nhà ngục, bất chấp việc lính giơ roi dọa dẫm, Huấn Cao vẫn điềm nhiên chỉ huy những người tù dỗ cái gông nặng đến bảy, tám tạ xuống nền đá làm rơi ra một trận mưa rệp. Hành động này cho thấy, với Huấn Cao việc gì ông muốn là ông có thể làm được, bất chấp khó khăn đến đâu và có được phép hay không. Lúc viên quản ngục cho người đem rượu thịt đến, Huấn Cao đã điềm nhiên ăn uống như cái lúc còn tung hoành ngoài đời. Như vậy, với Huấn Cao, nhà giam và án tử hình treo trên đầu chẳng có gì là đáng sợ, nhà tù chỉ có thể giam cầm ông về thể xác, còn về tinh thần, ông vẫn hoàn toàn tự do. Đặc biệt, khi Huấn Cao tưởng viên quản ngục đến để mua chuộc mình, ông đã tỏ ra “ khinh bạc đến điều” và nói: “Ta chỉ muốn có một điều, là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”. Với câu nói đó, Huấn Cao đã đuổi thẳng cổ viên quản ngục đi mà không sợ sự lôi đình, sự báo thù và những thủ đoạn tàn bạo của một ngục quan bị sỉ nhục. Khí phách của Huấn Cao càng ngời sáng rực rỡ hơn khi ông nhận được tin ngày mai sẽ bị đưa về kinh xử chém. Với những con người bình thường, khi đối mặt với cái chết, họ thường tỏ ra khiếp sợ. Vậy mà , khi được tin cái chết đã đến, Huấn cao vẫn thanh thản “mím cười”. Hơn thế, Huấn Cao vẫn ung dung , chủ động sắp xếp kế hoạch để cho chữ viên quản ngục sau khi đã nhận ra tấm lòng yêu quý cái đẹp của ông ta. Trong cảnh cho chữ, Huấn cao đã hiện lên thật uy nghi : cổ đeo gông, chân vướng xiềng, tay tung hoành những nét chữ thể hiện khí phách của một con người hoài bão. Như vậy, ở Huấn Cao có vẻ đẹp hiên ngang của một trang anh hùng nghĩa liệt.
Không chỉ là một nghệ sĩ tài hoa, một trang anh hùng hiên ngang khí phách, Huấn Cao còn là ngừơi có thiên lương cao đẹp. Thiên lương đó được thể hiện ở sự tự trong, coi khinh tiền bạc để bảo vệ cái đẹp. Huấn Cao không bao giờ vì vàng bạc, quyền uy mà ép mình cho chữ bao giờ. “ Tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ”. Vẻ đẹp thiên lương của Huấn Cao còn thể hiện rõ ở chỗ ông coi trọng những tâm hồn luôn hướng tới cái đẹp. Huấn Cao đã rất cứng cỏi khi nghĩ rằng Quản ngục là kẻ đại diện cho quyền lực phi nghĩa. Khi biết Quản ngục có tấm lòng yêu chuộng cái đẹp, thái độ của ông khác hẳn, ông đồng ý cho chữ và nói những lời chân thành “ Ta cảm cái lòng biệt nhỡn liên tài…Thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Lời nói đó đã hé mở lối sống của Huấn Cao: sống là phải đáp lại những tấm lòng tốt. Huấn Cao không chỉ yêu và bảo vệ cái đẹp của nghệ thuật, ông còn luôn hướng tới bảo vệ cái đẹp của cuộc sống, của tâm hồn con người. Điều đó được thể hiện trong lời khuyên của ông với viên quản ngục: hãy bỏ nghề, về quê mà ở vì ở đây khó giữ thiên lương cho “ lành vững”. Như vậy, Huấn Cao là người có cái tâm trong sáng.
Xây dựng nhân vật Huấn Cao với vẻ đẹp ngời sáng, Nguyễn Tuân đã thể hiện rõ tài hoa độc đáo trong phong cách sáng tác của mình. Nguyễn Tuân đã đặt cả hai nhân vật vào tình huống éo le. Trong tình thế ngang trái đó, các nhân vật sẽ dần dần bộc lộ nhân cách của mình. Trong tác phẩm, Nguyễn Tuân còn sử dụng nghệ thuật tương phản : Huấn Cao xuất hiện luôn trong tư thế ung dung, hiên ngang, còn viên quản ngục và thầy thơ lại luôn khép nép , nhún nhường. Chính nhờ nghệ thuật này, Nguyễn Tuân đã tạo nên một ngôi sao chính vị rực rỡ – Huấn Cao. Đặc biệt, Nguyễn Tuân còn sử dụng nghệ thuật “ vẽ mây nảy trăng”. Để tô đậm nhân vật Huấn Cao, Nguyễn Tuân lại nói nhiều đến viên quản ngục và thầy thơ lại. Những lời nhận xét, đánh giá của thầy thơ lại và viên quản ngục càng làm cho vẻ đẹp của Huấn Cao ngời sáng rực rỡ hơn. Hình tượng nhân vật Huấn Cao đã in đậm dấu ấn về phong cách sáng tác của Nguyễn Tuân.
Tóm lại, tài hoa, khí phách, thiên lương trong sáng đã hội tụ và tỏa sáng ở nhân vật Huấn Cao. Qua hình tượng Huấn Cao, Nguyễn Tuân muốn khẳng định cái đẹp là bất diệt, cái tài và cái tâm, cái đẹp và cái thiện không thể tách rời; đồng thời thể hiện sự trân trọng những giá trị tinh thần của dân tộc. Tác phẩm khép lại nhưng để lại dư âm trong lòng người đọc nhiều cảm xúc. Đó là sự cảm phục trước vẻ đẹp của nhân vật Huấn Cao và trước tài năng của nhà văn Nguyễn Tuân. Với tác phẩm này, Nguyễn Tuân không chỉ “Vang bóng một thời” mà còn mãi mãi “vang bóng” trên văn đàn văn học Việt Nam.
Bài văn mẫu phân tích nhân vật Quản Ngục
Nhân vật viên quản ngục
Đặc điểm nhân vật:
a.Có sở thích cao quý : cũng là người “biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền”, từ những ngày nào, ông có một “sở nguyện” là có một ngày kia được treo ở nhà riêng của mình một đôi câu đối do chính tay ông Huấn Cao viết. Với ông thì “có được chữ ông Huấn mà treo là có một báu vật trên đời”. Bởi vậy mà khi có một ông Huấn trong tay mình, dưới quyền mình nhưng lại không can đảm giáp mặt, viên quản ngục chỉ lo mai mốt chi đây, ông Huấn bị hành hình mà không kịp xin được chữ thì “ân hận suốt đời mất”. Cũng bởi vậy mà khi tiếp đọc công văn giải Huấn Cao ra pháp trường mà ông “tái nhợt” người đi. Để rồi sau đó mãn nguyện nói lời cảm tạ ông Huấn “kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Đằng sau câu nói, người đọc cũng hiểu, ngục quan sẽ nghe theo lời giáo huấn của ông Huấn, từ nay, ông sẽ bỏ cái nghề mà ông đã chọn nhầm này để về quê, giữ thiên lương cho “lành vững”. Ông sẽ rời xa chốn quan trường ấy mà không hề nuối tiếc bởi cái “sở nguyện” cả đời của ông đã được thực hiện.
b.Biết say mê và quý trọng cái đẹp, biết cảm phục tài năng, nhân cách và “biệt nhỡn liên tài” :
– Vừa nhận được công văn sắp có sáu tên tù án chém sẽ được chuyển đến nhà lao tỉnh Sơn trong nay mai, trong đó có Huấn Cao, ông đã “ngờ ngợ” và hỏi lại thầy thơ lại cho chắc chắn. Đó có phải là người mà ông kính nể bởi cái tài “viết chữ rất nhanh và rất đẹp” và ao ước được gặp mặt bấy lâu nay ? Khi thầy thơ lại chắc chắn đó là Huấn Cao, việc đầu tiên mà quản ngục làm là nhắc thầy thơ lại “bảo ngục tốt nó quét dọn lại cái buồng giam trong cùng”. Quét dọn cho sạch sẽ để “tiếp đón” một tử tù. Nếu là một tử tù bình thường thì quả là lạ. Nhưng đây lại là ông Huấn, là “thiên hạ đệ nhất thư pháp”, là người mà ông ngưỡng mộ bấy nay, vậy thì chuyện quét dọn lại buồng giam để đón tiếp là bình thường. Hành động mở đầu truyện này đã hé mở một nhân cách đẹp : biết say mê và quý trọng cái đẹp, biết cảm phục tài năng, nhân cách và “biệt nhỡn liên tài”.
– Tối hôm đó, sau khi đã cắt đặt xong mọi việc để tiếp đón tử tù, khi xung quanh trời đã “tối mịt”, chỉ còn những thanh âm của đêm khuya thì ngục quan vẫn đang “băn khoăn ngồi bóp thái dương”. “Khuôn mặt nghĩ ngợi” ấy vẫn chưa dứt khỏi những ý nghĩ về Huấn Cao. Ông đang suy nghĩ : “ta muốn biệt đãi ông Huấn Cao, ta muốn cho ông ta đỡ cực trong những ngày cuối cùng còn lại”. Ông thương ông Huấn vì “chọc trời khuấy nước” mà đã phải chịu bao đau đớn cực khổ bởi đòn roi tra tấn trong nhà ngục. Ông cảm phục tài năng, nhân cách cứng cỏi của ông Huấn mà muốn cho ông đỡ khổ trong những ngày cuối cùng còn lại. Thế nhưng, ông cũng phải cẩn thận bởi tính mạng của mình cũng không giữ được nếu việc đến tai quan trên. Bởi vậy, dù đã suy đoán về tính cách thầy thơ lại “hẳn không phải là kẻ xấu hay là vô tình”, có lẽ “hắn cũng như mình, chọn nhầm nghề mất rồi”, thế nhưng ông vẫn cẩn thận “để mai ta dò ý tứ hắn lần nữa xem sao rồi sẽ liệu”. Những suy nghĩ trong đêm khuya ấy cho người đọc thấy viên quản ngục tuy làm việc cho triều đình phong kiến, tuy làm công việc cai quản tù nhân nhưng ông không phải là một hung thần với đôi tay vấy máu. Chẳng qua là ông đã “chọn nhầm nghề” mà thôi.
– Sáng hôm sau, lính tỉnh dẫn sáu tên tử tù đến trước cửa ngục thất. Trái với phong tục nhận tù mọi ngày, hôm nay viên quan coi ngục “nhìn sáu tên tù mới vào với cặp mắt hiền lành”. Lòng kiêng nể của ông với ông Huấn Cao tuy cố giữ kín đáo mà cũng đã rõ quá rồi. Khi kiểm điểm phạm nhân, ngục quan còn có biệt nhỡn đối riêng với Huấn Cao khiến bọn lính phải nhắc ông “để tâm”. Ông thừa hiểu mấy chữ “để tâm” của bọn lính là gì nhưng vẫn ung dung “việc quan ta đã có phép nước” làm cho chúng không hiểu và sáu tên tử tù thì cứ ngạc nhiên về thái độ ấy. Tấm lòng say mê, quý trọng cái đẹp, sự cảm phục tài năng, nhân cách và “biệt nhỡn liên tài” trong quản ngục ngày càng rõ.
– Suốt nửa tháng sau đó, ở trong buồng tối, hàng ngày Huấn Cao vẫn thản nhiên dùng rượu, thịt do người thơ lại gầy gò mang đến. Đó là “ít quà mọn” do thầy quản “biếu” ông dùng kẻo “trong buồng đây, lạnh lắm”. Rồi một hôm, chính quản ngục trực tiếp mở cửa buồng kín để “khép nép” bày tỏ tấm lòng mình : “…biết ngài là một người có nghĩa khí, tôi muốn châm chước ít nhiều…”. Mặc dù biết rằng “phép nước ngặt lắm” và có thể “phiền lụy riêng cho tôi nhiều lắm” nếu quan trên biết việc này, nhưng viên quản ngục vẫn cứ biệt đãi ông Huấn Cao với tấm lòng kính nể, yêu mến chân thành. Bởi vậy, dù có bị ông Huấn “xỉ nhục đến điều”, ngục quan vẫn không hề tức giận, ngược lại còn lễ phép lui ra với câu nói “Xin lĩnh ý” và từ hôm ấy cơm rượu lại vẫn đưa đến đều đều và lại có phần hậu hơn trước. Ông không hề lấy làm oán thù mà còn hiểu rằng : những người chọc trời quấy nước, đến trên đầu người ta, người ta cũng còn chẳng biết có ai nữa, huống chi cái thứ mình chỉ là một kẻ tiểu lại giữ tù. Nếu không phải là một người có nhân cách cao cả, một người biết say mê và quý trọng cái đẹp, biết cảm phục tài năng, nhân cách và “biệt nhỡn liên tài” thì làm sao có thể hành động và suy nghĩ như thế được ?
– Kết thúc câu chuyện, người đọc không thể nào quên hình ảnh : “Ngục quan cảm động, vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào : “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Một ngục quan mà lại quỳ lạy dưới chân một tử tù ! Trên bình diện xã hội, thật đó là chuyện không thể xảy ra. Thế nhưng, đọc đến đây, không hề có ai thấy lạ. Bởi người đọc hiểu rằng, bây giờ chỉ còn một kẻ say mê, trân trọng cái đẹp và nhân cách quỳ dưới biểu tượng của cái đẹp, cái cao cả. Ẩn hiện đâu đó quan niệm của người anh hùng “nhất sinh đê thủ bái mai hoa” (một đời ta chỉ cúi đầu sùng bái trước hoa mai).
– Sống giữa một “đống cặn bã”, một “lũ quay quắt” chỉ sống bằng tàn nhẫn, lừa lọc, ông vẫn giữ được “tính cách dịu dàng và lòng biết giá người, biết trọng người ngay”. Quả thực đó là “một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”, một đóa sen thơm ngát giữa bùn lầy. Xây dựng hình tượng viên quản ngục, nhà văn muốn nói rằng : trong mỗi con người luôn chứa tâm hồn yêu cái đẹp, cái tài; và cái đẹp chân chính trong bất kì hoàn cảnh nào vẫn luôn giữ được “phẩm chất”, “nhân cách”.
Nghệ thuật xây dựng nhân vật:
Bằng nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo, đặc sắc, thủ pháp tương phản đối lập, nhà văn không chỉ khắc họa một “ngôi sao chính vị rực rỡ” là Huấn Cao mà còn hướng con người đến với chân – thiện – mỹ bằng hình tượng của viên quản ngục. Tuy xây dựng hình tượng viên quản ngục bằng bút pháp hiện thực khiến hình ảnh của ông thực hơn, đời hơn so với hình ảnh lí tưởng của Huấn Cao, thế nhưng, người đọc vẫn cảm thấy viên quản ngục cũng là một ngôi sao rực rỡ giữa đất trời.
Kết luận :
Tóm lại, truyện ngắn “Chữ người tử tù” bên cạnh khắc họa hình tượng nhân vật Huấn Cao với vẻ đẹp lí tưởng, còn khắc họa hình tượng viên quản ngục có nhân cách cao quý. Tác phẩm khép lại nhưng để lại dư âm trong lòng người đọc nhiều cảm xúc. Đó là sự cảm phục trước vẻ đẹp của nhân vật Huấn Cao và trước tài năng của nhà văn Nguyễn Tuân. Với tác phẩm này, Nguyễn Tuân không chỉ “Vang bóng một thời” mà còn mãi mãi “vang bóng” trên văn đàn văn học Việt Nam.
Xem thêm : Phân tích cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân
Tuyển tập đề thi và những bài văn hay về Chữ người tử tù : chữ người tử tù