Phân tích cảnh cho chữ trong tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân
Nguyễn Tuân là nhà văn xuất sắc, là gương mặt tiêu biểu cho văn học lãng mạn thời kì 1930-1945. Ông được mệnh danh là người suốt đời đi tìm cái đẹp, đưa cái đẹp vào trong từng trang viết. Tên tuổi của ông đã thực sự sáng chói khi “Vang bóng một thời” ra mắt bạn đọc. Nổi bật trong mười một truyện ngắn đó là “Chữ người tử tù”. Và thành công trong tác phẩm chính là Nguyễn Tuân đã xây dựng được “cảnh tượng xưa nay chưa từng có”- cảnh cho chữ ở cuối truyện.
Cảnh cho chữ là một tình huống độc đáo, là trung tâm mĩ học của toàn bộ tác phẩm. Nếu không có cảnh cho chữ thì toàn bộ phần dựng truyện sẽ trở nên vô nghĩa, hơn nữa chủ đề tư tưởng của tác phẩm cũng như quan điểm thẩm mĩ của nhà văn không được thể hiện rõ từ đó, giá trị của tác phẩm cũng dần mờ nhạt đi. Để đến với cảnh cho chữ, ngay từ đầu tác phẩm, Nguyễn Tuân đã giới thiệu về Huấn Cao, viên quản ngục và cuộc gặp gỡ của họ tại nhà lao Sơn Tuyên Hưng. Huấn Cao nổi tiếng là một nho sĩ tài hoa, là người có khí phách và thiên lương trong sáng. Ông nổi tiếng khắp vùng tỉnh Sơn là viết chữ nhanh và đẹp. Nhưng tính ông vốn khoảnh, ông ít chịu cho chữ trừ những chỗ tri kỉ. Hay nói cách khác, muốn xin được chữ của Huấn Cao phải được ông kết vào hàng thân mật. Gặp quản ngục trong nhà lao, Huấn Cao tỏ ra thái độ khinh bỉ không giấu giếm bởi trong mắt ông, quản ngục chỉ là kẻ tiểu lại giữ tù, một kẻ làm nghề thất đức. Nhưng khác với suy nghĩ đó, tuy sống ở nơi cặn bã, nơi ngự trị của cái xấu và cái ác nhưng quản ngục lại là người có tính cách dịu hiền, yêu cái đẹp, trọng cái tài. Ông băn khoăn không biết có xin được chữ của Huấn Cao không? Trong hoàn cảnh đó, nếu như quản ngục làm đúng với công việc, với chức trách của mình thì sẽ trà đạp lên cái đẹp. Còn nếu quản ngục biệt đãi Huấn Cao thì lại bị tử tù hiểu lầm hơn nữa lại an nguy đến tính mệnh. Nhưng với tấm lòng yêu mến cái đẹp, quản ngục đã bất chấp tất cả để có được những nét chữ “vuông lắm, đẹp lắm” do chính tay Huấn Cao viết.
Mối quan hệ giữa quản ngục và Huấn Cao thật đặc biệt. Trên phương diện xã hội, họ là kẻ thù của nhau nhưng trên bình diện nghệ thuật họ lại là tri âm, tri kỉ. Dõi theo câu chuyện, người đọc không khỏi băn khoăn không biết cảnh cho chữ liệu có xảy ra? Phiến trát thứ hai đến, xung đột truyện mở ra, Huấn Cao đã được nghe thơ lại nói về tâm nguyện của quản ngục và ông đã biết rằng quản ngục không phải là tên coi tù bình thường. Một người cứng như đá như Huấn Cao đến chết chém mà cũng không sợ lại cảm động trước một tấm lòng “thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Huấn Cao đã đồng ý cho chữ, hai tấm lòng đã xóa nhòa đi khoảng cách giữa họ để họ gần nhau hơn.
Cảnh cho chữ đã được diễn ra trong một không gian đặc biệt, một không gian mà đáng ra con người không nên gặp gỡ đó là nhà ngục. Hơn nữa, thời gian lại là vào lúc đêm khuya đồng thời cũng là giây phút cuối cùng của cuộc đời Huấn Cao. Nổi bật trên cái nền không gian ẩm thấp của nhà tù chính là hình ảnh một người tử tù “cổ đeo gông, chân vướng xiềng xích” và hình ảnh thầy thơ “:run run” bê chậu mực và quản ngục “khúm núm cất những đồng tiền kẽm”.
Không phải ngẫu nhiên Nguyễn Tuân gọi cảnh cho chữ là “cảnh tượng xưa nay chưa từng có”. Cho chữ vốn là một công việc thanh cao chỉ diễn ra nơi thư phòng sang trọng đầy đủ ánh sáng hay ít nhất người sáng tạo nghệ thuật cũng phải được tự do thân thể, thoải mái về tinh thần. Thế mà ở đây, Huấn Cao cho chữ viên quản ngục vào đêm khuya, tại nhà giam nơi ẩm thấp, tối tăm “tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián”. Hơn nữa, ngày mai, Huấn Cao lại phải ra pháp trường lĩnh án chém, chân tay đang bị trói chặt. Người sáng tạo nghệ thuật thì bị mất tự do. Có lẽ đây chính là yếu tố đầu để khẳng định đây là cảnh cho chữ đặc biệt.
Hơn nữa, tư thế của người cho chữ và nhận chữ cũng hoàn toàn bị đảo lộn. Huấn Cao là kẻ tử tù thì đàng hoàng, uy nghi. Quản ngục là trưởng trại giam, người nắm trong tay quyền sinh, quyền sát thì lại sợ sệt, khúm núm. Cũng chính vì thế mà trật tự kỉ cương của nhà tù cũng bị đảo lộn một cách ghê gớm. Huấn Cao bị tước hết mọi thứ quyền thì dõng dạc, răn dạy quản ngục. Quản ngục đáng ra phải là người chỉ bảo tù nhân thì lại quỳ gối lắng nghe. Với những dòng chữ vuông và đẹp, Huấn Cao đã nói: “Ta khuyên thầy quản nên tìm về nhà quê mà ở… Ở đây, rồi ô ếu mất cả đời lương thiện đi”. Sâu thẳm trong tâm quản ngục đã hiểu ra điều gì đó để rồi nước mắt chảy vào kẽ miệng, bái Huấn Cao: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Người ta thấy mình mê muội khi ai đó làm sáng ra. Cái mê muội của quản ngục không những không làm mất đi hình ảnh con người yêu mến cái đẹp mà ngược lại, còn tôn lên vẻ đẹp đáng kính của con người ông.
Bằng bút pháp lãng mạn, cảnh cho chữ được xây dựng nhằm tô đậm thêm tính cách của các nhân vật. Vẻ đẹp của Huấn Cao nở rộ ở tài hoa, khí phách và thiên lương còn quản ngục lại là tấm lòng “biệt nhỡn liên tài”. Hơn nữa, xây dựng cảnh cho chữ, chủ đề của tác phẩm cũng như quan điểm thẩm mĩ của Nguyễn Tuân được thể hiện rõ. Cái dơ dáy, tăm tối bẩn thỉu của nhà ngục đối lập với cái ánh sáng của ngọn đuốc cháy sáng rực, với tấm lụa trắng tinh và mùi thơm của chậu mực. Những nét chữ vuông tươi tắn nói lên sự tung hoành của cả một đời người cho thấy cái đẹp có thể được sinh ra từ mảnh đất xấu và ác nhưng cái đẹp không thể chung sống với cái xấu và cái ác, cái đẹp phải luôn “cứu vớt con người”.
Để làm nổi bật lên cảnh cho chữ không thể không nói đến tác dụng của các biện pháp nghệ thuật được sử dụng. Đó là các biện pháp đối lập- một đặc trưng của văn học lãng mạn. Cùng với đó là sự sử dụng ngôn từi cổ kính, trang nghiêm tạo nên vẻ đẹp cho toàn bộ tác phẩm. Cuối cùng, cảnh sắp xếp của tác giả cũng để lại dấu ấn riêng biệt tạo nên một phong cách rất “ngông” của Nguyễn Tuân.
Mác đã từng nói “Điều quan trọng của mỗi tác phẩm là cách kết thúc”. Đúng như vậy! Kết thúc câu chuyện không chỉ mở ra hướng nghĩ cho giá trị của toàn bộ tác phẩm mà còn là số phận của các nhân vật. “Chữ người tử tù” cũng vậy! Qua sự kết thúc đầy hình ảnh, Nguyễn Tuân đã đem đến cho người đọc biết bao suy nghĩ, bao thanh thản bởi sự cứu vớt con người của cái đẹp. Chính vì lẽ đó, tác phẩm xứng đáng là một thiên truyện hay, nó sẽ vượt qua bước chân của thời gian đến với bạn đọc cả hôm nay và mai sau.