ĐỌC HIỂU (5,0 điểm)
Đọc văn bản:
[…] Nhưng đừng nghĩ rằng các em có bất cứ điều gì đặc biệt. Bởi vì sự thật không phải như thế. Bằng chứng thực tế có ở khắp mọi nơi, những con số mà giáo viên tiếng Anh cũng không thể phớt lờ. Có đến 2.000 học sinh tốt nghiệp trung học, lứa này ra lứa khác vào và đó mới chỉ ở những trường lân cận thôi. Trên khắp cả nước, không ít hơn 3,2 triệu học sinh tốt nghiệp từ hơn 37.000 trường trung học. Đó là 37.000 học sinh tiêu biểu, 37.000 cán bộ lớp, 92.000 giọng ca nổi bật, 340.000 vận động viên, 2.185.967 đôi bạn cùng tiến. Chưa hết, đó mới chỉ là ở trường trung học, còn sau đó thì sao? Hãy nghĩ về điều này: Thậm chí nếu một triệu người mới có một người như các em, thì trên hành tinh 6,8 tỷ người này có gần 7.000 người giống với các em. Giống như việc các em đang đứng ở đâu đó trên Washington Street tham dự cuộc đua Marathon Monday và xem gần 7 tỷ người chạy qua. Xem xét một bức tranh lớn hơn là hành tinh của chúng ta. Để thầy nhắc các em, hành tinh của chúng ta không phải là trung tâm của hệ mặt trời, hệ mặt trời không phải trung tâm của dải thiên hà và thiên hà thì không phải trung tâm của vũ trụ. Trên thực tế, các nhà thiên văn học đã khẳng định rằng, vũ trụ không có trung tâm. Do đó, các em không thể là cái “rốn” của vũ trụ được.
[…] Nếu các em đã học được điều gì đó trong những năm tháng ở đây, thầy hy vọng các em đã học được tri thức, đam mê nghiên cứu, chứ không phải chỉ là những bảng ghi thành tích. Thầy cũng hy vọng các em nghiệm ra câu nói mà nhà viết kịch Sophcles nổi tiếng đã từng nói: “Trí tuệ là yếu tố chính tạo nên hạnh phúc”. Thầy cũng hy vọng các em học đủ để nhận ra rằng những điều các em biết ít như thế nào, rằng đó mới chỉ là điểm khởi đầu. Các em sẽ đi được tới đâu sau khi rời khỏi ngôi trường này, đó mới là vấn đề.
Và khi các em vừa bắt đầu, trước khi các em nghĩ đến chuyện bay cao bay xa, hãy tập làm bất cứ thứ gì, có thể cả những thứ chẳng có ý nghĩa gì chứ không phải chỉ là những điều các em thích hay cho là quan trọng. Đừng bực bội vì những việc mà các em không tin tưởng, vì như thế các em sẽ cảm thấy nhàm chán chính bản thân mình, cũng đừng đem bản thân so sánh một cách lệch lạc với những người như Baltimore Orioles. Hãy giết chết cảm giác tự mãn và dễ dàng thỏa hiệp, cảm giác mọi thứ dường như đều có lý hay cảm giác tự bằng lòng trong trạng thái tinh thần u mê. Hãy làm cho bản thân xứng đáng với những gì mà các em đang cố gắng. Và hãy đọc, đọc mọi lúc, đọc như một nguyên tắc của bản thân và như một cách để tôn trọng chính mình. Coi việc đọc như nguồn sống của cuộc đời. Hãy phát triển và bảo vệ một giá trị đạo đức bằng cách đưa ra các lập luận để chấp nhận nó. Hãy mơ những giấc mơ vĩ đại. Hãy làm việc cật lực. Hãy nghĩ cho bản thân mình. Hãy yêu tất cả những thứ các em thích và những người các em cảm mến bằng tất cả tấm lòng của mình. Và hãy làm tất cả những điều đó, như thể các em đang bị thúc giục, mỗi giây mỗi phút, từng chút một. Hãy tin bữa tiệc nào rồi cũng tàn nhưng các em đừng bao giờ tham gia vào một cuộc vui khi đã đến lúc tàn, cho dù buổi chiều hôm nay có rực rỡ đến thế nào.
(Trích Bài phát biểu của David McCollough Jr1 trong lễ Tốt nghiệp của các học sinh lớp 12 Trường trung học Wellesley High2 ở bang Massachusetts (Mỹ), 2012)
*Chú thích
David McCollough Jr là giáo viên tiếng Anh của trường trung học Wellesley High ở bang Massachusetts (Mỹ). Ông là con trai của nhà sử học, nhà văn David McCollough, người từng đoạt giải thưởng Pulitzer.
Wellesley High là trường công nổi tiếng ở thị trấn giàu có Wellesley, có truyền thống lâu đời và từng đào tạo nhiều nhân tài cho nước Mỹ.
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1 (0,5 điểm). Vấn đề trọng tâm được đề cập đến trong văn bản là gì?
Câu 2 (0,5 điểm). Văn bản hướng tới đối tượng nào?
Câu 3 (0,75 điểm). Các luận điểm nào đã được tác giả triển khai trong văn bản?
Câu 4 (0,75 điểm). Chỉ ra ít nhất hai lí lẽ được tác giả sử dụng trong đoạn cuối của văn bản.
Câu 5 (0,5 điểm). Tác giả viết văn bản trên nhằm mục đích gì?
Câu 6 (0,5 điểm). Nhận xét về quan điểm, thái độ của người viết được thể hiện trong văn bản.
Câu 7 (0,5 điểm). Chỉ ra và phân tích tác dụng của việc sử dụng dẫn chứng ở đoạn 1 của văn bản.
Câu 8 (1.0 điểm). Anh/ Chị có đồng tình với quan điểm của tác giả “Coi việc đọc như nguồn sống của cuộc đời” không? Vì sao?
VIẾT (5,0 điểm)
Viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của anh/ chị về vấn đề tuổi trẻ với việc khẳng định mình trong cuộc sống hiện nay.
ĐÁP ÁN
Câu 1. Vấn đề trọng tâm được đề cập đến trong văn bản là: Vấn đề học sinh cần nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của mình.
Câu 2. Văn bản hướng tới đối tượng: những học sinh lớp 12 trong Lễ Tốt nghiệp
Câu 3. Các luận điểm đã được tác giả triển khai trong văn bản:
– Các em đều là những người không có gì đặc biệt.
– Nhận thức được giá trị của việc học tri thức, đam mê nghiên cứu chứ không phải bảng ghi thành tích.
– Hãy tập làm bất cứ việc gì trước khi nghĩ đến chuyện bay cao, bay xa.
Câu 4. Các lí lẽ được tác giả sử dụng trong đoạn cuối của văn bản:
– Hãy tập làm bất cứ thứ gì, có thể cả những thứ chẳng có ý nghĩa gì.
– Đừng bực bội vì những việc mà các em không tin tưởng.
– Hãy giết chết cảm giác tự mãn và dễ dàng thỏa hiệp.
– Hãy làm cho bản thân xứng đáng với những gì mà các em đang cố gắng.
– Hãy đọc, đọc mọi lúc, đọc như một nguyên tắc của bản thân và như một cách để tôn trọng chính mình.
– Hãy phát triển và bảo vệ một giá trị đạo đức bằng cách đưa ra các lập luận để chấp nhận nó.
– Hãy mơ những giấc mơ vĩ đại.
– Hãy làm việc cật lực.
– Hãy nghĩ cho bản thân mình.
– Hãy yêu tất cả những thứ các em thích và những người các em cảm mến bằng tất cả tấm lòng của mình.
Câu 5. Tác giả viết văn bản trên nhằm mục đích: Học sinh nhận thức lại chính mình, nhận thức giá trị của tri thức để cố gắng học tập, rèn luyện.
Câu 6. Quan điểm, thái độ của người viết được thể hiện trong văn bản.
– Quan điểm của tác giả: Tác giả có quan điểm rất rõ ràng, thẳng thắn khi bày tỏ suy nghĩ và cả những mong muốn của mình với những học sinh 12 sau khi ra trường.
– Thái độ của tác giả: Tác giả vừa có thái độ ân cần, quan tâm, thấu hiểu song cũng rất kiên quyết, dứt khoát.
Câu 7. Chỉ ra và phân tích tác dụng của việc sử dụng dẫn chứng ở đoạn 1 của văn bản.
– Dẫn chứng ở đoạn 1 của văn bản:
+ Có đến 2.000 học sinh tốt nghiệp trung học, lứa này ra lứa khác vào và đó mới chỉ ở những trường lân cận thôi. Trên khắp cả nước, không ít hơn 3,2 triệu học sinh tốt nghiệp từ hơn 37.000 trường trung học. Đó là 37.000 học sinh tiêu biểu, 37.000 cán bộ lớp, 92.000 giọng ca nổi bật, 340.000 vận động viên, 2.185.967 đôi bạn cùng tiến.
+ Trên hành tinh 6,8 tỷ người này có gần 7.000 người giống với các em.
– Tác dụng của việc sử dụng dẫn chứng:
+ Giúp văn bản trở trên thuyết phục, đáng tin cậy
+ Làm nổi bật vấn đề cần nghị luận: Các em – những học sinh vừa tốt nghiệp trung học không có gì đặc biệt.
Câu 8.
– HS đưa ra quan điểm và lí giải cho việc lựa chọn quan điểm đó.
– HS rút ra bài học cho bản thân và những người xung quanh.
LÀM VĂN (5,0 điểm)
Viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của anh/ chị về vấn đề tuổi trẻ với việc khẳng định mình trong cuộc sống hiện nay.
MỞ BÀI
– Dẫn dắt vấn đề
– Giới thiệu vấn đề trong cuộc sống cần bàn luận: tuổi trẻ với việc khẳng định mình
THÂN BÀI
– Việc khẳng định mình là việc phát huy cao nhất năng lực, in dấu ấn cá nhân trong không gian cũng như trong thời gian, cụ thể là trong môi trường và lĩnh vực hoạt động của riêng mình.
– Ở các thời đại và xã hội khác nhau, việc tự khẳng định mình của con người vươn theo những tiêu chuẩn và lý tưởng không giống nhau.
Xem xét vấn đề dưới nhiều góc nhìn khác nhau, bàn về các khía cạnh của vấn đề
2.1. Vì sao tuổi trẻ cần phải khẳng định mình trong cuộc sống hiện nay?
– Cuộc sống hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ, con người dễ bị lất át bởi các phương tiện thông tin và các thiết bị hiện đại. Vì vậy, nếu không khẳng định mình, con người sẽ bị tụt hậu. Những người trẻ vì vậy cũng không có cơ hội thể hiện mình, không có những đóng góp thiết thực cho đất nước.
– Nhu cầu khẳng định chính mình là nhu cầu chính đáng của con người, đặc biệt là những người trẻ. Họ mang trong mình khát vọng, đam mê, nhiệt huyết và cả khao khát khám phá chính mình, thể hiện chính mình, khám phá cuộc sống xung quanh.
2.2. Tuổi trẻ hiện nay có thể khẳng định mình như thế nào?
– Khẳng định mình qua suy nghĩ, nhận thức
– Khẳng định mình qua hành động, thói quen
Bàn luận vấn đề từ góc nhìn trái chiều
– Thực tế bên cạnh người người trẻ sẵn sàng thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, dám tự tin khẳng định mình thì không ít kẻ sống thụ động, thờ ơ với việc khẳng định bản thân.
– Nhiều người khẳng định một cách thái quá, dẫn đến việc lầm lạc trong suy nghĩ và hành động, hình thành thói quen khoe khoang hoặc tính cách tự cao, tự đại.
– Một số khác khẳng định bản thân theo hướng tiêu cực, quái đản, tạo scandal, phát biểu gây sốc….
Phân tích tác động của việc nhận thức đúng đắn về vấn đề đối với cá nhân hoặc cộng đồng.
– Nhận thức đúng đắn về việc khẳng định mình, mỗi người trẻ sẽ khao khát dấn thân, khẳng định năng lực, khả năng và cống hiến, đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội.
– Khá khao khẳng định mình sẽ hình thành ở người trẻ bản lĩnh, sự tự tin, lối sống tích cực, dám nghĩ, dám làm.
KÉT BÀI: Rút ra ý nghĩa của việc bàn luận vấn đề.
Bài viết tham khảo
Lê Nguyễn Nhật Linh – giám đốc sáng tạo Skybooks đã từng cho rằng: “Sự thực là thời gian thì vô hạn. Nhưng cuộc đời của chúng ta là hữu hạn”. Quả thực, trong vũ trụ rộng lớn, thời gian lại cứ vô tình trôi, sự tồn tại của con người là vô cùng nhỏ bé. Chính vì vậy, nhân lúc quỹ thời gian còn chưa cạn kiệt, mỗi người ai cũng cố gắng theo đuổi lối sống sao cho đúng nghĩa. Bàn về vấn đề này, đã có nhiều ý kiến bàn luận về việc khẳng định mình trong cuộc sống hiện đại của tuổi trẻ.
“Cuộc sống không phải cuộc chiến tranh với những người khác, mà là cuộc chạy đua trường kỳ với chính bản thân mình”- trích trong sách “Bước chậm lại giữa thế gian vội vã” (Hae Min). Tạo hóa sinh ra con người đều bình đẳng, điều làm nên sự khác biệt giữa mỗi người trong xã hội chính là giá trị sống, giá trị của bản thân. Chính vì vậy mà mỗi người trong chúng ta cần “cuộc chạy đua trường kỳ với chính bản thân mình” và để vượt lên chính bản thân mình cần rất nhiều yếu tố, trong số đó có khẳng định bản bản thân mình. Việc khẳng định mình là việc phát huy cao nhất năng lực, in dấu ấn cá nhân trong không gian cũng như trong thời gian, cụ thể là trong môi trường và lĩnh vực hoạt động của riêng mình. Mỗi người có thế mạnh riêng và thế yếu riêng, sự khác biệt ấy làm nên một con người khác biệt nhưng không có nghĩa là lạc loài, đó là cách phân biệt giữa bản thân chúng ta với nhiều người khác trong xã hội. Như dấu vân tay, bản thân chúng ta là bản thể duy nhất và độc nhất, là thành quả kì diệu nhất của thượng đế. Vậy nên việc chúng ta cần làm là vận dụng tối đa năng lực và khả năng của mình, đó là khẳng định bản thân với xã hội. Đồng thời, ở các thời đại và xã hội khác nhau, việc tự khẳng định mình của con người vươn theo những tiêu chuẩn và lý tưởng không giống nhau, nó bị phụ thuộc vào yếu tố xã hội, nhưng suy cho cùng, tự khẳng định mình định hướng con người người đến các giá trị tốt đẹp hơn.
Cuộc sống càng nhảy vọt, mức sống con người ngày càng tiến bộ thì đi đôi với đó là sự góp mặt của những ảnh hưởng khôn lường. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và các thiết bị tiên tiến, rất dễ dàng nhận thấy con người không tránh khỏi việc phải lệ thuộc vào các thiết bị công nghệ thông tin hiện đại. Ở đó chúng ta sẽ dễ dàng bị chi phối vào mạng lưới xã hội, nơi chất chứa nhiều thông tin đáng học hỏi nhưng cũng đầy rẫy thông tin thật giả lẫn lộn, sự xáo trộn và xuyên tạc của một số nhóm người. Vì vậy cho nên việc khẳng định mình ngày càng bức thiết, để tránh khỏi việc lạc lõng hay chìm đắm vào không gian ảo, mơ tưởng về những thứ không có thật để rồi mất phương hướng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe cả mặt thể chất và tinh thần. Khi ấy con người sẽ mất dần đi giá trị của bản thân mình. Trong khi nhu cầu khẳng định chính mình là nhu cầu chính đáng của con người, đặc biệt là những người trẻ. Họ mang trong mình khát vọng, đam mê, nhiệt huyết và cả khao khát khám phá chính mình, thể hiện chính mình, khám phá cuộc sống xung quanh. Đây là vấn đề bức thiết và cần được quan tâm trong xã hội hiện đại.
Mỗi chúng ta là những mảnh ghép không hoàn hảo, nhưng chính sự không hoàn hảo ấy mới có thể tạo nên một xã hội phong phú và tràn ngập những gam màu sáng tối khác nhau. Ở xứ xở hoa anh đào từng có cô gái với mảnh ghép không hoàn hảo, Kito Aya, cô mắc phải căn bệnh thoái hóa dây sống tiểu não khi tuổi đời còn rất trẻ. Nhưng không vì thế mà cô trầm mặc, tự ti hay từ bỏ hi vọng sống mà vẫn cố gắng sống tốt và sống một cách trọn vẹn cho đến những tháng ngày cuối cùng trong bệnh tật. Không những thế, Kito Aya đã trở thành biểu tượng của sự nỗ lực, là động lực cho biết bao con người qua cuốn sách “Một lít nước mắt”, trong đó từng câu, từng chữ, từng nét bút đều được tô viết bởi sự kiên cường, sự cố gắng đấu tranh với cái chết. Cô khẳng định mình qua cuốn sách, qua từng nét bút, qua câu chuyện cảm động của cô, qua cả cuộc đời của Kito Aya. Đừng suy nghĩ chỉ có những người có tài năng, có thiên phú mới có thể khẳng định chính mình, tự khẳng định mình là nhu cầu chính đáng của con người. Dù bạn xinh đẹp hay xấu xí, dù bạn giỏi giang hay dở tệ, ai cũng có quyền khẳng định mình. Miễn bạn có suy nghĩ như thế, bạn đã thành công được nửa quãng đường, dĩ nhiên mỗi có nhận thức đúng đắn thôi thì chưa đủ, nhưng nhận thức đúng đắn sẽ hướng con người ta đến hành động đúng đắn. “Nếu tôi không thể làm những điều lớn lao, tôi có thể làm những điều nhỏ bé một cách tuyệt vời” – Martin Luther King. Trên hành trình tự khẳng định bản thân, không tránh khỏi những những sai sót, những thất bại nhưng đừng nản lòng, kiên trì và ý chí một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công. Không cần thiết phải làm được những điều “lớn lao”, bạn có thể bắt đầu từ những thứ “nhỏ bé” nhưng phải làm một cách “tuyệt vời”. Dù làm bất cứ điều gì cũng phải làm một cách “tuyệt vời”, một cách kiên trì, một cách nhẫn nại, và gửi gắm khao khát khám phá, thể hiện mình một cách mãnh liệt ở đó. Rèn luyện bản thân, nâng cao thực lực, vươn tầm giá trị, sống có nghĩa và sống hết mình ấy chính là khẳng định bản thân đúng nghĩa.
Trên thực tế bên cạnh người người trẻ sẵn sàng thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, dám tự tin khẳng định mình thì không ít kẻ sống thụ động, thờ ơ với việc khẳng định bản thân. Cho rằng bản thân mình không tài cán gì và mặc định “để sân khấu cho những thiên tài”, họ mắc một sai lầm vô cùng nghiêm trọng đó là coi thường năng lực của bản thân và để những giá trị ấy “chết” đi một cách vô nghĩa. Nhiều người lại khẳng định một cách thái quá, dẫn đến việc lầm lạc trong suy nghĩ và hành động, hình thành thói quen khoe khoang hoặc tính cách tự cao, tự đại. Một số khác khẳng định bản thân theo hướng tiêu cực, quái đản, tạo scandal, phát biểu gây sốc…. Dần dà họ sẽ đánh mất giá trị của bản thân mình, lệch lạc trong tư tưởng và cách sống, ảnh hưởng không chỉ mỗi bản thân họ mà còn ảnh hưởng tới người thân, bạn bè và những người xung quanh, đây là hiện tượng đáng lên lên án và sớm cần được loại trừ trong cuộc sống,
Với việc nhận thức đúng đắn về vai trò và tầm quan trọng của khẳng định mình, mỗi người trẻ sẽ khao khát dấn thân, thách thức mình để khẳng định năng lực và cống hiến, đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội. Rồi từ đó hình thành ở người trẻ bản lĩnh, sự tự tin, lối sống tích cực, dám nghĩ, dám làm. Với mục tiêu hướng tới một xã hội tươi đẹp hơn, người người yêu thương và ngập tràn tiếng nói cười của hạnh phúc.
“Hãy sống từng ngày như thể đó là ngày cuối cùng của cuộc đời bạn” – Steve Jobs. Chúng ta không ai hay biết lần cuối mình có thể mỉm cười là khi nào, chỉ khi nào ta biết bản thân mình không còn cơ hội nữa ta mới tiếc nuối và ân hận rồi cố gắng hoàn thiện những gì bản thân còn vương vấn. Đến lúc đó thì đã trễ vậy nên ta hãy sống như thể đây là ngày cuối cùng. Tôi tin rằng, chỉ cần chúng ta muốn thì ta có thể làm được. Để có thể sống trọn vẹn sao cho không phải sống hoài sống phí, ta cần khắc ghi và hiểu thấm tầm quan trọng của việc khẳng định mình trong thế giới hiện đại.
(Bài viết của em Hoàng Huyền Trang – lớp 11B4 – THPT An Thới – Phú Quốc – Kiên Giang)