NLXH lớp 11 Con người và cuộc sống xung quanh : giá trị của bữa cơm gia đình

BỘ KẾT NỐI

Đề bài

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

(1)Hãy nhìn dòng người đang cuộn chảy trên đường phố trong cái ngột ngạt của trưa hè oi bức, ai cũng nghẹt thở vì chất thải của động cơ xe máy, ô tô, cho dù khẩu trang che kín mũi miệng. Hậu quả sẽ ra sao với sức khỏe của con người? Khó mà lường được. Nhưng trước mắt thì vẫn cứ phải tồn tại bằng cách thở hít vào phổi cái khói bụi độc hại đó để mà bươn chải với cuộc mưu sinh.

            (2)Ai đó mong có dịp về nông thôn để được hít thở không khí trong lành, sẽ khó tránh khỏi cảm giác thất vọng. Sự “trong lành” mà họ trông đợi đang bị hủy hoại nghiêm trọng bởi chất thải công nghiệp, chất thải vô tội vạ của làng nghề, chất thải từ “mạnh ai nấy được” trong nuôi trồng thủy sản,… Sông Cầu tiếp nhận thêm ít nhất 180000 tấn phân hóa học, 1500 tấn thuốc trừ sâu! Lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy bị nước thải đô thị xối thẳng trực tiếp làm nước sông đen ngòm và đang bốc mùi. Sông Thị Vải trong lưu vực sông Đồng Nai đã có đoạn bị chết kéo dài sau khu vực hợp lưu Suối Cả, Đồng Nai đến khu công nghiệp Mĩ Xuân…

            (3)Trở lại với chuyện thường ngày ở cái vạch dừng xe trên đường phố. Trong cái nóng thiêu đốt, tiếng gầm gào của các loại động cơ ô tô, xe máy làm cho bầu không khí càng thêm ngột ngạt. Rồi đây, “dân giàu” lên thêm, ô tô càng nhiều thêm, nơi cái vạch dừng xe của cái đường phố không thể mở rộng hơn để tương thích với sự phát triển đó sẽ càng thêm ngột ngạt và nghẹt thở.

            (4)Ở một số nước nghèo, bức xúc là chuyện tăng trưởng kinh tế để giảm nghèo cái đã, việc môi trường, tính sau. Người ta quên mất rằng, cái giá phải trả cho sự hủy hoại môi trường sẽ cao hơn nhiều cho những sản phẩm có được của sự tăng trưởng kia. Không thể chỉ đơn thuần quan tâm thúc đẩy sự tăng trưởng mà còn phải thường trực đặt ra câu hỏi tăng trưởng như thế nào. Chẳng thế mà người ta khuyến cáo sử dụng chỉ số mới mang tên Tổng sản phẩm quốc gia “thuần” và “xanh”, chứ không chỉ sử dụng GDP. “Thuần” là đòi hỏi phải điều chỉnh tổng sản phẩm sau khi đã khấu trừ các tài sản của đất nước bị hao hụt trong quá trình sản xuất. “Xanh”, nghĩa là phải chú ý đến mức tiêu hao nguồn tài nguyên thiên nhiên đã bị khai thác gắn với sự hủy hoại môi trường sống của con người khi tính GDP.

                                 (Theo Tương Lai, Môi trường và phát triển, báo điện tử Nguoidaibieu.com.vn – Trích SGK Ngữ Văn 12, tập 1 NXBGD, trang 162)

Trả lời các câu hỏi:

Câu 1: Xác định luận đề của bài viết.

Câu 2: Chỉ ra các luận điểm được triển khai trong bài viết.

Câu 3: Trong đoạn văn (2), để trình bày quan điểm của mình, người viết đã dùng lí lẽ và dẫn chứng nào?

Câu 4: Để tăng sức thuyết phục cho văn bản, người viết đã sử dụng yếu tố bổ trợ nào?

Câu 5: Ghi lại câu văn thể hiện yếu tố bổ trợ và nêu tác dụng của yếu tố bổ trợ này.

Câu 6: Theo văn bản, nhìn dòng người đang cuộn chảy trên đường phố trong cái ngột ngạt của trưa hè oi bức, ai cũng nghẹt thở vì điều gì?

Câu 7: Em có đồng tình với ý kiến “Ai đó mong có dịp về nông thôn để được hít thở không khí trong lành, sẽ khó tránh khỏi cảm giác thất vọng” không? Vì sao ?

 Câu 8: Hãy chia sẻ một giải pháp để ngôi trường bạn đang học thêm Xanh – sạch – đẹp. (viết khoảng 4-5 dòng)

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn về giá trị tinh thần của bữa cơm gia đình đối với mỗi người.

HƯỚNG DẪN ĐÁP ÁN CHI TIẾT

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6,0
  1 Luận đề của bài viết: tăng trưởng kinh tế ảnh hưởng đến môi trường sống của con người. 0,5
2 Các luận điểm được tác giả triển khai trong bài viết

–         Tăng trưởng kinh tế kéo theo môi trường sống ở nông thôn bị hủy hoại nghiêm trọng

–         Tăng trưởng kinh tế kéo theo bầu không khí ở thành thị thêm ngột ngạt và nghẹt thở.

–         Ở các nước nghèo, tăng trưởng kinh tế phải quan tâm bảo vệ môi trường sống.

1.0
3 Trong đoạn (2), để trình bày quan điểm của mình, người viết đã dùng lí lẽ và dẫn chứng:

–         Lí lẽ: Ai đó mong có dịp về nông thôn để được hít thở không khí trong lành, sẽ khó tránh khỏi cảm giác thất vọng. Sự “trong lành” mà họ trông đợi đang bị hủy hoại nghiêm trọng bởi chất thải công nghiệp, chất thải vô tội vạ của làng nghề, chất thải từ “mạnh ai nấy được” trong nuôi trồng thủy sản,…

–         Dẫn chứng: Sông Cầu tiếp nhận thêm ít nhất 180000 tấn phân hóa học, 1500 tấn thuốc trừ sâu! Lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy bị nước thải đô thị xối thẳng trực tiếp làm nước sông đen ngòm và đang bốc mùi. Sông Thị Vải trong lưu vực sông Đồng Nai đã có đoạn bị chết kéo dài sau khu vực hợp lưu Suối Cả, Đồng Nai đến khu công nghiệp Mĩ Xuân…

1.0
4 Để tăng sức thuyết phục cho văn bản, người viết đã sử dụng yếu tố bổ trợ : thuyết minh 0,5
5 –         Câu văn thể hiện yếu tố bổ trợ:

“Thuần” là đòi hỏi phải điều chỉnh tổng sản phẩm sau khi đã khấu trừ các tài sản của đất nước bị hao hụt trong quá trình sản xuất. “Xanh”, nghĩa là phải chú ý đến mức tiêu hao nguồn tài nguyên thiên nhiên đã bị khai thác gắn với sự hủy hoại môi trường sống của con người khi tính GDP

–         Tác dụng: Giải thích, cung cấp những thông tin cơ bản về khái niệm “thuần”, “xanh”.

1,0
6 Theo văn bản, nhìn dòng người đang cuộn chảy trên đường phố trong cái ngột ngạt của trưa hè oi bức, ai cũng nghẹt thở vì chất thải của động cơ xe máy, ô tô 0,5
7 Hs có thể đồng tình/không đồng tình với ý kiến “Ai đó mong có dịp về nông thôn để được hít thở không khí trong lành, sẽ khó tránh khỏi cảm giác thất vọng”. Lí giải thuyết phục 1,0
8 Hs chia sẻ một giải pháp bất kì để ngôi trường đang học thêm Xanh – sạch – đẹp, miễn thiết thực. 0.5
II   VIẾT 4,0
    a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề 0.5
    b. Xác định đúng yêu cầu của đề: 0.5
    c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

HS có thể viết bài nhiều cách trên cơ sở kết hợp được lí lẽ và dẫn chứng để tạo tính chặt chẽ, logic của mỗi luận điểm; đảm bảo các yêu cầu sau:

1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề trong cuộc sống cần bàn luận.

Giới thiệu giá trị tinh thần của bữa cơm gia đình.

2. Thân bài:

* Trình bày bản chất của vấn đề đời sống

       Bữa cơm gia đình là bữa cơm mỗi ngày mà ở đó các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau sau mỗi buổi hay một ngày dài vất vả học tập, lao động. Cùng nhau chia sẻ những khoảnh khắc đời thường của cuộc sống. Và cùng gắn kết yêu thương.

* Xem xét vấn đề dưới nhiều góc nhìn khác nhau, bàn về các khía cạnh của vấn đề.

– Bữa cơm gia đình là nơi có vai trò gắn kết cá thành viên trong gia đình:

+ Để có bữa cơm ngon, người nấu phải chuẩn bị, chế biến các món ăn bằng cả tình yêu thương gia đình.

+ Các thành viên trong gia đình đến với bữa ăn bằng không khí vui vẻ, sẻ chia, sum vầy, trò chuyện.

+ Sau bữa ăn, cùng chung tay dọn dẹp bằng tình thần trách nhiệm, yêu thương, chia sẻ.

àBữa cơm gia đình thật sự là nơi quy tụ những yêu thương.

* Bàn luận vấn đề từ góc nhìn trái chiều

– Không phải tất cả các gia đình đều có bữa cơm đầm ấm, ghi dấu những yêu thương:

+ Có những gia đình vì hoàn cảnh mưu, người trụ cột nhiều khi phải bôn ba ngoài đường, ít có bữa ăn chung với người thân yêu.

+ Có những người nhiều tiền nhưng chưa biết trân trọng bữa cơm gia đình, và chưa vun vén cho gia đình bằng những bữa cơm đầm ấm.

+ Có những gia đình mà con cái với lịch học dày đặc, bố mẹ bận rộn, nên kẻ ăn trước người ăn sau. Hoặc có ăn chung thì ăn vội vàng, tranh thủ, làm mất không khí chuyện trò, thân mật.

+ Có những gia đình, người lớn tận dụng dịp quây quần để nặng lời giáo huấn con trẻ bằng lý lẽ cũ xưa, làm phá vỡ không khí ngọt ngào, yên ấm…

è Tất cả là những điều đáng tiếc, hiện thực về những bữa cơm gia đình không trọn vẹn, phần nào đã làm ảnh hưởng đến mái ấm gia đình.

 

+ Phân tích tác động của việc nhận thức đúng đắn về vấn đề đối với cá nhân hoặc cộng đồng.

 – Bữa cơm gia đình là nơi nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình. Mỗi thành viên gia đình phải luôn nhận thức đúng đắn vẻ đẹp tinh thần từ bữa cơm gia đình. Phải có ý thức vun đắp cho mái ấm gia đình bằng hành động thích hợp.

– Một xã hội phát triển tốt khi cá nhân và tập thể trong xã hội đó hoàn thiện cả tư duy và nhận thức. Khi cá nhân tốt sẽ xây dựng được gia đình hạnh phúc.Và khi gia đình êm ấm, hạnh phúc được coi là nền tảng thúc đẩy xã hội phát triển.

3. Kết bài:  Rút ra ý nghĩa của việc bàn luận vấn đề.

Bữa cơm gia đình vẫn mãi tỏa sáng vẻ đẹp tinh thần, ý nghĩa nhân văn và văn hóa gia đình, văn hóa ẩm thực của người Việt.

 

2.0
    d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt. 0.5
    e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. 0.5

 

Bài viết tham khảo

 

Thuở xưa, ông bà ta có câu “ Cơm lành canh ngọt” để biểu trưng cho gia đình êm ấm. Ngày nay, chúng ta thường nghe những câu cửa miệng của nhiều người : “không có cơm ở đâu ngon bằng cơm nhà”, “ Về nhà ăn cơm mẹ nấu”. Đấy là cách cảm, cách nghĩ, cách thể hiện của các thành viên trong gia đình khi họ nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và giá trị của “bữa cơm gia đình”.

Bữa cơm gia đình là bữa cơm mỗi ngày mà ở đó các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau sau mỗi buổi hay một ngày dài vất vả học tập, lao động. Cùng nhau chia sẻ những khoảnh khắc đời thường của cuộc sống. Và cùng gắn kết yêu thương. Ở đó, ông bà ,cha mẹ dạy bảo và lắng nghe con, cháu. Ở đó, con cháu biết trò chuyện, sẻ chia, nhường nhịn, yêu kính ông bà, cha mẹ. Ở đó có không khí ngọt ngào,ấm áp yêu thương.

Một trong những giá trị tinh thần lớn lao của bữa cơm gia đình là đã gắn kết được các thành viên trong gia đình bằng tình yêu thương. Ngày xưa, người nấu bữa cơm gia đình là người phụ nữ. Thiên chức của người phụ nữ truyền thống là phải: Công, dung, ngôn, hạnh – tứ đức vẹn toàn. Ngày nay, phần nhiều vẫn thế nhưng không nhất là như vậy. Dù là ai thì người chuẩn bị bữa ăn cho gia đình đều gửi gắm trong đó cả một tấm lòng. Là lựa chọn món ăn phù hợp với khẩu vị của từng thành viên trong gia đình. Là lựa món ăn lành, sạch, tốt cho sức khỏe. Là chế biến cẩn thận để thêm đậm vị, ngọt ngào, làm vừa miệng người thân.

Sau những giờ làm việc của người lớn và kết thúc buổi học của con trẻ, các thành viên trong gia đình quây quần bên bữa cơm. Cùng chung tay dọn mâm ăn, cùng trò chuyện, hỏi han, trao đổi thân tình. Con cháu sẽ kể chuyện ở trường lớp về thầy cô, về bạn bè, về những điều mình còn thắc mắc, chưa hiểu ngoài đời. Người lớn sẽ bảo ban, khuyên nhủ, dặn dò con cháu về những giá trị đạo đức, về văn hóa ứng xử và kĩ năng sống. Ở đó trẻ thơ được chăm chút, ông bà được hiếu kính. Ở đó, cha mẹ thường khi sẽ nhường nhịn thức ăn ngon cho người già và trẻ nhỏ. Đó là những khoảnh khắc ngọt ngào hạnh phúc của gia đình hạnh phúc mà bữa cơm gia đình là chất xúc tác.

Trong xã hội cũ- xã hội trọng nam khinh nữ, việc tề gia nội trợ cứ đặt nặng lên đôi vai người phụ nữ. Chuyện nấu ăn, rửa chén, chuyện bếp núc hoàn toàn là người phụ nữ trong gia đình đảm trách. Điều đó được xem là thiên chức, là hi sinh. Xã hội hiện đại không phải thế. Sau bữa ăn các thành viên trong gia đình cùng chung tay dọn dẹp. Mỗi người một việc, nhanh chóng và phù hợp để rồi ai cũng được tận dụng một khoảng thời gian nghỉ ngơi hợp lí. Điều đó mới thật sự lưu dấu những yêu thương.

Tuy nhiên trong xã hội hiện đại, không phải tất cả các gia đình đều có bữa cơm đầm ấm , ghi dấu những yêu thương. Có những gia đình vì hoàn cảnh mưu sinh người trụ cột nhiều khi phải bôn ba ngoài đường nên ít có bữa ăn chung với gia đình. Con trẻ phải chịu một phần thiệt thòi vì thiếu vắng hơi ấm người thân trong bữa cơm chung. Có thể nói không khí vui vẻ, chan hòa bị cắt xén đôi phần.

Cuộc sống hiện đại, khó khăn đã giảm thiểu. Có những người nhiều tiền nhưng chưa biết trân trọng bữa cơm gia đình, và chưa vun vén cho gia đình bằng những bữa cơm đầm ấm. Chưa hiểu sâu xa ý nghĩa tinh thần cao đẹp của bữa cơm gia đình, chưa vun vén đúng nghĩa cho bữa cơm gia đình. Lúc này ta lại thấy: có tiền sẽ có thức ăn ngon nhưng chưa hẳn đã có bữa cơm ấm áp, ngọt ngào bởi hơi ấm tình thân.

Cũng có những gia đình mà con cái với lịch học dày đặc, bố mẹ bận rộn, rồi kẻ ăn trước người ăn sau. Hoặc có ăn chung thì ăn vội vàng, tranh thủ, làm mất không khí chuyện trò, thân mật. Mất cả sự gắn kết ân cần, dịu ngọt. Cũng có đôi khi thời gian và công việc không làm cản trở bữa ăn chung mà sự chủ quan, tự mãng của con người làm cản trở bữa cơm chung. Đó là khi người lớn tận dụng dịp quây quần để nặng lời giáo huấn con trẻ bằng cách nghĩ, cách nhìn khắt khe, bằng lý lẽ xưa cũ, làm phá vỡ không khí ngọt ngào, bình lặng. Cũng có khi con trẻ thời hiện đại, trong bữa cơm gia đình vẫn chăm chăm nhìn vào điện thoại thông minh làm phật ý người nhà.Tất cả là những sự thật đáng tiếc mà mỗi thành viên trong gia đình đều phải biết nói : không nên ,không thể duy trì.

Chúng ta không thể xem nhẹ ý nghĩa của bữa cơm hằng ngày đối với việc xây dựng hạnh phúc gia đình. Những gia đình chưa có những bữa cơm trọn vẹn ấm áp, yên vui xin hãy sống chậm lại một chút, nhìn lại bản thân, khắc phục hoàn cảnh, nâng tầm nhận thức để nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình. Ở đâu đó còn có những người đàn ông gia trưởng, phong kiến, hãy từ bỏ ngay tư tưởng lạc hậu này. Hãy giáo dục con trẻ bình đẳng, nhân ái, yêu thương, thấu hiểu, sẻ chia ngay chính trong ngôi nhà của mình để góp phần mang lại hạnh phúc cho nhau.Ở đâu đó còn có những người phụ nữ hời hợt, thiếu sâu sắc, xem nhẹ bữa cơm gia đình, hãy lắng nghe lời thì thầm của cuộc sống về một mái ấm gia đình mà vai trò kết nối ở người phụ nữ rất lớn. Mỗi thành viên gia đình phải luôn nhận thức đúng đắn vẻ đẹp tinh thần từ bữa cơm gia đình. Phải có ý thức vun đắp cho mái ấm gia đình bằng hành động thích hợp.Và gia đình đầm ấm , hạnh phúc sẽ là nền tảng thúc đẩy xã hội phát triến.

Dù thời gia qua đi,sắc màu văn hóa có đổi thay như thế nào thì bữa cơm gia đình vẫn mãi tỏa sáng vẻ đẹp tinh thần,ý nghĩa nhân văn và văn hóa gia đình,văn hóa ẩm thực của người Việt. Bởi vậy ,chúng ta cần nâng niu và trân trọng mái ấm gia đình của chính mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *