BỘ KẾT NỐI
Đề bài
ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:
“Tuổi trẻ không chỉ là khái niệm chỉ một giai đoạn trong đời người, mà còn chỉ một trạng thái tâm hồn. Tuổi trẻ không nhất thiết phải gắn liền với sức khỏe và vẻ tráng kiện bên ngoài, mà lại gắn với ý chí mạnh mẽ, trí tưởng tượng phong phú, sự mãnh liệt của tình cảm và cảm nhận phấn khởi với suối nguồn cuộc sống. Tuổi trẻ thể hiện ở lòng can đảm chứ không phải tính nhút nhát, ở sở thích phiêu lưu trải nghiệm hơn là ở sự tìm kiếm an nhàn. Những đức tính đó thường dễ thấy ở những người năm sáu mươi tuổi hơn là ở đa số thanh niên tuổi đôi mươi. Không ai già đi vì tuổi tác, chúng ta già đi khi để tâm hồn mình héo hon. Thời gian hình thành tuổi tác, thái độ tạo nên tâm hồn. Năm tháng in hằn những vết thương trên da thịt, còn sự thờ ơ với cuộc sống tạo nên những vết nhăn trong tâm hồn. Lo lắng, sợ hãi, mất lòng tin vào bản thân là những thói xấu hủy hoại tinh thần của chúng ta.”
(Trích, Điều kỳ diệu của thái độ sống – Mac Anderson, tr.68, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2017)
Trả lời các câu hỏi:
Câu 1: Phương thức biểu đạt của đoạn văn trên?
Câu 2: Nội dung chính của văn bản là gì?
Câu 3: Chỉ ra các yếu tố gắn với tuổi trẻ được nêu trong đoạn trích.
Câu 4: Phân tích ngắn gọn tác dụng của biện pháp liệt kê được sử dụng.
Câu 5: Lí lẽ nào được đưa ra để làm rõ tuổi trẻ là một trạng thái tâm hồn?
Câu 6. Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến: “Thời gian hình thành tuổi tác, thái độ tạo nên tâm hồn”?
Câu 7: Anh/chị có cho rằng “Lo lắng, sợ hãi, mất lòng tin vào bản thân là những thói xấu hủy hoại tinh thần của chúng ta” không? Vì sao?
Câu 8: Thông điệp em tâm đắc nhất từ văn bản trên? Giải thích vì sao?
LÀM VĂN (4,0 điểm)
Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận về cách tổ chức cuộc sống cá nhân có vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện nhân cách.
Hướng dẫn đáp án chi tiết
HƯỚNG DẪN CHẤM
Phần/Câu | Nội dung |
I | ĐỌC HIỂU |
1 | Phương thức biểu đạt: Nghị luận |
2 | Nội dung chính của văn bản: Những phẩm chất của tuổi trẻ |
3 | Yếu tố gắn với tuổi trẻ được nêu trong đoạn trích:
+ Ý chí mạnh mẽ; + Trí tưởng tượng phong phú; + Sự mãnh liệt của tình cảm và cảm nhận phấn khởi với cuộc sống. |
4 | Biện pháp liệt kê: ý chí….cuộc sống/ ở lòng can đảm….an nhàn/ lo lắng…bản thân.
– Tác dụng: + Nghệ thuật: gợi hình, gợi cảm + ND: Kể ra cụ thể những yếu tổ, những biểu hiện tích cực của tâm hồn đầy tuổi trẻ; cũng như những trạng thái tiêu cực có thể hủy hoại tinh thần chúng ta. Từ đó giúp chúng ta nhận thức đúng đắn, sâu sắc hơn về tuổi trẻ và có ý thức bồi dưỡng đời sống tâm hồn. |
5 | Lí lẽ được đưa ra để làm rõ tuổi trẻ là một trạng thái tâm hồn: gắn với ý chí mạnh mẽ, trí tưởng tượng phong phú, sự mãnh liệt của tình cảm và cảm nhận phấn khởi với suối nguồn cuộc sống; Tuổi trẻ thể hiện ở lòng can đảm |
6 | Ý kiến Thời gian hình thành tuổi tác, thái độ tạo nên tâm hồn có thể hiểu:
+ Theo quy luật cuộc sống, cùng với sự chảy trôi của thời gian,con người lớn lên về tuổi tác, già đi về mặt hình thức; + Tuổi tác, thời gian không kiến tạo nên thé giới tinh thần chúng ta. Cái tạo nên nó chính là thái độ, tức là những ý nghĩ, tình cảm, là cách nhìn, cách ứng xử, cách lựa chọn lối sống của mỗi cá nhân trong cuộc đời.
|
7 | – Nêu rõ quan điểm đồng tình hoặc không đồng tình.
– Lí giải hợp lí, thuyết phục.
|
8 | Thông điệp em tâm đắc nhất từ văn bản. Giải thích |
II | LÀM VĂN |
Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận về cách tổ chức cuộc sống cá nhân có vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện nhân cách. | |
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành. |
|
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
cách tổ chức cuộc sống cá nhân có vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện nhân cách. |
|
c. Triển khai vấn đề nghị luận
– Tổ chức cuộc sống cá nhân bao gồm cả những vấn đề vi mô, liên quan đến cuộc sống của từng cá nhân như nề nếp sinh hoạt hằng ngày hay cách ta chăm sóc cho thể chất và tinh thần của bản thân, cho đến những vấn đề vĩ mô như việc hoạch định kế hoạch trong tuần, trong tháng, trong cả cuộc đời … – Cách tổ chức cuộc sống có mối quan hệ mật thiết với việc kiến tạo nhân cách của mỗi người. + Tổ chức cuộc sống cá nhân giúp ta xác định mục tiêu và định hình giá trị của bản thân. + Cách tổ chức cuộc sống cá nhân còn giúp ta quản lý thời gian hiệu quả và rèn luyện kỹ năng tự quản lý và tự điều chỉnh + Tổ chức cuộc sống cá nhân cũng giúp ta rèn luyện ý chí và kiên nhẫn, hai yếu tố quan trọng để vượt qua khó khăn và đạt được thành công trong cuộc sống. – Bàn luận từ góc nhìn trái chiều: Trong thực tế xã hội hiện tại còn một số cá nhân thích đua đòi chỉ lo ăn chơi, hưởng thụ hoặc được gia đình cưng chiều k lo rèn luyện, tổ chức, sắp xếp cuộc sống của bản thân – Thói quen tốt gieo mầm cho lối tư duy hiện đại, hạnh phúc. Thói quen xấu đem đến hành vi vô phép tắc, ảnh hưởng đến chính mình và cộng đồng xung quanh. Tóm lại, các tổ chức cuộc sống cá nhân có vai trò vô cùng quan trọng, tác động mạnh mẽ đến việc hoàn thiện nhân cách. Bởi vậy mỗi người trong chúng ta cần không ngừng nâng cao nhận thức, học tập và rèn luyện nhằm nâng cao nhân của bản thân mình, trở thành một người có ích cho xã hội. |
|
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. |
|
e. Sáng tạo
Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện sâu sắc về vấn đề nghị luận. |
BÀI VIẾT THAM KHẢO
Viết bài văn nghị luận về cách tổ chức cuộc sống cá nhân có vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện nhân cách.
MB: Một xã hội tốt đẹp là một xã hội có những con người làm nhiều việc tốt, biết tu dưỡng bản thân, biết hoàn thiện tâm hồn. Nhân cách là một trong những yếu tố quan trọng làm nên giá trị con người. Cho nên từ xa xưa con người đã luôn chú ý đến việc rèn luyện nhân cách, đạo đức; và đối với con người trong xã hội hiện đại việc trau dồi, rèn luyện càng quan trọng hơn cả. Đặc biệt, cách tổ chức cuộc sống cá nhân là một trong yếu tố quyết định đến việc hình thành các nhân cách đó.
TB: LĐ 1: Trình bày bản chất của vấn đề đời sống: cách tổ chức cuộc sống cá nhân là gì? Cách tổ chức cuộc sống cá nhân có vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện nhân cách đúng hay không? Quan điểm cá nhân?
Tổ chức cuộc sống cá nhân bao gồm cả những vấn đề vi mô, liên quan đến cuộc sống của từng cá nhân như nề nếp sinh hoạt hằng ngày hay cách ta chăm sóc cho thể chất và tinh thần của bản thân, cho đến những vấn đề vĩ mô như việc hoạch định kế hoạch trong tuần, trong tháng, trong cả cuộc đời … “Nhân cách” là phẩm chất, tính cách của con người được thể hiện thông qua suy nghĩ, hành động và lời nói.
Theo quan điểm của em, một người có nhân cách tốt là người có nhiều đức tính cao đẹp, có thể kể đến như: chăm chỉ, trung thực, dũng cảm, nhân ái, trách nhiệm,…một phần được hình thành từ những việc tổ chức cuộc sống cá nhân. Cách tổ chức cuộc sống có mối quan hệ mật thiết với việc kiến tạo nhân cách của mỗi người. Tất cả những cách tổ chức cuộc sống cá nhân đều có tác dụng làm cho cuộc sống mỗi cá nhân được tổ chức quy củ hơn, đồng thời cũng phong phú hơn, “người” hơn.
LĐ 2: Vì sao cách tổ chức cuộc sống cá nhân lại có vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện nhân cách? Phân tích bằng lí lẽ và dẫn chứng
“Gieo hành động, bạn sẽ gặt thói quen, gieo thói quen bạn sẽ gặt tính cách, gieo tích cách bạn sẽ gặt số phận”. Một hành động nhỏ tưởng chừng như vô nghĩa nhưng nếu được lặp đi lặp lại với tần suất nhất định sẽ trở thành lề thói quen thuộc. Theo thời gian, điều này giống như mưa dầm thấm lâu, ăn sâu vào tâm trí con người và khó lòng thay đổi. Lời nói, hành vi, phong cách sinh hoạt thể hiện cách chúng ta tư duy về đời sống, ngầm bộc lộ quan điểm của ta về những sự kiện xung quanh. Từ tính cách, lý tưởng, đam mê đến sở thích, sở ghét,…đều được hiện hữu rõ ràng. Bộ đồ lôi thôi, bàn làm việc bừa bộn thường là sản phẩm của một người cẩu thả. Căn buồng cũ kĩ nhưng được quét tước sạch sẽ, sắp đặt gọn gàng sẽ nói lên tính ngăn nắp cùng phẩm chất khiêm tốn của chủ nhân.
Tổ chức cuộc sống cá nhân giúp ta xác định mục tiêu và định hình giá trị của bản thân. Khi ta có một kế hoạch rõ ràng và biết mình muốn gì, ta sẽ dễ dàng tập trung vào những việc quan trọng và tránh xa những việc không cần thiết. Việc tổ chức cuộc sống cá nhân giúp ta tạo ra một môi trường thuận lợi để phát triển và hoàn thiện nhân cách. Cách tổ chức cuộc sống cá nhân còn giúp ta quản lý thời gian hiệu quả và rèn luyện kỹ năng tự quản lý và tự điều chỉnh. Thời gian là tài sản quý giá và quyết định sự thành công hay thất bại của mỗi người. Khi ta biết cách sắp xếp và ưu tiên công việc, học tập và giải trí, ta sẽ có thể tận dụng tối đa thời gian và đạt được hiệu quả cao trong mọi hoạt động. Điều này giúp ta phát triển kỹ năng quản lý thời gian và trở nên tự tin, tự chủ hơn trong cuộc sống. Tự điều chỉnh là khả năng thích ứng với môi trường và thay đổi theo tình huống. Khi ta biết cách tổ chức cuộc sống cá nhân, ta sẽ trở nên linh hoạt và sẵn sàng thích ứng với những thay đổi trong cuộc sống. Khi ta có một lịch trình rõ ràng và tuân thủ nó, ta sẽ phát triển những thói quen tích cực và tránh xa những thói quen xấu.
Tổ chức cuộc sống cá nhân cũng giúp ta rèn luyện ý chí và kiên nhẫn, hai yếu tố quan trọng để vượt qua khó khăn và đạt được thành công trong cuộc sống. Bên cạnh đó chúng ta biết chăm chút cho vẻ đẹp ngoại hình, tìm ra phong cách ăn mặc phù hợp và học tập chăm chỉ, không ngừng bồi đắp tri thức sẽ giúp ta tìm được sự cân bằng giữa thể xác và tâm hồn. Nghiêm khắc với bản thân, sống có kỉ luật là cách ta tạo dựng sự tự tôn và được người khác tôn trọng. Lê – nin từng nói: “Chiến thắng bản thân là chiến thắng vẻ vang nhất”. Con người không ai là hoàn hảo nhưng luôn có thể trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình bằng cách thiết lập lối sống lành mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh là minh chứng điển hình cho thấy sự gắn bó chặt chẽ giữa thói quen sống với nhân cách. Đôi dép cao su, bộ quần áo ka ki, căn nhà sàn với ao cá đã trở thành biểu tượng cho tâm hồn thanh cao, giản dị của Người. Xa quê hương nhiều năm, đặt chân đến biết bao xứ sở nhưng khi trở về quê hương, Người vẫn yêu thích những món ăn dân dã. Thói quen tập thể thao hằng ngày của Bác còn cho thấy tinh thần kỉ luật, không ngại tôi luyện bản thân. Hồ Chí Minh không chỉ là cái tên mà còn trở thành một phong cách sống đáng noi theo.
LĐ 3: Bàn luận từ góc nhìn trái chiều
Trong thực tế xã hội hiện tại còn một số cá nhân thích đua đòi theo bè bạn để đúng với thời thượng, đẳng cấp. Họ chỉ lo ăn chơi, hưởng thụ hoặc được gia đình cưng chiều k lo rèn luyện, tổ chức, sắp xếp cuộc sống của bản thân. Chính vì thế mà bề ngoài trông họ có thể bảnh bao, sang chảnh nhưng chốn ở thì dơ bẩn, ăn uống sinh hoạt bừa bãi, thiếu giờ giấc,.. Dần dần khiến họ trở thành con người thiếu nguyên tắc, vô kỉ luật, thiếu trách nhiệm với bản thân và gia đình.
LĐ 4: Phân tích tác động của việc nhận thức đúng đắn với cá nhân và cộng đồng:
Như vậy để hoàn thiện nhân cách, không chỉ cần những yếu tố bên ngoài như giáo dục hay môi trường xã hội, mà còn cần sự tổ chức và quản lý cuộc sống cá nhân. Tổ chức cuộc sống cá nhân có vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện nhân cách của mỗi người. Nó giúp ta xác định mục tiêu, quản lý thời gian, rèn luyện kỹ năng tự quản lý và xây dựng tập quán lành mạnh. Mọi yếu tố trong con người ta luôn xoay vần như một vòng tuần hoàn. Hành động tạo ra thói quen, suy nghĩ và chính lối tư duy cùng quan niệm nhân sinh của ta lại tác động đến cách hành xử. Thói quen tốt gieo mầm cho lối tư duy hiện đại, hạnh phúc. Thói quen xấu đem đến hành vi vô phép tắc, ảnh hưởng đến chính mình và cộng đồng xung quanh. Như vậy, để có một nhân cách tốt, con người cần rèn luyện cách tổ chức cuộc sống tích cực từ khi còn nhỏ. Cẩn thận trong từng hành động, nói năng khiêm tốn sẽ hình thành cung cách ứng xử văn hóa, trở thành một con công dân tốt, đóng góp cho cộng đồng từ chính lối sống của mình.
KB: Tóm lại, các tổ chức cuộc sống cá nhân có vai trò vô cùng quan trọng, tác động mạnh mẽ đến việc hoàn thiện nhân cách. Bởi vậy mỗi người trong chúng ta cần không ngừng nâng cao nhận thức, học tập và rèn luyện nhằm nâng cao nhân của bản thân mình, trở thành một người có ích cho xã hội. Như chúng ta đã biết Giáo dục tạo tiền đề cho tự giáo dục của cá nhân. Tự giáo dục thể hiện tính chủ thể của cá nhân khi con người đáp ứng hoặc tự vận động nhằm chuyển hóa các yêu cầu của giáo dục thành phẩm chất và năng lực của bản thân. Nếu cá nhân thiếu khả năng tự giáo dục thì các phẩm chất và năng lực của họ sẽ hình thành ở mức độ thấp hoặc thậm chí không thể hình thành. Giáo dục đúng đắn và đầy đủ sẽ giúp con người hình thành khả năng tự giáo dục, đề kháng trước những tác động tiêu cực của xã hội để phát triển nhân cách mạnh mẽ. Châm ngôn có câu “Chỉ có những người biết tự giáo dục mới là những người thực sự có giáo dục”. Và cách tổ chức cuộc sống cá nhân là một cách tự giáo dục hữu hiệu cho mỗi chúng ta.