NLXH Không có tài năng vĩ đại nào thiếu đi được ý chí mạnh mẽ

ĐỌC HIỂU (6,0 điểm) Đọc đoạn trích sau:

Nguyễn Tuân bước vào nghề văn như để chơi ngông với thiên hạ. (…) Ngày xưa, Nguyễn Công Trứ có hai câu thơ tự họa rất ngông:

“Trời đất cho ta một cái tài

Giắt lưng dành để tháng ngày chơi”

Đúng là muốn chơi ngông thì phải có tài. Làm khác đời mà không tài, người ta gọi là cái gì gì đó chứ không gọi là ngông.

Vì thế, nhân vật Nguyễn Tuân thuần một loại tài hoa tài tử, dù nam hay nữ, già hay trẻ, dù làm nghề nghiệp gì, từ những ông Nghè, ông Cử, ông Huấn Cao trong “Vang bóng một thời”, ông Thông Phu, cô Đào Tám trong “Chiếc lư đồng mắt cua”, đến anh chàng Hồ chữa xe đạp trong “Hai tấm vé số” chơi đàn cải lương nổi tiếng, hay viên thư kí dây thép nào đó trong “Chiếc lư đồng”… mỗi lúc xuân tới, thu về, nhìn những phong bì thư đẹp và thơm của những cặp tình nhân gửi cho nhau lại nổi hứng “muốn lấy son tàu mà đóng dấu niên hiệu cho họ” chứ không nỡ “đóng cái mực đen nhà nước”… Nói cho cùng, tất cả cũng chỉ là những hóa thân khác nhau của anh chàng Nguyễn đó mà thôi – “con người sinh ra để mà thờ Nghệ Thuật với hai chữ viết hoa” (Đôi tri kỉ gượng).

Sau Cách mạng tháng Tám, khi nhà văn đã làm lành với xã hội và ngày càng hòa mình vào cuộc sống của nhân dân, thì thế giới nghệ thuật của ông cũng không còn thu hẹp và mang tính chủ quan quá nặng như thế nữa. Nhưng cái chất tài hoa tài tử vẫn là phong thái riêng của các nhân vật của ông. Đó là anh tự vệ sao vuông hồi đầu kháng chiến, chọc chọc lưỡi lê xuống bóng trăng nơi vũng nước hầm đào mà mắng yêu chị Nguyệt (Đường vui), là anh bộ đội chống Pháp trên chiến trường Tây Bắc ngụy trang bằng hoa đào và đuổi giặc giữa rừng đào (Tình chiến dịch), là những pháo thủ thủ đô thời chống Mỹ, trong chiến đấu vẫn hào hoa thanh lịch (Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi), là những chính trị phạm trong nhà tù Sơn La năm nào đấu tranh để được ngắm trăng đêm trung thu, là người cộng sản Tô Hiệu trước khi khuất đi còn lẩy cái câu Kiều đào đông cười gió”, là những cô lái đò Tây Bắc có dáng vóc rất “tạo hình” trên những con thuyền đuôi én cao vút, và những ông lái đò vượt thác sông Đà “tay lái ra hoa” (Sông Đà)…

(Trích Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân, Nguyễn Đăng Mạnh, in trong Nhà văn – Tư

tưởng và phong cách, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2001)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Văn bản trên bàn về vấn đề gì? (0,5 điểm)

Câu 2. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản? (0,5 điểm)

Câu 3. Ghi lại câu văn nêu lên luận đề của văn bản? (0,5 điểm)

Câu 4. Văn bản trên có mấy luận điểm? Đó là những luận điểm nào? (0,5 điểm)

Câu 5. Văn bản trên được viết ra nhằm mục đích gì? (0,5 điểm)

Câu 6. Chỉ ra quan điểm, thái độ của người viết được thể hiện qua văn bản? (1,0 điểm)

Câu 7. Theo anh/ chị, thái độ ngông có khác với kiêu ngạo không? Lí giải? (1,0 điểm)

Câu 8. Phân tích ngắn gọn sức thuyết phục của văn bản nói trên? (Viết khoảng 8 – 10 dòng) (1,5 điểm)

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Hãy viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến: Không có tài năng vĩ đại nào thiếu đi được ý chí mạnh mẽ. (Honoré de Balzac).

ĐÁP ÁN ĐỀ 5

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6,0
  1 Văn bản trên viết về vấn đề: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân. 0.5
2 Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản: Nghị luận. 0.5
3 Câu văn nêu lên luận đề của văn bản: Nguyễn Tuân bước vào nghề văn như để chơi ngông với thiên hạ. 0.5
4 Văn bản trên có 2 luận điểm:

–  Luận điểm 1: Nhận định khái quát về phong cách ngông của Nguyễn Tuân.

–   Luận điểm 2: Biểu hiện của phong cách ngông trong sáng tác của Nguyễn Tuân.

0.5
5 Mục đích: Cho người đọc thấy được nét độc đáo trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân, đó là: Nguyễn Tuân bước vào nghề văn

như để chơi ngông với thiên hạ.

0.5
6 –  Thái độ: Thể hiện thái độ yêu mến, ngưỡng mộ đối với phong cách nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Tuân.

–   Quan điểm: Ủng hộ, đồng tình với cách chơi ngông của Nguyễn Tuân trong văn chương, vì đó là cách chơi ngông có văn hóa, để lại cho đời những tác phẩm có giá trị.

1.0
7 –  Thái độ ngông khác với sự kiêu ngạo.

–  Lí giải:

+ Ngông là thái độ của một người có tài hơn đời, muốn thể hiện cái tài của mình ra một cách độc đáo, khác biệt mà vẫn giữ được sự chuẩn mực, bản lĩnh cá nhân.

+ Kiêu ngạo: Ỷ mình có tài hoặc ảo tưởng mình là người có tài, từ đó có thái độ tự cao, coi thường người khác, dẫn đến đánh mất giá trị của chính mình.

Như vậy, ngông là một thái độ sống tích cực, trong khi đó kiêu ngạo lại là một thái độ sống tiêu cực.

1.0
8 Phân tích ngắn gọn sức thuyết phục của văn bản:

–   Văn bản được viết ra nhằm thuyết phục người đọc rằng Nguyễn Tuân đến với văn chương là để chơi ngông.

–  Để làm rõ luận đề trên, tác giả đã đưa ra một khía cạnh mà ở đó, cái ngông của Nguyễn Tuân được thể hiện rõ nét nhất: đó là hệ thống nhân vật trong các sáng tác của Nguyễn Tuân, hệ thống nhân vật ấy đều là những con người tài hoa tài tử, tức là những người có tài để chơi ngông. Tác giả đã sử dụng những dẫn chứng thuyết phục, được

lấy ra từ các sáng tác của Nguyễn Tuân trước và sau Cách mạng để làm rõ cho luận điểm của mình.

1.5
II   VIẾT 4,0
  a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận xã hội 0,25
  b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Suy nghĩ về ý kiến: Không có tài năng vĩ đại nào thiếu đi được ý chí mạnh mẽ. (Honoré de Balzac).

0,5
  c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm 2.5

 

    Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng hợp lí. Sau đây là một số gợi ý:

1. Giải thích:

–  Tài năng vĩ đại: tài năng lớn, có thể làm được những việc hơn người.

–  Ý chí mạnh mẽ: Sự kiên cường, bền bỉ, không gì lay chuyển để đạt được mục tiêu.

Ý kiến của Balzac nhấn mạnh đến vai trò của ý chí trong việc rèn luyện mà mài giũa tài năng ở con người.

2.  Bàn luận:

a. Chứng minh tính đúng đắn của ý kiến:

–  Tài năng một phần là do thiên phú, nhưng nếu tài năng không được mài giũa, rèn luyện, thì sớm hay muộn nó cũng bị thui chột.

–  Muốn cho tài năng của mình ngày một trở nên hoàn thiện và nâng cao hơn, ta cần có một quá trình khổ luyện bền bỉ và lâu dài. Quá trình khổ luyện đó đòi hỏi một ý chí mạnh mẽ, kiên cường.

–  Tài năng cộng với sự khổ luyện sẽ làm nên những con người vĩ đại, có đóng góp lớn lao cho sự phát triển của xã hội loài người.

b. Giải pháp để có được ý chí mạnh mẽ:

–  Nhận thức được những lợi ích to lớn mà ý chí mạnh mẽ sẽ mang lại cho chúng ta.

–  Học cách sống có kỷ luật, làm việc khoa học.

–  Đặt ra những mục tiêu phù hợp, dài hạn và ngắn hạn, rồi quyết tâm hoàn thành từng mục tiêu đó.

–  Làm đến nơi đến chốn những công việc của mình, không từ bỏ khi gặp khó khăn.

c. Phê phán những biểu hiện sai lệch:

–  Phê phán những người quá ỷ vào tài năng thiên bẩm mà không chịu rèn luyện.

–  Phê phán những người thiếu ý chí nói chung.

3. Rút ra bài học cho bản thân:

–   Nhận thức: Nhận thức được tầm quan trọng của ý chí đối với việc tạo dựng và phát triển tài năng ở con người.

–  Hành động:

+ Rèn luyện cho mình một ý chí mạnh mẽ.

+ Không ngừng trau dồi những năng khiếu của mình.

 
  d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0,25
  e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy. 0,5
Tổng điểm 10.0

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *