VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ XÃ HỘI
(Con người và cuộc sống xung quanh)
BỘ KẾT NỐI
Đề bài
ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:
Sự nguy hiểm của vô cảm:
Những bài học rút ra từ một thế kỷ đầy bạo động
ELIE WIESEL
Ngày này, năm mươi bốn năm trước đây, một thiếu niên Do Thái thức giấc trong một thành phố nhỏ miền Cao nguyên Carpathian, một thành phố cách thành phố Weimar yêu dấu của Goethe [1] không xa lắm, trong một nơi mà cái tên của nó đã bị nguyền rủa muôn đời: trại tập trung Buchenwald. Cuối cùng cậu đã được tự do, nhưng sao trong tim cậu không có một niềm vui…
Chúng ta đang đứng trước thềm một thế kỷ mới, một thiên niên kỷ mới… Ta sẽ nhớ đến thế kỷ đã qua như thế nào trong thiên niên kỷ mới? Một điều chắc chắn là nó sẽ bị phán xét, một cách nghiêm khắc, cả về phương diện đạo đức và siêu hình. Những sự thất bại này đã che phủ một bóng đen trên nhân loại: hai cuộc Đại chiến, vô số cuộc nội chiến, một chuỗi những cuộc ám sát vô nghĩa lý (…), những cuộc tắm máu ở Cambodia và Alegria, Ấn Độ và Pakistan, Ireland và Rwanda, Eritrea và Ethiopia, Sarajevo và Kosovo; thảm kịch Hiroshima. Và, trên một bình diện khác, dĩ nhiên, còn có trại tập trung Auschwitz và trại Treblinka.[2] Có quá nhiều bạo động; có quá nhiều sự vô cảm.
Sự vô cảm là gì? Theo từ nguyên, nó có nghĩa là “không có cảm xúc”. Đó là một trạng thái lạ lùng và trái tự nhiên, một trạng thái mà trong đó đường ranh giữa sáng và tối, bình minh và hoàng hôn, tội ác và hình phạt, tàn bạo và nhân đạo, tốt và xấu bị mờ đi. Tiến trình của vô cảm và những hậu quả không thể tránh được của nó là gì? Vô cảm có phải là một triết lý sống hay không? Có cái gọi là triết lý vô cảm hay không? Liệu ta có thể xem vô cảm là một đức tính không? Có phải đôi lúc chúng ta cũng cần áp dụng vô cảm để giữ cho mình không bị hóa điên, để sống một cách bình thường, để thưởng thức một bữa ăn và cốc rượu ngon, khi thế giới quanh ta đang trải qua những biến động tang thương?
[…]
Nói cách khác, vô cảm trước sự đau khổ của đồng loại chính là điều làm cho con người trở nên bất nhân. Vô cảm, thực ra, còn nguy hiểm hơn là thù hận và giận dữ. Sự giận dữ có khi cũng là nguồn cảm hứng của sáng tạo. Trong cơn giận, ta có thể viết lên những vần thơ tuyệt bút hay những bản hòa tấu tuyệt hảo. Ta đang tạo ra một điều gì đó đặc biệt cho nhân loại vì ta đang nổi giận trước những bất công mà ta đang chứng kiến. Nhưng sự vô cảm không bao giờ tạo nên sự sáng tạo. Ngay cả cơn thù ghét cũng có lúc tạo ra tác động. Vì thù ghét, ta chống lại nó. Ta phản đối nó. Ta vô hiệu hóa nó.
[…]
Sự vô cảm không phải là sự khởi đầu; nó là sự kết liễu. Và, vì vậy, sự vô cảm luôn luôn là bạn hữu của kẻ thù, vì nó làm lợi cho kẻ áp bức hung hăng, chứ không phải cho nạn nhân của những kẻ này; những kẻ mà nỗi đau được phóng đại lên nhiều lần khi họ cảm thấy bị quên lãng. Người tù chính trị ở trong xà-lim, những trẻ em đói khát, những người tị nạn vô Tổ quốc – những người mà nếu ta không ngó ngàng gì đến cảnh ngộ của họ, nếu ta không cất đi nỗi cô đơn của họ chỉ bằng họ một tia hy vọng thôi, thì chính ta đã xua đuổi họ ra khỏi ký ức của nhân loại. Và khi khước từ nhân tính của họ, ta đã phản bội nhân tính của chính mình.
Sự vô cảm, vì thế, không những là một tội lỗi, nó chính là một hình phạt.
[…]
Thế nhưng,… cũng có những điều tốt lành xảy ra trong thế kỷ tang thương này: sự bại trận của chủ nghĩa Phát xít; sự hồi sinh của nước Do Thái trên mảnh đất của cha ông họ; sự tiêu vong của chủ nghĩa Phân biệt Chủng tộc; hiệp ước hòa bình giữa Do Thái và Ai Cập; hiệp ước hòa bình tại Ireland…
[…]
Nhưng lần này, thế giới không im lặng nữa. Lần này, chúng ta đã trả lời. Lần này, chúng ta can thiệp.
[…]
Liệu điều này có nghĩa là xã hội đã thay đổi không? Có phải nhân loại đã trở nên bớt vô cảm và có tình người hơn không?… Liệu điều này có làm cho những kẻ độc tài ở những nơi khác trên thế giới phải chùn tay không?
Thế rồi còn những đứa trẻ con thì sao?… Số phận của chúng là số phận thê thảm nhất, một số phận không thể tránh được. Khi người lớn gây chiến, trẻ con bị héo úa và tàn lụi. Ta thấy những gương mặt và đôi mắt của trẻ thơ. Ta có nghe thấy tiếng cầu xin của chúng không? Ta có cảm được nỗi thống khổ và sự đau đớn của chúng không? Mỗi phút lại có một trẻ thơ chết vì bệnh tật, bạo lực và đói khát.
Một số trẻ thơ này – ôi, có quá nhiều trẻ thơ – có thể được chúng ta cứu vớt.
Và do đó, một lần nữa, tôi nghĩ về cậu bé Do Thái từ phố núi Carpathian. Cậu đã cùng bước đi với tôi, người mà năm tháng đã biến thành một ông lão, đi qua những năm dài đấu tranh và kiếm tìm chân lý. Và cùng nhau, chúng tôi và chúng ta bước về thiên niên kỷ mới, mang theo một nỗi lo sợ sâu xa cùng một niềm hy vọng phi thường.
(Nguồn: http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c266/n10600/Su-nguy-hiem-cua-vo-cam-Nhung-bai-hoc-rut-ra-tu-mot-the-ky-day-bao-dong.html)
Trả lời các câu hỏi: (Luận đề, luận điểm, lí lẽ, bằng chứng, yếu tố bổ trợ)
Câu 1. Xác định hệ thống luận điểm được triển khai trong văn bản.
Câu 2. Đâu là minh chứng về sự vô cảm của loài người?
Câu 3. Tác giả so sánh vô cảm với thù hận và giận dữ để làm gì?
Câu 4. Tác giả dùng cụm từ “bóng đen trên nhân loại” để chỉ điều gì?
Câu 5. Tại sao vô cảm lại là sự kết liễu?
Câu 6. Những đứa trẻ được mô tả: số phận thê thảm nhất, khi người lớn gây chiến, trẻ con bị héo úa và tàn lụi, tiếng cầu xin, nỗi thống khổ và sự đau đớn, chết vì bệnh tật, bạo lực và đói khát. Vì sao chúng trở thành động lực chiến đấu chống lại vô cảm?
Câu 7. Việc đưa dẫn hình ảnh: “cậu bé Do Thái từ phố núi Carpathian” ở đầu và cuối bài viết có ý nghĩa như thế nào?
Câu 8. Theo anh (chị), chúng ta cần làm gì để xua đuổi sự vô cảm ra khỏi xã hội loài người?
LÀM VĂN (4,0 điểm)
Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận bày tỏ suy nghĩ của mình.về vấn đề được khẳng định trong câu nói: Chúng ta hãy cố gắng để chỉ chết một lần thôi
(Cantauzene)
Hướng dẫn đáp án chi tiết
- ĐỌC – HIỂU
Trả lời các câu hỏi: (Luận đề, luận điểm, lí lẽ, bằng chứng, yếu tố bổ trợ)
Câu 1. Xác định hệ thống luận điểm được triển khai trong văn bản.
Hệ thống luận điểm được triển khai trong văn bản:
– Luận điểm 1: Trả lời câu hỏi: Vô cảm là gì?
– Luận điểm 2: Sự kinh khủng của thói vô cảm.
+ Vô cảm tạo ra bất nhân.
+ Vô cảm là sự kết liễu.
+ Vô cảm là hình phạt.
– Luận điểm 3: Sự chiến thắng của những điều tốt lành trước vô cảm.
– Luận điểm 4: Thái độ quyết tâm chiến đấu chống lại sự vô cảm.
+ Khẳng định lòng quyết tâm.
+ Động lực của quyết tâm chiến đấu.
Câu 2. Đâu là minh chứng về sự vô cảm của loài người?
Hai cuộc Đại chiến, nội chiến, những cuộc ám sát, những cuộc tắm máu; thảm kịch bom hạt nhân, các trại tập trung.
Câu 3. Tác giả so sánh vô cảm với thù hận và giận dữ để:
Khẳng định sự nguy hiểm đến đáng sợ của vô cảm.
Câu 4. Tác giả dùng cụm từ “bóng đen trên nhân loại” để chỉ:
Bạo động và sự vô cảm
Câu 5. Tại sao vô cảm lại là sự kết liễu?
Vì nạn nhân của vô cảm sẽ chết còn kẻ vô cảm thì mất đi nhân tính.
Câu 6. Những đứa trẻ được mô tả: số phận thê thảm nhất, khi người lớn gây chiến, trẻ con bị héo úa và tàn lụi, tiếng cầu xin, nỗi thống khổ và sự đau đớn, chết vì bệnh tật, bạo lực và đói khát. Chúng trở thành động lực chiến đấu chống lại vô cảm, vì:
Chúng là tương lai nhân loại nhưng lại bé nhỏ, yếu ớt, không tự bảo vệ được mình, chúng cần có người che chở.
Câu 7. Việc đưa dẫn hình ảnh: “cậu bé Do Thái từ phố núi Carpathian” ở đầu và cuối bài viết có ý nghĩa như thế nào?
– Đây là bằng chứng xác thực và sống động về nạn nhân của sự vô cảm cũng như sự chiến thắng của con người trước sự vô cảm ; thuyết phục người đọc, tạo cho người đọc lòng tin vào lời phát biểu.
– Tạo kết cấu đầu cuối tương ứng cho tác phẩm, gợi nhắc cho người đọc về sự tiếp diễn bất tận của cuộc đời, chiến thắng mọi sự vô cảm bằng niềm tin vào chân lí và tình người.
Câu 8. Theo anh (chị), chúng ta cần làm gì để xua đuổi sự vô cảm ra khỏi xã hội loài người?
– Nêu quan điểm của bản thân.
– Lí giải hợp lí, thuyết phục
- LÀM VĂN
- Mở bài: Giới thiệu vấn đề trong cuộc sống cần bàn luận: Thái độ trân trọng sự sống.
- Thân bài: Cần triển khai các ý:
* Bản chất của vấn đề và quan điểm của người viết:
+ “Chết” là trạng thái cơ thể con người dừng lại mọi hoạt động: hơi thở chấm dứt, não bộ không còn tư duy, tim ngừng đập,… Đã sinh ra trong cõi đời, không ai thoát khỏi cái chết, đó chính là cái “chết một lần” mà không người nào tránh được.
+ Nhưng bên cạnh cái chết thể xác ấy, còn có những cái chết về tinh thần, về thanh danh, chết trong khi còn đang sống. Chẳng hạn: khi con người không còn lí tưởng, mục đích sống, không có ước mơ, hoài bão; chán nản, buông xuôi trước hoàn cảnh khó khăn; khi tâm hồn vô cảm, đóng băng; khi đánh mất danh dự, lương tâm với những việc làm khiến đồng loại xa lánh, chối bỏ…
=> Tác giả của câu nói khuyên chúng ta không ngừng nỗ lực, cố gắng để không rơi vào những cái chết về tinh thần, để chỉ một lần chết theo quy luật của kiếp nhân sinh.
* Xem xét vấn đề dưới nhiều góc nhìn khác nhau và bàn về những khía cạnh của vấn đề viết:
+ Sự cố gắng để “chỉ chết một lần thôi” là điều cần thiết đối với tất cả mọi người. Mỗi cá nhân chỉ một lần được sống, vì vậy phải phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng để tạo nên cuộc đời có ý nghĩa, một sự sống đích thực, khi nhắm mắt xuôi tay được thanh thản.
+ Chết trong khi còn đang sống là điều đáng sợ và đáng tiếc, cuộc đời con người uổng phí, vô nghĩa, bị xã hội chê cười, khinh bỉ.
+ Lấy dẫn chứng về những con người đã “cố gắng để chỉ chết một lần thôi”, đã tạo nên một cuộc sống có ý nghĩa, được xã hội tôn vinh, trân trọng, thậm chí họ đã bất tử sau cái chết “một lần”: Chị Võ Thị Sáu, Anh Nguyễn Văn Trỗi,… Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, lớp lớp thế hệ già trẻ, nam nữ mọi thời đại, ở mọi nơi, mọi miền ngày đêm âm thầm cống hiến, sẵn sàng hi sinh,…
+ Câu nói trên là một ý kiến đúng đắn, tích cực, một lời khuyên bổ ích và là phương châm sống cần ghi nhớ đối với những ai đã may mắn có mặt trong cõi đời này.
* Bàn luận vấn đề từ góc nhìn trái chiều:
Phê phán những kẻ đã “chết trong khi còn đang sống”: sống buông thả, trác táng, vô cảm, để phần con lấn át phần người, làm những điều vô đạo đức, phi nhân tính,…
* Phân tích tác động của việc nhận thức đúng đắn về vấn đề đối với cá nhân hoặc cộng đồng:
+ Mỗi người cần biết trân trọng sự sống hiện tại của mình, cố gắng tạo dựng một cuộc đời có ích, có ý nghĩa.
+ Muốn “chỉ chết một lần thôi” thì phải tích cực sống đẹp, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, lánh xa những điều xấu xa, bạc ác, mở rộng cửa trái tim để trao gửi yêu thương, có ý chí vững vàng trước những chông gai, thử thách của dòng đời,…
– Kết bài: Rút ra ý nghĩa của việc bàn luận vấn đề.
Bài viết tham khảo
William Shakespeare đã từng nói về cuộc sống, tình yêu bất hủ: “Kẻ hèn nhát chết nhiều lần trước cái chết; Người gan dạ chỉ nếm trải cái chết một lần”. Quả thực, cái chết không đáng sợ. Điều đáng sợ nhất là để tâm hồn chết ngay khi còn sống. Bàn về điều đó, Cantauzene khuyên rằng: “Chúng ta hãy cố gắng để chỉ chết một lần thôi”.
Chết có nghĩa là gì? Theo nghĩa thông thường, chết là trạng thái cơ thể con người dừng lại mọi hoạt động: hơi thở chấm dứt, não bộ không còn tư duy, tim ngừng đập,… Đã sinh ra trong cõi đời, không ai thoát khỏi cái chết, đó chính là cái “chết một lần” mà không người nào tránh được. Nhưng bên cạnh cái chết thể xác ấy, còn có những cái chết về tinh thần, về thanh danh, chết trong khi còn đang sống. Chẳng hạn: khi con người không còn lí tưởng, mục đích sống, không có ước mơ, hoài bão; chán nản, buông xuôi trước hoàn cảnh khó khăn; khi tâm hồn vô cảm, đóng băng; khi đánh mất danh dự, lương tâm với những việc làm khiến đồng loại xa lánh, chối bỏ… Ý nghĩa: câu nói khuyên chúng ta không ngừng nỗ lực, cố gắng để không rơi vào những cái chết về tinh thần, để chỉ một lần chết theo quy luật của kiếp nhân sinh.
Tại sao “chỉ nên chết một lần thôi”? Sự cố gắng để “chỉ chết một lần thôi” là điều cần thiết đối với tất cả mọi người. Mỗi cá nhân chỉ một lần được sống, vì vậy phải phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng để tạo nên cuộc đời có ý nghĩa, một sự sống đích thực, khi nhắm mắt xuôi tay được thanh thản. Chết trong khi còn đang sống là điều đáng sợ và đáng tiếc, cuộc đời con người uổng phí, vô nghĩa, bị xã hội chê cười, khinh bỉ. Có rất nhiều người đã “cố gắng để chỉ chết một lần thôi”, đã tạo nên một cuộc sống có ý nghĩa, được xã hội tôn vinh, trân trọng, thậm chí họ đã bất tử sau cái chết “một lần”. Chị Võ Thị Sáu, Anh Nguyễn Văn Trỗi,… Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, lớp lớp thế hệ già trẻ, nam nữ mọi thời đại, ở mọi nơi, mọi miền ngày đêm âm thầm cống hiến, sẵn sàng hi sinh,… Câu nói trên là một ý kiến đúng đắn, tích cực, một lời khuyên bổ ích và là phương châm sống cần ghi nhớ đối với những ai đã may mắn có mặt trong cõi đời này.
“Nếu biết trăm năm là hữu hạn/Cớ gì ta không sống thật lâu” (Phạm Lữ Ân). Trong thực tế xã hội hiện nay, có những kẻ đã “chết trong khi còn đang sống”: sống buông thả, trác táng, vô cảm, để phần con lấn át phần người, làm những điều vô đạo đức, phi nhân tính… Mỗi người cần biết trân trọng sự sống hiện tại của mình, cố gắng tạo dựng một cuộc đời có ích, có ý nghĩa. Muốn “chỉ chết một lần thôi” thì phải tích cực sống đẹp, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, lánh xa những điều xấu xa, bạc ác, mở rộng cửa trái tim để trao gửi yêu thương, có ý chí vững vàng trước những chông gai, thử thách của dòng đời… Chính lòng can đảm dẫn chúng ta đến sự sống còn sự hèn nhát đưa ta đến bờ vực của cái chết.
Chết không có nghĩa là hết. Chết có nghĩa chuyển hóa các giá trị khi còn sống vào bên trong tâm hồn người khác. Hãy sống mạnh mẽ, sôi nổi và đầy lòng trắc ẩn. Chúng ta hãy cố gắng để chỉ chết một lần thôi. Đừng chết quá nhiều lần trong cuộc đời ngắn ngủi của mình chỉ vì hèn nhát, bởi “con người sinh ra trong cuộc đời này không phải để tan biến đi như hạt cát vô danh, mà lưu lại dấu ấn trên mặt đất này và trong trái tim người khác”. (Xukhomlinxki)