NLXH: bàn về trào lưu “sính ngoại” trong xã hội hiện nay

VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ XÃ HỘI

(Con người và cuộc sống xung quanh)

Mục đích: Chia sẻ đề bài, dàn ý và bài viết tham khảo về một vấn đề xã hội theo đúng DÀN Ý HƯỚNG DẪN

Yêu cầu:

– Có đề, hướng dẫn chấm chi tiết và bài viết tham khảo

– Nội dung: VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ XÃ HỘI

– Làm theo đúng kiểu bài, đảm bảo các luận điểm ở phần dàn ý chi tiết mẫu, bài viết tham khảo bám vào dàn ý.

BỘ KẾT NỐI

Đề bài

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

[1] Sự trì trệ kinh tế trong năm năm qua đã làm tổn hại nặng nề tới lòng tự tin của người Việt… Một mặt, người ta đổ lỗi cho cái thể chế nói riêng và “cái nước mình” nói chung, như trong câu “Cái nước mình nó thế!”… Mặt khác, người ta đổ lỗi cho những người xung quanh… Với não trạng này, khá dễ hiểu khi thấy người Việt hướng tới một số dân tộc khác như những ngọn hải đăng trên biển cả mịt mù, mong tìm ra được một cuốn cẩm nang hướng dẫn tỉ mỉ phải sống như thế nào. Ba dân tộc được nhắc tới nhiều nhất, với lòng thành kính, ngưỡng mộ và khâm phục, là Mỹ, Nhật và Do Thái. Không ngày nào trôi qua mà không gặp một bài báo, một trạng thái trên Facebook ca ngợi sự ưu việt của những nền văn hóa kia, và những căn dặn tỉ mỉ để noi theo chúng. Người ta chuyền tay nhau các bài viết chê cười tủ rượu của người Việt, và ngợi khen tủ sách của người Do Thái, và còn cho biết thêm phụ huynh Do Thái “xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ nhỏ từ khi còn trong nôi”, và “để sách hấp dẫn trẻ, họ thường nhỏ nước hoa lên sách để tạo mùi hương cho các em chú ý” (tôi tự hỏi bước tiếp theo sẽ là rắc nước hoa vào bát bột để trẻ hết biếng ăn?).

[2]Ngoài chuyện đọc sách, giáo dục trẻ con là cái mà người Việt luôn tầm sư học đạo. Tình hình rối như canh hẹ. Lúc thì người ta khuyên nhau nên nuôi con thành nhẫn nại, khiêm nhường “như người Nhật”. Lúc khác thì lại phải biến chúng thành quyết đoán, phá cách “như người Mỹ”. Buổi sáng thì tới khóa học “Bí quyết nuôi con thông minh của người Do Thái”, buổi tối lại nghiền ngẫm triết lý được cho là của Nhật rằng “trẻ em không cần phải quá thông minh; thông minh, học giỏi không hẳn là một điều tốt.”

[3] Sùng bái Mỹ, Nhật và Do Thái trước hết hàm ý ngầm một thái độ phân biệt chủng tộc và kỳ thị… Thái độ này khiến chúng ta bỏ qua những kho báu của nhân loại. Thật đáng tiếc cho những ai vì nhìn thấy 500 triệu người Ấn Độ hiện vẫn thích ra ngoài đồng hơn là ngồi trong toa lét, mà cho rằng nền văn hóa Ấn Độ không có gì để dạy họ. Bao nhiêu người trong chúng ta biết rằng Lebanon, một đất nước mà ta không biết gì về nó, đã đóng góp cho thế giới nhà thơ thiên tài Khalil Gibran, tác giả được đọc nhiều nhất trên thế giới chỉ sau Shakespeare, và tác phẩm “Nhà tiên tri” của ông cho chúng ta những suy ngẫm tuyệt vời về tình yêu, hôn nhân, niềm vui và nỗi buồn, học và dạy học, tình bạn, khoái cảm, đau đớn, cái đẹp, tôn giáo và cái chết? Tôi cho rằng chúng ta bị hút hồn bởi Mỹ, Nhật và Do Thái vì thực chất chúng ta chỉ quan tâm làm thế nào để trở nên giàu có, mặc dù chúng ta tự nhủ là muốn học để trở thành văn minh. Bởi nếu muốn học để biết phải sống như thế nào, chúng ta có thể học được nhiều lắm, từ bất cứ quốc gia hay dân tộc nào. Chúng ta có thể học từ lòng dũng cảm của những người Mẹ trên quảng trường de Mayo, Argentina, những người trong thập kỷ 70 đã thách thứcchính quyền quân đội độc tài phải giải thích về sự biến mất của hàng ngàn con trai họ. Chúng ta có thể học từ những sinh viên Myanmar năm 1988, khi họ đứng lên phản đối chế độ quân chủ. Chỉ cần giảm một nửa số lượng bài báo ca ngợi cái sạch sẽ của người Nhật, cái lịch sự của người Mỹ, thay vào đó là những ví dụ trên, thì thế giới của chúng ta đã phong phú và giàu có lên biết bao nhiêu.

[4]Càng mù quáng, tôn sùng vô điều kiện một ai đó, một cái gì đó, thì lại càng dễ thất bại. Và khi vỡ mộng, người ta lại càng vội vã tuyên bố phải “thoát” nó ngay lập tức, để chạy tới tôn thờ một cái mới. Tâm thế đó là tâm thế của những kẻ mất tự do.

(Trích: Bức xúc không làm ta vô can – Đặng Hoàng Giang, NXB Hội nhà văn, tr112)

Trả lời các câu hỏi: (Luận đề, luận điểm, lí lẽ, bằng chứng, yếu tố bổ trợ)

Câu 1: Vấn đề trọng tâm được đề cập trong văn bản là gì?

Câu 2: Chỉ ra các luận điểm được tác giả triển khai trong văn bản?

Câu 3: Chỉ ra cách tác giả dùng lí lẽ và bằng chứng để trình bày quan điểm của mình

Câu 4: Trong đoạn (3), tác giả cho rằng chúng ta sùng bái Mỹ, Nhật và Do Thái vì muốn gì? Việc nhắc tới nhà thơ thiên tài Khalil Gibran và tác phẩm “Nhà tiên tri” của ông có ý nghĩa như thế nào trong việc thể hiện tư tưởng, cảm xúc của tác giả?

Câu 5: Chỉ ra và nêu hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng ở đoạn (2).

Câu 6:  Nhận xét về thái độ của tác giả đối với nhữngngười Việt hướng tới một số dân tộc khác như những ngọn hải đăng trên biển cả mịt mù, mong tìm ra được một cuốn cẩm nang hướng dẫn tỉ mỉ phải sống như thế nào.”

Câu 7: Tác giả cho rằng:Càng mù quáng, tôn sùng vô điều kiện một ai đó, một cái gì đó, thì lại càng dễ thất bại. Và khi vỡ mộng, người ta lại càng vội vã tuyên bố phải “thoát” nó ngay lập tức, để chạy tới tôn thờ một cái mới. Tâm thế đó là tâm thế của những kẻ mất tự do”. Quan điểm này có đúng hay không? Lí giải ý kiến của anh/chị.

Câu 8: Từ văn bản, anh/chị rút ra được bài học gì cho bản thân?

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn khoảng 500 chữ, bàn về trào lưu “sính ngoại” trong xã hội hiện nay.

Hướng dẫn đáp án chi tiết  

ĐỌC – HIỂU

Câu 1: Vấn đề trọng tâm được đề cập trong văn bản là: hiện tượng sùng ngoại, chạy theo yếu tố văn hoá ngoại lai mù quáng của một bộ phận người Việt.

Câu 2: Các luận điểm được tác giả triển khai trong văn bản:

Luận điểm 1: Người Việt mất tự tin vào chính mình, đua nhau học theo người Mỹ, Nhật và Do Thái

Luận điểm 2: Ngay cả việc nuôi con cũng rối như canh hẹ, người ta đua nhau khuyên nên nuôi con theo kiểu Nhật, Mỹ, Do Thái.

Luận điểm 3: Sùng bái Mỹ, Nhật và Do Thái trước hết hàm ý ngầm một thái độ phân biệt chủng tộc và kỳ thị. Bởi nếu muốn học để biết phải sống như thế nào, chúng ta có thể học được nhiều lắm, từ bất cứ quốc gia hay dân tộc nào.

Luận điểm 4: Càng mù quáng, tôn sùng vô điều kiện. Tâm thế đó là tâm thế của những kẻ mất tự do.

Câu 3: Chỉ ra cách tác giả dùng lí lẽ và bằng chứng để trình bày quan điểm của mình.

Luận điểm 1: Người Việt mất tự tin vào chính mình, đua nhau học theo người Mỹ, Nhật và Do Thái:

Lí lẽ:

+ Sự trì trệ kinh tế trong năm năm qua đã làm tổn hại nặng nề tới lòng tự tin của người Việt…

+ Người ta đổ lỗi cho cái thể chế nói riêng và “cái nước mình” nói chung, như trong câu “Cái nước mình nó thế!”…

+ Người Việt hướng tới một số dân tộc khác như những ngọn hải đăng trên biển cả mịt mù, mong tìm ra được một cuốn cẩm nang hướng dẫn tỉ mỉ phải sống như thế nào.

Bằng chứng:

+ Ba dân tộc được nhắc tới nhiều nhất, với lòng thành kính, ngưỡng mộ và khâm phục, là Mỹ, Nhật và Do Thái.

+ Không ngày nào trôi qua mà không gặp một bài báo, một trạng thái trên Facebook ca ngợi sự ưu việt của những nền văn hóa kia, và những căn dặn tỉ mỉ để noi theo chúng. Người ta chuyền tay nhau các bài viết chê cười tủ rượu của người Việt, và ngợi khen tủ sách của người Do Thái, …

Luận điểm 2: Ngay cả việc nuôi con cũng rối như canh hẹ, người ta đua nhau khuyên nên nuôi con theo kiểu Nhật, Mỹ, Do Thái.

Lí lẽ: Ngoài chuyện đọc sách, giáo dục trẻ con là cái mà người Việt luôn tầm sư học đạo. Tình hình rối như canh hẹ.

Bằng chứng:

+ Lúc thì người ta khuyên nhau nên nuôi con thành nhẫn nại, khiêm nhường “như người Nhật”.

+ Lúc khác thì lại phải biến chúng thành quyết đoán, phá cách “như người Mỹ”.

+   Buổi sáng thì tới khóa học “Bí quyết nuôi con thông minh của người Do Thái”,

+  buổi tối lại nghiền ngẫm triết lý được cho là của Nhật rằng “trẻ em không cần phải quá thông minh; thông minh, học giỏi không hẳn là một điều tốt.”

Luận điểm 3: Sùng bái Mỹ, Nhật và Do Thái trước hết hàm ý ngầm một thái độ phân biệt chủng tộc và kỳ thị. Bởi nếu muốn học để biết phải sống như thế nào, chúng ta có thể học được nhiều lắm, từ bất cứ quốc gia hay dân tộc nào.

Lí lẽ:

+ Thái độ này khiến chúng ta bỏ qua những kho báu của nhân loại.

+ Tôi cho rằng chúng ta bị hút hồn bởi Mỹ, Nhật và Do Thái vì thực chất chúng ta chỉ quan tâm làm thế nào để trở nên giàu có, mặc dù chúng ta tự nhủ là muốn học để trở thành văn minh.

Bằng chứng:

+ Thật đáng tiếc cho những ai vì nhìn thấy 500 triệu người Ấn Độ hiện vẫn thích ra ngoài đồng hơn là ngồi trong toa lét, mà cho rằng nền văn hóa Ấn Độ không có gì để dạy họ.

+ Bao nhiêu người trong chúng ta biết rằng Lebanon, một đất nước mà ta không biết gì về nó, đã đóng góp cho thế giới nhà thơ thiên tài Khalil Gibran, tác giả được đọc nhiều nhất trên thế giới chỉ sau Shakespeare, và tác phẩm “Nhà tiên tri” của ông ….

+ Chúng ta có thể học từ lòng dũng cảm của những người Mẹ trên quảng trường de Mayo, Argentina, những người trong thập kỷ 70 đã thách thứcchính quyền quân đội độc tài phải giải thích về sự biến mất của hàng ngàn con trai họ.

+ Chúng ta có thể học từ những sinh viên Myanmar năm 1988, khi họ đứng lên phản đối chế độ quân chủ. ..

Luận điểm 4: Càng mù quáng, tôn sùng vô điều kiện. Tâm thế đó là tâm thế của những kẻ mất tự do.

Lí lẽ: + Càng mù quáng,tôn sùng vô điều kiện một ai đó, một cái gì đó, thì lại càng dễ thấtbại. + Tâm thế đó làtâm thế của những kẻ mất tự do.

Câu 4: Trong đoạn (3), tác giả cho rằng chúng ta sùng bái Mỹ, Nhật và Do Thái vì muốn: quan tâm làm thế nào để trở nên giàu có, mặc dù chúng ta tự nhủ là muốn học để trở thành văn minh. Bởi nếu muốn học để biết phải sống như thế nào, chúng ta có thể học được nhiều lắm, từ bất cứ quốc gia hay dân tộc nào.

Việc nhắc tới nhà thơ thiên tài Khalil Gibran và tác phẩm “Nhà tiên tri” của ông có ý nghĩa trong việc thể hiện tư tưởng, cảm xúc của tác giả: phê phán gay gắt những người học đòi mù quáng, thiếu hiểu biết, những điều tuyệt vời về tình yêu, hôn nhân, niềm vui và nỗi buồn, học và dạy học, tình bạn, khoái cảm, đau đớn, cái đẹp, tôn giáo và cái chết thì không bao giờ quan tâm; chỉ chạy theo những thứ nông cạn, hời hợt bề ngoài.

Câu 5: Chỉ ra và nêu hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng ở đoạn (2).

Biện pháp liệt kê; trùng điệp

+ Lúc thì người ta khuyên nhau nên nuôi con thành nhẫn nại, khiêm nhường “như người Nhật”.

+  Lúc khác thì lại phải biến chúng thành quyết đoán, phá cách “như người Mỹ”.

+ Buổi sáng thì tới khóa học “Bí quyết nuôi con thông minh của người Do Thái”,

+ buổi tối lại nghiền ngẫm triết lý được cho là của Nhật rằng “trẻ em không cần phải quá thông minh; thông minh, học giỏi không hẳn là một điều tốt.”

Hiệu quả: + Nhấn mạnh vào những biểu hiện học đòi mù quáng của người Việt trong việc nuôi con.

+ Cảnh báo hậu quả: rối như canh hẹ; không tốt

Câu 6:  Nhận xét về thái độ của tác giả đối với nhữngngười Việt hướng tới một số dân tộc khác như những ngọn hải đăng trên biển cả mịt mù, mong tìm ra được một cuốn cẩm nang hướng dẫn tỉ mỉ phải sống như thế nào.”

Mỉa mai, châm biếm

Không đồng tình

Phủ nhận những biểu hiện lệch lạc đó và chỉ ra hậu quả: một kiểu mất tự do

Câu 7: Tác giả cho rằng:Càng mù quáng, tôn sùng vô điều kiện một ai đó, một cái gì đó, thì lại càng dễ thất bại. Và khi vỡ mộng, người ta lại càng vội vã tuyên bố phải “thoát” nó ngay lập tức, để chạy tới tôn thờ một cái mới. Tâm thế đó là tâm thế của những kẻ mất tự do”.

Học sinh đưa ra nhận xét (đúng/không đúng) và ý kiến của bản thân

Lí giải: phù hợp chuẩn mực đạo đức, pháp luật

Câu 8: Từ văn bản, rút ra được bài học cho bản thân:

Học sinh rút ra bài học phù hợp (tiếp nhận văn hoá bên ngoài cần có chọn lọc; không đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc; cần có lòng tự tôn dân tộc; ….)

Lí giải cụ thể

LÀM VĂN

(Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)

Mở bài: Giới thiệu vấn đề trong cuộc sống cần bàn luận.

– Dẫn dắt

– Trào lưu sính ngoại: không mới nhưng ngày càng rõ nét, gây hậu quả không tốt

Thân bài:

* Trình bày bản chất của vấn đề đời sống

Sính: yêu thích một cách thái quá, không cần thiết.

Sính ngoại: đề cao những thứ từ nước ngoài.

Trào lưu sính ngoại: ưa chuộng những thứ ở nước ngoài đang dần trở thành xu hướng, thu hút nhiều người.

* Xem xét vấn đề dưới nhiều góc nhìn khác nhau, bàn về các khía cạnh của vấn đề.

– Thực trạng/ biểu hiện

Biểu hiện ở tiêu dùng:

° Lựa chọn sử dụng những món đồ của nước ngoài thay vì ở trong nước để gắn cái mác ngoại nhập, ra vẻ.

° Chê bai đồ trong nước.

Biểu hiện trong học tập

° Học ngoại ngữ cho oai

° Học sinh đi du học xong ở lại sinh sống và làm việc.

Biểu hiện ở lời nói:

° Chêm xen các từ ngữ nước ngoài vào tiếng Việt khi giao tiếp.

° Nói chậm, lớ lớ cho giống người sinh sống nhiều năm ở nước ngoài.

° Thường xuyên khoe về cuộc sống ở nước ngoài.

° Sử dụng áo có logo, in chữ nước ngoài mang ý nghĩa tục tĩu, đồi trụy.

Biểu hiện ở văn hoá:

° Sùng bái văn hoá ngoại lai…

° Cố ý thần tượng những người nước ngoài/ nổi tiếng đụng chạm đến lãnh thổ của đất nước.

Nguyên nhân:

Muốn “đẳng cấp” hơn với người khác.

Muốn có cái mác ngoại nhập, ngoại lai.

* Bàn luận vấn đề từ góc nhìn trái chiều

Nhiều người du học xong trở về giúp phát triển đất nước.

Quảng bá ẩm thực, văn hóa Việt đến bạn bè quốc tế.

+ Phân tích tác động của việc nhận thức đúng đắn về vấn đề đối với cá nhân hoặc cộng đồng.

Gây ra nhiều hậu quả khôn lường.

Đánh mất bản sắc dân tộc.

Ảnh hưởng xấu đến đời sống và xã hội.

Kết bài: Rút ra ý nghĩa của việc bàn luận vấn đề.

– Để văn hóa Việt Nam không bị mai một, để không xảy ra những hệ lụy xấu cho đời sống và xã hội, chúng ta cần chấm dứt ngay việc chạy theo trào lưu sính ngoại.

– Thay vì khoe khoang cuộc sống ngoại Quốc với người dân Việt Nam thì hãy đem những giá trị văn hóa, ẩm thực Việt đến với bạn bè quốc tế.

– Hãy luôn tự hào về đất nước Việt Nam tươi đẹp. Như vậy mới có thể giúp cho đất nước phát triển ngày càng giàu hơn, đẹp hơn và mạnh hơn.

– Nhà nước cũng cần quan tâm hơn đến những nhân tài của đất nước nhằm khắc phục việc chảy máu chất xám.

Bài viết tham khảo

                        Bài 1:

Mỗi quốc gia đều có  bản sắc văn hóa riêng, nhưng khi hội nhập và hợp tác quốc tế ngày càng gia tăng, chúng ta cần phải hòa nhập với các dân tộc và nền văn hóa khác nếu muốn phát triển. Bên cạnh đó xuất hiện thực trạng đáng buồn – “trào lưu sính ngoại”.

Trong tiếng Hán Việt, sính có nghĩa là việc lạm dụng một thứ yêu thích một cách quá đáng, không cần thiết. Hơn nữa, mục đích lạm dụng ở đây là để ra vẻ, tỏ ra hơn người khác. Như vậy “sính ngoại” ở đây là từ để chỉ sự đề cao những thứ từ nước ngoài. Đây là “trào lưu”  ngay càng có nhiều người áp dụng lối sống này cho mình.

Hiện nay, lối sống “sính ngoại” ta băt gặp ở  mọi khía cạnh, lĩnh vực của đời sống. Điển hình nhất liên quan đến vấn đề mua bán, cách sử dụng ngôn ngữ, trang phục, văn hóa… Có thể nói hiện nay có rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam có trong mình tư tưởng “Hàng cao cấp nước ngoài”, “ Dùng hàng nước ngoài tốt hơn hàng Việt Nam”, “ Thôi có dành tiền mà mua hàng nước ngoài cho chất lượng”,… Một số người còn không tiếc lời chê bài hàng Việt Nam “ phèn”, “ chất lượng cao cũng như không”,…Hơn nữa, hiện nay nhiều nhãn hàng nước ngoài cũng du nhập vào Việt Nam rất nhiều như Chanel, , , Zara, H&M, Uniqlo, CK, Nike,… đã đổ bộ vào thị trường Việt Nam và liên tục mở rộng hệ thống bán lẻ. Điều đó cũng ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người tiêu dùng, trong suy nghĩ của họ việc mua một bộ quần áo ở Chanel “sang” hơn gấp nhiều lần việc mua quần áo ở chợ. Do đó, không ít người sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền để có cho mình một món đồ hiệu.

Về ngôn ngữ hàng ngày, chúng ta cũng không khó để bắt gặp những bạn trẻ dùng chêm từ tiếng anh vào những lời nói thường ngày như: “tí call không?”, “cho tớ xin infor của cậu đi”,… Điều đáng buồn là họ mặc nhiên dùng những từ này như thói quen, và dần không dùng những từ tiếng Việt để giao tiếp như thường nữa. Trong một trường hợp khác, khi học muốn “ra vẻ”, “thể hiện”, muốn làm mình hơn người, họ sẽ cố gắng thêm những từ tiếng anh bào trong câu nói của mình một cách không cần thiết, thậm chí đôi lúc những từ mà họ thêm vào còn không đúng nghĩa tiếng Việt, không hợp hoàn cảnh và không đúng ngữ pháp. Điển hình như trường hợp của ca sĩ Chipu, khi vừa sang Mỹ học được một năm mà trong buổi phát trực tiếp trên trang cá nhân của mình, cô đã nói nửa Tây nửa ta, loạn ngôn thậm chí còn dùng sai từ gây khó chịu cho người nghe và bị rất nhiều người chỉ trích. Cũng giống như Chipu, nữ tiktoker có tên Xưng Mai, cũng thể hiện thái độ không coi trọng tiếng Việt cố tình nói “lớ”, giả vờ “ dốt” tiếng Việt, nói chêm tiếng Anh giống như người nước ngoài mới học tiếng Việt, khi vừa mới đi du học được một năm.

Không chỉ về ngôn ngữ thường ngày, lối sống “ sính ngoại” còn đi vào văn hoá. Việt Nam vốn là một nước Á Đông, thừa hưởng nền văn hoá ăn mặc nhẹ nhàng, kín đáo và giữ mình. Nhưng hiện nay giới trẻ lại đi theo những phong cách ăn mặc hở hang, kiệm vải và có phần thô tục. Khi bị nhắc nhở họ lại cho rằng: “ Phương Tây họ cũng mặc vậy có sao đâu”. Hơn nữa việc mới chỉ dừng lại là bạn trai, bạn gái mà đã thuê nhà ở chung, sống như vợ chồng thật sự cũng  được bắt gặp rất nhiều trong đời sống ngày nay.

Lối sống “ sính ngoại” như vậy sẽ mang lại hậu quả tiêu cực cho chúng ta. Về kinh tế, nếu ngay càng nhiều người có xu hướng đề cao hàng ngoại mà chê bài hàng nội địa thì các sản phẩm của Việt Nam sẽ không bán được nhiều. Các sản phẩm gia công được  xuất khẩu đi nước ngoài với mức giá rẻ, sau đó lại nhập lại về Việt Nam, gắn thêm cái mác của một thương hiệu nước ngoài rồi được bán với giá gấp hàng chục, có khi hàng trăm lần trước đó. Các nông sản của Việt Nam cũng ngày càng mất giá khi không còn mấy ai ra chợ mua, mà họ luôn vào siêu thị mua những hoa quá có mác nước ngoài. Từ đó không thể phát triển nền kinh tế một cách cân bằng. Tư tưởng sính ngoại khiến cho nhiều người Việt coi rẻ giá trị văn hoá Việt Nam, đề cao học hỏi những văn hoá nước ngoài, làm mất niềm tự tôn dân tộc, nhiều truyền thống văn hóa cũng bị xem nhẹ. Hơn nữa, việc học tập những thói quen xấu không phù hợp của người nước ngoài cũng khiến ta bị tha hoá và có thể lâm vào các tệ nạn xã hội

Như vậy, ta cần phải nhận thức được tác hại của “ trào lưu sính ngoại”, mỗi cá nhân chúng ta cần ý thức được hành động của bản thân. Việc tiếp thu những văn hoá bên ngoài không xấu, thậm chí có rất nhiều lợi ích, nhưng chỉ vào khi chúng ta phải biết tiếp thu có chon lọc, đừng có quá coi trọng lạm dụng nó mà quên mất những giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Đừng để việc “ sính ngoại” làm mất đi sự trong sáng, đẹp đẽ của tiếng Việt, hãy biết tận dụng ở một lĩnh vực phù hợp,đừng chỉ mải mê chạy theo những xu hướng, trào lưu và ảo tưởng về bản thân.

Quả thực “ trào lưu sính ngoại’, đặc biệt là ở giới trẻ đang dần kéo con người rời xa và đánh mất đi những giá trị, bản sắc văn hoá và niềm tự tôn dân tộc. Hãy có những nhận thức đúng đắn và biết cân bằng giữa văn hoá nước ngoài và Việt Nam, chọc lọc những thành tựu tốt đẹp của nước ngoài và vẫn giữ được văn hoá nước ta. Hãy giưc gìn giá trị văn hoá Việt Nam và đừng để bị tha hoá bởi những lối sống, văn hoá không phù hợp ở nước ngoài bạn nhé.

(Hà Nguyễn Vàng Anh – 11A6)

Bài 2

Mỗi người chúng ta giống như một hạt cát vậy tuy bé nhỏ nhưng lại tạo nên cả một sa mạc rộng lớn. Mỗi cá nhân trong cộng đồng đều có những trách nhiệm và công việc riêng. Nhưng đều chung một mục đích đó là xây dựng và phát triển quê hương, đất nước của mình. Tuy nhiên hiện nay lại có nhiều người đang chạy theo trào lưu “sính ngoại”, làm đánh mất đi những giá trị tốt đẹp của đất nước.

Trước hết ta phải hiểu rõ thế nào được gọi là “sính ngoại”? Sính được hiểu là chúng ta yêu thích, ưa chuộng một cái gì đó quá mức. Như vậy “sính ngoại” có thể hiểu là việc chúng ta đề cao, ưa thích thái quá những thứ bắt nguồn từ nước ngoài. Sính ngoại ngay từ việc tiêu dùng những đồ ngoại nhập, sính ngoại trong lối sống, văn hoá, ngôn ngữ,…

Sính ngoại – một ” căn bệnh” trong thời đại mới khi mà có rất nhiều người có tư tưởng rằng đồ ngoại bao giờ cũng sang hơn, tốt hơn đồ trong nước. Dẫu biết Việt Nam chúng ta đang nỗ lực để hội nhập với thế giới nhưng hội nhập và tiếp thu những điều mới để xây dựng phát triển đất nước. Chứ không phải là lạm dụng điều đó để rồi đánh mất đi những giá trị, bản sắc tốt đẹp của dân tộc. Vốn dĩ Việt Nam là một dân tộc có lòng tự tôn dân tộc rất lớn. Nêu như hỏi bất kì người Việt nào rằng họ có yêu nước không thì họ sẽ chẳng ngần ngại gật đầu. Nhưng những hành động của họ lại đi ngược lại với tình yêu nước đó khi mà có rất nhiều người đang chạy theo trào lưu ” sính ngoại”.

Sẽ chẳng xa lạ gì khi mà có rất nhiều người lựa chọn mua những món đồ được nhập từ nước ngoài với giá cả cao. Thay vì họ tin dùng và ủng hộ những sẳn phẩm do người Việt tạo ra có thành hợp lí hơn. Bởi lẽ họ luôn có suy nghĩ hàng nước ngoài sẽ đảm bảo an toàn hơn, sẽ tốt hơn là hàng trong nước. Có rất nhiều thương hiệu Việt đang cô vươn mình ra thế giới nhưng ở chính quê hương của họ thì họ lại không được đón nhận. Chẳng hạn như hãng xe ô tô điện Vinfast – do ông Phạm Nhật Vượng làm chủ, đi mới đưa các sản phẩm ô tô điện ra thị trường. Hãng xe điện của ông Vượng không được người  Việt đón nhật nhiều, thậm chí còn bị đặt lên bàn cân so sánh với các hãng xe khác. Với những lời nhận xét không mấy tốt đẹp, có ý chê bai. Như vậy có thể thấy người Việt Nam ta thường có xu hướng coi trọng hàng nước ngoài hơn và tỏ ý chê bai hàng trong nước.

Bên cạnh đó hiện nay trào lưu sính ngoại không chỉ trong tiêu dùng hàng hóa mà ngay cả trong lối sống và ngôn ngữ nói hàng ngày. Việc hiện nay nhiều bạn trẻ thường nói chuyện đệm thêm những từ ngữ tiếng anh vào để thể hiện bản thân sang trọng, hiểu biết hơn người khác đã không còn quá xa lạ. Hay như việc nhiều ông bố bà mẹ đã cho học ngoại ngữ ngay từ khi còn nhỏ khi đứa bé còn chưa rành tiếng mẹ đẻ. Điều này không quá xấu vì việc biết thêm một ngôn ngữ thứ hai cũng có lợi cho việc phát triển sau này. Nhưng phải học sao cho đúng cách và có hiệu quá chứ không phải giống như một số trường hợp một số bạn trẻ sau khi học tiếng anh và sang nước ngoài một thời gian ngắn đã quên cả tiếng mẹ đẻ. Chính điều này đã đánh mất đi vẻ đẹp của tiếng việt và vẻ đẹp truyền thống bên trong con người Việt Nam.

Ngoài ra còn một hiện tượng sính ngoại khác đó là việc nhiều bạn trẻ có xu hướng muốn đi du học và định cư ở nước ngoài. Với lí do là cần có môi trường tốt có đủ điều kiện để có thể phát triển sự nghiệp. Nhà nược ta tạo điều kiện rất nhiều để cho các bạn trẻ có thể ra nước ngoài học tập và làm việc với mong muốn họ có thể giúp đất nước phát triển hơn. Nhưng sau khi đi nước ngoại nhiều người đã lựa chọn ở lại vì họ cho rằng khi quay trở về nước họ sẽ không có cơ hội để phát triển. Điều này đã làm xảy ra hiện tượng ” chảy máu chất xám” khi mà nhiều người tài giỏi đã ra nước ngoại học tập và làm việc rồi không quay trở về. Đây là một vấn đề đáng lo ngại hiện nay vì nhà nước mong muốn xã hội phát triển vững mạnh nhưng lại không có người tài để hỗi trợ giúp phát triển xã hội.

Sính ngoại đang là một vấn đề đáng lo ngại và cần phải loại bỏ trong xã hội hiện nay. Chúng ta cần phải cân bằng giữa việc hội nhập quốc tế với việc giữ gìn lòng tự tôn, bản sắc truyền thống của dân tộc. Cùng nhau chung tay quảng bá những giá trị cao đẹp của người Việt Nam đến với quốc tế. Để xứng đáng là những chủ nhân tương lai của đất nước.

Là một người dân Việt Nam máu đỏ, da vàng chúng ta phải cùng nhau xây dựng đất nước ngày càng phát triển. Và cùng nhau phát huy, quảng bá những nét văn hóa truyền thống cao đẹp của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Và là người Việt hãy tin dùng hàng Việt và đưa thương hiệu Việt vươn ra thị trường quốc tế để có thể sánh bước cùng các thương hiệu quốc tế.

(Trần Thu Hà – Lớp 11a6)

 

, ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *