SỞ GD & ĐT HÀ NỘI ĐỀ THI HỌC KỲ I- MÔN NGỮ VĂN LỚP 10
TRƯỜNG THPT CHÚC ĐỘNG Thời gian: 90 phút- Không kể thời gian giao đề
(Đề thi gồm có 1 trang)
***********************
I.. ĐỌC HIỂU (5.0 đ): Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Tất cả chúng ta đều cần lời khen và sự công nhận. Nghiên cứu tại nơi làm việc cho thấy nhu cầu về tiền bạc ở hàng thứ yếu trong nhu cầu của người làm việc. Những nhu cầu như “được công ty nhận”, “khen ngợi khi làm được việc”, “được đóng góp cho công ty” là những nhu cầu trên cả tiền bạc.
Ngay cả người giàu và nổi tiếng cũng muốn được người khác cho là mình đẹp và giỏi. Hãy theo dõi những cuộc phỏng vấn các ngôi sao điện ảnh, thể thao, những ông trùm kinh doanh thì bạn sẽ thấy họ cũng háo hức muốn được khen chẳng khác gì người bình thường.
Bạn tôi, Peter đem xe đến một tiệm sửa xe. Khi để xe vào gara, anh ta cứ nài nỉ đòi gặp ông chủ tiệm. Người chủ tiệm đến, tưởng rằng mình đã làm cái gì sai, nhưng Peter nói: “Tôi muốn gặp để nói riêng với ông là tôi chưa bao giờ thấy một tiệm sửa xe đẹp như thế này. Thật sạch sẽ và có tổ chức. Tôi rất thích đến đây và ông thật sự nên tự hào”. Ông chủ tiệm hết sức vui sướng. Ông ta đã để hết tâm huyết và công sức vào cái tiệm này mà chưa bao giờ được nghe ai khen nó đẹp.
Có thể đôi lúc người được khen bối rối và lúng túng nhưng trong lòng họ thấy rất sung sướng. Hãy tự hỏi mình: “Tôi có được người ta thường xuyên cho là đẹp, là thông minh, duyên dáng, tài năng như tôi thường thích không?” Câu trả lời luôn là “Không”. Tất cả mọi người trên hành tinh này đều như thế. Không bao giờ chúng ta thấy đủ khi đón nhận lời khen.
(Trích Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi, Andrew Matthews, NXB Văn hóa Thông tin, 2018)
Câu 1 (0.5 đ): Lời khen của Peter đã có tác dụng như thế nào với ông chủ tiệm sửa xe?
Câu 2 (1.0 đ): Những nhu cầu nào của người làm việc được tác giả cho là có giá trị hơn cả tiền bạc?
Câu 3 (1.0 đ): Anh/ chị có đồng tình với ý kiến: “Tất cả mọi người trên hành tinh này đều như thế. Không bao giờ chúng ta thấy đủ khi đón nhận lời khen”? Vì sao? (Trả lời bằng cách viết đoạn văn từ 6- 8 dòng)
Câu 4 (2,5 đ): Hãy viết một đoạn văn (khoảng 2/3 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của anh/chị về giá trị của lời khen được gợi ra trong văn bản ở phần Đọc hiểu.
- LÀM VĂN (5,0 đ)
Cảm nhận của anh/ chị về bài thơ “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão.
ĐÁP ÁN:
- ĐỌC HIỂU:
Câu 1: Lời khen của Peter đã khiến cho ông chủ tiệm cảm thấy sung sướng, hạnh phúc vì tâm huyết và công sức của ông đã được người khác công nhận. (0,5)
Câu 2: Những nhu cầu của người làm việc được cho là có giá trị hơn cả tiền bạc như: “được công ty nhận”, “khen ngợi khi làm được việc”, “được đóng góp cho công ty”
(Trả lời được cả 3 ý cho 1.0 đ, trả lời được 2/3 ý cho 0,5đ, trả lời được 1 ý 1/3 cho 0,25đ)
Câu 3: Học sinh có thể đồng tình hoặc không đồng tình miễn là có sự lý giải hợp lý:
Sau đây là phần tham khảo cho ý có đồng tình với ý kiến: “Tất cả mọi người trên hành tinh này đều như thế. Không bao giờ chúng ta thấy đủ khi đón nhận lời khen”. Vì:
-Tâm lý chung của mọi người là đều thích khen, họ nỗ lực để được tặng lời khen, lời khen giống như sự ghi nhận, tôn vinh và phần thưởng.
– Bên cạnh lời khen, cuộc sống vẫn rất cần những lời góp ý chân thành, mang tính chất xây dựng để giúp mỗi người khắc phục điểm yếu, hoàn thiện mình hơn.
– Cho nên: Đừng tiết kiệm lời khen nhưng cũng đừng lạm dụng và nói những lời khen sáo rỗng; người nghe cần biết phân biệt đâu là lời khen thật, đâu là những lời sáo rỗng.
Câu 4: Hãy viết một đoạn văn (khoảng 2/3 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của anh/chị về giá trị của lời khen được gợi ra trong văn bản ở phần Đọc hiểu.
Yêu cầu về nội dung, kĩ năng, phương pháp:
– Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn, học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
– Xác định đúng vấn đề cần nghị luận.
– Triển khai vấn đề nghị luận. Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ nội dung cụ thể theo hướng sau:
- Giải thích (0.5đ)
Lời khen: Là lời ngợi ca, tán thưởng, khâm phục.
- Bàn luận (1.5đ)
– Lời khen có tác dụng như thế nào? (1.0đ)
+ Lời khen sẽ tạo niềm vui, niềm hạnh phúc, sự hăng hái
+ Lời khen tạo nên sức mạnh, thắp sáng niềm tin khiến điều hay, ưu điểm của người được khen sẽ trở thành điều hay, điều đáng học tập cho mọi người. Lời khen làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
+ Đôi khi lời khen chân thành và đúng lúc còn là động lực để thay đổi cả 1 cuộc đời
+ Khi khen người khác, điều nhận lại có thể chỉ là tiếng cảm ơn nhưng nó lại khiến cho người khen vui vẻ, phấn khởi hơn. Lời khen nhờ đó làm cho con người xích lại gần nhau hơn, giá trị tốt đẹp sẽ được nảy sinh, lan tỏa.
– Mở rộng: (0,5đ) Bên cạnh những lời khen chân thành, thật lòng, khen đúng lúc, đúng chỗ, xuất phát từ động cơ lành mạnh cũng có những lời khen giả tạo và quá mức, xuất phát từ cái nhìn không chính xác hoặc động cơ không lành mạnh, ví như tán thưởng quá lời, tâng bốc, nịnh bợ….
Những lời khen như thế rất nguy hại. Nó tạo áp lực cho người được khen hoặc làm họ ngộ nhận, ảo tưởng để biến mình thành kẻ khác. Nó phá vỡ mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người.
(Hs lấy dẫn chứng làm rõ cho các luận điểm)
- Mở rộng, bài học (0.5 đ)
– Tâm lí của mọi người là rất thích được khen. Bởi vậy, không nên tiết kiệm lời khen nhưng cũng không được lạm dụng lời khen
– Hãy học cách khen chân thành và thông minh, sử dụng lời khen như món quà của cuộc sống
– Hãy tỉnh táo khi đón nhận lời khen.
- TỰ LUẬN: Cảm nhận của anh/ chị về bài thơ “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão.
* Yêu cầu về nội dung, kĩ năng, phương pháp:
– Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.
– Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
– Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ được những luận điểm lớn sau:
- Mở bài (0.5đ)
– Giới thiệu tác giả Phạm Ngũ Lão: Là người văn võ toàn tài, để lại cho đời hai tác phẩm Thuật hoài và Vãn Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương
– Giới thiệu bài thơ Tỏ lòng:
+ Ra đời sau những chiến thắng vẻ vang của quân và dân nhà Trần đánh đuổi quân Nguyên Mông xâm lược.
+ Bài thơ làm sống dậy khí thế của thời đại với niềm vui, niềm tự hào. Đồng thời cũng thể hiện ý thức làm người và chí hướng lập công của nam nhi.
- Thân bài (4.0đ)
- Hai câu đầu Hình tượng trang nam nhi và sức mạnh quân đội nhà Trần.
- Hình tượng trang nam nhi nhà Trần (câu 1)
– Tư thế “hoành sóc”: Múa giáo
+ Bản dịch nghĩa dịch “cắp ngang ngọn giáo” diễn đạt sự vững trãi, kiên cường, uy dũng, tư thế sẵn sàng chiến đấu của người lính.
+ Bản dịch thơ dịch thành “múa giáo”: Thiên về phô trương biểu diễn, không thể hiện sức mạnh nội lực vì vậy không truyền tải được ý nghĩa hình ảnh thơ trong nguyên tác.
– Không gian “giang sơn”: Không chỉ là sông núi mà còn chỉ non sông, đất nước, tổ quốc.
→ Không gian vũ trụ rộng lớn để nam nhi nói chí, tỏ lòng
– Thời gian “kháp kỉ thu”: mấy thu – mấy năm
→ Thời gian trải dài, thể hiện quá trình bền bỉ chiến đấu lâu dài.
à Chính thời gian, không gian đã nâng cao tầm vóc của người anh hùng vệ quốc, họ trở nên lớn lao kì vĩ, sánh ngang tầm vũ trụ, trời đất, bất chấp sự tàn phá của thời gian họ vẫn luôn bền bỉ cùng nhiệm vụ.
- Sức mạnh của quân đội nhà Trần (Câu 2)
– “Tam quân”: Ba quân –tiền quân, trung quân, hậu quân. Hình ảnh chỉ quân đội nhà Trần.
– Sức mạnh của quân đội nhà Trần: “tì hổ”, khí thôn ngưu”
+ Quân đội được so sánh với “tì hổ” – hổ báo: loài mãnh thú chốn rừng sâu qua đó cụ thể hóa sức mạnh và sự dũng mãnh, khí thế hừng hực làm chủ của quân đội nhà Trần.
+ Tác giả làm rõ sức mạnh ấy bằng hình ảnh “khí thôn ngưu”: Khí thế át cả trời xanh- nuốt trôi trâu.
→ Với các hình ảnh so sánh, phóng đại, tác giả đã thể hiện sự ngợi ca, tự hào về sức mạnh, khí thế của quân đội nhà Trần đập tan âm mưu xâm lược của kẻ thù.
à Hai câu thơ đầu làm sống dậy thời đại nhà Trần với hào khí Đông A vang núi dậy sông bằng hình ảnh của những người anh hùng vệ quốc tư thế hiên ngang, kiêu dũng tầm vóc sánh ngang tầm vũ trụ cùng lực lượng quân đội hùng hậu khí thế ngút trời. Ẩn sau đó là niềm tự hào của tác giả về sức mạnh và chiến công của dân tộc. Đó cũng là biểu hiện của lòng yêu nước và tự hào dân tộc.
- Hai câu sau: Nỗi thẹn của Phạm Ngũ Lão
– Nợ công danh: Theo quan niệm nhà Nho, đây là món nợ lớn mà một trang nam nhi khi sinh ra đã phải mang trong mình: Lập công (để lại chiến công, sự nghiệp), lập danh (để lại danh thơm cho hậu thế). Kẻ làm trai phải làm xong hai nhiệm vụ này mới được coi là hoàn trả món nợ.
– Phạm Ngũ Lão quan niệm: Thân nam nhi mà không lập được công danh sự nghiệp thì “luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”
+ Thẹn: Tự cảm thấy mình chưa bằng người khác, cảm giác thua kém, xấu hổ
+ Vũ Hầu: Tức Khổng Minh là tấm gương về tinh thần tận tâm tận lực báo đáp chủ tướng. Hết lòng trả món nợ công danh đến hơi thở cuối cùng, để lại sự nghiệp vẻ vang và tiếng thơm cho hậu thế.
+ Phạm Ngũ Lão: Con người từ thuở hàn vi vì lo việc nước quên sự nguy hiểm của mình, hết lòng phục vụ nhà Trần, được phong tới chức Điện Súy, tước Nội Hầu. Vậy mà ông vẫn cảm thấy hổ thẹn
→ Nỗi thẹn của Phạm Ngũ Lão hết sức cao cả của một nhân cách lớn, thể hiện khát khao, hoài bão hướng về phía trước để thực hiện lí tưởng, đánh thức ý chí làm trai, chí hướng lập công cho các trang nam tử đời Trần.
III. Kết bài (0,5đ)
– Khái quát nội dung và nghệ thuật của bài thơ
– Bài học đối với thế hệ thanh niên ngày nay: Sống phải có ước mơ, hoài bão, biết vượt qua khó khăn, thử thách để biến ước mơ thành hiện thực, có ý thức trách nhiệm với cá nhân và cộng đồng.
* Trên đây là những hướng dẫn mang tính định hướng. Gv căn cứ vào bài làm của học sinh để cho điểm 1 cách linh hoạt, nhất là những bài làm có sự sáng tạo.