Đề thi hsg Trại hè Hùng Vương môn văn lớp 10 năm 2019 Chuyên Chu Văn An Lạng Sơn

TRƯỜNG THPT CHUYÊN
CHU VĂN AN
LẠNG SƠN
  KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TRẠI HÈ
HÙNG VƯƠNG LẦN THỨ XVI
 
ĐỀ THI ĐỀ XUẤT
  Môn thi: Ngữ văn lớp 10     
Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)
Ngày thi: 26/7/2019
(Đề thi gồm 01 trang, 02 câu)

 
Câu 1 (8,0 điểm)
Suy nghĩ của anh/chị về vấn đề trong đoạn trích sau:
             “Ta hỏi một con chim: Ngươi cần gì?
            Chim trả lời: Ta cần bay.
            Một con chim được ăn kê béo trong lồng sẽ trở thành con gà bé bỏng tội nghiệp và vô dụng.
            Ta hỏi một dòng sông: Người cần gì?
             Sông trả lời: Ta cần chảy.
            Một dòng sông không chảy sẽ trở thành vũng nước, khô cạn dần rồi biến mất.
            Ta hỏi một con tàu: Ngươi cần gì?
            Con tàu trả lời: Ta cần được ra khơi.
                Một con tàu không ra khơi, nó chỉ là một vật biết nổi trên mặt nước và sẽ chìm dần theo thời gian.
            Ta hỏi một con người: Ngươi cần gì?
             Con người này trả lời: Ta cần được lao động trong sáng tạo.”
(Nguyễn Quang Thiều, Những câu hỏi không lãng mạn)
 
Câu 2 (12,0 điểm)
Nhà phê bình văn học Bêlinxki có viết: “Bất cứ thi sĩ vĩ đại nào, sở dĩ họ vĩ đại bởi vì những đau khổ và hạnh phúc của họ bắt nguồn từ khoảng sâu thẳm của lịch sử xã hội; bởi vì họ là khí quan và đại biểu của xã hội, của thời đại và của nhân loại.”
(Dẫn theo Lý luận văn học, Phương Lựu, NXB Giáo dục 1997, tr. 361)
Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Làm rõ sự vĩ đại của Nguyễn Du qua một số đoạn trích trong Truyện Kiều thuộc chương trình Ngữ văn 10.
———- Hết ———-
 
Họ và tên thí sinh: ……………………………………… Số báo danh: …………………………
 
Chữ kí CBCT số 1:…………………………………….Chữ kí CBCT số 2…………………….……..

TRƯỜNG THPT CHUYÊN
CHU VĂN AN
LẠNG SƠN
  KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TRẠI HÈ
HÙNG VƯƠNG LẦN THỨ XVI
 
HDC ĐỀ XUẤT
  Môn thi: Ngữ văn lớp 10     
Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)
Ngày thi: 26/7/2019

 
HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN LỚP 10
(Hướng dẫn chấm gồm 03 trang)

  1. YÊU CẦU CHUNG
  2. Giám khảo cần nắm được nội dung trình bày trong bài làm của thí sinh để đánh giá được một cách khái quát, tránh đếm ý cho điểm.
  3. Vận dụng linh hoạt những yêu cầu của Hướng dẫn chấm, nên sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lý; khuyến khích những bài viết có chính kiến, có cảm xúc và sáng tạo. Chấp nhận các cách kiến giải khác nhau, kể cả không có trong HDC nhưng phải hợp lí và có sức thuyết phục.

 

  1. YÊU CẦU CỤ THỂ
Câu Nội dung cơ bản Điểm
 
1
I. Yêu cầu về kĩ năng: cần xác định đây là đề nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học. Học sinh có thể lựa chọn kiểu bài và vận dụng những thao tác lập luận phù hợp, nhuần nhuyễn, huy động được các dẫn chứng trong đời sống để làm sáng tỏ nội dung đề yêu cầu. Diễn đạt lưu loát, trình bày khoa học, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu….  
II. Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có nhiều cách trình bày khác nhau, song cần làm rõ những nội dung cơ bản sau:
1. Giải thích vấn đề
– Giới thiệu khái quát nội dung đoạn thơ và rút ra vấn đề nghị luận: Nguyễn Quang Thiều đặt ra cho bốn đối tượng: con chim, dòng sông, con tàu, con người cùng một câu hỏi. Câu trả lời nhấn mạnh về điều cần thiết để tồn tại có ý nghĩa, khẳng định giá trị sống của chính mình. Trong đó, ý nghĩa tồn tại và giá trị của mỗi con người là lao động. Trong lao động, con người  phát huy sự sáng tạo và phát huy năng lực của mình.
– Đoạn thơ của Nguyễn Quang Thiều đề cao lao động. Lao động chính là thước đo khẳng định giá trị của mỗi con người đặc biệt là lao động trong sự sáng tạo.
1,5
2. Bình luận
Lao động là cơ sở đầu tiên để loài người tồn tại, phát triển, tiến bộ. Khi con người lao động trong sáng tạo, có nghĩa là họ được khẳng định giá trị tồn tại của bản thân, đóng góp cho xã hội không ngừng tiến bộ. Cụ thể:
– Lao động tạo ra của cải vật chất, tinh thần, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội; là một trong những điều kiện để con người tồn tại, đời sống nâng cao, xã hội ngày càng phát triển.
– Lao động giúp cho con người tích lũy kinh nghiệm, dần hoàn thiện các kĩ năng; có óc tư duy, khả năng phán đoán.
– Lao động là một cách thiết thực thực hiện ước mơ của con người, đem lại niềm vui, khơi dậy những sáng tạo. Trong lao động, nếu biết phát huy năng lực, sự sáng tạo, con người không chỉ tìm thấy giá trị sống thực sự mà còn gặt hái được thành công.
– Lao động giúp con người làm chủ bản thân, làm chủ cuộc đời, thực hiện trách nhiệm, bổn phận với gia đình, xã hội.
– Phê phán thái độ lười biếng, ỷ lại, không sáng tạo, không phát huy hết năng lực cần có của bản thân trong lao động.
(Học sinh tự chọn những dẫn chứng phù hợp để làm rõ ý nghĩa tồn tại và giá trị của mỗi con người là lao động và sự sáng tạo trong lao động. Ưu tiên những nhân vật, hiện tượng có tính thời sự).
5,5
3.  Bài học nhận thức và hành động
– Lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, là hạnh phúc của mỗi con người. Đừng để cuộc đời trôi qua vô nghĩa, hãy khẳng định bản thân bằng lao động.
– Cần năng động, tự giác, tìm cơ hội phát huy sự sáng tạo; có kĩ năng, kỉ luật trong lao động để đạt hiệu quả cao nhất.
1,0
Lưu ý: Thí sinh có thể nêu lí lẽ và dẫn chứng theo nhiều cách khác nhau miễn sao chính xác, hợp lí; Khuyến khích những bài làm có sáng tạo.  
Câu 2 Kĩ năng: Đáp ứng đúng yêu cầu một bài văn nghị luận văn học bàn về một ý kiến; bố cục rõ ràng, hợp lí; lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục; dẫn chứng phù hợp làm nổi bật được vấn đề; khuyến khích những bài viết sáng tạo.  
  Kiến thức: Trên cơ sở hiểu đúng vấn đề, biết cách làm bài nghị luận về một vấn đề lí luận văn học, học sinh có thể trình bày, diễn đạt theo nhiều cách khác nhau song về cơ bản cần có những ý sau:  
  1. Giới thiệu vấn đề cần nghị luận 0,5
  2. Giải thích ý kiến
thi sĩ vĩ đại: nhà văn, nhà thơ tài năng, có tầm tư tưởng lớn, có ảnh hưởng đến tư tưởng của thời đại, dân tộc, nhân loại; có đóng góp lớn về nghệ thuật.
sở dĩ họ vĩ đại bởi vì những đau khổ và hạnh phúc của họ bắt nguồn từ khoảng sâu thẳm của lịch sử xã hội; bởi vì họ là khí quan và đại biểu của xã hội, của thời đại và của nhân loại: nhà văn vĩ đại là người hấp thụ hơi thở của thời đại, nói lên được những khát vọng, bi kịch của con người ở tầm vóc khái quát.
=> Ý kiến trên nhấn mạnh mối quan hệ gắn bó giữa nhà văn và hiện thực, giữa văn học và đời sống trong quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ.
2,0
  3. Bàn luận
– Nhà văn là thư kí trung thành của thời đại. Qua những tác phẩm của họ, người đọc có thể hiểu được phần nào diện mạo, bức tranh đời sống của một giai đoạn lịch sử.
– Qua một tác phẩm văn học lớn, tiếng nói của con người trong thời đại đó được thể hiện bằng tiếng nói đại diện của chính nhà văn, người nghệ sĩ sáng tạo. Sáng tạo nghệ thuật không chỉ phản ánh thực tại mà còn là cách thức để người nghệ sĩ thể hiện cá tính nghệ thuật, tư tưởng, quan niệm nhân sinh của nhà văn.
– Nhà văn lớn phải viết về cuộc sống bằng chính trái tim của mình; họ phải hiểu, cảm thông và chia sẻ với cuộc sống của nhân dân. Tiếng nói của họ vừa mang tính cá nhân độc đáo vừa phải là tiếng nói của nhân dân; tiếng nói trong một hoàn cảnh cụ thể sẽ trở thành tiếng nói của thời đại, của dân tộc, rộng lớn hơn là đại diện cho những giá trị tinh thần của cả nhân loại.
2,0
  4. Chứng minh
Nguyễn Du là nhà thơ vĩ đại đã làm được tất cả những điều đó qua Truyện Kiều
– Bối cảnh lịch sử – xã hội thời đại Nguyễn Du sống.
– Qua Truyện Kiều, Nguyễn Du đã trở thành khí quan và đại biểu của xã hội, của thời đại: tác phẩm của ông  khái quát được bức tranh hiện thực rộng lớn của thời đại: xã hội phong kiến đương đang suy tàn, quyền sống của con người bị chà đạp (Nỗi thương mình).
– Qua Truyện Kiều, Nguyễn Du đã đau nỗi đau của xã hội, của thời đại và của nhân loại qua việc tài hiện cuộc đời chìm nổi, bi thương của Kiều, của những kiếp tài hoa bạc mệnh. (Trao duyên, Nỗi thương mình).
– Qua Truyện Kiều, Nguyễn Du đã nói lên vẻ đẹp và khát vọng chân chính của thời đại và của nhân loại về tự do, tình yêu, về những giá trị nhân bản (Trao duyên, Nỗi thương mình, chí khí anh hùng).
6,0
  5. Đánh giá, mở rộng vấn đề
Khẳng định ý kiến trên của Bêlinxki là đúng đối với những người nghệ sĩ chân chính qua mọi thời đại. Ý kiến trên của Bêlinxki đã đánh giá đúng vai trò, vị trí của nhà văn trong đời sống nghệ thuật.
– Vai trò của người nghệ sĩ trong sáng tác là rất quan trọng. Thông qua những tác phẩm nghệ thuật lớn người ta có thể hiểu được cuộc sống của một thời đại, một dân tộc.
– Muốn vươn tới tầm vóc vĩ đại, người nghệ sĩ không thể tách mình khỏi thời đại, phải là người đại diện cho ngôn ngữ và tiếng lòng của một thời đại và vượt lên tầm thời đại. Đồng thời người đọc cần căn cứ vào giá trị tư tưởng lớn của tác phẩm để làm thước đo tầm vóc nhà văn.
1,5
  Tổng 20,0

 
…………………Hết ………………
 
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *