Đề thi HSG Trại hè Hùng Vương 16 (năm 2022) – Ngữ văn 11 – THPT Chuyên Vĩnh Phúc

Câu 1 (8,0 điểm)

          Suy nghĩ của anh, chị về bài học được rút ra từ bức tranh trên?

Câu 2 (12,0 điểm)

Trong một bài bút chiến với nhóm Tự lực văn đoàn, Vũ Trọng Phụng viết: “Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời”. (Báo Tương lai, số 9, ngày 25 – 3 -1937).

Nhà văn Nga K. Pauxtốpxki lại cho rằng: “Cuộc sống được miêu tả trong văn xuôi không chứa đựng chất thơ sẽ trở thành thô thiển, thành một thứ chủ nghĩa tự nhiên không cánh, không thúc gọi, không dẫn dắt ta đi đâu cả”.

Anh, chị suy nghĩ như thế nào về những nhận định trên? Bằng trải nghiệm văn học hãy làm rõ quan điểm của anh, chị.

———— Hết———-

 

 

TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG LẦN THỨ

TRƯỜNG THPT CHUYÊN VĨNH PHÚC

TỈNH VĨNH PHÚC

HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI ĐỀ XUẤT

HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN

LỚP 11

 

Câu 1 (8,0 điểm)

  1. Yêu cầu về kĩ năng:

Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội; kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

  1. Yêu cầu về kiến thức:

Thí sinh có thể đưa ra những ý kiến, trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần hợp lí, rõ ràng, thuyết phục… Dưới đây là những gợi ý cơ bản:

Ý Nội dung Điểm
I. Quan sát bức tranh, rút ra bài học 1,0
– Các con vật (khỉ, voi, chim cánh cụt, cá… ) đều được yêu cầu làm chung một bài kiểm tra: leo cây – mỗi con vật có những khả năng khác nhau nhưng lại được đánh giá bằng một thước đo năng lực như nhau.

– Bài kiểm tra đó được xem là cách đánh giá “công bằng” – một cách đánh giá hợp lý, đúng chuẩn mực, không thiên vị…

– Thực chất cách đánh giá đó là một sự bất công vì không dựa vào khả năng của mỗi con vật (đơn cử: khỉ có thể leo trèo rất giỏi nhưng lại không thể bơi giỏi dưới nước, ngược lại cá bắt leo cây thì suốt đời nó chỉ là một con cá ngu ngốc…).“Ai cũng là thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây, nó sẽ sống suốt đời với niềm tin rằng nó là kẻ đần độn.” (Albert Einstein).

→ Bức tranh đưa ra sự bất cập trong cách đánh giá: một sự đánh đồng, quy chụp, không dựa trên năng lực của mỗi cá nhân. Điều đó sẽ dẫn đến cách nhìn nhậnkhông công bằng, để lại những hậu quả đáng tiếc.

II. Bàn luận: Vì sao cách đánh giá đánh đồng lại tạo ra sự bất công? 6,0
– Mỗi người có một sở trường, một năng lực, không ai giống ai. “Nhân vô thập toàn”, không có ai là có thể giỏi được tất cả mọi lĩnh vực.

– Nếu đánh đồng sẽ không phát huy được năng lực của mỗi cá nhân, ngược lại còn tạo ra sự tự ti, mặc cảm, thui chột những thế mạnh vốn có của từng cá nhân…

→ Nhìn nhận, đánh giá mỗi cá nhân theo năng lực sẽ tạo động lực, niềm tin, giúp phát huy sở trường,khích lệ sự sáng tạo…

III. Mở rộng, nâng cao 1,0
-Trước cách nhìn nhận đánh giá của người khác cần giữ cho mình sự tỉnh táo, bản lĩnh để không bị ảnh hưởng tiêu cực, khẳng định được khả năng của mình một cách tốt nhất. Đồng thời cũng biết sàng lọc, lắng nghe để hoàn thiện mình hơn.

 

Câu 2 (12,0 điểm)

  1. Yêu cầu về kĩ năng

– Thí sinh biết cách làm bài nghị luận văn học: hiểu và giải quyết một vấn đề lí luận về đặc trưng, chức năng của văn học; chứng minh bằng vốn hiểu biết về văn học của cá nhân người viết.

– Bài viết có bố cục rõ ràng, hệ thống luận điểm, luận cứ thuyết phục.

– Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, viết câu. Hành văn trôi chảy, linh hoạt, giàu chất văn.

– Trình bày sạch sẽ, khoa học.

  1. Yêu cầu về kiến thức

– Thí sinh hiểu đúng nhận định, lựa chọn được những dẫn chứng tiêu biểu để làm rõ những suy nghĩ của mình về hai ý kiến. Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo những ý cơ bản sau:

Ý Nội dung Điểm
I, Giải thích: 2,0
Nhận định 1:

“tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết”: tác phẩm văn học chỉ là những mơ mộng, tưởng tượng chủ quan, xa dời thực tế – nghệ thuật vị nghệ thuật.

“tiểu thuyết là sự thực ở đời”: văn học phải bám sát, phản ánh chân thực hiện thực khách quan.

→ Nhận định của Vũ Trọng Phụng đặt ra mối quan hệ chặt chẽ giữa văn học với hiện thực,có bắt rễ vào hiện thực đời sống văn học mới bền vững và tồn tại được.

Nhận định 2:

– “chất thơ”: theo nghĩa hẹp là chất trữ tình, lãng mạn, giàu cảm xúc, trí tưởng tượng bay bổng; hiểu theo nghĩa rộng phải gắn với cái đẹp – những tình cảm đẹp, những rung cảm thẩm mĩ mãnh liệt, đôi khi vượt lên trên cả hiện thực cằn cỗi. “Chất thơ trước tiên hiểu theo nghĩa rộng phải gắn với cái đẹp”(PGS, TS Đỗ Lai Thúy).

– Một tác phẩm văn học “giàu chất thơ” sẽ “thúc gọi”- khơi dậy những rung cảm thẩm mĩ, “dẫn dắt” người đọc đến những khao khát giàu tính nhân văn.

→ Nhận định của K. Pauxtốpxki nhấn mạnh văn học nói chung và tác phẩm văn xuôi nói riêng không chỉ bám sát hiện thực, phản ánh cái hiện thực đang có mà còn phải hướng tới cái nên có, phải có đối với cuộc sống và con người.

↔ Hai ý kiến bổ sung cho nhau, khẳng định một tác phẩm văn học có giá trị vừa là tấm gương phản ánh hiện thực vừa phải giàu “chất thơ”- chất trữ tình và hướng tới những giá trị nhân văn cao đẹp.Muốn vậy người nghệ sỹ vừa phải“đứng trong lao khổ để đón lấy những vang động của đời” vừa phải phát huy trí tưởng tượng, sáng tạo, bồi đắp cái nhìn nhân văn; hướng con người tới niềm tin vào cái đẹp, cái thiện ở đời.“Dù anh viết xuôi viết ngược như thế nào, dù cho rằng anh viết về sự giận dữ, về lòng căm thù, về nỗi khổ đau, chán chường thì rốt cuộc vẫn để truyền thổi vào tâm hồn người đọc một niềm tin, một tình yêu bát ngát vào cuộc sống ”. (Nguyễn Minh Châu).

I, Bàn luận: Hai ý kiến xuất phát từ đặc trưng và chức năng của văn học: 3,0
– Văn học bắt nguồn từ hiện thực và quay trở lại phục vụ cuộc sống của con người chứ không thể chỉ là những sản phẩm của óc tưởng tượng tuỳ tiện. Xa dời thực tế, nhà văn đang tự đánh lừa mình và đang đánh lừa độc giả. Hiện thực xã hội thì một đằng, còn “tiểu thuyết thì cứ là tiểu thuyết”. Quay lưng một cách dửng dưng với những vấn đề bức thiết của xã hội, mải mê với “những giấc mơ hồng” trong mộng tưởng thì văn học chỉ là “ánh trăng lừa dối” ru ngủ con người chứ không thể trở thành “một thứ vũ khí thanh cao đắc lực mà chúng ta có, để tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác…” (Thạch Lam).

– Thế nhưng bám sát vào hiện thực không có nghĩa là văn học chỉ “tả chân, tả thực”,thứ chủ nghĩa tự nhiên không cánh”. Văn học là địa hạt của sự sáng tạo, chất liệu hiện thực phải được soi chiếu qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ với những rung cảm mãnh liệt, đồng thời được “hư cấu” để “thực hơn cả đời thực”. Từ đó, văn học vừa cho ta cái nhìn sâu sắc về hiện thực vừa đưa ta tới những chân trời mơ ước, tới một thế giới cần có và nên có đối với con người. Nếu văn học chỉ thiên về phản ánh hiện thực một cách “trần trụi”, thiếu tính nhân văn thì sẽ giết chết niềm tin, lòng yêu sống của con người.

– Để tạo ra “chất thơ” trong tác phẩm, nhà văn xoay lăng kính cá nhân về phía cái Đẹp. Đó là vẻ đẹp của thiên nhiên thanh khiết, hay của con người giàu sức sống, nhiều khát khao và hy vọng… Một tác phẩm văn học, đặc biệt là một tác phẩm văn xuôi đậm chất thơ sẽ “thúc gọi”, “dẫn dắt” người đọc tới những cảm xúc thẫm mĩ, khơi gợi những tình cảm nhân văn, thắp lên niềm tin vào những giá trị tốt đẹp của con người và cuộc sống.

– “Chất thơ” của một tác phẩm văn xuôi thể hiện ở cả nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật:

+ Nội dung: đậm chất trữ tình, khơi gợi những cảm xúc thẫm mĩ, những tình cảm nhân văn, hướng thiện.

+ Nghệ thuật: tình huống truyện thiên về bộc lộ tâm trạng, cảm xúc; cách sử dụng ngôn ngữ gợi cảm, giàu hình ảnh, giàu nhịp điệu…

II, Phân tích, chứng minh: 6,0
Thí sinh tự chọn tác phẩm trong, hoặc ngoài chương trình, song phải phân tích lí giải thuyết phục, làm nổi bật được yêu cầu của đề:

– Nhà văn đã phản ánh chân thực hiện thực khách quan như thế nào?

– Nhà văn đã “thúc gọi”, “dẫn dắt”,  hướng người đọc tới những xúc cảm thẩm mĩ, tình cảm nhân văn gì?

– Chất thơ được thể hiện ở những yếu tố nghệ thuật nào trong tác phẩm?

Lưu ý: Có thể lựa chọn các tác phẩm tiêu biểu như Hai đứa trẻ của Thạch Lam, Chí Phèo của Nam Cao, Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, Vợ nhặt của Kim Lân, Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, Những người khốn khổ của V. Huy-go, Thuốc của Lỗ Tấn, Bông hồng vàng của K. Pauxtốpxki…

I, Đánh giá, tổng kết: 1,0
– Người nghệ sĩ vừa phải có “con mắt nhìn thấu sáu cõi”, vừa phải có “tấm lòng hướng tới muôn đời”.“Sống rồi hãy viết” – nhà văn muốn “lên trời” trước hết anh phải trải nghiệm cuộc sống trần thế, trăn trở với nỗi đau của nhân loại.

– Quá “mơ mộng” sẽ thành viễn vông, xa dời thực tế, song, quá “tả chân” sẽ thành thô thiển.Người nghệ sĩ góp nhặt những hạt bụi vàng từ cuộc sống nhưng lại phải trả cho đời những “bông hồng vàng” giàu giá trị thẩm mĩ và sự sáng tạo. “Nhà văn phải biết khơi lên ở con người niềm trắc ẩn, ý thức phản kháng cái ác; cái khát vọng khôi phục và bảo vệ những cái tốt đẹp” (Ai ma tôp).Có như vậy người nghệ sỹ cùng những tác phẩm của mình mới trở nên bất tử.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *