TRƯỜNG THPT CHUYÊN TỈNH CAO BẰNG ĐỀ THI ĐỀ XUẤT |
KỲ THI HSG TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN KHU VỰC TRUNG DU VÀ MIỀN NÚI PHÍA BẮC LẦN THỨ XV, NĂM 2019 ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN LỚP 10 Thời gian làm bài: 180 phút (Đề thi gồm 02 câu, 01 trang) |
Câu 1 ( 8,0 điểm)
Trong bài thơ số 27, tập Người làm vườn, R.Tagore đã viết:
“Thà làm một bông sen nở khi thấy mặt trời rồi mất hết tinh nhụy còn hơn giữ nguyên hình nụ búp trong sương lạnh vĩnh cửu của mùa đông”.
Suy nghĩ của anh (chị) về triết lí mà nhà thơ gửi gắm trong câu thơ trên.
Câu 2 (12,0 điểm)
Nhà văn Lâm Ngữ Đường (1895 – 1976), người Trung Quốc cho rằng:
“Văn chương bất hủ cổ kim đều viết bằng huyết lệ”.
Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ ý kiến đó qua một tác phẩm văn học trung đại trong chương trình Ngữ văn lớp 10 Trung học phổ thông.
———————————-HẾT————————————
(Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm)
Họ & tên thí sinh: |
Số báo danh: |
Chữ ký của giám thị 1: | Chữ ký của giám thị 2: |
Người ra đề: Mai Thị Thúy Hòa
TRƯỜNG THPT CHUYÊN CAO BẰNG |
HƯỚNG DẪN CHẤM KỲ THI HSG TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN KHU VỰC TRUNG DU VÀ MIỀN NÚI PHÍA BẮC LẦN THỨ XV, NĂM 2019 |
|||
|
MÔN NGỮ VĂN LỚP 10 (Hướng dẫn chấm 02 câu, 05 trang) |
- I. Hướng dẫn chung:
- Điểm của bài thi theo thang điểm 20, phần lẻ được tính đến 0,25 điểm. Giám khảo giữ nguyên điểm lẻ, không được làm tròn điểm.
- Việc chi tiết hóa (nếu có) thang điểm trong hướng dẫn chấm phải đảm bảo không làm sai lệch hướng dẫn chấm.
- Nếu bài làm của thí sinh có cách kiến giải khác, đúng và sáng tạo thì cho đủ số điểm từng phần như hướng dẫn quy định.
- Đáp án và thang điểm:
Câu | Ý | Đáp án | Điểm |
Câu 1 Nghị luận XH (8,0) |
* Yêu cầu về kĩ năng: Thí sinh biết cách làm bài nghị luận xã hội (về một vấn đề tư tưởng đạo lí), biết sử dụng nhuần nhuyễn các thao tác lập luận, diễn đạt, dùng từ, viết câu… , lập luận chặt chẽ, sáng tạo, không sai chính tả vv.. Bài văn giàu chất nghị luận xã hội. * Yêu cầu về kiến thức: Bài làm cần đáp ứng các ý cơ bản sau: |
||
1 | Giới thiệu vấn đề nghị luận | 0,5 | |
2 | Giải thích: – Một bông sen nở khi thấy ánh mặt trời rồi mất hết tinh nhụy: biểu tượng cho cách sống hết mình, sống dâng hiến tất cả những gì tốt đẹp cho cuộc đời, cho con người; sống có ích, sống chói lọi cho dù sau đó có lụi tàn, hi sinh cũng chấp nhận không hối tiếc. – Giữ nguyên hình nụ búp trong sương lạnh vĩnh cửu của mùa đông: ngược lại với cách sống trên, là cách sống ích kỉ, chỉ nghĩ đến bản thân mình, thụ động hèn nhát. => Qua cách nói mang tính đối sánh, khẳng định, Tagore đã bày tỏ một quan niệm nhân sinh tích cực về cách sống, tâm thế sống: Sống hết mình, sống cống hiến yêu thương còn hơn sống một cuộc đời mờ nhạt, cá nhân ích kỉ, sống thụ động, vô ích, vô nghĩa, sống cuộc đời thừa không đóng góp được gì cho xã hội, cho cuộc đời. |
2,0 |
|
3 | Bàn luận * Vì sao con người cần phải sống hết mình chứ không phải chỉ sống cho mình? – Cuộc đời con người là hữu hạn, sống hết mình sẽ giúp con người toả sáng, tự khẳng định được sự tồn tại, năng lực, giá trị, bản sắc, cá tính riêng…của mình. – Sống hết mình sẽ giúp con người có khát vọng vươn lên một cách mạnh mẽ, từ đó sẽ có đủ nghị lực và dũng khí để đối diện với những khó khăn, trở ngại, dám đấu tranh, dám hi sinh để từ đó những giá trị “người” được khẳng định và phát triển tận độ, đem lại thành công và hạnh phúc cho mình và cho người. – Sống trên đời, con người biết yêu thương, sống cho nhau vì nhau, đem hết sức mình ra cống hiến cho xã hội thì mối quan hệ giữa người với người sẽ trở nên tốt đẹp, nhân ái hơn; sự tồn tại của con người trở nên có ý nghĩa hơn. * Vì sao không nên sống giống bông sen Giữ nguyên hình nụ búp trong sương lạnh vĩnh cửu của mùa đông: – Bởi đây là cách sống ích kỉ, chỉ nghĩ đến bản thân mình, thụ động hèn nhát. – Là lối sống không có khát vọng vươn lên, không dám đấu tranh, con người sẽ sống mờ nhạt, vô nghĩa, vô ích, sống thừa, sống hèn nhát, thất bại. * Đánh giá, mở rộng vấn đề: – Câu thơ của Tagore là một bài học về lẽ sống: mỗi người cần phải sống hết mình, cống hiến hết mình chứ không phải chỉ sống cho mình. Sự lựa chọn cách sống khẳng định nhận thức sâu sắc của mỗi người về giá trị, ý nghĩa sự tồn tại của con người trong cuộc đời. – Sống hết mình nghĩa là phải biết thể hiện năng lực, cá tính đúng nơi, đúng thời điểm; tự khẳng định để toả sáng nhưng không đồng nghĩa với tự kiêu, cao ngạo. Phải biết rõ bản thân để vừa có thể cống hiến nhưng cũng không “mất hết tinh nhuỵ” xác định sự cống hiến, toả sáng lâu dài, bền bỉ chứ không phải nhất thời, thoáng chốc. – Phê phán những lối sống ích kỉ cá nhân, hèn nhát, sợ đối diện với khó khăn, nhụt chí trước thất bại… |
1,5 1,5 1,0 |
|
4 | Liên hệ bản thân, bài học nhận thức và hành động: | 1,0 | |
5 | Kết thúc bài hợp lí | 0,5 | |
Câu 2 Nghị luận VH (12,0) |
Yêu cầu về kĩ năng: Thí sinh biết cách làm bài nghị luận ý kiến bàn về văn học, xác định đúng yêu cầu đề bài, luận điểm rõ ràng, chặt chẽ, lập luận thuyết phục, biết phân tích, cảm thụ tác phẩm để làm sáng tỏ vấn đề, hành văn trong sáng, xúc cảm, không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ, đặt câu. Yêu cầu về kiến thức: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau: |
||
1 | Giới thiệu vấn đề nghị luận. | 1,0 | |
2 | Giải thích: – Câu nói của Lâm Ngữ Đường nghĩa là gì? + Văn chương: Là loại hình nghệ thuật lấy ngôn từ làm chất liệu. Văn học phản ánh đời sống, qua đó thể hiện tâm tư, tình cảm… của nhà văn. + Văn chương bất hủ: Những áng văn chương đích thực. + Huyết lệ: Máu và nước mắt, ý muốn nói tâm huyết, tấm lòng nhân đạo. – Khái quát ý nghĩa: Lâm Ngữ Đường khẳng định: Yếu tố quan trọng, có tính quyết định làm nên những áng văn chương đích thực xưa nay chính là tấm lòng, là tư tưởng nhân đạo sâu sắc, lớn lao của người nghệ sĩ. |
2,0 |
|
2 | Bàn luận (Lí giải vì sao tác giả Lâm Ngữ Đường có thể nói như vậy). – Xuất phát từ đặc trưng của văn học: Văn học là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Do đó, nội dung tình cảm chiếm một vị trí quan trọng. Người đọc đến với tác phẩm không chỉ để xem tác phẩm nói điều gì, nói bằng cách nào, mà hơn thế, còn muốn khám phá “sự nghiền ngẫm hiện thực, lí giải hiện thực” (Secnusepxki), bức thông điệp tình cảm của nhà văn trước hiện thực. Nếu bức thông điệp ấy hời hợt, vô tình, tất yếu không thể làm rung động lòng người. – Xuất phát từ đặc trưng của hoạt động sáng tạo nghệ thuật: “Nghệ sĩ không thể lạnh lùng khi sáng tạo. Khi viết, máu phải sôi lên”. Quả thực, tình cảm có vai trò vô cùng quan trọng. Nó là điểm khởi nguồn, là năng lượng thúc đẩy ngòi bút nhà văn trong quá trình sáng tác, cũng là đích đến của văn chương. Do đó, nếu nhà văn không “xúc động hồn thơ” thì làm sao có được những áng văn chương “như có máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc cũng phải thấm thía, ngậm ngùi, đau đớn như đứt ruột” được? |
1,0 1,0 |
|
3 | Phân tích, chứng minh làm sáng tỏ nhận định Thí sinh chọn và phân tích một tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 10 THPT để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận. Ví dụ chọn phân tích bài thơ “Đọc Tiểu Thanh kí” của Nguyễn Du: – Bài thơ là tiếng khóc lớn của Nguyễn Du cho cuộc đời của Tiểu Thanh. Nhà thơ đã bày tỏ sự xót thương, đồng điệu, đồng cảm vượt không gian, thời gian với nỗi đau thân phận của người con gái tài sắc Tiểu Thanh, trân trọng, đề cao sắc đẹp và tài năng của nàng, đồng thời lên tiếng tố cáo XHPK vùi dập những người tài sắc… – Bài thơ còn là tiếng khóc của Nguyễn Du cho chính mình. – Chính tiếng khóc ấy (huyết lệ) góp phần làm nên giá trị lớn lao cho tác phẩm (văn chương bất hủ). Trong XHPK, tình cảm thương người gắn với thương thân, sự thức tỉnh ý thức cá nhân (qua lối tự xưng của Nguyễn Du) làm nên giá trị nhân đạo sâu sắc, mới mẻ cho tác phẩm. |
4,0 | |
4 | Đánh giá, mở rộng vấn đề: * Đánh giá: Khẳng định vấn đề nghị luận – Câu nói của Lâm Ngữ Đường hoàn toàn chính xác. Nó có ý nghĩa như một tuyên ngôn, một bài học cho những người sáng tác: Hãy luôn “mở lòng ra đón lấy những vang động của đời”, hãy viết “bằng tim, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn”, hãy “gõ vào tim anh” trước khi đưa tác phẩm “trả tận tay người cùng với máu anh” … – Bài thơ “Đọc Tiểu Thanh kí” của Nguyễn Du là một minh chứng tiêu biểu cho quan niệm của tác giả và là tác phẩm thể hiện sức sống, giá trị của văn chương đích thực. * Mở rộng: Bài học cho người sáng tác và người tiếp nhận |
2,0 |
|
5 | Kết thúc vấn đề hợp lí | 1,0 |
*Lưu ý:
– Trên đây chỉ là những gợi ý có tính chất định hướng, giám khảo cần thảo luận kỹ về yêu cầu và biểu điểm để bổ sung cho hoàn chỉnh trước khi chấm.
– Người chấm cần linh hoạt trong đánh giá, cần căn cứ vào tình hình và chất lượng thực tế của mỗi bài làm để cho điểm thích hợp.
– Cần khuyến khích những tìm tòi, sáng tạo riêng cả trong nội dung và hình thức của bài làm.
………..HẾT HDC……….