Đề thi HSG ngữ văn khối 11 Chu Văn An HN

HỘI CÁC TRƯỜNG CHUYÊN

VÙNG DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ          ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN KHỐI 11

TRƯỜNG THPT CHU VĂN AN – HÀ NỘI                                       NĂM 2023

ĐỀ THI ĐỀ XUẤT                                                Thời gian làm bài 180 phút

                                                                                              (Đề thi có 01 trang, gồm 02 câu)

 

Câu 1 (8 điểm)

Trong thư gửi thầy Hiệu trưởng ngôi trường nơi con trai mình đang theo học, Tổng thống Abraham Lincoln (1809 – 1865) viết:

Xin thầy dạy cho cháu biết đến thế giới kì diệu của sách, nhưng cũng để cho cháu đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống: đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong nắng và những bông hoa nở ngát trên đồi xanh

Anh, chị hiểu nguyện vọng của vị Tổng thống này như thế nào? Phát biểu suy nghĩ của mình về điều đó.

 

Câu 2 (12 điểm)

Nhà phê bình Chu Văn Sơn từng nhận định:

            “Thơ là phần người được gửi vào ngôn ngữ, là phận người cất thành tiếng, thậm chí, là mệnh người kí trú trong lời. Thơ đòi người thơ phải chưng cất chất người trong mình mà tinh luyện thành ngôn từ”.

(Trích “Sống ở thế gian bằng lục bát” – báo Nhân dân, ngày 30/01/2010

https://nhandan.vn/song-o-the-gian-bang-luc-bat-post417683.html)

Qua một số tác phẩm Thơ mới đã học, đã đọc, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.

 

……………..HẾT……………..

 

 

 

ĐÁP ÁN + BIỂU ĐIỂM CHẤM MÔN NGỮ VĂN KHỐI 11

 

Câu Ý Nội dung chính cần đạt Điểm
Câu 1 1 Giải thích

Thế giới kì diệu của sách: sách vở là hệ thống tri thức đã được tổng kết

Ž sự kì diệu của những điều đã biết

Sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống: sự kì diệu của những điều chưa biết mời gọi khám phá.

=> Nguyện vọng của A.Lincoln: mong muốn nhà trường, thầy giáo giúp học sinh đi từ thế giới của những điều đã biết (trong sách vở) đến khám phá chân trời của những điều chưa biết (trong cuộc sống).

 

2,0

2

3

Chứng minh, bình luận

Thế giới kì diệu của sách:

+ Sách là kho tàng tri thức của nhân loại được tích lũy trong suốt thời gian lịch sử, đem đến cho con người hiểu biết về mọi phương diện, mọi lĩnh vực. Nó giống như “con mắt thần” nhìn vào thế giới để thấy những vẻ đẹp muôn màu kì diệu.

+ Sách không chỉ cung cấp tri thức tự nhiên mà còn đem đến sự khám phá con người, xã hội, cuộc sống, bài học nhân sinh, … Nó làm biến đổi con người từ sinh vật tự nhiên trở thành sinh vật xã hội, có tri thức và nội tâm phong phú.

+ Trong thế giới kì diệu của sách, nổi bật vai trò của người thầy. Thầy chính là người đồng hành, người hướng đạo để từng bước giúp học sinh đi sâu, mở rộng tầm mắt về thế giới kì diệu đó.

Sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống:

+ Sách vở rất kì diệu, nhưng con người chỉ có thể cảm nhận trọn vẹn và sống động cuộc sống khi trực tiếp tham dự vào đó, chứng kiến bí ẩn của nó: đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong nắng và những bông hoa nở ngát trên đồi xanh, … Đó là sự bí ẩn muôn đời, không một trang sách nào, dù kì diệu đến đâu, có thể thay thế được. Học ở cuộc sống là con đường duy nhất để con người mở rộng và hoàn thiện chân trời tri thức của mình.

+ Con đường để khám phá những bí ẩn trong cuộc sống là sự lặng lẽ suy tư – thời khắc con người được sống với chính mình, sống trọn vẹn với những giới hạn và sự sâu sắc trong nội tâm. Con người biết tự đặt cho mình những câu hỏi và tự tìm kiếm những câu trả lời về những điều chưa biết.

+ Trong thế giới kì diệu của sách, nổi bật vai trò người thầy. Còn trong trạng thái lặng lẽ suy tư lại thấy vai trò chủ thể của người học sinh. Người thầy không biến mất mà ngồi lại phía sau, nhường không gian cho sự tư duy chủ động của học sinh, để học sinh trực tiếp cảm nhận và tìm hiểu cuộc sống.

– Mối quan hệ giữa thế giới kì diệu của sách sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống:

+ Thế giới kì diệu của sách là điều kiện, là công cụ để đi vào khám phá sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống. Còn sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống là đích đến, là nơi kiểm nghiệm cho ý nghĩa và giá trị của thế giới kì diệu mà sách gợi mở.

+ Những tri thức rút ra từ sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống sẽ góp phần làm cho kho sách của nhân loại trở nên phong phú và kì diệu hơn.

5
2

2,0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2,0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1,0

 

 

 

 

 

 

HS chọn lọc dẫn chứng phù hợp.
  3 Liên hệ thực tiễn, rút ra bài học

– Liên hệ với thực tế học tập của bản thân, thế hệ trẻ và xã hội Việt Nam.

– Bài học: tích lũy tri thức, hiểu biết trong sách vở và băn khoăn về những điều chưa biết trong thực tế là điều kiện cần và đủ trong quá trình học tập của con người. Chỉ khi ấy, học tập mới trở thành hoạt động giàu sức sáng tạo, có khả năng đưa con người bước vào cuộc đời như một chủ thể giàu có năng lực khám phá, kiến tạo.

1,0
Biểu điểm:

– Điểm 7 – 8: đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, bài viết sâu sắc độc đáo, diễn đạt lưu loát, câu văn giàu hình ảnh, cảm xúc.

– Điểm 5 – 6: Nội dung đầy đủ, có thể còn thiếu một vài ý nhỏ, bố cục rõ ràng, diễn đạt trôi chảy, câu văn có hình ảnh, cảm xúc.

– Điểm 3 – 4:  Bài làm còn thiếu ý. Văn chưa hay nhưng rõ ý. Mắc không quá 7 lỗi chính tả, dùng từ, viết câu.

– Điểm 1 – 2: Trình bày ý còn sơ sài, kết cấu không rõ ràng, còn nhiều lỗi diễn đạt (>7 lỗi).

 

 

Câu 2

1 Giải thích

– “người thơ”: con người thi sĩ, nhà thơ, tồn tại với tư cách là một cái tôi mang cảm xúc cá thể, với sứ mệnh kiếm tìm những trải nghiệm cái đẹp.

– “phần người”, “phận người”, “mệnh người”, “chất người”: tình cảm, cảm xúc, rung động sâu xa của con người, khi con người tự ý thức, đào sâu vào bản thể. Đó là phần nhân tính nhất, mang tính riêng biệt, cá thể nhưng cũng có sức lan tỏa, phổ quát.

– “chưng cất”: thanh lọc để giữ lại những gì quý giá nhất, loại bỏ đi những tạp chất.

→ “Chưng cất chất người”: Đặc trưng nội dung, lao động của nhà thơ đối với cảm xúc: không phải là sự giải phóng tình cảm bôt phát, bản năng mà là sự chắt lọc, đào sâu cảm xúc, suy nghĩ, nghiền ngẫm, là khát vọng được thành thực, được sống chân thành, trọn vẹn đến tận cùng cái Tôi của mình.

– “ngôn ngữ”, “tiếng”, “lời”, “ngôn từ”: chất liệu của thơ ca, có cấu tạo, tổ chức đặc biệt để gây ấn tượng thẩm mĩ với người đọc.

– “tinh luyện”: tìm tòi, mài giũa, trau chuốt đạt đến trình độ cao.

→ “Tinh luyện ngôn từ”: Đặc trưng hình thức, lao động của nhà thơ đối với ngôn từ: chọn lọc, sắp xếp, cấu trúc các yếu tố ngôn ngữ (âm điệu, vần điệu, thanh điệu, thể thơ, …) một cách công phu, khổ nhọc. Kết quả tạo ra là ngôn từ thơ ca với vẻ đẹp tự thân: nhạc điệu, âm vang, khơi gợi hình ảnh mới lạ, bất ngờ.

=> Ý kiến đặt ra yêu cầu cao về quá trình sáng tạo thơ ca. Một mặt thơ ca đòi hỏi người nghệ sĩ đào sâu nội tâm, khai thác cái cá thể riêng biệt nhưng vẫn có sức cộng hưởng, đồng vọng, phổ quát. Mặt khác, nhà thơ cần tìm kiếm ngôn từ đẹp đẽ phù hợp nhất để truyền tải nội dung. Nội dung và hình thức trong thơ phải có sự thống nhất cao độ với nhau.

 

2,0

2 Bình luận

Đây là ý kiến đúng đắn, khẳng định được đặc trưng của thể loại thơ ca và quá trình lao động sáng tạo thơ ca, đặc biệt là thơ ca lãng mạn.

– Đặc trưng của thể loại thơ ca: tình cảm là sinh mệnh, ngôn từ có cấu tạo, tổ chức đặc biệt giàu tính thẩm mĩ.

– Đặc trưng của thơ ca lãng mạn: lấy tâm trạng làm nội dung, lấy cái nhìn cá thể làm nền tảng tạo hình, lấy tiếng nói cá thể làm giọng điệu và nhạc điệu.

2,0

 

 

 

 

 

3 Chứng minh

– Học sinh chọn và phân tích một vài dẫn chứng tiêu biểu trong các tác phẩm Thơ mới đã học, đã đọc để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.

– Có thể phân tích các dẫn chứng độc lập hoặc đối sánh nhưng cần có ý thức bám sát vấn đề nghị luận:

+ Sự sáng tạo, cách tân giàu tính nghệ thuật về hình thức (ngôn ngữ, thể thơ, hình ảnh thơ, giọng điệu…)

+ Sự chắt lọc, đào sâu cảm xúc chân thành, mãnh liệt của các nhà Thơ mới. Họ thổ lộ, lắng nghe, chất vấn phần sâu nhất trong tâm hồn mình. Đó là thơ ca của sự bộc bạch chân thành, của sự tự chiêm nghiệm, của sự tự ý thức về cái tôi.

6,0
4 Đánh giá, mở rộng

– Ý kiến là góc nhìn về thơ của một nhà phê bình nhưng cũng là sự khẳng định đúng đắn về đặc trưng của thể loại thơ ca và quá trình sáng tạo thơ ca. Những cảm xúc, tình cảm mãnh liệt chân thành, mang tính thẩm mĩ được gửi gắm trong sự sáng tạo về hình thức biểu hiện sẽ làm nên sức sống đích thực, lâu bền cho thơ.

– Bài học sáng tạo và tiếp nhận:

+ Nhà thơ cần có cảm xúc mãnh liệt, chân thành được chắt lọc, đào sâu gửi gắm vào ngôn ngữ được trau dồi, tinh luyện.

+ Người đọc cần tiếp cận tác phẩm trên nhiều phương diện: hình thức đến nội dung để đồng điệu với cảm xúc của người nghệ sĩ và thâm nhập vào thế giới vi diệu, bí ẩn của thơ ca.

2,0
Biểu điểm:

– Điểm 11 – 12: đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, bài viết sâu sắc độc đáo, diễn đạt lưu loát, câu văn giàu hình ảnh, cảm xúc.

– Điểm 8 – 10: Nội dung đầy đủ, có thể còn thiếu một vài ý nhỏ, bố cục rõ ràng, diễn đạt trôi chảy, câu văn có hình ảnh, cảm xúc.

– Điểm 5 – 7:  Bài làm còn thiếu ý. Văn chưa hay nhưng rõ ý. Mắc không quá 7 lỗi chính tả, dùng từ, viết câu.

– Điểm 3 – 4: Trình bày ý còn sơ sài, kết cấu không rõ ràng, còn nhiều lỗi diễn đạt (>7 lỗi).

– Điểm 1 – 2: Không hiểu đề, không có kĩ năng nghị luận, mắc quá nhiều lỗi diễn đạt.

Lưu ý: Giám khảo vận dụng linh hoạt biểu điểm. Có thể thưởng điểm cho những bài viết có sáng tạo nếu điểm toàn bài chưa đạt tối đa. Điểm cho lẻ đến 0,25.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *