Đề nguồn thi HSG duyên hải Bắc Bộ Ngữ văn 11 năm 2019 – Chuyên Hưng Yên

HỘI CÁC TRƯỜNG CHUYÊN VÙNG DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ
TRƯỜNG THPT CHUYÊN HƯNG YÊN
 

ĐỀ ĐỀ XUẤT

 (Đề bài gồm có 02 câu; 01 trang)

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LẦN THỨ XII- NĂM 2019
              MÔN NGỮ VĂNKHỐI 11
                Thời gian làm bài: 180 phút

Câu 1 (8 điểm):
Trong “Đắc Nhân Tâm” – một “cuốn sách hay nhất của mọi thời đại đưa bạn đến thành công”, tác giả Dale Carnegie đã trích dẫn lời của nhà tâm lý học lỗi lạc Hans Selye:
“Nỗi sợ bị lên án ở con người cũng lớn như việc khao khát được tán thưởng”
Anh/ chị hãy trình bày suy nghĩ  của mình về câu nói trên.
 
Câu 2 (12 điểm):
Bàn về Thơ mới, GS.TS Trần Nho Thìn nhận xét: “Thơ mới mở đường cho thơ hiện đại, trước hết là mở đường cho sự chiếm lĩnh một cách đầy chủ quan thế giới ngoại cảnh” ( Trần Nho Thìn, Thơ mới, nhìn từ thơ cũ: Vấn đề loại hình học của thơ hiện đại và thơ trung đại).
Bằng hiểu biết của mình về phong trào Thơ mới, anh/ chị hãy bình luận ý kiến trên.      
———————————————————————————————————————

HỘI CÁC TRƯỜNG CHUYÊN VÙNG DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ
TRƯỜNG THPT CHUYÊN HƯNG YÊN
 

ĐỀ ĐỀ XUẤT

 (Hướng dẫn chấm có 06 trang)

      HDC THI CHỌN HỌC SINH GIỎI
LẦN THỨ XI
MÔN NGỮ VĂN – KHỐI 11
Thời gian làm bài: 180 phút

 
Câu 1.(8 điểm)

  1. Yêu cầu về kỹ năng

– Nắm chắc các thao tác nghị luận về một vấn đề xã hội.
– Biết vận dụng kiến thức thực tế một cách linh hoạt.
– Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng phong phú, hành văn gợi cảm…

  1. Yêu cầu về kiến thức

Trên cơ sở hiểu ý nghĩa của câu nói, biết cách làm bài văn nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lí, học sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau nhưng cần đảm bảo được những ý cơ bản sau:
 
1.Giải thích:

  • Nỗi sợ bị lên án: Nỗi sợ hãi khi bị người khác phê phán, chỉ trích.
  • Khao khát được tán thưởng: mong muốn được người khác biểu dương, ngợi ca, đề cao, ghi nhận.
  • Cách diễn đạt theo lối so sánh: cũng lớn như
  • Ý nghĩa câu nói: Câu nói khẳng định một quy luật tâm lý thông thường của con người ở mọi thời đại: Nỗi sợ hãi khi bị người khác phê phán, chỉ trích những điểm xấu, điểm hạn chế hoặc sai lầm của mình diễn ra mãnh liệt trong mỗi người, nó cũng lớn như việc mong muốn được biểu dương, khen ngợi, ghi nhận những điểm tốt.
  • Nghệ thuật ứng xử: Chìa khóa để tạo dựng các mối quan hệ tốt đẹp và thành công trong cuộc sống là thay vì lên án, nhìn vào điểm chưa tốt của người khác, hãy học cách luôn nhìn vào điểm tốt, tán thưởng và động viên người khác.
  1. Bình luận:

–  Nhân vô thập toàn.Trong mỗi con người luôn tồn tại song hành ưu điểm và nhược điểm, sở trường và sở đoản, không ai hoàn hảo. Nhược điểm của người này có khi là ưu điểm của người khác và ngược lại.
– Vì sao con người luôn sợ bị người khác lên án?
+ Bị lên án, nghĩa là bị người khác nhìn thấy và chỉ ra những điểm chưa tốt, điểm hạn chế của bản thân với một thái độ chỉ trích, không thiện chí. Mà quy luật tâm lý thông thường, không ai muốn người khác biết đến những điểm xấu của mình.
+ Con người sợ bị lên án vì sợ mất đi hình tượng đẹp của bản thân trong mắt người khác, từ đó sẽ mất đi niềm tin, mất đi nhiều mối quan hệ, mất đi nhiều cơ hội tốt đẹp trong cuộc sống.
– Tác hại của sự lên án người khác:
+ Có thể làm tổn thương lòng tự ái, tự trọng của người bị lên án.
+Tạo những phản ứng tâm lí tiêu cực ở người bị lên án như: tức giận, thù hận, tự ti, chán nản, nhụt chí…
+ Sự lên án có thể hình thành thái độ chối bỏ trách nhiệm, buông xuôi, dẫn đến bế tắc trong giải quyết vấn đề.
+ Một số trường hợp, sự lên án, phê phán còn gây phản ứng cố tình làm ngược lại so với yêu cầu, làm xấu đi và tệ hơn tình hình hiện tại
– Vì sao con người luôn khao khát được tán thưởng?
+ Được tán thưởng, nghĩa là được người khác nhìn nhận điểm tốt, ghi nhận công sức, thành quả, khen ngợi cho những cố gắng, phấn đấu của bản thân.
+ Được tán thưởng, nghĩa là được người khác thấy rõ vai trò, vị trí quan trọng của mình đối với họ hoặc đối với tập thể.
+ Được tán thưởng, nghĩa là được người khác hoặc tập thể tin tưởng, đề cao.
=> Sự tán thưởng sẽ mang lại niềm vui sướng, hạnh phúc, hãnh diện về bản thân cho người được khen. Tạo nguồn động lực tinh thần, tiếp sức cho con người vượt lên mọi khó khăn để làm tốt hơn, tạo dựng nhiều thành công trong cuộc sống. Lời khen giúp con người tự tin hơn để tiếp tục khai thác những khả năng tiềm tàng của bản thân, chủ động tạo dựng cơ hội và đón nhận, nắm bắt cơ hội trong cuộc sống nếu có.
– Phê phán những người hay lên án, chỉ trích, oán trách người khác. Ca ngợi những người luôn khéo léo trong ứng xử, biết cách tán thưởng, biểu dương người khác để động viên kịp thời và phát huy hết sức mạnh của họ.
– Cần phân biệt rõ:
+ Không nên lên án, chỉ trích khác biệt với việc bao che trước việc làm sai trái của người khác. Khi người khác làm việc sai trái, cần phải chỉ ra, làm rõ nhưng trên tinh thần xây dựng tích cực chứ không phải mạt sát, hạ thấp.
+ Tán thưởng khác với tâng bốc, nịnh hót ( xu nịnh người khác nhằm trục lợi cá nhân hoặc khen ngợi ngay cả điểm chưa tốt nhằm kìm hãm đối phương)

  1. Bài học nhận thức, hành động: Không nên lên án, chỉ trích người khác mà hãy động viên, tán thưởng, khen ngợi để phát huy khả năng, nội lực sống mạnh mẽ, tích cực trong mỗi người.

( Chú ý: Trong quá trình bàn luận, thí sinh phải liên hệ thực tế để đưa ra những dẫn chứng cụ thể, tiêu biểu và giàu sức thuyết phục).
Biểu điểm:
– Điểm 7- 8: Viết đúng kiểu bài nghị luận xã hội; trình bày vấn đề một cách sâu sắc, thuyết phục; sáng tạo, văn phong chuẩn xác, biểu cảm, có kiến thức xã hội phong phú.
– Điểm 5- 6: Viết đúng kiểu bài nghị luận xã hội; trình bày vấn đề cơ bản rõ ràng nhưng chưa thật sâu sắc; mắc một số lỗi nhỏ về diễn đạt và chính tả.
– Điểm 3- 4:Trình bày được khoảng một nửa yêu cầu về kiến thức; còn mắc lỗi về diễn đạt và chính tả.
– Điểm 1- 2: Bài viết tỏ ra chưa hiểu rõ vấn đề, lúng túng trong cách giải quyết, mắc nhiều lỗi diễn đạt và chính tả .
– Điểm 0: Bài viết lạc đề, hiểu sai vấn đề hoặc không viết gì.
 
Câu 2.(12 điểm)

  1. Yêu cầu về kỹ năng

– Nắm chắc phương pháp, kĩ năng làm bài nghị luận văn học.
– Biết vận dụng kiến thức lí luận văn học, văn học sử để bàn luận vấn đề một cách hợp lí.
– Bố cục rõ ràng, mạch lạc, lập luận chặt chẽ, văn phong trong sáng, có cảm xúc.

  1. Yêu cầu về kiến thức

          Thí sinh có thể trình bày, sắp xếp các luận điểm theo nhiều cách nhưng về cơ bản cần đảm bảo những nội dung sau:

  1. Giải thích:

– Thơ mới: Các sáng tác thơ của các nhà thơ trong phong trào Thơ mới.
– Mở đường: mở ra một hướng tiếp cận, khám phá, miêu tả mới của thơ ca so với trước.
– Sự chiếm lĩnh một cách đầy chủ quan thế giới ngoại cảnh: Sự chiếm lĩnh thế giới ngoại cảnh  (thế giới thiên nhiên) theo ý muốn chủ quan của con người.
=> Nội dung khái quát của câu nói: Thơ mới đã mang đến cho thơ ca hiện đại Việt Nam  một cách tiếp cận thế giới ngoại cảnh hoàn toàn mới mẻ. Đó là sự chủ động chinh phục, chiếm lĩnh, tái tạo…. thiên nhiên theo ý muốn chủ quan của con người.

  1. Bình luận:

– Đây là một nhận định đúng đắn, thể hiện sự đánh giá sâu sắc một trong những giá trị nội dung của phong trào Thơ mới cũng như đóng góp của Thơ mới đối với  công cuộc hiện đại hóa nền thơ ca hiện đại nói riêng và văn học hiện đại Việt Nam nói chung.
– Hs cần vận dụng tổng hợp kiến thức văn học sử cũng như hiểu biết về phong trào Thơ mới để làm nổi bật một số vấn đề sau:
* Văn học trung đại lấy thiên nhiên làm chuẩn mực của cái đẹp. Thiên nhiên đóng vai trò là chủ thể trong mối quan hệ với con người.Triết học của thơ cũ là triết học của con người có ý thức về bản thân như là một bộ phận hữu cơ của thiên nhiên nên tìm mọi cơ hội để hài hòa, tan biến vào thiên nhiên, vũ trụ. Các nhà thơ xưa chưa nhìn nhận thiên nhiên như một đối tượng chiếm hữu mà nương vào thiên nhiên, châu tuần quanh thiên nhiên, ẩn mình trong thiên nhiên và chấp nhận sự thống trị của thiên nhiên.
* Thơ mới:  + Chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa, văn học phương Tây – một nền văn hóa, văn học lấy con người là trung tâm của vũ trụ. Logic của tư duy phương Tây đứng trên lập trường nhân loại trung tâm luận lấy con người  và tất cả những gì thuộc về con người, những gì do con người tạo nên làm thước đo cho thế giới muôn loài, trong đó có thiên nhiên.(GS. TS Trần NHo Thìn)
+ Trong Thơ mới, con người đã tách ra khỏi thế giới tự nhiên, cộng đồng và ý thức về bản thân như một chủ thể, một cá thể tự trị. Nó giành lấy vị trí chủ thể trong mối quan hệ với thiên nhiên, chinh phục, chiếm lĩnh và tái tạo lại thiên nhiên theo điệu sống của riêng mình. Con người là chuẩn mực của cái đẹp, kiêu hãnh ban phát những phẩm chất người  và gắn những cảm xúc, tâm trạng của con người cho thiên nhiên. Do vậy, thiên nhiên hiện ra không phải như một thực thể vô tri mà như một sinh thể có cá tính, có linh hồn.
 

  1. Chứng minh:

Sự chiếm lĩnh một cách đầy chủ quan thế giới ngoại cảnh trong Thơ mới được thể hiện qua một số nội dung sau:
+ Con người làm chủ thiên nhiên, khát khao chiếm lĩnh, tái tạo thiên nhiên theo điệu sống của mình.
+ Con người đứng ở vị trí trung tâm của bức tranh ngoại cảnh để thưởng thức, tận hưởng…vẻ đẹp của thế giới muôn màu.
+ Con người là chuẩn mực của cái đẹp, Thơ mới lấy con người làm hệ quy chiếu để miêu tả thiên nhiên.
+ Bức tranh thiên nhiên sinh động, khỏe khoắn, giàu sức sống trở thành đối tượng để con người chiếm lĩnh.
+ Bức tranh thiên nhiên thấm đẫm chất người, thấm đẫm màu sắc chủ quan (hành động, cảm xúc, tâm trạng…). Các nhà thơ mới dường như đã phổ các cảm giác chủ quan vào sự vật, chủ quan hóa khách thể để tạo nên một thế giới của riêng mình.
– Thí sinh được tự do lựa chọn các tác phẩm trong phong trào Thơ mới để chứng minh nhưng phải làm rõ được các nội dung trên qua những tác phẩm đó. Trong quá trình chứng minh vấn đề nghị luận, thí sinh cần liên hệ các sáng tác thơ trung đại để làm nổi bật cái mới, cái hiện đại của phong trào Thơ mới. Đồng thời cũng cần liên hệ các sáng tác thơ hiện đại ( ngoài phong trào Thơ mới) để thấy được tính chất mở đường của Thơ mới trong công cuộc hiện đại hóa  nền thơ ca Việt Nam.
– Chú ý: Khi phân tích dẫn chứng, thí sinh phải chỉ ra được những đặc sắc nghệ thuật mà tác giả thơ mới sử dụng để thể hiện những nội dung trên. Sự chiếm lĩnh một cách đầy chủ quan thế giới ngoại cảnh sẽ đưa đến những hình thức nghệ thuật mới mẻ, độc đáo trong phong trào Thơ mới.

  1. Bàn luận mở rộng: Đánh giá ý nghĩa của nhận định đối với người đọc khi tiếp nhận Thơ mới và giá trị, vị trí của Thơ mới trong nền văn học dân tộc.

 
                                                   Biểu điểm:
– Điểm 11 – 12: Bài viết đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, sâu sắc, độc đáo; diễn đạt lưu loát, câu văn giàu hình ảnh, cảm xúc; có thể mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả và dùng từ.
– Điểm 9 – 10: Bài viết có nội dung tương đối đầy đủ (có thể còn thiếu một vài ý nhỏ); bố cục rõ ràng; diễn đạt trôi chảy; câu văn có hình ảnh, cảm xúc. Mắc một số lỗi nhỏ về chính tả, dùng từ, viết câu.
– Điểm 7 – 8: bài viết đáp ứng khoảng 2/3 nội dung cơ bản của đáp án. Văn có thể chưa hay nhưng rõ ý. Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, viết câu.
– Điểm 5 – 6: Bài viết đáp ứng khoảng 1/2 nội dung cơ bản của đáp án. Mắc nhiều lỗi hành văn, chính tả.
– Điểm 3 – 4: Hiểu và trình bày vấn đề còn sơ sài; kết cấu không rõ ràng; còn mắc nhiều lỗi diễn đạt.
– Điểm 1 – 2: Không hiểu đề, không có kĩ năng nghị luận, mắc quá nhiều lỗi diễn đạt.
– Điểm 0: Lạc đề hoàn toàn hoặc không viết gì.
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *