Đề nguồn thi HSG duyên hải Bắc Bộ Ngữ văn 10 năm 2019 – Chuyên Lào Cai

TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÀO CAI
(Đề thi gồm 01  trang)
KỲ THI HỌC SINH GIỎI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ
LẦN THỨ XII, NĂM HỌC 2018 – 2019

 
ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN 10
Thời gian: 180 phút (Không kể thời gian giao đề)
 

 
Câu 1 (8,0 điểm):
Truyện kể rằng, tại Viện Nghiên Cứu Cao Cấp Princeton, Einstein ra đề thi cho sinh viên. Một anh phụ giáo hớt hải chạy đến báo ông biết: “Thưa giáo sư, đề thi năm nay giống y như năm trước, chắc là giáo sư quên không để ý”. Einstein mỉm cười: “Đề thi thì giống nhưng đáp số thì đã khác!”
                 (Alber Einstein – tudiendanhngon.vn)
Câu trả lời của Einstein đã gợi cho anh/ chị suy nghĩ gì?
Câu 2 (12,0 điểm):
Dù con ong lấy khách-thể-hoa làm bản-ngã-mật của mình
Hay con tằm đem bản thể mình kéo tơ cho đời mặc
Dù ong phải bay ngàn cánh bay mới nên giọt mật
Hay tằm giam mình tại chỗ nhả ra tơ
Trong sáng tạo, chúng ở đầu hai cực
Nào con nào đã được nhởn nhơ
Thế mà anh muốn đưa tay hái trời không nhọc sức
Ngỡ bước chân lên thì thi tứ sẵn chờ

                                           (Thơ bình phương – Đời lập phương”, Chế Lan Viên)
Bằng trải nghiệm văn học của mình về thơ văn Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, anh/chị hãy làm sáng tỏ quan niệm của nhà thơ Chế Lan Viên gửi gắm qua hình tượng con ongcon tằm trong đoạn thơ trên.
 

————– HẾT ————–

 

   TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÀO CAI
(Hướng dẫn chấm gồm 05 trang)
KỲ THI HỌC SINH GIỎI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ
                     LẦN THỨ XII, NĂM HỌC 2018 – 2019

 
HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN: NGỮ VĂN 10
Thời gian: 180 phút (Không kể thời gian giao đề)
 

 
Câu 1 (8,0 điểm)

  1. Yêu cầu về kĩ năng:

– Học sinh biết cách làm bài văn nghị luận xã hội theo hướng mở, biết vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận, đưa ra ý kiến riêng khi giải quyết vấn đề.
– Bài viết có bố cục mạch lạc; hệ thống luận điểm, luận cứ rõ ràng; dẫn chứng thuyết phục; hành văn trong sáng, giàu cảm xúc; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

  1. Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đáp ứng được những ý cơ bản sau:
1 Giới thiệu vấn đề nghị luận rõ ràng, chính xác, hấp dẫn (0,5)
2 Giải thích ý kiến (1,5)
  – Lời thông báo của anh phụ giáo: “Thưa giáo sư, đề thi năm nay giống y như năm trước, chắc là giáo sư quên không để ý” nhằm nhắc Einstein về sai sót của mình và  đổi đề mới.
– Nhưng Einstein mỉm cười “Đề thi thì giống nhưng đáp số thì đã khác!” đã cho thấy dù đề thi quen nhưng cái ông cần ở sinh viên là những cách giải mới.
=> Câu trả lời của Einstein đã khẳng định: Con người phải không ngừng tìm tòi sáng tạo để hoàn thiện vì mọi đích đến đều có lối đi của riêng mình.
3 Bình luận, lý giải, chứng minh (3,0)
  –  Sáng tạo là tìm ra những thứ mới mẻ mà trước đó con người chưa tìm ra, là làm nên những điều mới mẻ mà trước đó con người chưa làm được. Đó có thể là việc tạo nên một ý tưởng đột phá trong công việc hoặc từ ý tưởng đó phát triển thành những sản phẩm thực tế, hiện hữu. Một sự sáng tạo thành công là khi sáng tạo đó được đưa vào thực tế, ý tưởng được sử dụng trong công việc. Khi sáng tạo đạt đến mức độ cao nhất, nó được hiện thực hóa thành những phát minh khoa học, những bằng sáng chế có giá trị của những nhà phát minh.
– Con người phải không ngừng tìm tòi, sáng tạo bởi khả năng sáng tạo có vai trò rất quan trọng trong sự tồn tại, phát triển của con người và xã hội:
+ Sự tìm tòi, sáng tạo cho thấy khả năng về trí tuệ con người là không có giới hạn, rất đáng khâm phục. Con người khi biết tìm tòi, sáng tạo sẽ vận động suy nghĩ một cách tích cực, không dựa vào những điều có sẵn mà bỏ quên những năng lực tiềm ẩn hoàn toàn có thể phát huy của bản thân và sẽ thành công hơn trong cuộc sống.
+ Sự tìm tòi sáng tạo của mỗi con người còn giúp xã hội phát triển theo đúng quy luật vận động của nó, không chỉ dừng lại ở những điều đã có từ trước. Đồng thời đưa nền văn minh nhân loại tiến lên, giúp đất nước ngày càng giàu mạnh.
– Nếu không tìm tòi, sáng tạo: con người thụ động, rập khuôn, máy móc, không phát huy được cá tính sáng tạo của mình, không phát huy được những giá trị tự thân vì thế xã hội cũng trở nên trì trệ, lạc hậu, cuộc sống trở nên nghèo nàn…
4 Bàn luận, mở rộng nâng cao vấn đề (1,5)
  – Sáng tạo không phải là điều dễ dàng, có được một sáng tạo có giá trị, có thể ứng dụng trong thực tế lại càng khó. Do vậy con người phải không ngừng sáng tạo và không thể mong muốn sự sáng tạo ngay lập tức có hiệu quả.
– Cần phê phán một số quan điểm sai lầm về khả năng sáng tạo: sáng tạo là chuyện dễ dàng, sáng tạo chỉ có ở tuổi trẻ, chỉ cần sáng tạo là có thể thành công. Phê phán những người không chịu tìm tòi sáng tạo và những kẻ tạo ra những sản phẩm sáng tạo với mục đích xấu xa, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của nhân loại…
5 Rút ra bài học nhận thức và hành động (1,0)
  – Mỗi người cần ý thức được tầm quan trọng của việc không ngừng tìm tòi sáng tạo, tìm ra một lối đi riêng, luôn biết làm mới bản thân, làm mới những suy nghĩ theo lối mòn. Khơi dậy khả năng sáng tạo của bản thân bằng cách không ngừng học hỏi, luôn lao động chăm chỉ và tích cực ngẫm nghĩ, dành thời gian cho sự sáng tạo, tìm đến những không gian sáng tạo và người giàu tính sáng tạo…
– Bên cạnh sự tìm tòi sáng tạo, mỗi người cũng cần phát triển những phẩm chất khác
6 Kết thúc vấn đề: Đúng, lắng đọng, sâu sắc (0,5)

 
Câu 2 (12,0 điểm)

  1. Yêu cầu về kĩ năng:

Học sinh biết cách làm bài nghị luận về một vấn đề lí luận văn học. Luận điểm rõ ràng, lô gíc; lập luận sắc sảo, thuyết phục. Văn giàu cảm xúc, hình ảnh; không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ, chính tả….

  1. Yêu cầu về kiến thức:

Học sinh có thể trình bày vấn đề theo những cách khác nhau, song bài viết phải làm nổi bật được các nội dung chính sau:

1 Giới thiệu vấn đề nghị luận rõ ràng, chính xác, hấp dẫn (0,5)
2 Giải thích ý kiến (2,0)
  – Con ong “lấy khách thể hoa làm bản ngã mật”: Người nghệ sĩ góp nhặt chất liệu từ hiện thực đời sống (khách thể hoa) để làm nên tác phẩm nghệ thuật của riêng mình (bản ngã mật).
– Con tằm “đem bản thể mình kéo tơ cho đời mặc”: Người nghệ sĩ dùng chính vốn sống, nỗi niềm riêng của mình (bản thể mình) mà sáng tạo nên tác phẩm cho đời.
– Con ong phải bay ngàn cánh bay mới nên giọt mật – nhà văn phải lặn lội, trải nghiệm sâu sắc trong mọi cảnh đời, cảnh sống để sáng tác. Con tằm “giam mình tại chỗ nhả tơ” – nghệ sĩ tự đào sâu vào tâm hồn mình để sáng tạo.
=> Hai kiểu sáng tạo tuy có khác nhau, thậm chí có vẻ đối lập “ở đầu hai cực” về điểm xuất phát của hành trình sáng tạo (khách thể hay bản thể) nhưng đều là những quá trình lao khổ “nào con nào có được nhởn nhơ
3 Bình luận, lý giải (3,0)
  * Khẳng định ý kiến đúng đắn, xác đáng, sâu sắc.
* Lý giải:
– Văn chương nghệ thuật lấy đời sống hiện thực làm chất liệu để sáng tác. Mọi sự vật hiện tượng trong đời sống đều trở thành khách thể, là đối tượng chiếm lĩnh, khám phá, sáng tạo của nhà văn. Việc lấy hiện thực cuộc sống “khách thể hoa” giúp nhà văn khám phá sâu sắc hiện thực phong phú đa dạng để tạo nên bản ngã mật – 1 tác phẩm có giá trị sâu sắc, không trộn lẫn. Nhưng văn chương đề cao hiện thực khách quan không đồng nghĩa với việc phủ nhận đời sống chủ quan của người nghệ sĩ. Nhiều nhà văn, nhà thơ đã đào sâu vào chính tâm hồn mình với bao cảm xúc, suy tư…để tạo nên những trang viết để đời, đánh thức niềm rung cảm sâu xa trong lòng bạn đọc.
– Hai kiểu sáng tạo này có thể xem như hai phương diện của quá trình sáng tạo, gắn bó song hành không thể tách rời, đồng hiện trong suốt quá trình sáng tạo nghệ thuật: Nghệ sĩ có thể lấy cuộc sống phong phú ngoài kia làm đề tài, chất liệu nhưng không thể không truyền vào tác phẩm những xúc cảm, suy nghĩ của mình. Ngược lại nghệ sĩ lấy cảm hứng từ những nỗi đau khổ, niềm vui sướng, hân hoan…của riêng mình thì đó cũng phải là những nỗi niềm nhân thế, không được xa rời hiện thực cuộc sống.
– Dù sáng tác theo kiểu con ong hay con tằm thì đều là quá trình lao khổ
+ Muốn sáng tạo bằng chính những góp nhặt từ hiện thực cuộc sống, ong phải bay ngàn cánh mới nên giọt mật, nghệ sĩ phải mở lòng ra đón lấy tất cả những vang động của đời, phải có trải nghiệm. Chỉ khi quăng mình vào hiện thực, sống sâu sắc với hiện thực, để lòng mình như phấn thông bay vàng cả trời đất mênh mông mới có thể tạo nên những tác phẩm có giá trị
+ Muốn sáng tạo từ chính vốn sống và nỗi niềm của riêng mình “tằm giam mình tại chỗ nhả ra tơ”: nghệ sĩ phải thường xuyên nghiền ngẫm về những gì mình trăn trở, đau nỗi đau đời vẫn canh cánh bên lòng. Sáng tạo nghệ thuật không có chỗ cho sự lười biếng. Một khi nhà văn ngừng khám phá, sáng tạo, nghiền ngẫm, trăn trở về đời, về người là cái chết của nghệ thuật.
+ Thi tứ là không sẵn chờ muốn vươn tới những giá trị “hái trời” thì không thể không nhọc sức. Nhà thơ chỉ động phải bước nhiều bước chân đi tìm tòi nguồn cảm hứng, bằng nhiều cách, theo nhiều con đường khác nhau hoặc tìm bên ngoài khách thể, hoặc tìm bên trong bản thể…
4 Chứng minh (5,0)
  HS lấy dẫn chứng tiêu biểu về thơ văn Nguyễn Trãi, Nguyễn Du để làm sáng tỏ kiểu sáng tác con ong, con tằm:
– Thơ văn Nguyễn Du
+Kiểu nghệ sĩ con ong: đi nhiều, trải nghiệm, lấy chất liệu từ hiện thực cuộc sống đầy biến động dữ dội để viết hay và xúc động về số phận con người đặc biệt là người tài hoa bạc mệnh.
+ Kiểu nghệ sĩ con tằm: Những gì nhà thơ viết ra là những gì đau đớn nhất từ cuộc đời đầy thăng trầm “10 năm gió bụi” của mình, trăn trở đau đớn cho số phận con người…
– Thơ văn Nguyễn Trãi:
+Kiểu nghệ sĩ con ong: quãng đời trôi nổi, hiện thực thăng trầm, đời sống nhân dân là nguồn cảm hứng, chất liệu cho cho tác giả viết nên những tác phẩm hướng về dân đen con đỏ.
+ Kiểu nghệ sĩ con tằm: Nỗi đau đớn xót xa cho chính cuộc đời đầy bi kịch của mình; cho nỗi thống khổ của muôn dân…
5 Bàn luận, mở rộng nâng cao (1,0)
  – Ý kiến của Chế Lan Viên là một ý kiến đúng đắn, đã được kiểm chứng qua bề dày lịch sử Văn học Việt Nam. Hai kiểu sáng tạo con ong, con tằm tuy khác nhau về xuất phát điểm nhưng không phủ nhận lẫn nhau. Dù là xuất phát từ khách thể cuộc sống hay bản thể nghệ sĩ thì cuối cùng tác phẩm cũng phải là mật, là tơ – tinh hoa của tài năng và nhiệt thành sáng tạo mang giá trị cao đẹp, sâu sắc, có ích cho đời.
– Ý kiến là kim chỉ nam cho người sáng tác. Dù sáng tác theo kiểu nào, người nghệ sĩ cũng phải đem hết tài năng tâm huyết của mình để tạo nên những áng văn chương đích thực. Với người đọc cũng cần sống hết mình với tác phẩm để nhận ra và trân trọng quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, miệt mài của người nghệ sĩ…
6 Khái quát vấn đề: Đúng, lắng đọng, có chiều sâu (0,5)

 
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *