Đề minh hoạ môn văn theo cấu trúc thi tốt nghiệp 2025, đề số 83

ĐỀ THAM KHẢO

THEO CẤU TRÚC CỦA BỘ GD&ĐT

 PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Đọc văn bản sau:

                                            HƠI ẤM Ổ RƠM

                                                                         Nguyễn Duy

Tôi gõ cửa ngôi nhà tranh nhỏ bé ven đồng chiêm                 
Bà mẹ đón tôi trong gió đêm
Nhà mẹ hẹp, nhưng còn mê chỗ ngủ
Mẹ chỉ phàn nàn chiếu chăn chả đủ
Rồi mẹ ôm rơm lót ổ tôi nằm.

Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm,
Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng,
Trong hơi ấm hơn ngàn chăn đệm
Của những cọng rơm xơ xác, gầy gò.

Hạt gạo nuôi tất thảy chúng ta no,
Riêng cái ấm nồng nàn như lửa
Cái mộc mạc lên hương của lúa
Đâu dễ chia cho tất cả mọi người.

(In trong tập Cát trắng, NXB Quân đội nhân dân, 1973)

Thc hin các yêu cu t câu 1 đến câu 5:

Câu 1. Xác định nhân vật trữ tình trong văn bản trên.

Câu 2. Xác định những từ ngữ miêu tả không gian và thời gian trong văn bản.

Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh có trong khổ thơ thứ hai.

Câu 4. Nêu chủ đề của văn bản.

Câu 5. Thông điệp nào trong văn bản có ý nghĩa nhất với anh/chị? Vì sao?

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ sau:

                                            Tôi gõ cửa ngôi nhà tranh nhỏ bé ven đồng chiêm
                                            Bà mẹ đón tôi trong gió đêm
                                             – Nhà mẹ hẹp, nhưng còn mê chỗ ngủ
                                            Mẹ chỉ phàn nàn chiếu chăn chả đủ
                                            Rồi mẹ ôm rơm lót ổ tôi nằm.
                                                                     (Trích Hơi ấm ổ rơm – Nguyễn Duy)

Câu 2. (4,0 điểm)

Viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) thuyết phục người khác từ bỏ thói quen miệt thị ngoại hình.

—- Hết —-

ĐÁP ÁN

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4,0
  1 Xác định nhân vật trữ tình trong văn bản: “tôi”.  

0,5

2 Từ ngữ miêu tả không gian, thời gian trong văn bản:

– Không gian: ngôi nhà tranh bé nhỏ ven đồng chiêm

– Thời gian: đêm

0,5
3 Biện pháp tu từ: so sánh

+ So sánh rơm vàng bọc tôi với kén bọc tằm

+ So sánh hơi ấm của ổ rơm hơn ngàn chăn đệm

– Hiệu quả:

+ Góp phần thể hiện và nhấn mạnh những cảm nhận của nhân vật tôi, cảm thấy ấm áp trong sự yêu thương, bao bọc, chở che khi nằm giữa ổ rơm mà người mẹ nghèo làm cho mình.

+ Thể hiện niềm xúc động, biết ơn của nhân vật tôi trước sự cưu mang, giúp đỡ (tình người) của người mẹ.

+ Giúp người đọc dễ hình dung: tăng giá trị gợi hình gợi cảm cho sự diễn đạt.

1.0
4 Chủ đề của văn bản là: Thông qua câu chuyện một đêm lỡ đường, tác giả bày tỏ nỗi xúc động, tình yêu thương và lòng biết ơn của mình trước tình cảm của bà mẹ nghèo mà giàu tình, giàu nghĩa. Đây cũng là một nét đẹp của tình nghĩa quân dân trong các cuộc kháng chiến của dân tộc.  

 

1

5 HS nêu được 1 thông điệp có lí giải hợp lí, thuyết phục.

– Gợi ý: Thông điệp về lòng biết ơn; thông điệp về ý nghĩa, vai trò của tình người trong cuộc sống…

– Lí giải: VD lấy thông điệp về lòng biết ơn

+ Lòng biết ơn là sự ghi nhớ, là tình cảm trân trọng đối với những điều tốt đẹp mà người khác dành cho mình. Đây là một trong những truyền thống, đạo lí của dân tộc, giúp con người luôn hoàn thiện nhân cách, hướng con người tới lối sống nghĩa tình, trách nhiệm. Lòng biết ơn là điểm khởi đầu để mỗi người trở thành người tốt. Nó cũng là cơ sở bền vững cho sự hình thành những tình cảm tốt đẹp khác như: hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, tôn kính thầy cô, yêu thương, giúp đỡ mọi người và rộng hơn là lòng yêu nước, trách nhiệm đối với đất nước…

 

 

 

 

 

 

 

 

1.0

II   VIẾT 6,0
  1 Viết đoạn văn nghị luận ( khoảng 200 chữ ) phân tích, đánh giá đoạn thơ. 2.0
  a.Xác định yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng  (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. HS có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

 

 

0,25

b.Xác định đúng vấn đề nghị luận:

Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: phân tích, đánh giá khổ thơ đầu trong văn bản Hơi ấm ổ rơm của Nguyễn Duy

 

0,25

c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:

+ Về nội dung: khổ thơ là câu chuyện của tác giả về một đêm khuya lỡ đường phải xin vào ngủ nhờ qua đêm trong một ngôi nhà nhỏ ven đồng chiêm. Câu chuyện giản dị với ít tình tiết nhưng đã làm nổi bật hình ảnh người mẹ với vẻ đẹp đáng quý. Mẹ tuy nghèo nhưng giàu tình người, sống nhân hậu, giàu tình yêu thương con người, có tấm lòng thơm thảo. Đằng sau câu chuyện là tâm trạng xúc động, biết ơn, cảm thấy vô cùng hạnh phúc của nhân vật tôi…

+ Về nghệ thuật: thể thơ tự do; kết hợp giữa tự sự và trữ tình; ngôn từ giản dị mà giàu sức biểu cảm; giọng điệu nhẹ nhàng, bồi hồi, xúc động.

– Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn.

 

 

 

 

 

 

 

 

0,5

d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề.

– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.

 

 

 

0,5

đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuận chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.

 

0,25

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

 

0,25

2 Viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) thuyết phục người khác từ bỏ thói quen miệt thị ngoại hình. 4,0
  a. Xác định được yêu cu ca kiu bài.

Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội

0,25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: thuyết phục người khác từ bỏ thói quen miệt thị ngoại hình 0,5
c. Đề xuất hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết

– Xác định được các ý chính của bài viết.

– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:

* Giới thiệu vấn đề.

* Triển khai vấn đề nghị luận:

+ Giải thích: miệt thị ngoại hình là hành vi dùng lời nói hoặc hành động để nhạo báng, chế giễu ngoại hình của một người nào đó. Đây là một thói quen xấu, để lại nhiều hậu quả tiêu cực, cần được loại bỏ.

+ Trình bày biểu hiện của thói quen miệt thị ngoại hình:

● Chê bai, chế giễu những đặc điểm cơ thể của người khác về thân hình, vóc dáng (béo/gầy, cao/thấp…); màu da, mái tóc, các đường nét trên khuôn mặt, cách đi đứng, ăn mặc, trang điểm…

● Miệt thị ngoại hình không chỉ diễn ra trong cuộc sống thực tế hàng ngày mà còn xuất hiện và lan rộng trên mạng xã hội trở thành trào lưu. Ở đó, người ta miệt thị cả những người mà bản thân chưa từng gặp, từng quen biết…

+ Lí do nên từ bỏ thói quen miệt thị ngoại hình:

Tác hại của thói quen miệt thị ngoại hình:

Đối với cá nhân:

Với bản thân người đi miệt thị: chứng tỏ đó là người soi mói, chỉ trích, thiếu văn hóa, thiếu lịch sự, không biết cảm thông và tôn trọng sự khác biệt của người khác. Miệt thị ngoại hình đôi khi còn dẫn đến việc nhìn nhận, đánh giá phiến diện về phẩm chất, tính cách của người khác…

Với người bị miệt thị: buồn bã => tự ti, ngại giao tiếp, sống khép kín => ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần, thậm chí tự tử.

Đối với xã hội: tạo ra một trào lưu xấu, một xã hội thiếu văn minh văn hóa, những con người lệch lạc … để lại những hệ lụy khôn lường.

Lợi ích khi từ bỏ thói quen miệt thị ngoại hình: sống cởi mở, thân thiện, lịch sự, biết tôn trọng sự khác biệt của người khác, được mọi người yêu mến; giúp người khác hòa đồng, tự tin sống là chính mình, thể hiện được giá trị của bản thân họ; tạo ra một môi trường xã hội lành mạnh và nhân văn…

+ Dự đoán lập luận của những người có thói quen miệt thị ngoại hình: miệt thị chỉ là lời nói đùa, có ý tốt muốn người có ngoại hình chưa chuẩn trở nên đẹp hơn… Phản biện: phân biệt giữa miệt thị ngoại hình với việc góp ý chân thành, thật tâm, tế nhị.

+ Đề xuất giải pháp giúp người được thuyết phục từ bỏ thói quen miệt thị ngoại hình:

Về nhận thức: cần nhận thức được hậu quả của thói quen xấu này, mỗi người là một cá thể riêng biệt, “nhân vô thập toàn”…

Về hành động: chấp nhận và tôn trọng những đặc điểm riêng về ngoại hình của người khác; dùng lời góp ý chân thành, tế nhị…

+ Dự đoán sự đồng tình, ủng hộ của những người xung quanh khi người được thuyết phục từ bỏ thói quen miệt thị ngoại hình.

* Kết thúc vấn đề:

Nêu ý nghĩa của việc từ bỏ thói quen miệt thị ngoại hình: khẳng định thông điệp nên từ bỏ thói quen xấu này để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

1,0
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Triển khai được ít nhất 3 luận điểm để làm rõ quan điểm cá nhân.

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và bằng chứng.

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

1,5
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,5
TỔNG ĐIỂM 10.0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *