Đề HSG trại hè hùng vương môn văn lớp 11 năm 2019

TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG
LẦN THỨ XV–SƠN LA 2019
 

ĐỀ CHÍNH THỨC

 
 

KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎIMÔN: NGỮ VĂN – KHỐI: 11
Ngày thi: 27 tháng 7 năm 2019
Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian giao đề)
Đề thi gồm có 01trang

Họ và tên thí sinh:…………………………………………Số báo danh:……………………
Câu 1 (8 điểm):
Ở thời phong kiến, nữ sĩ Hồ Xuân Hương từng viết trong bài thơ “Đề đền Sầm Nghi Đống”:
Ví đây đổi phận làm trai được,
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu!
Còn ngày nay, Nguyễn Phương Mai (sinh năm 1976), phó giáo sư tại Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam – Hà Lan, trên trang đầu của cuốn du ký Tôi là một con lừa (Nhã Nam & NXB Hội nhà văn, Hà Nội, 2013) đã viết: “Cảm ơn mẹ, vì đã buông tay để con được tự do.”
Từ hai trường hợp trên, hãy viết một bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của anh/chị về khát vọng và cơ hội khẳng định giá trị bản thân của người phụ nữ Việt Nam từ xã hội truyền thống đến hiện đại.
Câu 2 (12 điểm):
Bàn về nghệ thuật tự sự, có ý kiến cho rằng: Tự sự hiện đại có khi quan tâm đến việc câu chuyện gì được kể ra ít hơn việc câu chuyện ấy được kể như thế nào.
Anh/chị suy nghĩ như thế nào về ý kiến trên? Chọn phân tích một truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1930-1945 để làm rõ quan điểm của mình về vấn đề này.
………………………HẾT……………………..
Lưu ý:            – Thí sinh không được sử dụng tài liệu.
-Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
 
 

TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG
LẦN THỨ XV–SƠN LA 2019
 

HƯỚNG DẪN CHẤM

 
 

KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎIMÔN:Ngữ Văn – KHỐI:11
Ngày thi: 27 tháng 7 năm 2019
Hướng dẫn chấm có 07 trang

Câu 1 (8,0 điểm)
 

  1. Yêu cầu chung về kỹ năng:

– Nắm chắc các thao tác nghị luận về một vấn đề xã hội.
– Thể hiện được sự tích lũy vốn sống, vận dụng linh hoạt các kiến thức thực tế trong bài viết.
– Bố cục mạch lạc, có cá tính trong hành văn, ít mắc lỗi diễn đạt.
2.Yêu cầu kiến thức

Ý Câu 1 (8 điểm): Bàn về khát vọng và cơ hội khẳng định giá trị bản thân của người phụ nữ Việt Nam từ xã hội truyền thống đến hiện đại. Điểm
1 Giải thích  
 
(2,0)
 
 
– Câu thơ của Hồ Xuân Hương: thể hiện sự tự ý thức của người phụ nữ trong xã hội phong kiến về giá trị, tài năng của mình song đồng thời cũng nhận thức được sự khó khăn của cơ hội để khẳng định giá trị, tài năng ấy trong xã hội.
– Lời cảm ơn người mẹ của tác giả Nguyễn Phương Mai: thể hiện sự biết ơn của tác giả đối với người mẹ bởi chính bà đã tạo điều kiện, trao cơ hội (“buông tay”) để con được “tự do” (được tự quyết định cuộc sống của mình, theo đuổi đam mê, khát vọng, giá trị của bản thân).
1,0
– Cả hai thông điệp đều gặp gỡ nhau khi nêu lên khát vọng khẳng định bản thân của người phụ nữ, khát vọng muốn sống đời sống xứng đáng với giá trị, tài năng, phẩm chất của mình nhưng nhận thức về cơ hội để hiện thực hóa khát vọng ấy ở mỗi trường hợp là khác nhau. 1,0
2
(4,0)
Bàn luận – chứng minh
2.1
 
 
– Câu thơ của Hồ Xuân Hương ghi nhận một thực tế về địa vị xã hội của người phụ nữ Việt Nam dưới thời phong kiến. Xã hội phong kiến vốn trọng nam khinh nữ, không cho phép người phụ nữ có cơ hội để khẳng định giá trị bản thân, nhiều lĩnh vực là đặc quyền của đàn ông như học vấn, chính trị. Ngay cả trong không gian duy nhất mà người phụ nữ được thừa nhận là có vai trò quan trọng là gia đình thì không phải lúc nào tiếng nói của người phụ nữ cũng được tôn trọng. Lĩnh vực mà người phụ nữ được phép thể hiện tài năng là đàn hát hay thơ phú thì qua thơ văn trung đại, ta cũng có thể nhận thấy, tài năng của họ nhiều khi đi liền với những nỗi oan trái. Tuy nhiên, có thể nhận thấy giới hạn của câu thơ Hồ Xuân Hương: chỉ khi là nam giới thì tài năng của người phụ nữ mới được thừa nhận và hơn nữa người phụ nữ muốn khẳng định mình theo hình mẫu của nam giới (sự anh hùng). 1,5
2.2
 
 
– Câu nói của Nguyễn Phương Mai đánh dấu sự trưởng thành, tự tin và quyết liệt hơn của người phụ nữ Việt Nam hiện đại. Điều mà chị mong muốn là “được tự do” – điều này rộng hơn nhu cầu khẳng định tài năng như trong câu thơ của Hồ Xuân Hương. Trong sự tự do ấy, người phụ nữ có thể khẳng định bản thân mình một cách đa dạng và độc đáo hơn, không nhất thiết phải nói theo những hình mẫu nam giới. Hơn nữa, nhận thức về “cơ hội” ở đây không phải là một “ảo tưởng” mà đã là một thực tế. 1,5
2.3 – Xét cho đến cùng, để hiện thực hóa khát vọng khẳng định giá trị bản thân của mình, người phụ nữ Việt Nam từ truyền thống là một nỗ lực bền bỉ. Người phụ nữ giờ đây đã có thể thể hiện “tài năng” của mình trong nhiều lĩnh vực xưa nay chủ yếu do nam giới thống lĩnh. Người phụ nữ hiện nay cũng “tự do” hơn trong việc xây dựng giá trị bản thân, quyết định, tự chủ trong đời sống, không chỉ nương theo những hình mẫu nam giới. Họ làm được không chỉ những việc nam giới đã thành công, mà còn cả những việc nam giới chưa từng làm; họ là người tiên phong trong một số lĩnh vực. (Thí sinh cần nêu được một vài dẫn chứng tiêu biểu.) 1,0
3 Mở rộng đánh giá – bài học nhận thức
 
(2,0)
– Hiện thực hóa khát vọng khẳng định bản thân của người phụ nữ chính là một khía cạnh cần quan tâm trong nỗ lực phấn đấu hướng đến sự bình đẳng giới trong xã hội hiện đại. Ở đây, người phụ nữ không chỉ nỗ lực vượt lên những định kiến của xã hội gia trưởng: Hồ Xuân Hương có thể nhận thức rõ việc giá trị của người phụ nữ được thừa nhận trong xã hội phong kiến là điều khó khăn nhưng bà vẫn không ngần ngại che giấu cá tính hay kiêu hãnh về tài năng. Song quan trọng hơn, người phụ nữ cũng phải giải phóng những áp lực xã hội lên mình: việc người mẹ “buông tay”, trên thực tế, là điều không đơn giản bởi ở đây người mẹ chắc chắn cũng có những đấu tranh tâm lý khi những khuôn thước truyền thống về phụ nữ (phụ nữ nên an phận, sống ổn định, vì gia đình) vẫn còn phổ biến. Nên khi “buông tay”, không chỉ con gái được “tự do”, mẹ cũng trở nên “tự do”. Bình đẳng giới trong trường hợp này không chỉ cần đến sự thay đổi từ phía nam giới mà còn cả từ chính phía nữ giới. 1,0
– Khi người phụ nữ được tự do nhiều hơn để khẳng định chính mình, đó là dấu hiệu của những chuyển biến xã hội tích cực. Sự năng động của người phụ nữ Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX chính là bằng chứng sống động nhất của một xã hội chuyển mình sang hiện đại. 1,0
Lưu ý: Đây là đề bài mở, đáp án chỉ có tính chất gợi ý, thí sinh hoàn toàn có thể suy luận những thông điệp khác, thí dụ: ý nghĩa của nỗi đau, của sự mất mát. Trường hợp này, suy nghĩ của thí sinh vẫn được chấp nhận. Giám khảo nên chấm điểm dựa theo mức độ thuyết phục trong lập luận, lý lẽ và dẫn chứng mà bài viết thí sinh thể hiện.

 
Câu 2:

  1. Yêu cầu chung về kỹ năng:

– Biết cách làm một bài nghị luận văn học có sự kết hợp giữa kiến thức lý luận văn học và cảm thụ tác phẩm văn học.
– Kết cấu bài viết mạch lạc, chặt chẽ, diễn đạt chính xác các thuật ngữ, các tri thức lý luận văn học. Phân tích dẫn chứng phải làm rõ được vấn đề lý luận được nêu trong đề bài.
– Hạn chế các lỗi diễn đạt.

  1. Yêu cầu về kiến thức:

 

Ý Bàn về nghệ thuật tự sự, có ý kiến cho rằng: Tự sự hiện đại có khi quan tâm đến việc câu chuyện gì được kể ra ít hơn việc câu chuyện ấy được kể như thế nào.
Anh/chị suy nghĩ như thế nào về ý kiến trên? Chọn phân tích một truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1930-1945 để làm rõ quan điểm của mình về vấn đề này.
Điểm
1 Giải thích  
1,0 Tự sự: Là một trong ba thể loại lớn văn học, bên cạnh trữ tình và kịch. Tác phẩm tự sự tái hiện đời sống thông qua các sự kiện, biến cố, hành vi con người. Khái niệm tự sự hiện đại được nhắc đến ở đây phân biệt với tự sự truyền thống trong văn học dân gian và văn học trung đại. 2,0
2
(7,0)
Bàn luận – chứng minh
2.1
(2,0)
 
 
Cơ sở lí luận 2,0
Đặc trưng về phương thức tái hiện đời sống khiến tác phẩm tự sự trở thành câu chuyện về ai đó hay về cái gì đó. Tác phẩm tự sự vì thế thường có cốt truyện, có nhân vật được khắc họa đầy đặn hơn trong tác phẩm trữ tình và kịch, có hệ thống chi tiết phong phú… Đây có thể được xem là bình diện “câu chuyện được kể” của tác phẩm tự sự. Nhưng mặt khác, nói tới nghệ thuật tự sự thì còn phải quan tâm đến cách mà câu chuyện ấy được kể như thế nào. Ở bình diện này, đọc tác phẩm tự sự, còn phải chú ý đến cách nhà văn xây dựng kết cấu, tổ chức trần thuật (chọn người kể chuyện, chọn điểm nhìn), ngôn ngữ và giọng điệu. 1,5
– Khi nói tự sự hiện đại “có khi quan tâm đến việc câu chuyện gì được kể ra ít hơn việc câu chuyện ấy được kể như thế nào”, có nghĩa là cách kể chuyện được nhà văn chú trọng hơn nội dung của câu chuyện. Điều này là một thực tế khi ta có thể thấy nhiều tác phẩm tự sự hiện đại, ngay cả tiểu thuyết – tác phẩm tự sự có dung lượng lớn, có cốt truyện rất mỏng ít sự kiện, ít biến cố, nhưng vẫn có sức hấp dẫn đặc biệt đến từ cách kể của nhà văn. Có những tác phẩm mà bản thân cách nhà văn sắp xếp trật tự các sự kiện, cách lựa chọn ngôi kể, tổ chức lời văn, tạo các ẩn dụ, biểu tượng, xác lập giọng điệu… mới là yếu tố quan trọng làm nên sức hấp dẫn của chúng. Điều này làm cho tự sự hiện đại khác với truyện dân gian hay truyện trung đại vốn chỉ quan tâm đến cốt truyện, đế kể nội dung. 0,5
2.2
 
(6,0)
Chứng minh
Thí sinh có thể chọn bất kỳ một truyện ngắn Việt Nam nào ở giai đoạn 1930-1945 (có thể chấp nhận cả những tác phẩm không có trong SGK Văn 11) nhưng khi phân tích dẫn chứng, thí sinh phải làm nổi bật được những đặc sắc trong cách kể của truyện ngắn ấy.
2,5
Thí dụ, nếu thí sinh chọn phân tích truyện ngắn “Hai đứa trẻ” (Thạch Lam), thì cần nêu được những điểm: cốt truyện mỏng, chỉ xoay quanh một sự kiện đợi tàu, nhưng tác giả lại gia tăng miêu tả thiên nhiên, khung cảnh sinh hoạt và đặc biệt những cảm giác mơ hồ, tinh vi của con người (một đặc điểm nổi bật của tự sự của hiện đại là tham vọng kể lại cái không thể kể); người kể chuyện ở ngôi thứ ba song chủ yếu điểm nhìn trần thuật lại nương theo điểm nhìn của Liên, khiến lời văn giàu cảm giác, giàu ấn tượng chủ quan của nhân vật – điều mà tự sự trung đại ít có (có lẽ chỉ đến Truyện Kiều mới xuất hiện); tác giả chú trọng xây dựng nhịp điệu của lời văn…
Thí dụ, nếu thí sinh chọn phân tích truyện ngắn “Hai đứa trẻ” (Thạch Lam), thì cần nêu được những điểm: cốt truyện mỏng, chỉ xoay quanh một sự kiện đợi tàu, nhưng tác giả lại gia tăng miêu tả thiên nhiên, khung cảnh sinh hoạt và đặc biệt những cảm giác mơ hồ, tinh vi của con người (một đặc điểm nổi bật của tự sự của hiện đại là tham vọng kể lại cái không thể kể); người kể chuyện ở ngôi thứ ba song chủ yếu điểm nhìn trần thuật lại nương theo điểm nhìn của Liên, khiến lời văn giàu cảm giác, giàu ấn tượng chủ quan của nhân vật – điều mà tự sự trung đại ít có (có lẽ chỉ đến Truyện Kiều mới xuất hiện); tác giả chú trọng xây dựng nhịp điệu của lời văn… 2,5
3 Mở rộng đánh giá.
 
(2,0)
– Sở dĩ tự sự hiện đại có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến cách kể là vì nó chú ý nhiều hơn đến thế giới bên trong con người, nó đề cao hơn tính tích cực, chủ động của nhà văn trong sáng tác, nó chú ý nhiều hơn đến sức mạnh của ngôn từ, đến sự viết. Chính cách kể mới làm nên tính nghệ thuật của tự sự hiện đại. 1,5
-Bài học đối với nhà văn, người đọc. 0,5

 
…………………………………HẾT……………………………..
Lưu ý:
– Nếu thí sinh làm cách khác mà cho kết quả chính xác, có chứng cứ khoa học vẫn cho điểm tối đa.
– Giám khảo làm tròn điểm tổng bài thi đến 0,25 điểm.
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *