Đề 1:
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi từ 1 đến 4:
Người nói vậy, và Pêlênôp bủn rủn cả chân tay, nàng thấy Uylixơ tả đúng mười mươi sự thực. Nàng bèn chạy ngay lại, nước mắt chan hòa, ôm lấy cổ chồng, hôn lên trán chồng và nói:
– Uylixơ ! Xin chàng chớ giận thiếp, vì từ xưa nay chàng vẫn là người nổi tiếng khôn ngoan. Ôi ! Thần linh đã dành cho hai ta một số phận xiết bao cay đắng vì người ghét ghen ta, không muốn cho ta được sống vui vẻ bên nhau, cùng nhau hưởng hạnh phúc của tuổi thanh xuân và cùng nhau đi đến tuổi già đầu bạc. Vậy giờ đây, xin chàng chớ giận thiếp, cũng đừng trách thiếp về nỗi gặp chàng mà thiếp không âu yếm chàng ngay. Thiếp luôn luôn lo sợ có người đến đây, dùng lời đường mật đánh lừa, vì đời chẳng thiếu gì người xảo quyệt, chỉ làm điều tai ác….Giờ đây, chàng đã đưa ra những chứng cớ rành rành, tả lại cái giường không ai biết rõ, ngoài chàng với thiếp và Acrôtit, một người thị tì của cha thiếp cho, khi thiếp về đây, và sau đó giữ cửa gian phòng vách tường kiên cố của chúng ta. Vì vậy chàng đã thuyết phục được thiếp và thiếp phải tin chàng, tuy lòng thiếp rất đa nghi.
( Trích Uy-lit-xơ trở về, Trang 51, Ngữ văn 10 Tập I,NXBGD, 2006)
1/ Nêu nội dung chính của văn bản?
2/ Các từ chạy, ôm, hôn, nói thuộc từ loại gì ? Các từ đó xuất hiện như thế nào trong văn bản ? Nêu hiệu quả nghệ thuật của việc sử dụng các từ đó.
3/Tâm trạng chính của nàng Pê-nê-lốp trong lời nói với chồng là tâm trạng gì ? Vì sao nàng có tâm trạng đó ?
4/ Viết đoạn văn ngắn ( 5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ về hạnh phúc gia đình trong cuộc sống hôm nay.
Trả lời:
- Nội dung chính của văn bản: Lời nàng Pê-nê-lốp đối thoại với Uylixơ sau khi chàng tả đúng đặc điểm chiếc giường.
2/ Các từ chạy, ôm, hôn, nói thuộc từ loại động từ. Các từ đó xuất hiện hàng loạt trong một câu văn. Hiệu quả nghệ thuật của việc sử dụng các từ đó: thể hiện sự xúc động tột cùng của nàng Pê-nê-lốp khi đã tin tưởng và nhận ra người chồng thương yêu của mình sau thời gian xa cách. Qua đó, người đọc nhận ra tính cách thận trọng và vẻ đẹp tấm lòng thuỷ chung của nàng.
3/ Tâm trạng chính của nàng Pê-nê-lốp trong lời nói với chồng là tâm trạng lo sợ . Nàng sợ bị lừa dối. Bởi trong thời gian Uylixơ đi vắng, có 108 người quyền quý đến cầu hôn Pê-nê-lốp thì với số đông như vậy, Pê-nê-lốp không sợ mà còn tạo ra các mưu kế để đối phó. Còn giờ đây, khi bọn cầu hôn đã bị đánh đuổi, Pê-nê-lốp chỉ còn đối diện với một người, mà người đó lại có đủ sức mạnh và tài năng để giết lũ 108 người kia thì nàng lại sợ. Bởi lẽ, nàng có thể từ chối 108 người, nhưng lại khó lòng từ chối một người, sợ những lời đường mật đánh lừa, vì đời chẳng thiếu gì người xảo quyệt, chỉ làm điều tai ác.
4/ Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu :
-Hình thức: đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, cảm xúc chân thành ;
-Nội dung: Từ giây phút hạnh phúc của vợ chồng Pê-nê-lốp và Uylitxo trong văn bản, thí sinh bày tỏ suy nghĩ ý nghĩa của hạnh phúc gia đình trong cuộc sống hôm nay. Cụ thể : Gia đình là gì ? Hạnh phúc là gì ? Ý nghĩa của hạnh phúc gia đình trong cuộc sống như thế nào ? Bài học nhận thức và hành động.
Đề 2:
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi từ 1 đến 4:
Khi Uylixơ từ phòng tắm bước ra, trông người đẹp như một vị thần. Người lại trở về chỗ cũ, ngồi đối diện với Pêlênôp, trên chiếc ghế bành ban nãy, rồi nói với nàng:
– Nàng thật là người kỳ lạ! Hẳn là các thần trên núi Ôlempơ đã ban cho nàng một trái tim sắt đá hơn ai hết trong đám đàn bà yếu đuối, vì một người khác chắc chắn không bao giờ có gan ngồi cách xa chồng như thế, khi chồng đi biền biệt hai mươi năm trời, trải qua bao nỗi gian truân, nay mới được trở về xứ sở. Thôi, già ơi ! Già hãy kê cho tôi một chiếc giường để tôi ngủ một mình, như bấy lâu nay, vì trái tim trong ngực nàng kia là sắt.
Pêlênôp khôn ngoan đáp:
-Ngài kì lạ thật ! Không, tôi không kiêu ngạo, không khinh ngài, cũng không ngạc nhiên đến rối trí đâu. Tôi biết rất rõ ngài như thế nào khi ngài từ giã Itac ra đi trên một chiếc thuyền có mái chèo dài. Vậy thì, Ơriclê ! Già hãy khiêng chiếc giường chắc chắn ra khỏi gian phòng vách tường kiên cố do chính tay Uylixơ xây lên, rồi lấy da cừu, chăn và vải đẹp trải lên giường.
Nàng nói vậy để thử chồng, nhưng Uylixơ bỗng giật mình nói với người vợ chung thủy:
-Nàng ơi, nàng vừa nói một điều làm cho tôi chột dạ. Ai đã xê dịch giường tôi đi chỗ khác vậy ? Nếu không có thần giúp đỡ thì dù là người tài giỏi nhất cũng khó lòng làm được việc này. Nếu thần linh muốn xê dịch đi thì dễ thôi, nhưng người trần dù đang sức thanh niên cũng khó lòng lay chuyển được nó. Đây là một chiếc giường kì lạ, kiến trúc có điểm rất đặc biệt, do chính tay tôi làm lấy chứ chẳng phải ai…
( Trích Uy-lit-xơ trở về, Trang 50, Ngữ văn 10 Tập I,NXBGD, 2006)
1/ Nêu nội dung chính của văn bản?
2/ Chi tiết chiếc giường được nhắc đến mấy lần ? Nêu ý nghĩa chi tiết chiếc giường trong văn bản?
3/Miêu tả thái độ của Pê-nê-lốp, Hô-me thường sử dụng các định ngữ. Trong văn bản, định ngữ đó là gì ? Thuộc từ loại nào ? Định ngữ đó bộc lộ phẩm chất gì của Pê-nê-lốp ?
4/ Viết đoạn văn ngắn ( 5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ về lòng chung thuỷ của người phụ nữ trong cuộc sống hôm nay.
Trả lời:
- Nội dung chính của văn bản: Nàng Pê-nê-lốp đưa ra phép thử chiếc giường để thử thách Uylixơ . Ngay lập tức, Uylixơ đã giật mình, ngạc nhiên và nói rõ đặc điểm chiếc giường do chính mình làm.
2/ Chi tiết chiếc giường được nhắc đến 4 lần , trong đó Pê-nê-lốp nói đến 2 lần, Uylixơ nhắc đến cũng 2 lần.
Ý nghĩa chi tiết chiếc giường trong văn bản :
– Chiếc giường là biểu tượng hạnh phúc của vợ chồng ;
– Pê-nê-lốp phải dùng đến cách thử bí mật của chiếc giường trong màn nhận mặt nàng vì bí mật ấy giúp giải tỏa được nhiều mối nghi ngờ. Trước hết, để Pê-nê-lốp biết đó không phải là Uy-lít-xơ giả. Sau nữa, nó còn là minh chứng cho lòng chung thủy của nàng. Nếu chiếc giường đã bị chuyển đi hoặc đã không còn là bí mật của riêng hai vợ chồng nữa thì cũng có nghĩa là phẩm giá của Pê-nê-lốp cũng không còn nguyên vẹn. Phép thử ấy không những chỉ nói lên phẩm chất kiên trinh của Pê-nê-lốp mà còn khắc sâu sự bền vững của tình cảm gia đình, tình cảm vợ chồng cha con.
-Đây là thành công của Hô-me-rơ trong nghệ thuật kể chuyện vì qua việc lựa chọn và kể lại sự việc tiêu biểu với những chi tiết đặc sắc như thế đã làm câu chuyện thêm hấp dẫn.
3/ Miêu tả thái độ của Pê-nê-lốp, Hô-me thường sử dụng các định ngữ. Trong văn bản, định ngữ đó là từ khôn ngoan, thuộc từ loại tính từ. Định ngữ đó chứng tỏ Pê-nê-lốp là con người thận trọng, không cẩu thả, tắc trách.
4/ Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu :
-Hình thức: đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, cảm xúc chân thành ;
-Nội dung: Từ chi tiết phép thử chiếc giường của Pê-nê-lốp trong văn bản, thí sinh bày tỏ suy nghĩ về lòng chung thuỷ của người phụ nữ trong cuộc sống hôm nay. Cụ thể : lòng chung thuỷ là gì ? Ý nghĩa của lòng chung thuỷ như thế nào ? Bài học nhận thức và hành động?