Đề đọc hiểu và NLXH kĩ năng nói lời từ chối

 

VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ XÃ HỘI

(Con người và cuộc sống xung quanh)

Mục đích: Chia sẻ đề bài, dàn ý và bài viết tham khảo về một vấn đề xã hội

– Nội dung: VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ XÃ HỘI

BỘ KẾT NỐI

Đề bài

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

Từ chối là một kỹ năng sống quan trọng và cốt yếu. Không ai muốn mắc kẹt trong một mối quan hệ không mang lại hạnh phúc. Không ai muốn mắc kẹt với một công việc mà mình căm ghét và không tin vào nó. Không ai muốn cảm thấy rằng họ không thể nói ra điều mình thật sự muốn nói. Nhưng mọi người vẫn lựa chọn điều này. Mọi lúc.

Chúng ta cần phải từ chối một thứ gì đó. Nếu không, ta hoàn toàn không thể có nổi bản sắc cá nhân. Hành động lựa chọn một giá trị cho bản thân đòi hỏi việc từ chối lựa chọn giá trị khác. Nếu muốn có một tình bạn chân thành, tôi sẽ từ chối việc đối xử tệ bạc với bạn bè sau lưng họ. Nếu muốn một cuộc hôn nhân hạnh phúc, tôi sẽ không lấy rượu và ma túy làm lẽ sống của cuộc đời mình.

Thành thực là niềm khao khát tự nhiên của con người. Nhưng một phần của việc sở hữu tính trung thực trong cuộc đời chúng ta là thoải mái việc nói và nghe từ “không”. Theo đó, từ chối khiến cuộc đời bạn tốt đẹp hơn.

(Dẫn theo Mark Manson, Nghệ thuật tinh tế của việc “đếch” quan tâm, NXB Văn học, Hà Nội, 2019, tr.238)

 

Trả lời các câu hỏi: (Luận đề, luận điểm, lí lẽ, bằng chứng, yếu tố bổ trợ)

Câu 1: Vấn đề nghị luận mà đoạn trích trên bàn tới là gì?

Câu 2: Theo tác giả, vì sao chúng ta cần phải từ chối một thứ gì đó?

Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng ở đoạn 1 trong văn bản trên.

Câu 4: Nêu những lí lẽ và dẫn chứng mà tác giả đã sử dụng để chứng minh cho luận điểm: “Chúng ta cần phải từ chối một thứ gì đó”.

Câu 5: Theo tác giả, việc biết từ chối có mâu thuẫn với việc sống một cách thành thực hay không? Vì sao?

Câu 6: Theo anh/ chị, lý do gì khiến con người ta thường lựa chọn không nói lời từ chối?

Câu 7: Nêu hai hậu quả của việc không biết nói lời từ chối.

Câu 8: Theo anh/ chị, cần phải làm gì để nói lời từ chối hiệu quả?

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ về việc nói lời từ chối.

Hướng dẫn đáp án chi tiết

 

ĐỌC – HIỂU

Câu 1: Vấn đề nghị luận mà đoạn trích trên bàn tới là gì?

-Đoạn trích trên bàn về vấn đề: kỹ năng nói lời từ chối.

Câu 2: Theo tác giả, vì sao chúng ta cần phải từ chối một thứ gì đó?

-Theo tác giả, chúng ta cần phải từ chối một thứ gì đó Nếu không, ta hoàn toàn không thể có nổi bản sắc cá nhân. Hành động lựa chọn một giá trị cho bản thân đòi hỏi việc từ chối lựa chọn giá trị khác

Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng ở đoạn 1 trong văn bản trên.

Biện pháp tu từ: điệp ngữ “Không ai muốn…

Tác dụng: Nhấn mạnh vào nhu cầu thực tế của con người: không muốn tiếp tục mắc kẹt trong những lựa chọn sai lầm. Từ đó cho thấy nhu cầu cần thiết của việc nói lời từ chối.

Câu 4: Nêu những lí lẽ và dẫn chứng mà tác giả đã sử dụng để chứng minh cho luận điểm: “Chúng ta cần phải từ chối một thứ gì đó”.

Lí lẽ: Nếu không, ta hoàn toàn không thể có nổi bản sắc cá nhân. Hành động lựa chọn một giá trị cho bản thân đòi hỏi việc từ chối lựa chọn giá trị khác

Dẫn chứng: Nếu muốn có một tình bạn chân thành, tôi sẽ từ chối việc đối xử tệ bạc với bạn bè sau lưng họ. Nếu muốn một cuộc hôn nhân hạnh phúc, tôi sẽ không lấy rượu và ma túy làm lẽ sống của cuộc đời mình.

Câu 5: Theo tác giả, việc biết từ chối có mâu thuẫn với việc sống một cách thành thực hay không? Vì sao?

-Việc biết từ chối không mâu thuẫn với việc việc sống một cách thành thực.

-Vì một phần của việc sở hữu tính trung thực trong cuộc đời chúng ta là thoải mái việc nói và nghe từ “không”. Theo đó, từ chối khiến cuộc đời bạn tốt đẹp hơn. Khi biết nói lời từ chối với những thứ ta không thích hoặc ta cho là sai lầm, tức là ta đã trung thực với cảm xúc, với nhận thức của chính mình.

Câu 6: Theo anh/ chị, vì sao con người ta thường lựa chọn không nói lời từ chối?

-Người ta thường lựa chọn không nói lời từ chối vì sợ mất lòng người khác, sợ đánh mất cơ hội (dù đó có thể không phải là thứ phù hợp với mình).

Câu 7: Nêu hai hậu quả của việc không biết nói lời từ chối.

-Hậu quả của việc không biết nói lời từ chối:

+ Mắc kẹt trong các mối quan hệ/ công việc không mong muốn.

+ Bỏ lỡ những cơ hội khác tốt hơn đến với mình.

Câu 8: Theo anh/ chị, cần phải làm gì để nói lời từ chối hiệu quả?

Để nói lời từ chối hiệu quả, ta cần:

+ Lường trước tất cả những hậu quả tổn thương mà lời từ chối có thể gây ra với người khác và với bản thân mình.

+ Lựa chọn thời điểm, lựa chọn cách nói phù hợp để nói lời từ chối

+ Đề xuất những giải pháp thay thế cho đối phương để giúp họ giải quyết vấn đề.

LÀM VĂN

(Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)

Mở bài: Giới thiệu vấn đề trong cuộc sống cần bàn luận.

Nhà văn Phạm Lữ Ân đã từng viết: “Dẫu biết trăm năm là hữu hạn. Có gì ta không sống thật sâu.” Thời gian là vô hạn, năm tháng của con người là hữu hạn chính vì thế những triết lý sống để có được một cuộc đời ý nghĩa luôn là điều mà chúng ta theo đuổi. Và kỹ năng nói lời từ chối là một bài học như vậy.

Thân bài:

* Trình bày bản chất của vấn đề đời sống

Nói lời từ chối tức là nói “không” với những điều mình không mong muốn, không hài lòng, không đáp ứng hoặc không đồng ý. Nói “không” còn có nghĩa là dũng cảm kết thúc những điều mình cho là sai trái.

Nói lời từ chối là cách để ta bảo vệ chính kiến của mình, cũng là cách ta được sống thật với suy nghĩ, cảm xúc của mình. Khi biết nói “không”, ta cũng trở nên có bản sắc hơn trong mắt của mọi người xung quanh.

* Xem xét vấn đề dưới nhiều góc nhìn khác nhau, bàn về các khía cạnh của vấn đề.

– Tác hại:

Việc không biết nói lời từ chối sẽ khiến bản thân ta gặp phải nhiều rắc rối trong cuộc sống.

Không nói lời từ chối trong khi lẽ ra nên từ chối còn dễ khiến ta mắc kẹt trong những mối quan hệ sai lầm.

Không biết nói lời từ chối còn khiến ta đánh mất những cơ hội thực sự phù hợp với mình. Vấn đề nằm ở chỗ, ta thường không đủ dũng khí để từ chối những thứ không phù hợp với mình.

Không biết nói “không” để rồi bị mắc kẹt trong những lựa chọn sai lầm, ta sẽ sinh ra bất mãn, bực bội, lúc nào ta cũng sống trong hoài niệm, tiếc nuối. Tâm lý này chỉ càng làm cho thực tại của ta trở nên tồi tệ.

– Nguyên nhân:

Nguyên nhân đầu tiên khiến ta ngại nói lời từ chối bắt nguồn từ tâm lý sợ mất lòng, nhất là trong văn hóa của người Việt Nam ta.

Nguyên nhân thứ hai liên quan đến thói sĩ diện.

Thêm một nguyên nhân nữa đến từ sự hèn nhát và lười biếng.

-Giải pháp

Để rèn luyện được kỹ năng nói lời từ chối, đầu tiên ta phải có kỹ năng phân tích vấn đề.

Phân tích thấu đáo vấn đề rồi, ta cần nói “không” một cách dứt khoát, không để cho đối phương nghĩ rằng có thể còn cơ hội để bài nỉ, thỏa thuận.

Để lời từ chối được đối phương chấp nhận, ta cần đặt mình vào vị trí của họ để thấu hiểu những tổn thương mà lời từ chối có thể gây ra, hoặc những bất lợi mà họ gặp phải khi bị ta từ chối. Sau đó ta có thể lựa chọn thời điểm, cách nói cho phù hợp. Ta cũng có thể gợi ý cho họ những giải pháp thay thế sau khi ta từ chối.

Nếu không thể đưa ra lời tư vấn cho giải pháp thay thế, ít nhất ta cũng nên giải thích rõ ràng lý do của sự từ chối, để đối phương hiểu và cảm thông, chấp nhận.

* Bàn luận vấn đề từ góc nhìn trái chiều

Có nhiều người vẫn cho rằng nói lời từ chối chỉ khiến mình mất đi cơ hội, làm tổn hại đến những mối quan hệ xung quanh. Hãy nhớ rằng mục đích của cuộc đời mỗi người là tìm kiếm hạnh phúc. Vậy nếu chúng ta cứ dùng thời gian hữu hạn của đời mình vào việc đáp ứng đòi hỏi của người khác, hoặc trả giá cho những lựa chọn sai lầm của mình, thì liệu chúng ta có thực sự hạnh phúc?

Lại cũng có người cho rằng thật khó để chấp nhận lời từ chối của người khác đối với mình, rằng sự từ chối đó là một sự xúc phạm, một sự thờ ơ, vô cảm hoặc thiếu trách nhiệm, rằng họ quá kiêu ngạo nên mới từ chối đề nghị của ta. Những lúc ấy, ta cần tự hỏi: Nếu sự giúp đỡ/ nhận lời mà họ dành cho ta không phải là một sự tự nguyện mà là một sự cưỡng ép, thì ta có thể cưỡng ép họ mãi được không?

* Phân tích tác động của việc nhận thức đúng đắn về vấn đề đối với cá nhân hoặc cộng đồng.

Khi nhận thức được sự cần thiết của việc biết nói lời từ chối, ta sẽ cảm thấy dễ dàng và thoải mái hơn khi nói “không”. Ta sẽ được sống thật với suy nghĩ, cảm xúc của mình. Ta cũng sẽ trở nên có bản sắc riêng hơn trong mắt người khác.

Biết từ chối cũng giúp ta bảo vệ được uy tín cá nhân của mình

Biết từ chối cũng mở ra cơ hội cao hơn để đạt được thành công trong cuộc đời.

Ở cấp độ cộng đồng, ví dụ như đối với các quốc gia, dân tộc, việc nói từ “không” sẽ giúp cho mỗi quốc gia bảo vệ được bản sắc của mình, an ninh của mình.

Kết bài: Rút ra ý nghĩa của việc bàn luận vấn đề.

Biết từ chối giúp cuộc sống của ta tốt hơn, đúng như thế. Riêng với người Việt Nam ta, vượt qua trở ngại của thói quen sợ mất lòng sẽ là một bước tiến lớn trên hành trình rèn luyện kỹ năng nói lời từ chối.

 

Bài viết tham khảo

 

Nhà văn Phạm Lữ Ân đã từng viết: “Dẫu biết trăm năm là hữu hạn. Có gì ta không sống thật sâu.” Thời gian là vô hạn, năm tháng của con người là hữu hạn chính vì thế những triết lý sống để có được một cuộc đời ý nghĩa luôn là điều mà chúng ta theo đuổi. Và kỹ năng nói lời từ chối là một bài học như vậy.

Nói lời từ chối tức là nói “không” với những điều mình không mong muốn, không hài lòng, không đáp ứng hoặc không đồng ý. Nói “không” còn có nghĩa là dũng cảm kết thúc những điều mình cho là sai trái, ví dụ như một mối quan hệ không đúng đắn, một công việc không phù hợp.

Nói lời từ chối là cách để ta bảo vệ chính kiến của mình, cũng là cách ta được sống thật với suy nghĩ, cảm xúc của mình. Khi biết nói “không”, ta cũng trở nên có bản sắc hơn trong mắt của mọi người xung quanh. Vì trong khi rất nhiều người chạy theo đám đông, để mình bị cuốn đi cùng suy nghĩ, cảm xúc của người khác, ta biết dũng cảm nêu ra ý kiến trái chiều.

Việc không biết nói lời từ chối sẽ khiến bản thân ta gặp phải nhiều rắc rối trong cuộc sống. Chẳng hạn như khi được người khác nhờ vả làm điều gì đó mà mình không tiện giúp hoặc không đủ điều kiện để giúp, sẽ ra sao nếu ta vẫn miễn cưỡng ép buộc mình giúp người ta? Ta sẽ chỉ cảm thấy bực bội vì mất thời gian, công sức chứ không có được niềm vui khi giúp đỡ người khác. Tệ hơn, công việc cá nhân của ta có thể bị ảnh hưởng, chậm tiến độ, không thể hoàn thành, hoặc ta không còn chút thời gian nào cho bản thân hoặc cho gia đình, người thân.

Không nói lời từ chối trong khi lẽ ra nên từ chối còn dễ khiến ta mắc kẹt trong những mối quan hệ sai lầm. Ví dụ một mối quan hệ bạn bè hoặc một mối quan hệ hôn nhân đã trở thành sai lầm. Không biết nói lời từ chối lúc này đồng nghĩa với việc từ chối nhìn nhận những sai lầm, khuyết điểm trong mối quan hệ ấy. Mà từ chối nhìn nhận thì cũng đồng nghĩa với việc từ chối cơ hội sửa chữa, cơ hội làm lại.

Không biết nói lời từ chối còn khiến ta đánh mất những cơ hội thực sự phù hợp với mình. Chẳng hạn khi đứng trước cơ hội học tập, tìm việc làm, nếu ta không phân tích, suy xét kĩ càng mà cứ chấp nhận cơ hội đầu tiên đến với mình với suy nghĩ rằng nếu ta từ chối thì mai này sẽ không còn cơ hội nào tốt hơn đến với ta nữa. Rồi sau đó nhận ra ngành học/ công việc này không phù hợp lắm với mình, nhưng ta vẫn cố chấp theo đuổi vì sợ nếu từ bỏ sẽ phải làm lại từ đầu. Những lần từ chối nói “không” như thế sẽ khiến ta đánh mất những cơ hội tốt hơn mà ta không chịu để cho nó đến. Trường hợp của Bill Gate và Mark Zuckerburg là những ví dụ rất sinh động cho việc dũng cảm nói lời từ chối. Cả hai ông trùm công nghệ đều nói “không” với đại học Havard để có thể theo đuổi đam mê thực sự của mình và đã thành công. Vấn đề nằm ở chỗ, ta thường không đủ dũng khí để từ chối những thứ không phù hợp với mình.

Không biết nói “không” để rồi bị mắc kẹt trong những lựa chọn sai lầm, ta sẽ sinh ra bất mãn, bực bội, lúc nào ta cũng sống trong hoài niệm, tiếc nuối. Tâm lý này chỉ càng làm cho thực tại của ta trở nên tồi tệ.

Nguyên nhân đầu tiên khiến ta ngại nói lời từ chối bắt nguồn từ tâm lý sợ mất lòng, nhất là trong văn hóa của người Việt Nam ta. Ta cứ lo sợ rằng người bị từ chối sẽ phật ý, không hài lòng về ta, rồi sau đó họ sẽ bỏ mặc ta lúc ta cần họ giúp đỡ. Ngay cả khi yêu cầu của họ vượt quá khả năng của ta, ta cũng cố gắng thực hiện, chỉ vì nghĩ rằng “rồi sau này mình cần thì họ giúp”.

Nguyên nhân thứ hai liên quan đến thói sĩ diện. Khi mắc phải thói này, ta sẽ cho rằng nói lời từ chối sẽ đồng nghĩa với việc thừa nhận năng lực mình yếu kém. Khao khát muốn chứng minh năng lực khiến ta dễ dàng đồng ý với bất cứ yêu cầu nào người khác đặt ra. Rồi sau khi đồng ý, ta sẽ tìm mọi cách thực hiện yêu cầu đó, chỉ để được thừa nhận rằng mình giỏi/ có năng lực cao.

Thêm một nguyên nhân nữa đến từ sự hèn nhát và lười biếng. Hèn nhát, lười biếng, không biết nói lời từ chối, vậy mà lại có liên quan đến nhau. Vì hèn nhát, ta không có đủ dũng khí để nói “không”, ta không dám đối diện với những hậu quả mà lời từ chối gây ra.  Vì lười biếng, ta ngại nói lời từ chối để rồi phải bắt đầu lại từ đầu, bắt đầu lại một công việc khác, tìm kiếm một mối quan hệ khác,…

Để rèn luyện được kỹ năng nói lời từ chối, đầu tiên ta phải có kỹ năng phân tích vấn đề. Bởi chỉ khi nhận thức được vấn đề một cách thấu đáo, ta mới biết được khi nào mình cần phải nói lời từ chối. Ta sẽ gạt bỏ được tâm lý e ngại, sợ mất lòng, vì ta biết chắc chắn rằng nói “không” sẽ giúp ta tốt hơn.

Phân tích thấu đáo vấn đề rồi, ta cần nói “không” một cách dứt khoát, không để cho đối phương nghĩ rằng có thể còn cơ hội để bài nỉ, thỏa thuận. Bởi vì việc ta không dứt khoát khi nói “không” chỉ càng làm tốn thêm thời gian của đôi bên mà vấn đề vẫn không được giải quyết.

Để lời từ chối được đối phương chấp nhận, ta cần đặt mình vào vị trí của họ để thấu hiểu những tổn thương mà lời từ chối có thể gây ra, hoặc những bất lợi mà họ gặp phải khi bị ta từ chối. Sau đó ta có thể lựa chọn thời điểm, cách nói cho phù hợp. Ta cũng có thể gợi ý cho họ những giải pháp thay thế sau khi ta từ chối. Việc tư vấn này sẽ giúp họ hiểu là ta rất có thiện chí giúp đỡ, mặc dù bây giờ ta không thể thực hiện yêu cầu của họ.

Nếu không thể đưa ra lời tư vấn cho giải pháp thay thế, ít nhất ta cũng nên giải thích rõ ràng lý do của sự từ chối, để đối phương hiểu và cảm thông, chấp nhận. Điều này sẽ giúp ta từ chối mà vẫn duy trì được mối quan hệ tốt đẹp với đối phương hoặc chí ít cũng không làm mối quan hệ đó xấu đi.

Có nhiều người vẫn cho rằng nói lời từ chối chỉ khiến mình mất đi cơ hội, làm tổn hại đến những mối quan hệ xung quanh. Hãy nhớ rằng mục đích của cuộc đời mỗi người là tìm kiếm hạnh phúc. Vậy nếu chúng ta cứ dùng thời gian hữu hạn của đời mình vào việc đáp ứng đòi hỏi của người khác, hoặc trả giá cho những lựa chọn sai lầm của mình, thì liệu chúng ta có thực sự hạnh phúc? Tôi cho rằng, hạnh phúc phải bắt đầu từ việc được sống thật với bản thân, cả thật với cảm xúc và thật với suy nghĩ. Và vì để sống thật với cảm xúc và suy nghĩ của mình, ta sẽ thấy thoải mái khi nói từ “không” với người khác.

Lại cũng có người cho rằng thật khó để chấp nhận lời từ chối của người khác đối với mình, rằng sự từ chối đó là một sự xúc phạm, một sự thờ ơ, vô cảm hoặc thiếu trách nhiệm, rằng họ quá kiêu ngạo nên mới từ chối đề nghị của ta. Những lúc ấy, ta cần tự hỏi: Nếu sự giúp đỡ/ nhận lời mà họ dành cho ta không phải là một sự tự nguyện mà là một sự cưỡng ép, thì ta có thể cưỡng ép họ mãi được không? Và tôi nghĩ hẳn là không ai có thể hạnh phúc với việc nhận ra rằng tình cảm của người khác dành cho mình chỉ là một sự miễn cưỡng, chiếu cố hoặc chịu đựng.

Khi nhận thức được sự cần thiết của việc biết nói lời từ chối, ta sẽ cảm thấy dễ dàng và thoải mái hơn khi nói “không”. Ta sẽ được sống thật với suy nghĩ, cảm xúc của mình. Ta cũng sẽ trở nên có bản sắc riêng hơn trong mắt người khác. Vì ta biết từ chối, biết phản đối những điều mình không cho là đúng đắn, ta giữ được chính kiến riêng của mình giữa đám đông.

Biết từ chối cũng giúp ta bảo vệ được uy tín cá nhân của mình. Chẳng hạn như trong trường hợp của một người nổi tiếng. Một ca sĩ, diễn viên nổi tiếng thường đứng trước những lời mời quảng cáo rất hấp dẫn với tiền cát-xê “khủng”. Sự hấp dẫn đó dễ khiến người ta xiêu lòng mà đồng ý kí kết hợp đồng quảng cáo, bất chấp việc chất lượng sản phẩm có đúng như lời quảng cáo hay không. Không phải nghệ sĩ nào cũng có thể nói “không” một cách thẳng thắn với những đề nghị nói dối như vậy. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi khán giả sử dụng và phát hiện ra tất cả chỉ là lừa bịp? Hẳn lúc đó, không chỉ bản thân công ti kinh doanh sản phẩm kia bị lên án, tẩy chay mà bản thân người nghệ sĩ đã làm “gương mặt đại diện” cho họ cũng bị ảnh hưởng.

Biết từ chối cũng mở ra cơ hội cao hơn để đạt được thành công trong cuộc đời. Vì biết phân tích và chọn lọc, ta biết từ chối những thứ không phù hợp với mình để đầu tư thời gian, công sức, tình cảm vào những thứ phù hợp hơn. Steve Jobs- CEO nổi tiếng của hãng Apple đã từng có một phương châm làm việc là “nói không với tất cả mọi thứ để tập trung tối ưu nhất những gì mà mình đang làm”. Để tập trung tối ưu nhất những gì mình đang theo đuổi, ông luôn dứt khoát từ chối các dự án đầy hứa hẹn và tiềm năng. Thành công của “Quả táo” chính là một minh chứng hùng hồn cho tác dụng của việc biết nói lời từ chối.

Ở cấp độ cộng đồng, ví dụ như đối với các quốc gia, dân tộc, việc nói từ “không” sẽ giúp cho mỗi quốc gia bảo vệ được bản sắc của mình, an ninh của mình. Trước làn sóng di cư, tị nạn ồ ạt, có những quốc gia châu Âu đã mở cửa biên giới mà không có chọn lọc, kiểm soát. Giờ đây, họ đang phải đối diện với những vấn đề như bạo loạn, gánh nặng bảo trợ xã hội, bất ổn chính trị, nguy cơ khủng bố, … Đó là những gì đang xảy ra ở Pháp, Đức, … Trong khi đó, nước Anh vẫn tương đối ổn định hơn, bởi vì trước đó, khi không đạt được những quan điểm chung với phần còn lại với khối EU, họ đã dũng cảm nói lời từ chối bằng cách ra khỏi Liên minh châu Âu. Quá trình Brexit đó của nước Anh chính là một ví dụ cho việc một quốc gia vẫn có thể nói lời từ chối để bảo vệ chính mình.

Biết từ chối giúp cuộc sống của ta tốt hơn, đúng như thế. Riêng với người Việt Nam ta, vượt qua trở ngại của thói quen sợ mất lòng sẽ là một bước tiến lớn trên hành trình rèn luyện kỹ năng nói lời từ chối.

 

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *