Chuyên đề: Chinh phục đoạn văn nghị luận xã hội 200 từ- ( phần 1 )

CHUYÊN ĐỀ :CHINH PHỤC ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 TỪ

Cấu trúc chuyên đề :
Phần Lí thuyết:
I. Cách viết đoạn văn trong đề thi môn văn
II. Hai loại đoạn văn thường gặp: 

  1. Nghị luận về tư tưởng đạo lý
  2. Nghị luận về hiện tượng đời sống

Phần Bài tập tham khảo :

 

LÝ THUYẾT

 Điểm khác biệt giữa đề Nghị luận xã hội thông thường với đề  Nghị luận xã hội  200 chữ trong kì thi THPT Quốc gia của Bộ :
Thứ nhất : Thay đổi về cách ra đề .Đề bài yêu cầu bàn luận/ đánh giá về một vấn đề được đặt ra trong đề đọc hiểu. Có những đề yêu cầu dựa vào nội dung ở phần đọc hiểu, anh ( chị) hãy viết đoạn văn 200 chữ bàn về… Hoặc có những đề trích dẫn một câu văn và yêu cầu học sinh bàn luận,…
Học sinh chỉ có thể làm tốt phần nghị luận xã hội khi đã hiểu thông điệp của văn bản ở đề đọc hiểu và câu văn được trích dẫn .
Thứ hai : Bị giới hạn về dung lượng. Trước đây học sinh viết BÀI VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI,  nhưng hiện nay chỉ cần viết ĐOẠN VĂN 200 TỪ ( 200 chữ ). Vì vậy thời lượng làm bài  và biểu điểm bị rút ngắn, rất nhiều em gặp khó khăn về vấn đề này.
 I.Cách viết đoạn văn trong đề thi môn Ngữ văn:
1.Lí thuyết về đoạn văn:
– Về nội dung:
Đoạn văn là một phần của văn bản, nó diễn đạt ý hoàn chỉnh ở một mức độ nào đó logic ngữ nghĩa, có thể nắm bắt được một cách tương đối dễ dàng.
Tuy nhiên, đoạn văn Nghị luận xã hội 200 chữ cần bám sát yêu cầu của đề và dựa trên nội dung/ thông điệp ở phần đọc hiểu.
– Về hình thức:
Đoạn văn luôn luôn hoàn chỉnh. Sự hoàn chỉnh đó thể hiện ở những điểm sau: Một đoạn văn được bắt đầu từ chữ cái viết hoa lùi đầu dòng đến chỗ chấm xuống dòng.
– Cấu trúc một đoạn văn:
+ Đoạn văn thường có từ ngữ chủ đề và câu chủ đề:
++ Từ ngữ chủ đề : là các từ ngữ được lặp lại nhiều lần nhằm duy trì đối tượng được biểu đạt.
++ Câu chủ đề: là câu nêu lên ý chính của toàn đoạn, mang nội dung khái quát, ý nghĩa ngắn gọn. Thường đứng ở đầu hoặc cuối đoạn văn.
+ Các câu trong đoạn:
++ Có nhiệm vụ triển khai và làm rõ chủ đề của đoạn
++ Trình bày theo các phép diễn dịch, quy nạp, song hành…
2. Cách viết đoạn theo yêu cầu của đề:
a.Xác định và đáp ứng các yêu cầu của đề:
– Về nội dung: Đề bài có thể trích dẫn hoặc không trích dẫn câu văn trong phần đọc hiểu. Điều quan trọng là các em cần  hiểu yêu cầu của đề và xác định hướng đi đúng đắn.
+ Thứ nhất: Phải xác định được Đề bài yêu cầu viết về vấn đề gì? (nội dung của đoạn văn).
Đây là yêu cầu quan trọng nhất, đòi hỏi người viết phải bày tỏ quan điểm cá nhân rõ ràng.
Cụ thể: Người viết hiểu vấn đề đó là gì (giải thích), tại sao lại nói như thế (phân tích).
+ Thứ hai: Cần phải có dẫn chứng thuyết phục bằng các ví dụ cụ thể trong đời sống.
+ Thứ ba: Phải đánh giá và nêu thái độ của người viết trước vấn đề đang bàn luận. Cần nêu ra những bài học nhận thức sau khi bàn luận. Từ đó, đề xuất những giải pháp thiết thực và khả thi cho bản thân mình và tất cả mọi người.
 Đối với dạng “đề nổi” , học sinh có thể dễ dàng nhận ra phạm vi nội dung và phương pháp lập luận. Đối với dạng đề chìm, học sinh phải tự mày mò hướng đi. Ví dụ  :
+ Viết 1 đoạn văn 200 chữ  về sự hi sinh thầm lặng của mẹ trong cuộc sống ngày hôm nay ( đề nổi) . Học sinh dễ dàng xác định phạm vi nội dung : Thế nào là sự hi sinh thầm lặng ? biểu hiện của sự hi sinh thầm lặng ? tác dụng ? phê phán những người con bất hiếu, bài học rút ra cho bản thân, …
+ Viết 1 đoạn văn 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh chị về ý nghĩa câu chuyện được trích dẫn ở phần đọc hiểu :

NGƯỜI ĂN XIN

Một người ăn xin đã già. Đôi mắt ông đỏ hoe, nước mắt ông giàn giụa, đôi môi tái nhợt áo quần tả tơi. Ông chìa tay xin tôi.
Tôi lục hết túi nọ đến túi kia, không có lấy một xu, không có cả khăn tay, chẳng có gì hết. Ông vẫn đợi tôi. Tôi chẳng biết làm thế nào. Bàn tay tôi run run nắm chặt lấy bàn tay nóng hổi của ông:
– Xin ông đừng giận cháu! Cháu không có gì cho ông cả.
Ông nhìn tôi chăm chăm đôi môi nở nụ cười:
Cháu ơi,cảm ơn cháu!Như vậy là cháu đã cho lão rồi.
Khi ấy tôi chợt hiểu ra: cả tôi nữa tôi cũng vừa nhận được một cái gì đó của ông.

(Theo Tuốc- ghê- nhép)

Với đề bài này, học sinh cần hiểu ý nghĩa câu chuyện, xác định vấn đề nghị luận và thao tác lập luận chủ yếu :
HS tự do bày tỏ cảm nhận của bản thân:
– Có thể HS trình bày về giá trị của  tình yêu thương, sự đồng cảm trong  cuộc sống.
– Có thể HS trình bày bài học về một thái độ, cách ứng xử, ý thức cho và nhận của con người trong cuộc sống
– Có thể HS trình bày lời chia sẻ với những số phận bất hạnh…
Hoặc đôi khi đề bài trích dẫn 1 câu văn trong đề đọc hiểu và yêu cầu học sinh viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ, ví dụ như đề thi minh họa của Bộ GD ( sẽ nói kĩ ở phần sau).
 – Về hình thức:
+ Thứ nhất  :Đề bài yêu cầu viết đoạn văn 200 chữ, học sinh cần trình bày trong 1 đoạn văn ( không được ngắt xuống dòng ), dung lượng an toàn  khoảng 2/3 tờ giấy thi ( khoảng trên dưới 20 dòng viết tay), có thể nhiều hơn 1 vài dòng cũng không bị trừ điểm. Đoạn văn cần diễn dạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
+ Thứ hai: Đoạn văn phải đảm bảo bố cục ba phần: Đặt vấn đề – Giải quyết vấn đề – Kết thúc vấn đề.
+ Thứ ba: Đoạn văn sử dụng các thao tác lập luận: Giải thích – Phân tích – Chứng minh – Bình luận – Bác bỏ – Bình luận mở rộng. Diễn đạt phải trong sáng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
b. Tìm ý cho đoạn văn:
– Xác định sẽ viết những nội dung cụ thể gì (ý chính)?
– Ghi ra giấy nháp những ý chính của đoạn văn (theo hệ thống các thao tác lập luận).
– Việc tìm ý cho đoạn văn sẽ  giúp ta hình dung được những ý chính cần viết, tránh tình trạng viết lan man dài dòng, không trọng tâm.
c. Các bước viết đoạn văn hoàn chỉnh :
–  Sau khi tìm được những ý chính cho đoạn văn, chúng ta tiến hành viết câu mở đầu.
+ Câu mở đầu có nhiệm vụ dẫn dắt vấn đề.
+ Đối với đoạn văn trong đề đọc hiểu, nên dẫn dắt từ nội dung/ câu nói của văn bản được trích dẫn.
– Đoạn văn có thể trình bày theo nhiều cách  khác nhau, nhưng cách đơn giản nhất là trình bày theo kiểu diễn dịch:
+ Tức là câu chủ đề nằm ở đầu đoạn (thường là lời bày tỏ ý kiến đánh giá, nhận xét câu nói/ vấn đề).
+ Các câu sau triển khai ý, làm rõ ý của câu mở đầu (ý kiến đánh giá, nhận xét câu nói/ vấn đề).
– Viết các câu nối tiếp câu mở đầu :
+ Dựa vào các ý chính vừa ghi trên giấy nháp, chúng ta tiến hành viết đoạn văn.
+ Các câu nối tiếp lần lượt sử dụng các thao tác lập luận: Giải thích – Phân tích – Chứng minh – Bình luận – Bác bỏ – Bình luận mở rộng.
+ Lưu ý cách diễn đạt và lỗi chính tả.
– Viết câu kết của đoạn văn :
+ Câu kết của đoạn có nhiệm vụ kết thúc vấn đề.
+ Dù đoạn văn dài hay ngắn thì câu kết cũng giữ vai trò quan trọng, để lại ấn tượng cho người đọc.
+  Câu kết có thể nêu cảm xúc cá nhân, mở rộng vấn đề (nêu bài học chung), hoặc tóm lược vấn đề vừa trình bày
– Lưu ý:
+ Cần trình bày quan điểm cá nhân nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
+ Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…) .
Tóm lại:
– Để tìm được ý cho đoạn văn, cần xem xét vấn đề ở nhiều góc độ. Cách đơn giản nhất là thử đặt ra và trả lời các câu hỏi:
+ Nó (vấn đề) là gì? Nó (câu nói) như thế nào?
+ Tại sao lại như thế?
+ Điều đó đúng hay sai, hay vừa đúng vừa sai?
+ Nó được thể hiện như thế nào (trong văn học, trong cuộc sống)?
+ Điều đó có ý nghĩa gì đối với cuộc sống, với con người, bản thân…?
+ Cần phải làm gì để thực thi/hạn chế vấn đề/câu nói?
– Từ việc đặt ra và trả lời các câu hỏi trên, có thể hình dung một đoạn văn nghị luận cần được triển khai theo ba bước:
+ Thứ nhất: Giải thích.
. Trước tiên, cần giải thích nghĩa cụ thể của các một số từ ngữ, khái niệm còn ẩn ý hoặc chưa rõ nghĩa.
. Sau đó giải thích ý nghĩa cả câu nói.
+ Thứ hai: Phân tích và chứng minh.
. Lí giải vấn đề, làm sáng tỏ vấn đề.
. Dẫn ra các ví dụ về những con người và sự việc cụ thể trong đời sống, xã hội, lịch sử…
+ Thứ ba: Bình luận, đánh giá, mở rộng.
. Khẳng định lại chân lí (bình luận, đánh giá).
. Mở rộng và nâng cao vấn đề: Phê phán những hiện tượng đi ngược lại chân lí; Liên hệ bản thân để rút ra bài học.
Cấu trúc đoạn 200 chữ theo yêu cầu đề thi:
– Câu mở đoạn: Giới thiệu vấn đề (khoảng 2 – 4 dòng).
– Các câu phát triển đoạn: (12 – 16 dòng).
Vận dụng các thao tác:
+ Giải thích (Câu nói nêu lên vấn đề gì?)
+ Lí giải (Vì sao lại nói như thế?)
+ Dẫn chứng (Họ đã làm thế nào?)
+ Bình luận (Vấn đề đúng hay sai hay vừa đúng vừa sai?)
+ Bác bỏ (Hiện tượng trái ngược cần phê phán là gì?)
– Câu kết đoạn: Rút ra bài học. (Bản thân và mọi người cần phải làm gì?) (2 – 4 dòng)
 – Trong đoạn văn nghị luận xã hội, bên cạnh việc cắt nghĩa, lí giải, đánh giá vấn đề là điều cần thiết thì khâu chứng minh cũng rất quan trọng. Để đoạn văn nghị luận xã hội hấp dẫn, sinh động, cần có hệ thống dẫn chứng thích hợp. Yêu cầu dẫn chứng:* Lưu ý:
+ Đó phải là những dẫn chứng lấy ra từ đời sống thực tế, càng xác thực, càng cụ thể càng có sức thuyết phục cao.
+ Hạn chế lấy dẫn chứng từ tác phẩm văn học.
+ Khi đưa dẫn chứng vào, không kể lan man mà nên thuật lại một cách ngắn gọn, nhấn mạnh vào khía cạnh ứng dụng của dẫn chứng đối với vấn đề đang chứng minh. Đưa dẫn chứng phải kèm theo thái độ, quan điểm đánh giá rõ ràng.
– Khi liên hệ thực tế để rút ra bài học: cần bày tỏ thái độ chân thành, nghiêm túc, tránh cách nói sáo mòn, gượng ép, giả tạo, “công thức”.

II. Hai loại đoạn văn thường gặp:

 Link phần 2 : http://vanhay.edu.vn/chuyen-de-chinh-phuc-doan-van-nghi-luan-xa-hoi-200-tu-phan-2

3 bình luận trong “Chuyên đề: Chinh phục đoạn văn nghị luận xã hội 200 từ- ( phần 1 )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *