Chuyên đề chinh phục đoạn văn Nghị luận xã hội.
Chuyên đề gồm 2 phần :
Phần 1 :Phương pháp viết đoạn văn Nghị luận xã hội
Phần 2 “: Bộ đề NLXH và đoạn văn mẫu tham khảo
Nội dung :
Mục lục
Phần 1 :Phương pháp viết đoạn văn Nghị luận xã hội
Điểm mới trong câu Nghị luận xã hội – Đề thi THPT Quốc gia năm 2017
– Theo phương án tổ chức kì thi Trung học phổ thông quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bài thi môn Ngữ văn có cấu trúc gồm hai phần: Phần Đọc – hiểu (3,0 điểm) và phần Làm văn (7,0 điểm). Phần Làm văn có hai câu: một câu nghị luận xã hội và một câu nghị luận văn học, nhằm kiểm tra năng lực tạo lập văn bản của học sinh.
– So với đề đề hai năm trước, câu Nghị luận xã hội vẫn là phần thi bắt buộc, vẫn chủ yếu là những câu hỏi dạng mở, nhưng phần thi này năm nay, có một số điểm mới:
Điểm mới | Năm 2015, 2016 | Năm 2017 |
Điểm số | 3,0 | 2,0 |
Hình thức | Bài văn | Đoạn văn |
Dung lượng | 600 chữ | 200 chữ |
Vấn đề nghị luận | Độc lập so với các phần trong đề thi | Lấy từ văn bản Đọc hiểu (tích hợp với đọc hiểu) |
Thuận lợi và khó khăn
– Thuận lợi: Vấn đề NL gắn với tri thức đọc hiểu, HS không phải chuyển mạch/ngắt mạch suy nghĩ, có thể nhanh chóng xác định nội dung nghị luận.
– Khó khăn: Dung lượng ngắn (khoảng 200 chữ), thời gian hạn hẹp; HS khó có thể trình bày quan điểm một cách sâu sắc kĩ lưỡng, khó có những tìm tòi sáng tạo trong diễn đạt; một số HS không có kĩ năng thường viết một cách cảm tính thậm chí trình bày lại tri thức ở ngữ liệu đọc hiểu.
Định hướng cách viết đoạn văn nghị luận xã hội
Để làm tốt câu Nghị luận xã hội trong bài thi THPT Quốc gia, học sinh cần chú ý một số định hướng sau:
– Trang bị cho mình phương pháp đọc, cách tìm hiểu, phân tích, đánh giá …
– Nội dung và yêu cầu của câu nghị luận xã hội gắn với phần Đọc – hiểu, dựa vào kết quả đọc hiểu. Tuy nhiên, đề thường chỉ lấy một ý trong phần Đọc hiểu thông qua một vài câu mang tính chất danh ngôn để yêu cầu người viết phát biểu, trình bày suy nghĩ của mình.
– Đề nghị luận xã hội thường là câu hỏi mở nên học sinh cần có những hiểu biết cơ bản về dạng đề này:
+ Câu hỏi mở: Về hình thức, đó là loại câu hỏi chỉ nêu vấn đề cần bàn luận trong bài nghị luận hoặc nêu đề tài mà không nêu mệnh lệnh gì về thao tác lập luận. Về nội dung, người viết có thể nêu lên nhiều ý kiến, nhiều cách lập luận và cách lí giải khác nhau, thậm chí có thể ngược nhau, miễn là có lí, có sức thuyết phục. Như vậy người viết được lựa chọn thao tác lập luận và tự do bày tỏ quan niệm của mình nhưng quan niệm ấy phải phù hợp với đạo lí, pháp luật và quan trọng là phải thuyết phục.
+ Dạng đề mở khuyến khích được những suy nghĩ đa dạng, phong phú của nhiều đối tượng học sinh khác nhau, phân hóa được đối tượng học sinh, người viết khó mà chép được “văn mẫu”, phải tự mình suy nghĩ và viết ra những ý nghĩ của chính mình… Chất lượng bài không được đo bởi sự ngắn dài. Quan trọng là học sinh phải viết ngắn gọn, sáng sủa, trình bày những suy nghĩ, cảm xúc của mình một cách trung thực, chân thành.
+ Dù là đề mở, nhưng không phải ai thích nói gì thì nói mà cách nói đó phải có lí, có sức thuyết phục. Dù muốn hay không, bài viết cũng phải nêu lên được cách hiểu và đưa ra được những ý cơ bản đáp ứng được yêu cầu của đề (vẫn phải có một cái khung sườn cơ bản)
– Câu nghị luận xã hội trong bài thi THPT quốc gia với dung lượng khoảng 200 chữ và viết dưới hình thức một đoạn văn. Người viết cần nắm chắc những yêu cầu đối với đoạn văn.
– Trong đoạn văn nghị luận xã hội, bên cạnh việc cắt nghĩa, lí giải và đánh giá, khâu chứng minh rất quan trọng. Nó chứng tỏ mức độ hiểu và sự chủ động trong cách xử lí vấn đề của người viết. Vì vậy, cần có một hệ thống dẫn chứng thích hợp. Đó là những dẫn chứng chính xác, khách quan, tiêu biểu, chọn lọc. Vì dung lượng hạn chế nên việc đưa dẫn chứng cũng cần được xem xét. Không kể lể dài dòng mà nên thuật lại một cách ngắn gọn, nhấn mạnh vào khía cạnh ứng dụng của dẫn chứng đối với ý trình bày. Đưa dẫn chứng cần đúng lúc, đúng chỗ và có tính mục đích cao.
– Khi liên hệ thực tế, người viết cần có thái độ chân thành và nghiêm túc, tránh cách nói sáo mòn, gượng ép, giải tạo…
– Câu Nghị luận xã hội thường yêu cầu học sinh ở ba mức độ tư duy:
+ Mức độ thông hiểu: Giải thích được ý kiến, nhận định.
+ Mức độ vận dụng: Bàn luận, đánh giá ý kiến (đưa ra quan điểm cá nhân về vấn đề cần nghị luận và phân tích, lí giải quan điểm đó)
+ Mức độ vận dụng cao: Liên hệ thực tế cuộc sống và bản thân, rút ra bài học từ vấn đề cần nghị luận…
Tuy nhiên, do hạn chế về dung lượng, đoạn văn nên tập trung đưa ra ý kiến của người viết và phân tích, lí giải ý kiến đó bằng lí lẽ và dẫn chứng chọn lọc. Phần giải thích, phần bàn bạc mở rộng nên viết ngắn gọn.
Củng cố kiến thức về đoạn nghị luận xã hội
Khái niệm và đặc điểm của Đoạn văn
– Khái niệm: Đoạn văn là tập hợp các câu văn được liên kết chặt chẽ về cả hình thức và nội dung. Về nội dung, đoạn văn diễn đạt trọn vẹn một ý, một chủ đề nào đó. Về hình thức, đoạn văn là phần văn bản được mở đầu bằng câu viết lùi vào và kết thúc bằng dấu chấm xuống dòng.
– Một đoạn văn có mô hình đầy đủ bao gồm ba phần: mở đoạn, thân đoạn và kết đoạn.
+ Phần mở đoạn: Giới thiệu nội dung toàn đoạn.
+ Phần thân đoạn: Triển khai nội dung cụ thể của đoạn văn.
+ Phần kết đoạn: Tổng kết lại vấn đề.
– Các câu trong đoạn được kết nối với nhau bằng nhiều phương tiện liên kết như: phép nối, phép lặp, phép thế…
– Khi viết đoạn văn, cần đảm bảo yêu cầu diễn đạt mạch lạc. Chẳng những từ ngữ phải dùng chuẩn xác, câu đúng ngữ pháp mà cách trình bày cần đảm bảo tính lô gic. Có thể chọn các kiểu diễn đạt sau: Diễn dịch, quy nạp, móc xích, song hành, tổng – phân – hợp.
+ Đoạn diễn dịch:
Trình bay ý theo trình tự đi từ khái quát đến cụ thể. Câu chủ đề được đặt ở vị trí mở đầu đoạn văn, các câu sau triển khai những nội dung chi tiết, cụ thể của chủ đề đó.
+ Đoạn quy nạp : Trình bày ý ngược lại với diễn dịch – đi từ cụ thể đến khái quát. Câu chủ đề nằm ở vị trí cuối đoạn.
+ Đoạn tổng – phân – hợp : Trình bày ý theo trình tự khái quát-cụ thể-tổng hợp. Câu chủ đề được đặt ở cả hai vị trí mở đầu và kết thúc đoạn văn. Khi viết đoạn văn tổng – phân – hợp, cần biết cách khái quát, nâng cao để tránh trùng lặp của hai câu chốt.
+ Đoạn song hành : Mỗi câu trong đoạn nêu một khía cạnh của chủ đề đoạn văn, các câu triển khái nội dung song song nhau, không bao chứa nhau.
+ Đoạn móc xích : Các ý trong đoạn văn gối đầu, đan xen nhau. Câu sau thường lặp lại một số từ của câu trước.
Đoạn văn Nghị luận xã hội
*/ Đoạn văn nghị luận hội là đoạn văn trình bày ý kiến, quan điểm về một vấn đề xã hội
*/ Các bước viết đoạn văn nghị luận:
+ Xác định chủ đề: căn cứ yêu cầu của đề bài, xác định rõ chủ đề cần bàn luận của đoạn văn là gì? Chủ đề cần được giới thiệu trực tiếp, ngắn gọn ở phần mở đoạn (viết bằng 1-2 câu văn phải nêu được chủ đề của đoạn gồm vấn đề cần nghị luận và quan điểm của người viết: đồng tình, phản đối hay có ý kiến riêng nào đó).
+ Triển khai ý: chính là triển khai câu chủ đề trong đoạn văn. Nên đặt các câu hỏi: nghĩa là gì? (dùng thao tác giải thích nếu vấn đề dưới dạng một câu nói; có thể dùng các câu nói, danh ngôn có nội dung tương tự để giải thích) biểu hiện cụ thể của vấn đề qua hiện tượng đời sống, như thế nào? (nêu dẫn chứng thực tế cuộc sống) mặt đúng? mặt sai? mặt đáng biểu dương/ phê phán, lí do? Đánh giá gì về hiện tượng/ tư tưởng đó? Đồng tình ở mặt nào? Vì sao? Phản đối ở khía cạnh nào? Vì sao? Quan điểm cá nhân là gì? Bài học thấm thía nhất từ vấn đề nghị luận là gì? Khi đã xác định được chủ đề của đoạn văn, cần vận dụng kiến thức đọc hiểu có liên quan, kĩ năng làm các dạng nghị luận xã hội để triển khai thành các ý cụ thể, chi tiết. Các ý cần được tổ chức, trình bày một cách chặt chẽ, khoa học, có trọng tâm; tránh lan man, xa chủ đề.
+ Lựa chọn cách diễn đạt: Đề bài không có yêu cầu bắt buộc về kiểu diễn đạt, nhưng vẫn nên chọn kiểu đoạn văn diễn dịch hoặc tổng-phân-hợp cho dễ triển khai ý.
*/ Các thao tác lập luận: giải thích, chứng minh, bình luận, phân tích, bác bỏ, so sánh…
– Phân tích là chia tách đối tượng thành nhiều yếu tố nhỏ để xem xét kĩ lưỡng nội dung và mối quan hệ bên trong của sự vật, hiện tượng. Lập luận phân tích cũng luôn gắn với các thao tác tổng hợp, khái quát.
– Giải thích là làm rõ ý nghĩa của sự vật, hiện tượng, ý kiến…Có thể giải thích cơ sở (từ khó, khái niệm, nghĩa đen, nghĩa bóng); giải thích nội dung ý kiến, vấn đề…
– Chứng minh là đưa ra những cứ liệu, dẫn chứng xác đáng để làm sáng tỏ một lí lẽ, một ý kiến nhằm thuyết phục người đọc, người nghe tin nghe tin tưởng vào vấn đề. Có thể đưa lý lẽ sau khi chọn dẫn chứng và đưa dẫn chứng; có thể thuyết minh trước rồi trích dẫn chứng sau. Khi cần thiết phải, phải phân tích dẫn chứng để lập luận chứng minh có tính thuyết phục hơn.
– So sánh đối chiếu hai hay nhiều sự vật hiện tượng nhằm chỉ ra các nét khác nhau (so sánh tương phản) hoặc giống nhau (so sánh tương đồng). So sánh có thể rút ra những nhận xét chính xác, làm nổi bật vẻ đẹp và đóng góp riêng vào tác phẩm văn học…So sánh phải dựa trên cùng tiêu chí, bình diện, tránh khập khiễng thiên lệch.
– Bác bỏ là phê phán, phủ định một ý kiến, một quan điểm sai nào đó. Muốn ý kiến bác bỏ có sức thuyết phục, cần lập luận đầy đủ để chứng minh (Sai chỗ nào? Vì sao?). Có thể bác bỏ luận điểm (dùng thực tế hoặc suy luận): bác bỏ luận cứ (sai lầm trong lí lẽ và dẫn chứng); bác bỏ lập luận (sự mâu thuẫn không nhất quán…).
– Bình luận là bàn bạc và đánh giá về sự đúng sai, hay dở, lợi hại của một ý kiến, chủ trương, sự việc, con người, tác phẩm…Muốn bình luận có hiệu quả cao, cần xác định đối tượng, giới thiệu , đề xuất ý kiến bình luận, vận dụng nhiều thao tác lập luận khác.
=> Viết văn nghị luận là thể hiện sự hiểu biết, nhận thức, khám phá về đối tượng nghị luận nhằm nâng cao trình độ, năng lực, giúp người khác cùng hiểu và tin vào vấn đề. Đồng thời người viết cũng thể hiện chính kiến, thái độ, sự đánh giá vấn đề; đưa ra những điều chỉnh tích cực nhằm nâng cao sự tiến bộ trong lĩnh vực văn học, văn hóa. Để thực hiện được các mục đích đó, người viết thường vận dụng, kết hợp nhiều thao tác lập luận.
Các dạng bài nghị luận xã hội trong đề thi gồm:
– Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí
– Nghị luận về một hiện tượng, đời sống
– Nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra từ một văn bản văn học
Tuy nhiên, trong thực tế, có những đề văn nghị luận không hẳn thuộc về một kiểu nào. Một tư tưởng, đạo lí bất kì nào đó bao giờ cũng được thể hiện soi chiếu sinh động trong thực tiễn đời sống. Ngược lại, bản thân một hiện tượng đời sống đã chứa đựng một vấn đề nào đó của tư tưởng, đạo lí. Vì thế, một bài văn nghị luận xã hội chỉ có sức thuyết phục khi gắn với thực tiễn sinh động của đời sống. Mặt khác, biết suy nghiệm, khái quát những vấn đề tư tưởng, đạo lí hiện tượng đời sống sẽ giúp đoạn văn sâu sắc hơn
Rèn kĩ năng viết đoạn nghị luận xã hội.
Rèn kĩ năng viết đoạn nghị luận về một tư tưởng, đạo lí.
*/ Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí là bàn về một vấn đề thuộc tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách…của con người.
– Dạng đề này thường lấy một câu danh ngôn , một nhận định, một đáng giá nào đó trong văn bản đọc – hiểu để yêu cầu người viết bàn luận.
*/ Cách làm bài:
– Mở đoạn: Giới thiệu khái quát vấn đề cần nghị luận, tóm tắt được sự việc hoặc trích dẫn được ý kiến nhận định…
– Thân đoạn:
+ Giải thích ngắn gọn ý nghĩa của nhận định, câu danh ngôn …để xác định rõ vấn đề cần nghị luận.
+ Bày tỏ ý kiến: Đưa ra đánh giá về vấn đề (Đúng hay sai?), luận giải bằng lí lẽ và dẫn chứng (Vì sao?)
+ Bàn mở rộng: Nhận định/ câu danh ngôn khuyên con người điều gì? Phê phán điều gì? Cần phải hiểu rộng ra như thế nào (nếu có)? Nêu bài học nhận thức và hành động.
– Kết đoạn: Khẳng định lại vấn đề cần bàn luận hoặc nêu trải nghiệm của bản thân.
Rèn kĩ năng viết đoạn nghị luận về một hiện tượng đời sống.
*/ Nghị luận về một hiện tượng đời sống là bản về các hiện tượng, vấn đề xảy ra trong đời sống.
– Dạng đề này thường nêu lên một hiện tượng, một vấn đề có tính chất thời sự, được mọi người quan tâm trong văn bản đọc – hiểu để yêu cầu người viết bàn luận.
*/ Cách làm:
– Mở đoạn: Giới thiệu ngắn gọn hiện tượng đời sống cần nghị luận
– Thân đoạn
+ Nêu rõ hiện tượng đời sống cần nghị luận.
+ Đánh giá thực trạng của hiện tượng (hiện tượng diễn ra thế nào trong đời sống)
+ Lí giải nguyên nhân dẫn đến hiện tượng (dẫn chứng)
+ Phân tích tác dụng hoặc tác hại của hiện tượng (tốt – xấu, lợi – hại như thế nào?)
+ Đề xuất những giải pháp khắc phục hiện tượng hoặc nhân rộng hiện tượng
– Kết đoạn: Nêu bài học nhận thức và hành động cho bản thân
Rèn kĩ năng viết đoạn nghị luận về một vấn đề xã hội rút ra từ một văn bản văn học
*/ Dạng đề này là từ một tác phẩm văn học (ở phần Đọc – hiểu), yêu cầu bàn một vấn đề mang ý nghĩa xã hội nào đó gợi lên từ tác phẩm ấy.
*/ Cách làm bài:
– Mở đoạn: Giới thiệu ngắn gọn về văn bản, nêu vấn đề xã hội rút ra từ văn bản.
– Thân đoạn
+ Phân tích sơ qua ý nghĩa các hình ảnh, ngôn từ then chốt (đối với văn bản thơ); tóm tắt cốt truyện (đối với văn bản truyện) để rút ra vấn đề cần nghị luận
+ Tiến hành nghị luận về vấn đề theo một trong hai dạng trên.
– Kết đoạn: Đánh giá ý nghĩa của văn bản, của vấn đề xã hội ấy.
PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY PHẦN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI DÀNH CHO GIÁO VIÊN
(phân hoá theo đối tượng HS; trên lớp và tự học ở nhà)
- Vì thời lượng ôn tập môn Ngữ văn ở các nhà trường nhìn chung là rất ít nên việc triển khai các nội dung ôn tập thi THPT Quốc gia phải hết sức khoa học, linh hoạt. Việc ôn tập viết đoạn nghị luận xã hội cũng vậy. Ở trên lớp, giáo viên nên cung cấp cho các em những lưu ý khi viết đoạn nghị luận, các bước triển khai viết một đoạn nghị luận theo các dạng. Trên cơ sở đó, cho đề luyện tập để học sinh làm bài, giáo viên chấm, trả bài, nhận xét và rút kinh nghiệm.
- Chú ý dạy học phân hóa đối tượng.
+ Với HS khá giỏi: Tập trung rèn cách lập luận, cách diễn dạt, cách phối hợp dẫn chứng và lí lẽ); yêu cầu HS viết và dành thời gian chấm, sửa bài.
+ Với HS yếu, trung bình: Tập trung rèn cách xác định vấn đề NL, cách triển khai ý…
- Lưu ý trong quá trình biên soạn đề và chấm câu Nghị luận xã hội.
Biên soạn đề:
– Giáo viên phải nắm chắc yêu cầu khi tìm một Ngữ liệu Đọc hiểu. Đó là:
+ Cùng thể loại, cùng giai đoạn, cùng đề tài với các văn bản đã đọc hiểu trong CT SGK lớp 12; cùng tác giả, tác phẩm với các văn bản đã đọc hiểu trong CT SGK lớp 12 (như đề minh hoạ và đề thử nghiệm của Bộ năm 2017).
+ Dung lượng: không quá khoảng 350 chữ.
+ Chứa những thông tin về các vấn đề tư tưởng đạo lí có giá trị, hoặc những hiện tượng, vấn đề xã hội mang tính thời sự, có ý nghĩa rộng lớn, sâu sắc.
– Căn cứ vào đoạn đọc – hiểu, giáo viên ra đề nghị luận.
Chấm bài
– Vì câu nghị luận xã hội thường là câu hỏi mở nên cũng khó làm đáp án cho rõ ràng, rành mạch, người chấm bài phải rất “vững tay”.
– Đáp án cũng phải là “đáp án mở”, tức là không nên bó chặt người viết vào một số ý nào mà chỉ nêu định hướng hoặc cách giải quyết. Còn nội dung cụ thể thì để học sinh tự xác định, tự bộc lộ. Tuy nhiên cũng phải đảm bảo những yêu cầu về nội dung và hình thức:
+ Yêu cầu về hình thức: Đảm bảo hình thức, dung lượng đoạn văn: Viết đoạn văn 200 chữ theo một trong các cách diễn dich, quy nạp hoặc tổng –phân –hợp…; sử dụng một hoặc một số thao tác lập luận trong số các thao tác giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận…; có lí lẽ và dẫn chứng hợp lí, thuyết phục, đảm bảo quy tắc chính tả, dung từ, đặt câu…
+ Về nội dung: Xác định đúng được vấn đề cần nghị luận; bày tỏ được quan điểm của người viết về vấn đề nghị luận.
+ Căn cứ vào vấn đề nghị luận, giáo viên đưa ra một hướng trình bày; cách cho điểm…
– Giáo viên căn cứ vào nội dung và hình thức trình bày của học sinh mà đánh giá, cho điểm. Cần trân trọng những ý kiến cá nhân của học sinh miễm là có lí và thuyết phục. Tránh việc đếm ý ăn điểm và tuyệt đối không lấy độ ngắn dài của bài viết mà cho điểm.
– Khi chấm bài, giáo viên cần chỉ ra cụ thể các ưu điểm và hạn chế trong bài là của học sinh, nhất là các hạn chế: lỗi trình bày, lỗi diễn đạt hay chưa hiểu vấn đề nghị luận, chưa biết cách triển khai vấn đề…, tránh nhận xét chung chung…
(Tài liệu sưu tầm)
Phần 2 : Bộ đề Nghị luận xã hội 200 chữ và bài văn mẫu
Thầy cô xem đề bài và đáp án cụ thể tại đây : Nghị luận xã hội 200 chữ
Xem thêm bài viết : Cách làm bài Nghị luận xã hội Full : Nghị luận xã hội
Xem thêm : Chuyên đề chinh phục đoạn văn Nghị luận xã hội
1 bình luận trong “Bí quyết viết đoạn văn Nghị luận xã hội 200 chữ đạt điểm tuyệt đối”