Cách viết mở bài , Thân bài, Kết bài trong văn nghị luận

Hướng dẫn cách viết phần mở bài, thân bài, kết luận, những mở bài và kết bài mẫu tham khảo dành cho học sinh lớp 11-12. Bí quyết viết mở bài kết bài hay

Cách viết đoạn mở bài

a.Yêu cầu, đặc điểm
Phần mở  bài còn gọi là đặt vấn đề, có nhiệm vụ nêu vấn đề giải quyết trong phần thân bài. Do đó mở bài phải đi thẳng vào vấn đề không được đề cập đến bất cứ luận điểm, luận cứ nào ở phần dàn ý chi tiết phần thân bài.
Mô hình mở bài:

  • Dẫn dắt
  • Nêu vấn đề (luận đề)
  • Giới hạn phạm vi vấn đề

Một mở bài cần đảm bảo:
–  Ngắn gọn: Dẫn dắt vài ba câu ngắn gọn
–  Đầy đủ: Đọc xong mở bài người đọc biết được bài viết bàn vấn đề gì? Trong nội dung tư liệu nào?
–  Độc đáo: Phải gây được sự chú ý của người đọc tới vấn đề mình viết.
–  Tự nhiên:Viết văn cần giản dị tự nhiên.
Một mở bài cần tránh những ý sau:
–  Tránh vòng vo quá xa mới gắn được vào việc nêu vấn đề.
–  Tránh dẫn dắt không liên quan gì vấn đề sẽ nêu.
–  Tránh nêu vấn đề dài dòng, chi tiết khi viết thân bài lại lặp lại ý.
 b.Cách viết mở bài:
b.1.Mở bài trực tiếp:     
Người viết đi thẳng vào vấn đề cần giải quyết.
Ví dụ:
Phân tích đoạn thơ sau trong đoạn trích “Đất Nước”( trích: Trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm?
“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
. . .
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha”
Mở bài mẫu:
Trong nền văn học Việt Nam cảm hứng về đất nước không bao giờ khô cạn. Cảm hứng ấy càng được biểu hiện thiết tha trong thơ ca viết về cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Có một nhà thơ đã có cái nhìn, cách cảm nhận về quê hương , đất nước rất riêng đó chính là nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm với đoạn thơ tiêu biểu
“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
. . .
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha”
( Trích: trường ca Mặt đường khát vọng)
b.2.Mở bài gián tiếp:
Người viết dẫn dắt từ một ý liên quan đến vấn đề sẽ nêu, rồi trình bày vấn đề cần giải quyết.
Một số cách mở bài gián tiếp thường gặp
b.2.1. Mở bài gắn với thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong cùng một giai đoạn lịch sử
Ví dụ:
Thông qua đoạn một của đoạn trích “Đất Nước” ” trích trong Trường ca “mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm, anh chị hãy phân tích cảm hứng riêng về đất nước của nhà thơ?
Mở bài mẫu:
Cùng với Nguyễn Mỹ, Xuân Quỳnh, Lê Anh Xuân. . .Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong khói lửa ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Nguyễn Khoa Điềm  gắn bó sâu sắc với vùng Trị -Thiên, đặc biệt với thành phố Huế quê hương ông. Với những tác phẩm như tập thơ “Đất ngoại ô” và nhất là trường ca “Mặt đường khát vọng” , Nguyễn Khoa Điềm được coi là một nhà thơ giàu cảm xúc và chất trí tuệ, biểu hiện tập  trung những suy tư của người thanh niên trí thức nỗ lực đóng góp  vào cuộc chiến đấu của dân tộc. Trường ca “Mặt đường khát vọng” được sáng tác vào mùa đông năm 1971 tại chiến trường Trị -Thiên và được in ở miền Bắc vào năm  1974. “Đất Nước” trích gần trọn chương V của trường ca thể hiện khá tập trung những cảm nhận sâu sắc  mới mẻ về đất nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.
b.2.2. Mở bài xuất phát từ một sự kiện lịch sử:
Ví dụ:
Phân tích bài thơ “Việt Bắc” để thấy tình nghĩa thủy chung với ngọn nguồn của cách mạng và của dân tộc qua lối hát giao duyên của dân ca?
Mở bài mẫu:
Tháng 10-1954, cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi. Từ căn cứ địa cách mạng, Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ trở về Hà Nội. Đáp lại ân tình của đồng bào Việt Bắc đã chở che, đùm bọc cho cách mạng, nhà thơ Tố Hữu đã sáng tác bài thơ “ Việt Bắc” theo lối hát giao duyên của dân ca để nói lên tình nghĩa thủy chung của nhân dân ta với ngọn nguồn của cách mạng, của dân tộc.
b.2.3. Mở bài từ những sự kiện quan trọng trong đời sống:
Ví dụ:
Phân tích vẻ đẹp của tình người và niềm hi vọng vào cuộc sống của các nhân vật Tràng, người vợ nhặt, bà cụ Tứ trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân?
Mở bài mẫu:
Nạn đói khủng khiếp dữ dội năm 1945 hằn in trong tâm trí Kim Lân-Một nhà văn hiện thực có thể xem là con đẻ của đồng ruộng, một con người có lòng đi về với “ những gì thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống nông thôn”. Ngay sau cách mạng, ông bắt tay vào viết tiểu thuyết “ Xóm ngụ cư”. Khi hòa bình lặp lại (1954) nỗi trăn trở thôi thúc ông viết tiếp thiên truyện ấy. Và cuối cùng truyện ngắn “Vợ nhặt” ra đời. Trong lần này  Kim Lân đã thật sự đem đến cho tác phẩm của mình một khám phá mới, một điểm sáng soi chiếu toàn tác phẩm. Đó là vẻ đẹp của tình người và niềm hi vọng vào cuộc sống của những người nông dân nghèo, tiêu biểu như Tràng, người vợ nhặt, bà cụ Tứ. Thiên truyện thể hiện thành công, khả năng dựng truyện, dẫn truyện và đặc sắc nhất là Kim Lân đã có khám phá ra diễn biến tâm lí thật bất ngờ.
b.2.4. Mở bài từ một đề tài quen thuộc.
Ví dụ :
Phân tích bài thơ “Sóng” của nhà thơ Xuân Quỳnh?
Mở bài mẫu:
         Tình yêu là một đề tài quen thuộc trong thơ ca. Nhưng không phải vì thế mà nó thành đơn điệu và nhàm chán. Mỗi bài thơ, mỗi nhà thơ là một thế giới riêng, một nhu cầu, một khát khao riêng không ai giống ai. Chẳng thế mà ta gặp Xuân Diệu trong thi đàn Việt Nam với chất men say tình yêu nồng nàn, mãnh liệt, người tự cho mình là “kẻ uống tình yêu dập cả môi”, ta gặp Nguyễn Bính “người nhà quê” chân chất thật thà. . . và thật bất ngờ khi gặp một nữ sĩ với tâm hồn dạt dào và say đắm trong tình yêu-Xuân Quỳnh. Thơ tình yêu của Xuân Quỳnh chân thành nữ tính nhưng không kém phần cháy bỏng, nồng nàn. Điều đó thể hiện rõ nét trong bài “Sóng”.

Cách viết đoạn văn thân bài

Đặc điểm và yêu cầu cho đoạn văn chính xác.
Các đoạn văn phần thân bài tương ứng với dàn ý
–  Tương ứng với luận điểm: Tùy theo đề có thể một hoặc nhiều luận điểm, các luận điểm liên quan với nhau và làm sáng rõ chủ đề.
–  Tương ứng với luận cứ: Đó là những khía cạnh và lí lẽ làm sáng tỏ luận điểm.     Mỗi luận điểm có thể nhiều luận cứ được minh họa bằng dẫn chứng.
–  Các  đoạn văn ở phần trình bày luận cứ và  dẫn chứng có quan hệ phụ thuộc với đoạn văn ở luận điểm.
–  Tương ứng với tiểu kết của luận điểm.
–  Tương ứng với sự chuyển tiếp của hai luận điểm.
Yêu cầu về diễn ý và hành văn hay.
Sau khi đã có ý thì vấn đề quan trọng không kém là cách diễn  đạt hay. Biết diễn đạt khéo léo thành lời văn cụ thể sẽ có một đoạn văn hay. Diễn ý hay phụ thuộc nhiều yếu tố sau đây tôi xin nêu ngắn gọn các yếu tố tạo nên như sau:
–  Giọng văn và sự thay đổi giọng văn trong bài viết.
–  Dùng từ độc đáo.
–  Viết câu linh hoạt.
–  Viết văn có hình ảnh.
–  Biết so sánh phù hợp.
–  Dẫn chứng và trình bày dẫn chứng.
Luyện viết đoạn văn.
c.1.Luyện viết đoạn văn tương ứng với luận điểm.
Yêu cầu : Trình bày rõ ràng, chính xác nội dung luận điểm trong câu chủ đề. Câu chủ đề thường đặt ở vị trí đầu đoạn (đoạn diễn dịch) hoặc cuối đoạn (đoạn quy nạp)
Minh họa:
Đề:
Bình luận cách nhìn của Nam Cao về người nông dân qua tác phẩm “Đôi mắt”? Mẫu:
Luận điểm:
Sự đối lập về cách nhìn của Hoàng và Độ về người nông dân.
Đoạn văn:
Hai nhân vật trung tâm trong truyện ngắn này là Hoàng và Độ. Hai người đại diện cho hai cách nhìn về người nông dân. Người kia chỉ nhìn thấy cái hình thức bên ngoài lố bịch  , ngu dốt, đáng khinh và đáng cười của người nông dân. Người kia biết vượt qua được hình thức bên ngoài, nhìn thấy “những nguyên cớ thật đẹp bên trong” của người dân cày. Nam Cao đã làm nổi bật tư tưởng , thái độ cũng như quan điểm của mình qua sự đối lập cách nhìn của hai nhân vật này về người nông dân.
c.2.Viết đoạn văn tương ứng với luận cứ.
Yêu cầu: Cách viết các đoạn văn tương ứng với luận cứ  phải căn cứ vào yêu cầu của từng dạng đề như phân tích, chứng minh, giải thích, bình giảng. . .
Minh họa:
Đề 1:
Phân tích vẻ đẹp của tình người và niềm hi vọng vào cuộc sống ở các nhân vật: Tràng, người vợ nhặt, bà cụ Tứ trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân?
Luận cứ:
Tình huống của vợ nhặt.
Đoạn văn:
Có thể nói Kim Lân đã thật xuất sắc khi dựng lên tình huống “nhặt vợ” của anh cu Tràng. Tình huống ấy là cánh cửa khép mở để nhân vật bộc lộ nét đẹp trong tâm hồn mình. Dường như trong đói khổ người ta dễ đối xử tàn nhẫn với nhau, khi miếng ăn của mỗi người chưa đủ thì làm sao có thể đèo bòng thêm người này, người kia. Trong tình huống ấy, người dễ cấu xé nhau, dễ ích kỉ hơn là vị tha và người ta dễ đối xử tàn nhẫn làm cho nhau đau khổ. Nhưng nhà văn lại khám phá ra một điều ngược lại như ở nhân vật anh cu Tràng, người vợ nhặt và bà cụ Tứ. Chúng ta từng kinh hãi trước “xác người chết đói ngập đầy đường” “người lớn xanh xám như những bóng ma” , trước không khí “vẩn lên mùi hôi của rác rưởi và mùi gây của xác người”, từng ớn lạnh trước “tiếng quạ kêu từng hồi thê thiết” ấy, nhưng lạ thay, chúng ta không thể cầm lòng xúc động trước nghĩa cử cao đẹp mà bình thường, dung dị ấy của Tràng, bà cụ Tứ và cả người vợ ấy của Tràng nữa.
Đề 2:
Phân tích bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng?
Luận cứ:
Nét lãng mạn và hào hùng của người chiến sĩ Tây Tiến.
Đoạn văn:
Giữa bao nhiêu khó khăn hình tượng người lính Tây Tiến vẫn luôn
“Quân xanh màu lá giữ oai hùm”
Nét dữ tợn của người lính Tây Tiến ở đây không hề bị nhạt đi trong lòng người đọc. Bệnh tật, ốm đau tưởng chừng  làm người chiến sĩ yếu đuối nhưng thật bất ngờ khi chúng ta bắt gặp dáng vẻ “dữ oai hùm” của anh lính. “Dữ oai hùm” đã làm  mất đi vẻ yếu ớt trong hình ảnh “không mọc tóc” và “quân xanh màu lá”. Câu thơ trên như tô đậm hơn nét vẽ về người lính Tây Tiến.
“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
Đây là hai câu thơ tập trung vẽ nên bức tranh người lính Tây Tiến vừa  sống lại với hình ảnh Hà Nội, vừa chiến đấu với tương lai trước mắt. Hai câu thơ vừa mang nét lãng mạn vừa mang nét hào hùng. Mắt người lính “trừng” có vẻ dữ tợn nhưng lại thể hiện sự quyết tâm, quyết tâm chiến đấu cho Tổ quốc, cho đất nước. Bên cạnh đó những chàng trai Tây Tiến cũng không hề đánh mất đi vẻ đẹp tâm hồn mình: sự mộng mơ. Hai câu thơ trên đã có thời bị coi là buồn rớt, là bi quan, là  tiểu tư  sản. Đành  rằng  câu thơ có nét buồn nhưng cái buồn ấy không hề làm mất đi sự quyết tâm của người lính. Quyết tâm đánh giặc và chất men lãng mạn  đã kết hợp hài hòa tạo nên một vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ một cách sâu sắc. Những người lính Tây Tiến mơ về mảnh đất Hà Thành nơi có hình bóng của người thương, những giấc mộng và mơ ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho những  người lính Tây Tiến sống và chiến đấu. Chính vì thế hai câu thơ thật sự lãng mạn và hào hùng.
c.3.Luyện viết ngắn , viết dài.
Yêu cầu:
Cách luyện này rất có ích , hữu hiệu đối với tất cả các em. Tại sao vậy? Tại đặc điểm của văn nghị luận cũng giống như vũ trụ mà chúng ta đang sống vậy. Có thể dài rộng vô cùng nhưng cũng có thể rút gọn thành tối giản. Và bài văn cũng vậy có thể kéo dài thành một cuốn sách cũng có thể rút lại ở một vài câu
Sau khi luyện viết ngắn thành thạo thì sẽ luyện viết dài thành bài văn nghị luận. các bài văn dài thật ra là sự phát triển của một bài văn ngắn. Tuy nhiên cần lưu ý khi viết một bài nghị luận thì không thể kéo dài như viết một cuốn sách mà là độ dài phù hợp với một bài viết, khi viết một bài nghị luận thường là viết theo một khía cạnh của vấn đề vì vậy kích thước phù hợp sẽ là một yếu tố tạo nên thành công của bài nghị luận.
Phương pháp luyện tập:
Có thể luyện tập theo từng cách hoặc các cách sau:
Thứ nhất: Dựa vào khung dàn ý viết lần lượt từng luận điểm.
Thứ hai: Tập tóm tắt văn bản nghị luận.
Thứ ba:Tập chuyển đoạn văn nghị luận ngắn đã viết thành đoạn văn nghị luận dài.
Thứ tư : từ bài nghị luận tìm xem có câu nào, luận điểm nào có thể triển khai được không.
Thứ năm: Có thể từ luận điểm phát triển thêm các luận cứ
Thứ sau: Luyện chung. Các em chọn một bài và cùng nhau nghiên cứu tìm ý và triển khai.
Luyện viết ngắn rồi từ ngắn luyện viết dài là cách mà Bác Hồ đã luyện và rất hiệu nghiệm để nâng cao trình độ viêt báo, viết văn của mình hồi Người mới bắt đầu viết.
c.4.Luyện viết câu, đoạn chuyển tiếp.
Một bài văn là một chỉnh thể thống nhất hoàn chỉnh được tạo ra bởi các phần, các đoạn,các câu. Nếu các phần đó không kết dính với nhau thành một khối thì bài văn sẽ bị phá vỡ. Trong một bài viết thường có nhiều đoạn văn tự thân nó không kết dính được. Chính vì vậy ta phải dùng từ ngữ kết dính , dùng từ ngữ câu đoạn chuyển tiếp.
Những cách thông dụng dùng câu chuyển tiếp.
Cách một:Dùng kết từ hoặc từ ngữ tương đương với kết từ
Cách hai:Cách đặt câu hỏi
Ví dụ: “Ta thấy gì trong xã hội ấy?”
Cách ba: Dùng phép lặp
. . .

Cách viết đoạn kết bài trong văn nghị luận

a.Yêu cầu, đặc điểm:
Phần kết bài có tính chất tổng kết, khái quát những vấn đề đã trình bày ở phần thân bài.
Giáo sư Trần Đình Sử cũng đã nêu vấn đề này như sau : Một kết bài phải thể hiện đúng quan điểm đã trình bày ở phần thân bài, chỉ nêu những ý khái quát có tính tổng kết, đánh giá. Không lan man hay lặp lại cụ thể những gì đã trình bày ở thân bài hay lặp nguyên văn lời lẽ mở bài.
Có 4 cách kết bài như sau:
Cách một : Tóm lược (tóm tắt quan điểm, nội dung đã nêu ở thân bài)
Cách hai: Phát triển , mở rộng thêm vấn đề đặt ra
Cách ba: vận dụng, nêu phương hướng, bài học phát huy hay khắc phục vấn đề nêu ở thên bài.
Cách bốn: Liên tưởng, mượn ý tương tự – những ý kiến có uy tín- để thay cho lời tóm tắt của người làm.
Một kết bài hay trước hết là một kết bài đúng. Đúng nguyên tắc, đúng cách, cho nên một kết bài hay phải đi lên từ một kết bài đúng.
Một số kết bài
Mẫu:
Phân tích bài thơ “ Tây Tiến” của Quang Dũng?
Kết bài 1:
Người lính Tây Tiến ra đi nhưng hình ảnh của anh không bao giờ mờ phai trong tâm trí con người. Hình ảnh người lính và những kỉ niệm đậm mãi trong lòng Quang Dũng và chúng ta
“Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”
Bài thơ khép lại nhưng âm điệu vẫn vang vọng mãi trong tâm hồn mỗi chúng ta. Nhịp điệu trùng điệp, nét lãng mạn hào hùng của bài thơ để lại dấu ấn trong ta. Có những tác phẩm đã gặp nhiều nhưng ta lại quên đi nhưng có những tác phẩm ta bắt gặp một lần nhưng sống mãi. Ấy là Tây Tiến.
Kết bài 2:
Mở đầu bài thơ là dòng sông Mã và kết thúc bài thơ vẫn là tiếng gầm réo của dòng sông. Dòng sông tiễn đưa a và lại đón anh về. Quang Dũng một lần nữa khẳng định ý niệm “nhất khứ bất phục hoàn”(một đi không trở lại). Đó cũng chính là ý chí quyết tâm của cả thế hệ-của cả một thời đại. Những gian khổ hi sinh của cuộc kháng chiến là những kỉ niệm không thể nào quên. Sẽ không bao giờ có lại thời kì gian khổ đến như thế và hào hùng đến như thế. Và cũng khó có một bài “Tây Tiến” lần thứ hai.
(Bài viết sưu tầm)
Xem thêm: Rèn kĩ năng viết phần mở bài kết bài cho học sinh THPT

1 bình luận trong “Cách viết mở bài , Thân bài, Kết bài trong văn nghị luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *