Bài văn mẫu cảm nhận về bài Thương Vợ -Tú Xương

Bài văn hay, phân tích bài Thương Vợ ( Trần Tế Xương), SGK Ngữ văn lớp 11.
Đề bài : Cảm nhận của anh( chị) về bài thơ Thương Vợ của Tú Xương.
Bài văn mẫu tham khảo :
Thơ văn Việt Nam xưa nay có những bài thơ thương vợ, khóc vợ rất cảm động. Người ta còn truyền tụng một bài thơ của Tự Đức khóc một bà phi có câu:

 “Đập vỡ gương ra tìm lấy bóng

Xếp tàn y lại để dành hơi”.

Nỗi nhớ nhung thật là đau đớn, dữ dội. Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Thượng Hiền cũng có bài văn tế, câu đối khóc vợ rất tha thiết. Nhà thơ Nguyễn Khuyến cũng có câu đối khóc vợ thật cảm động:
“Nhà chỉn cũng nghèo thay! Nhờ được bà hay lam hay làm thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng, tất tả chân đăm đá chân chiêu, vì tỡ đỡ đần trong mọi việc;
Bà đi đâu vội mấy! Để cho lão vất vơ vất vưởng, búi tóc củ hành, buông quần lá toạ, gật gù tay đũa chạm tay chén, cùng ai kể lể chuyện trăm năm”.
Chỉ một câu đối mà nhà thơ đã khắc hoạ một hình ảnh khó quên của người vợ tảo tần, đỡ đần cho chồng trong mọi việc. Nói là khóc, thực ra là biết ơn, tri ơn người vợ của mình.
Nhà thơ Tú Xương cũng là một người rất thương vợ, kính vợ. Ông có bài Văn tế sống vợ vừa rất cảm động, lại vừa tinh nghịch, đúng với tính cách của ông.
Theo nhà thơ Xuân Diệu cho biết: “Bà Tú Xương tên là Phạm Thị Mẫn, dòng dõi họ Phạm ở làng Lương Đường, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương Cũ, nhưng sinh ở Nam Định, hơn chồng một tuổi. Khi ông Tú Xương mất, bà mới có 38 tuổi ớ goá nuôi con, đến năm 1931 thì mất, thọ 63 tuổi”. Trong bài Văn tế sống vợ vừa nói, ông Tú tả vợ như sau:
“Mặt nhẵn nhụi, chân tay trắng trẻo
 
ai dám chê rằng béo rằng gầy;
Người ung dung, tính hạnh khoan hoà,
chỉ một bệnh hay gàn hay dở”.
Qua câu văn ta thấy bà Tú là người có bản lĩnh, tính tình khoan hoà nhưng thẳng thắn, nói thật bụng (người đời bảo là gàn dở!).
Theo kể lại, có bà Án, bà Phủ, bà Huyện nào về thăm họ, đội nón quai thao, đi dép cong, vận áo xuyến, nhưng bà Tú Xương thì vẫn áo nâu chùng tứ thân, không gài cúc, dép quai ngang (người hàng xáo dùng dép quai ngang cho dễ đi chợ, đi xa được). Bà Tú hiếu khách, nhưng không có ý lấy lòng ai cả. Bà Tú buôn gạo hàng đội, hàng thúng, chứ không có vốn buôn hàng thuyền. Ông Tú thích đánh kiệu có ăn tiền nhưng không sát phạt. Mồi khi sắp đi chợ, bà Tú dắt lên mái nhà cho ông mười đồng kẽm. Bà đi từ canh năm, ông dậy muộn, ăn sáng xong đã có tiền đi chơi. Hiểu thế để thấy tấm lòng bà Tú rất mực yêu chồng, chiều chồng; và cái sự “nuôi chồng” của bà khá chu đáo.
Thương vợ là một bài thơ vừa cảm động vừa dí dỏm của Tú Xương, chỉ hai câu đầu của bài thơ đã nêu bật được vai trò trụ cột gia đình
“Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm; con với một chồng”.
Bà Tú làm nghề buôn bán quanh năm ở “mom sông”. “Mom sông” là chồ đất nhô ra ở bờ sông Vị Hoàng chảy qua thành phố Nam Định”, ở đó có chợ buôn gạo. Trong bài Văn tế sống vợ, có câu: “Đầu sông bãi bến, đua tài buôn chín bán mười”. Ta có thể hiểu “mom sông” là chốn “đầu sông bãi bến”, là nơi cheo leo, chật chội.
Câu thơ “Nuôi đủ năm con với một chồng’’ đã nâng cao bà Tú lên hàng trụ cột gia đình, và hạ ông chồng xuống hàng phải nuôi “báo cô”, tức là hạng ăn bám vào vợ mà không giúp được gì cho vợ. Trong câu thơ đã hàm ý biết ơn vợ và tự trào, mỉa mai mình một cách thâm trầm. Tình thương vợ được thể hiện trọn vẹn trong hai câu 3, 4:
“Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò dông”.
Nói “lặn lội thân cò” buộc người ta liên tưởng tới câu ca dao: “Con cò lặn lội bờ sông, Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc ni non”. Con cò gánh gạo,
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông”.
Nói “lặn lội thân cò” buộc người ta liên tưởng tới câu ca dao: “Con cò lặn lội bờ sông, Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non”. Con cò gánh gạo con cò thương chồng, vì thương chồng mà lặn lội. Đó là hình ảnh của kẻ thương chồng. Một hình ảnh thật đắt, vì bà Tú cũng làm nghề bán gạo. Thật khó có một hình ảnh nào hay hơn. “Khi quãng vắng” là hình ảnh về sự cô đơn, thiếu người đỡ đần. ông Tú như thấy vắng mình ở nơi quãng vắng ấy, nên càng thương bà Tú hơn. “Buổi đò đông” cũng là buổi chợ đông và eo sèo, đôi co, chen chúc, là cảnh thường xuyên mà bà Tú phải chịu đựng. Cả hai câu đều tả sự khó nhọc thường xuyên mà bà Tú phải chịu để đổi lại sự thong dong trong sinh hoạt của ông chồng. ông chồng tỏ ra thấu hiểu hết:
“Một duyên, hai nợ âu đành phận,
Năm nắng, mười mưa dám quản công”.
Câu thơ như nói lên ý nghĩ của bà Tú. Cuộc đời như thế là duyên, mà cũng là nợ, duyên một thì nợ hai, thôi đành chịu theo số phận, không dám nề hà, kể công gì nữa. Nhưng câu thơ còn làm nhớ câu ca dao: “Một duyên hai nợ, ba tình, Chiêm bao lẩn khuất bên mình năm canh”. Ở đây còn có mối tình, cái tình của bà Tú đối với ông Tú. Thành ra nổi là “nợ” nhưng thực ra là nói  tình , mà đã là tình thì ai lại kể công, câu thơ có một nghĩa ngầm thú vị.
“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chòng hờ hững cũng như không”.
Bài thơ kết bằng một câu chửi, một câu chửi yêu. Hiển nhiên là bà Tú không chửi. Bà đã thương chồng, đành phận, không dám quản công thì còn đâu nỡ chửi. Nhưng ông Tú thì không thể tha thứ cho mình. Ông đă chửi bao nhiêu hiện tượng nhố nhăng, thì làm sao ông tha cho cái “vô tích sự” của mình được! Đấng mày râu để vợ nuôi báo cô với một lũ con thì thật đáng chửi. Người có tư cách chửi nhất là bà vợ. Giá bà chửi cho một câu thì ông cũng hả, vì bà đã coi mình khác lũ con. Nhà thơ đành mượn lời bà Tú để tự mắng mình. Câu chửi tưởng tượng ấy đã nâng cao nhân cách nhà thơ. Ông “ăn ở bạc” nhưng lòng không bạc, không “hờ hững” chút nào.
Nhà thơ Xuân Diệu đã rất phục bài thơ này. Ông nói: “Thơ hay, hay ở ý tình; hay ở chữ, tiếng, hay ở sự việc; hay ở nhạc điệu: lặn lội, eo sèo, thân cò, mặt nước, quãng vắng, đò đông, mỗi chữ đều tình cảm”, ở mom sông là cheo veo, chênh vênh chứ không phải ở một cái bến ngang sông tấp nập bình thường. “Nuôi đủ năm con với một chồng” – Thì ra chồng cũng là một thứ… phải nuôi. Đếm con, năm con, chứ ai lại đếm chồng, một chồng… Càng đọc câu thơ càng nhiều ý vị”.
Đọc bài thơ này ta thấy có hai giọng. Đây là chỗ khác với bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương. Bài thơ của Hồ Xuân Hương có giọng giãi bày, tự trào, cam chịu, pha chút thương mình.Bài này bà Tú cũng có giọng dành phận, cam chịu, nhưng ông Tú thì đã thấy ra sự bất công. Câu 5, 6 lời của ông Tú, mà ý là của bà Tú, còn câu 7, 8 thì lời là của bà Tú, mà ý là của ông Tú. Ồng bà rất hiểu nhau và thương nhau.
Bài thơ nhan đề là Thương vợ, nhưng sáu câu đầu là cực tả cái sự thương chồng của bà Tú. Có việc gì mà bà không làm vì chồng? Nhưng khi hiểu được sự thương chồng ấy chính là lúc ông Tú rất thương vợ. Câu chửi cuối bài hẳn khiến cho bà Tứ càng yêu ông Tú hơn. Bài thơ khéo ở chồ đó.

Dẫn theo GS Trần Đình Sử ( tuyển chọn)

Xem thêm :  Tuyển tập đề thi và những bài văn hay về   Thương Vợ : thương vợ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *