Tuyển tập đề thi về nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù : Phân tích hình tượng nhân vật, Cảnh cho chữ,…Những bài văn hay về tác phẩm
Đề bài : Hãy phân tích nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù để chứng minh rằng: “Huấn Cao là nhân vật đẹp nhất trong đời văn Nguyễn Tuân’.
a.Mở bài.
Nhân vật là kết tinh của cả tác phẩm, là nơi hội tụ tài năng của nhà văn. Xây dựng thành công nhân vật là điểm tựa vững chắc cho truyện ngắn.
Chữ người tử tù (rút từ tập Vang bóng một thời, 1940) của Nguyễn Tuân đạt đến đỉnh cao của thành công vì đã khắc hoạ thành công nhân vật Huấn Cao – nhân vật được đánh giá là “đẹp nhất trong đời văn Nguyễn Tuân” ( Chu Văn Sơn).
Thân bài.
* Khái quát về tác phẩm Chữ người tử tù: Cốt truyện, giá trị của truyện, cảm hứng chủ đạo, thông điệp của thiên truyện…
* Khái quát về nhân vật: Nguyên mẫu (Cao Bá Quát), vị trí (trung tâm của truyện), kiểu nhân vật, hoàn cảnh của nhân vật…
* Phân tích để chứng minh.
– Huấn Cao mang một vẻ đẹp toàn bích mà hiếm có nhân vật nào của Nguyễn Tuân đạt tới.
+ Các nhân vật khác thường chỉ nổi bật trên một phương diện:
Trước cách mạng tháng Tám 1945, nhân vật của Nguyễn Tuân thường thiên về vẻ đẹp tinh thần, ở một phương diện: Trí tuệ (Nhân vật Đầu Xứ Anh, Đầu Xứ Em trong truyện Khoa thi cuối cùng), Tài năng (Bát Lê trong Chém treo ngành), nội tâm (cụ Kép trong Hương cuội)…
Sau cách mạng tháng Tám 1945, nhân vật của Nguyễn Tuân cũng nổi bật ở một nét nào đó: Trong chiến đấu (anh cảm tử quân trong Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi), trong lao động (ông lái đò trong Người lái đò sông Đà)…
-> Các nhân vật khác toả sáng trong một phương diện nhưng Huấn Cao mang một vẻ đẹp toàn diện.
+ Huấn Cao đẹp một vẻ toàn bích:
Vẻ đẹp của nghệ sĩ thư pháp bậc thầy: Tạo được những bức tranh chữ được coi là “báu vật trên đời” với hình dáng chuẩn mực “đẹp lắm, vuông lắm”, với thần thái “thể hiện được cái hoài bão tung hoành của 1 đời con người” .
Vẻ đẹp tinh thần chủ động, làm chủ hoàn cảnh “có tài bẻ khoá và vượt ngục nữa”
Vẻ đẹp của khí phách hiên ngang: Nguyễn Du nhận xét “Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn”. Tuy nhiên Huấn Cao nằm ngoài quy luật ấy. Trong ngục thất, ông vẫn hiên ngang bất khuất, ung dung tự tại. Điều đó bộc lộ qua hành động (rỗ gông, bỏ ngoài tai lời đe doạ của tên lính áp giải), qua thái độ (“thản nhiên nhận rượu thịt, coi như đó là một việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình lúc chưa bị giam cầm”), qua ngôn ngữ (lời nói trịch thượng , tỏ ra khinh bạc đến điều với quản ngục).
Vẻ đẹp của thiên lương trong sáng: trước khi vào tù, ông đã từ bỏ đặc quyền , đặc lợi của tầng lớp trên để đứng về phía nhân dân, đấu tranh cho quyền lợi của họ. Khi vào tù, Huấn Cao vẫn nguyên vẹn tấm lòng ấy. Điều đó thể hiện qua lí do ông cho chữ quản ngục (“cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người” chứ không phải lung lay vì tiền bạc. quyền thế), qua lời khuyên từ đáy lòng dành cho quản ngục.
-> Huấn Cao hội tụ mọi vẻ đẹp: Tài năng xuất chúng, tấm lòng nhân hậu, khí phách hiên ngang.
V Goth có nói “trước một trí tuệ vĩ đại, tôi cúi đầu, trước một trái tim vĩ đại, tôi quỳ gối”. Huấn Cao là nhân vật có cả vẻ đẹp của trí tuệ và trái tim, xứng đáng được tôn kính.
– Huấn Cao “đẹp nhất trong đời văn Nguyễn Tuân” còn vì nhà văn đã khắc hoạ nhân vật bằng những lời văn đẹp nhất và dành sự yêu mến, ngưỡng mộ cho nhân vật.
Tác giả dụng công tạo tình huống làm nền cho Huấn Cao xuất hiện, khiến nhân vật được tôn lên rất nhiều.
Trong cảnh cho chữ, Nguyễn Tuân để Huấn Cao nổi bật trong khung cảnh lao tù khiến cho hình tượng toả sáng.
Tác giả gọi nhân vật là “Ông”, “ông Huấn” và dùng những ngôn từ Hán Việt trang trọng để nói về nhân vật.
-> Chính sự yêu mến và tài năng nghệ thuật của Nguyễn Tuân khiến nhân vật trở thành hình tượng đẹp nhất.
* ý nghĩa của nhân vật: Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Tuân dụng công khắc hoạ nhân vật này, bởi ông muốn đây sẽ là biểu tượng cho cái thiện, cái đẹp. Thông qua nhân vật, nhà văn bày tỏ niềm tin mãnh liệt vào cái đẹp và sự kì diệu của nó.
* Mở rộng liên hệ với các nhân vật khác cùng giai đoạn, cùng kiểu nhân vật để khẳng định đây là nhân vật đẹp nhất.
Kết luận:
Nếu toàn bộ thiên truyện là một màu ảm đạm. là bóng tối của tù ngục thì Huấn Cao chính là ánh sáng rực rỡ trong tác phẩm, khiến cho người ta thêm yêu cái đẹp và tin ở cuộc đời này. Điều đó có được là do vẻ đẹp của nhân vật.