Đề bài : Hãy nêu suy nghĩ và cảm nhận của anh chị về hình ảnh đôi bàn tay Tnú trong Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành. Từ đó bình luận ngắn gọn tính sử thi trong tác phẩm.
Hướng dẫn viết :
1.. Ý khái quát
– Giới thiệu vài nét về tác giả và hoàn cảnh sáng tác truyện Rừng xà nu
Rừng Xà Nu được viết năm 1965 và được ra mắt lần đầu tiên tại tạp chí văn nghệ quân giải phóng miền Trung Trung Bộ ở số 2. Sau đó được in tiếp trong tập Trơn quê hương những anh hùng Điện Ngọc.
Hoàn cảnh đất nước lúc đó vừa trải qua cuộc chiến thắng vang dội của chiến dịch Điện Biên Phủ, sau khi kí kết hiệp định Giơ-ne-vơ, đất nước bị chia thành hai miền. Cách mạng lại nổ ra vì âm mưu kẻ thù đánh phá miền Nam phá hoại hiệp định.
Vào đầu năm 1965, quân Mỹ ồ ạt đổ bộ vào bãi biển Chu Lai ở Quảng Ngãi, tiến hành đánh phá miền Bắc nước ta. Và tác phẩm Rừng Xa Nu được viết vào thời điểm cả nước đang sục sôi đứng lên chống Mỹ. Tác phẩm đã được hoàn thành tại khu chiến trường miền Trung Trung Bộ.
2. Hình ảnh đôi bàn tay T nú
– Nổi bật cho những phẩm chất và hình ảnh Tnú phải kể đến hình ảnh đôi bàn tay. Có thể nói, chi tiết, hình ảnh đôi bàn tay của Tnú mang đến những ấn tượng rất lớn trong lòng người đọc. Đặc biệt nó mang đậm ý đồ nghệ thuật mà tác giả muốn gửi gắm qua đó.
– Đôi bàn tay Tnú không chỉ dừng lại ở bàn tay lao động mà còn là bàn tay chiến đấu của người chiến sĩ, bàn tay trong máu lửa khốc liệt. Bàn tay ấy hiện lên trong những câu văn xuôi, nhưng vẫn đẹp như thơ, nổi bật khối và hình, như chạm khắc của hội họa, của vũ, nhạc và đặc biệt hơn là gửi tới bạn đọc biết bao điều vừa giản dị thân thương, vừa thiêng liêng, vừa cao cả.
– Thoạt đầu, đấy là hai bàn tay lúc còn lành lặn. Đôi bàn tay chú bé mồ côi nắm lấy tay cô bé Mai chăm chỉ chặt củi, xách nước, lên rẫy trồng tỉa, xách xà lét giấu gạo đi nuôi cán bộ Quyết. Đôi bàn tay Tnú cầm viên phấn bằng đá trắng lấy từ núi Ngọc Linh về tập viết chữ, mở dần cánh cửa cuộc đời để đến với cách mạng. Và cũng chính đôi bàn tay bé nhỏ ấy đã dũng cảm mang công văn đi làm liên lạc vì căm thù thằng giặc vô ngần. Bọn giặc bắt được Tnú, tra tấn đã man, hỏi cộng sản ở đâu, Tnú đặt tay lên bụng mình và nói: “Ở đây này”. Bàn tay Tnú chỉ rõ và khẳng định lý tưởng cách mạng không ở đâu xa mà ở ngay trong tâm hồn mình. Đây chính là nét đẹp thứ nhất của bàn tay Tnú: bàn tay của sự tín nghĩa, thủy chung.
– Bàn tay Tnú còn là bàn tay của sự yêu thương, bàn tay đau đớn, căm thù, mang chất vàng của nhân phẩm, bàn tay người chiến sĩ cộng sản. Tnú yêu Mai – cô bạn thuở thiếu thời. Bàn tay ấy cũng đã được Mai nắm chặt mà khóc những giọt nước mắt nóng bỏng yêu thương, đồng cảm khi Tnú vượt ngục trở về. Những tưởng hạnh phúc ấy sẽ mãi mãi tròn đầy. Vậy mà….bọn giặc lại nhẫn tâm phá tan đi niềm hạnh phúc đơn sơ ấy! Không bắt được Tnú, chúng bắt Dít rồi tới mẹ con Mai tra tấn dã man bằng gậy sắt hòng để anh ra mặt. “Trận mưa cây sắt mỗi lúc một dồn dập. Không nghe thấy tiếng thét của Mai nữa. Chỉ nghe đứa bé khóc ré lên một tiếng rồi im bặt”. Lửa hận dâng lên ngút ngàn, đốt cháy tâm can Tnú, truyền từ đôi tay lên đôi mắt “ở chỗ hai con mắt anh bây giờ là hai cục lửa lớn”. Mỗi ngón tay anh như nóng bỏng lên bởi tình thương, nỗi lo và sự căm hờn. “Hai cánh tay như hai cánh lim chắc của anh ôm chặt lấy mẹ con Mai”. Mười ngón tay nóng bỏng lửa căm thù, thương xót đã truyền sức mạnh vào hai cánh tay. Nhưng mà “Tnú chỉ có tay không giữa quân thù đầy vũ khí.
– Mẹ con Mai chết còn Tnú thì bị giặc bắt tra tấn. Bọn thằng Dục tàn nhẫn tẩm thứ dầu xà nu của quê hương anh vào giẻ rồi quấn giẻ lên mười đầu ngón tay anh, mười điểm chót vót, bén nhạy nhất của hệ thần kinh. Bàn tay Tnú như đang đỏ rực lên, lung linh, dữ dội. Nguyễn Trung Thành không miêu tả chi tiết bằng những động từ, tính từ đặc tả mà chỉ ngắn gọn mấy câu và một hình ảnh ví ngầm “Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc” nhưng cũng đủ truyền tới người đọc biết bao cảm xúc: Khủng khiếp, ghê sợ, đau xót rồi cảm thương, căm giận. Nhưng “Tnú không thèm, không thèm kêu van”.
– Từ văn tự sự chuyển thành văn trữ tình, đoạn truyện không còn là lời kể của tác giả nữa mà đã cất lên tiếng nói nội tâm nhân vật, đầy những giằng xé, quằn quại. Ngọn lửa của âm mưu thâm độc, của tội ác dã man đã không đốt cháy được chất vàng mười trung thành, bất khuất của người chiến sĩ trẻ tuổi Tây Nguyên. Hai bàn tay đuốc lửa của Tnú đã châm ngòi cho phong trào Đồng khởi của dân làng Xô Man vùng lên tiêu diệt bọn giặc tàn ác và trở thành biểu tượng của khí phách Việt Nam trong công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.
– Bàn tay lành lại, mỗi ngón tay cụt một đốt, trở thành chứng tích của tội ác chiến tranh mà Tnú mang theo suốt cả cuộc đời. Đôi bàn tay với ngón tay chỉ còn lại hai đốt vẫn có thể cầm giáo, cầm súng để Tnú lên đường chiến đấu. “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!”, chân lý này giúp người ta ý thức được tầm quan trọng của vũ khí, không thể không cầm vũ khí, nhưng cũng không nên ỷ lại vào vũ khí, cái quyết định cuối cùng vẫn là đôi bàn tay con người. Chính vì thế, Nguyễn Trung Thành đã cẩn thận kể thêm chi tiết Tnú dùng hai bàn tay không, cụt đốt, đôi bàn tay quả báo để xiết cổ tất cả những thằng Dục tàn ác hơn cả dã thú. Có thể nói, bàn tay Tnú biểu tượng cho sức mạnh của khối đoàn kết cộng đồng, sự gắn bó mạch sống của mảnh đất, rừng cây và sức sống con người. Đó là đôi bàn tay huyền thoại, vô địch trước sức mạnh của mọi kẻ thù.
3. Tính sử thi trong truyện ngắn “Rừng xà nu” được thể hiện ở các phương diện sau:
+ Thiên nhiên trong “Rừng xà nu” thấm đẫm một cảm hứng sử thi và chất thơ hào hùng thể hiện qua từng trang sách miêu tả về rừng xà nu. Mở đầu và kết thúc tác phẩm vẫn là rừng xà nu “nối tiếp nhau chạy đến chân trời”.
+ Nhà văn xây dựng thành công hình tượng một tập thể anh hùng. Những anh hùng được kể đến trong tác phẩm đều có tính đại diện cao, mang trong mình phẩm chất của cả một dân tộc. Tập thể anh hùng trong “Rừng xà nu” là tập thể đa dạng về lứa tuổi và giới tính. Mỗi gương mặt anh hùng đều có những nét riêng, thể hiện một số phận riêng. Tuy nhiên, tất cả họ đều giống nhau ở những phẩm chất cơ bản: gan dạ, trung thực, một lòng một dạ đi theo cách mạng, yêu núi nước, yêu buôn làng, quyết tâm đánh giặc đến cùng.
+ Giọng văn mang âm hưởng vang dội như tiếng cồng tiếng chiêng của đất rừng Tây Nguyên đại ngàn hùng vĩ. Giọng văn đó ẩn chứa chất liệu làm nên tính sử thi hoàng tráng của tác phẩm. Giọng văn ấy cũng thấm đượm trong việc miêu tả thiên nhiên, khiến cho hình ảnh rừng xà nu bỗng thổi tới trong lòng người đọc một cảm giác say sưa.
+ Kết cấu truyện theo lối vòng tròn hay còn gọi là đầu cuối tương ứng. Chính kết cấu đó tạo nên dư âm hùng tráng đặc biệt. Lối kết cấu này như cái khung bền vững để nhà văn khai triển câu truyện. Câu truyện mở ra bằng hình ảnh rừng xà nu được đặc tả kỹ lưỡng và sắc nét. Cuối tác phẩm rừng xà nu cũng xuất hiện để khép lại câu truyện. Đây là lối kết cấu vừa đóng vừa mở. Câu chuyện đóng lại để mở một câu truyện khác. Điều này làm chúng ta tưởng tượng đây chỉ là một chương trong lịch sử ngàn đời của người Xô man, chỉ là một chương trong bản anh hùng ca vô tận của Tây Nguyên.
– Bàn tay Tnú – một hình tượng nghệ thuật giàu tính thẩm mỹ như có một số phận riêng, gắn bó mật thiết với cuộc đời Tnú và góp phần tô đậm thêm những nét phẩm chất, tính cách cao đẹp của anh.
– Như vậy có thể thấy hình ảnh đôi bàn tay Tnú là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc trong tác phẩm này. Có thể thấy rằng bàn tay ấy cũng có cuộc đời như Tnú vậy: hiền lành và gan dạ rồi đên yêu thương và đau thương cuối cùng nó vẫn hoạt động như một đôi tay bình thường giết chết biết bao nhiêu quân giặc. Bàn tay ấy không chỉ để giết giặc mà bàn tay ấy còn để đưa cơm cho cán bộ và là bàn tay yêu thương dắt Mai đi đến những hạnh phúc của tình yêu.