Đề thi hay và khó về những bài thơ mới lớp 11. Phân tích những bài thơ mới ngữ văn 11 để làm sáng tỏ nhận đinh của Hoài Thanh :”Họ yêu vô cùng thứ tiếng trong mấy mươi thế kỉ đã chia sẻ vui buồn với cha ông. Họ dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt”
Đề bài :
“Họ yêu vô cùng thứ tiếng trong mấy mươi thế kỉ đã chia sẻ vui buồn với cha ông. Họ dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt.”
(Một thời đại trong thi ca – Hoài Thanh)
Anh/ chị hãy làm sáng tỏ ý kiến của Hoài Thanh, qua việc phân tích một số bài thơ Mới đã học trong chương trình Ngữ văn 11 như: Vội vàng – Xuân Diệu, Tràng giang – Huy Cận, Đây thôn Vĩ Dạ – Hàn Mặc Tử, Tương tư – Nguyễn Bính.
Hướng dẫn cách làm
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Lòng yêu nước thương nòi qua tình yêu tiếng Việt của các nhà thơ Mới.
1. Giới thiệu vấn đề
– Hoài Thanh là một trí thức yêu nước, một nhà phê bình văn học xuất sắc nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại. Sở trường của ông là phê bình thơ. Cách bình của Hoài Thanh không bằng lí trí mà bằng tình cảm, không bằng lí lẽ khô khan mà bằng cách diễn đạt giàu hình ảnh và cảm xúc; ngắn gọn mà nói đúng được cái thần thái độc đáo của mỗi hồn thơ, câu thơ.
– Trước Cách mạng, ông có cuốn Thi nhân Việt Nam (viết chung với Hoài Chân), một tuyển Thơ mới xuất sắc, lời bình tinh tế, tài hoa, có giá trị tổng kết sâu sắc cả một phong trào thơ lãng mạn trong cuộc cách tân hiện đại hóa thơ ca. Khi nói về các nhà thơ của phong trào Thơ mới, Hoài Thanh nhận xét: “Họ yêu vô cùng thứ tiếng trong mấy mươi thế kỉ đã chia sẻ vui buồn với cha ông. Họ dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếngViệt.”
2.Giải thích đề
– “Họ” ở đây là các nhà Thơ mới như Thế Lữ, Huy Thông, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính…Đó là thế hệ nhà thơ lãng mạn Việt Nam (1932 – 1941), những trí thức có lương tri đang sống và sáng tác trong thời kì nước ta bị thực dân Pháp đô hộ.
– Trong hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ, có nhiều cách biểu lộ lòng yêu nước…. Các nhà Thơ mới đành gửi lòng yêu nước thương nòi của mình vào tình yêu tiếng Việt. Vì họ nghĩ rằng, tiếng Việt đã hứng vong hồn dân tộc những thế hệ qua. Vận mệnh dân tộc đã gắn bó với vận mệnh tiếng Việt. Họ dùng tiếng nói của dân tộc để sáng tác thơ, duy trì tiếng nói và các thể thơ mang hồn cốt dân tộc. Qua thơ, họ ngợi ca thiên nhiên đất nước, gửi gắm nỗi buốn mất nước.
3. Phân tích một số bài Thơ mới để làm sáng tỏ.
a. Vai trò, đặc điểm, vị trí của tiếng Việt
– Tiếng Việt là tiếng nói của dân tộc ta, đã hình thành từ lâu đời, trải qua bao thăng trầm lịch sử, tiếng Việt càng trở nên giàu và đẹp, thể hiện được tâm hồn và sức sống của người Việt Nam:
– Chưa thể trở thành chiến sĩ cách mạng, nhà thơ cách mạng, các nhà Thơ mới đã dùng tiếng Việt sáng tác thơ ca, như một cách giữ gìn, kế thừa và tôn vinh tiếng nói và văn hóa của dân tộc.
b. Chứng minh các nhà Thơ mới có tình yêu tha thiết tiếng Việt, dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt
– Qua thơ, các nhà Thơ mới đã phát triển, đổi mới ngôn từ, làm cho tiếng Việt trở nên rất phong phú, trong sáng, tinh tể, hiện đại. Trong khi văn học trung đại sáng tác văn học bằng chữ Hán, chữ Nôm (ảnh hưởng chữ Hán) và các thể thơ chủ yếu là Đường luật; thì các nhà Thơ mới làm thơ bằng tiếng Việt, chữ quốc ngữ, tôn vinh các thể thơ truyền thống như: thơ lục bát, thơ bốn chữ, thơ năm chữ…Họ coi tiếng nói của cha ông là là hương hỏa quý giá, mang hồn thiêng dân tộc, nên đã trau chuốt từ ngữ, hình ảnh: (Vội vàng- Xuân Diệu)
– Nhờ đổi mới về hình thức nghệ thuật ngôn từ (như câu chữ, hình ảnh, nhịp điệu, các cách tu từ…), các nhà Thơ mới đã thể hiện được sinh động trong thơ những hình ảnh, cảnh sắc, thần thái của cảnh trí đất nước mà trong thơ cổ vẫn chỉ là ước lệ. Chính là, các nhà Thơ mới đã dồn tình yêu nước vào tình yêu tiếng Việt:
– Không chỉ vẽ nên những cánh sắc quê hương đất nước với những tình cảm trong sáng, qua thơ các nhà Thơ mới còn gửi gắm nỗi buồn mất nước thầm kín mà thiết tha: Tràng giang – Huy Cận
4.Bìnhluận
– Tình yêu tiếng Việt, yêu nghệ thuật thơ ca, yêu bản sắc văn hóa dân tộc của các nhà Thơ mới rất phong phú sâu sắc. Đó một biểu hiện tinh tế của tình yêu quê hương đất nước.
– Có thể còn có những tác giả, tác phẩm Thơ mới có thái độ chán chường ủy mị yếu đuối, nhưng đó chỉ là nét cá biệt, không phải là tinh thần của Thơ mới. Thơ mới bộc lộ cái tôi cá nhân sầu buồn, đó là nỗi sầu buồn nhân văn, khi hướng tình cảm của mình về quê hương đất nước. Bởi vậy tình yêu quê hương đất nước, dồn trong tình yêu tiếng Việt của các nhà Thơ mới, đã góp phần rung lên tiếng tơ lòng muôn điệu của những tâm hồn Việt. Tình yêu đó rất đáng trân trọng
(Đề sưu tầm)
giáo án tiết 2 ở đâu v ạ ?