Đề thi bán kì 1 Ngữ văn 11. Đọc hiểu câu chuyện về hai chiếc bình.Vẻ đẹp hình tượng bà Tú qua bài thơ Thương vợ của Trần Tế xương.
ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KỲ I
MÔN NGỮ VĂN 11
Thời gian: 90 phút
MỤC TIÊU ĐỀ KIỂM TRA:
– Thu thập thông tin để đánh giá mức độ đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng theo tiến độ chương trình lớp 11 học kì I.
– Đánh giá việc học sinh vận dụng kiến thức kĩ năng đã học; viết một bài văn nghị luận.
– Cụ thể: Nhận biết, thông hiểu vận dụng các đơn vị kiến thức, kĩ năng:
+ Kĩ năng đọc – hiểu
+ Kĩ năng làm văn nghị luận văn học.
HÌNH THỨC KIỂM TRA: Tự luận
TRƯỜNG THPT ĐÔNG KINH ĐỀ THI GIỮA HỌC KÌ I MÔN: NGỮ VĂN – LỚP 11
NĂM HỌC 2016 – 2017 Thời gian: 90 phút
Phần I. Đọc hiểu (3 điểm)
Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
CÂU CHUYỆN VỀ HAI CHIẾC BÌNH
Có một người nông dân thường xuyên phải gánh nước từ suối về nhà. Suốt hai năm ông dùng hai chiếc bình gánh nước, trong đó có một chiếc bị nứt. Từ vết nứt của nó, nước cứ bị rỉ ra. Vì thế, cuối đoạn đường dài, từ con suối về nhà, một chiếc bình luôn đầy nước; chiếc kia thì chỉ mang về một nửa bình nước.
Dĩ nhiên, cái bình nguyên vẹn rất tự hào về thành tích của nó và cũng không bỏ lỡ cơ hội nào để tỏ ý coi thường, chê trách chiếc bình nứt. Còn chiếc bình nứt luôn buồn tủi, xấu hổ về khuyết điểm của mình. Nó khổ sở vì chỉ hoàn tất được một nửa công việc phải làm. Trong hai năm, nó phải chịu đựng sự giày vò, đau khổ với ý nghĩ mình là kẻ thất bại và vô tích sự.
Một ngày nọ, chiếc bình nứt bèn lên tiếng bày tỏ với người gánh nước:
– Con rất xấu hổ về bản thân và muốn nói lời xin lỗi ông về thời gian đã qua.
Người gánh nước hỏi lại cái bình:
– Sao con phải xin lỗi? Mà con xin lỗi về chuyện gì?
Cái bình nứt đáp lại:
– Suốt hai năm qua, do vết nứt của con mà nước đã bị rò rỉ trên đường về nhà. Ông đã phải làm việc chăm chỉ nhưng kết quả mang lại không hoàn toàn như ông mong đợi.
Người gánh nước mỉm cười:
– Không phải vậy đâu! Ngày mai, trên đường ra suối con hãy quan sát kĩ hai bên đường rồi nói ta xem có gì khác lạ nhé.
Hôm sau, chiếc bình nứt nhìn con đường từ nhà ra suối và thấy hai bên đường quang cảnh khác hẳn nhau. Một bên, cỏ mọc xanh mát và có rất nhiều bong hoa đồng nội đủ màu đang khoe sắc. Bên kia chỉ toàn là đất cát và vài khóm cỏ dại héo khô. Không đợi nó cất tiếng hỏi, người gánh nước đã nói:
– Con có thấy rằng những bong hoa kia chỉ nở một bên ven đường, chỉ ở phía bên con mang nước về nhà không? Nước từ vết nứt của con đã tưới cho đất, nuôi dưỡng cỏ hoa. Vợ và con gái ta đã rất vui vẻ, hạnh phúc khi hái những bông hoa kia mang về tô điểm cho căn bếp, cho ngôi nhà của chúng ta. Ngắm những bình hoa ấy, ta quên nỗi mệt nhọc sau một ngày dài vất vả. Không có vết nứt của con, gia đình ta sẽ không có được những niềm vui ấm áp đó.
Chiếc bình nứt bừng tỉnh. Nó biết rằng, từ hôm nay, mỗi ngày mới trên con đường này sẽ luôn đến cùng niềm vui và hạnh phúc.
Câu 1. Xác định các nhân vật giao tiếp trong đoạn trích trên.
Câu 2. Văn bản trên viết về chiếc bình nứt nhưng mục đích là để nói chuyện gì? . Vết nứt trên chiếc bình ẩn dụ cho điều gì?
Câu 3. Nỗi xấu hổ, day dứt của chiếc bình nứt gợi liên tưởng đến tâm trạng của con người khi đối diện với điều gì? Nêu nhận xét của em về cách ứng xử của người nông dân với chiếc bình nứt?
4. Từ câu chuyện, em có thể rút ra những bài học gì?( 5- 7 câu).
Phần II. Làm văn (7 điểm)
Vẻ đẹp hình tượng bà Tú qua bài thơ Thương vợ của Trần Tế xương.
—————–HẾT—————-
ĐÁP ÁN VÀ BIỂU ĐIỂM ĐỀ THI HỌC KÌ I MÔN: NGỮ VĂN – LỚP 11
NĂM HỌC 2016 – 2017
Phần I. Đọc hiểu
Câu 1.
1.Nhân vật giao tiếp: Chiếc bình nứt và người gánh nước. (0,5đ)
– Văn bản trên viết về chiếc bình nứt nhưng mục đích
nhằm nói chuyện con người, cụ thể hơn là cách ứng xử của con người.
2.- Vết nứt trên chiếc bình ẩn dụ cho hạn chế, khiếm khuyết trong mỗi con người.
– Nỗi xấu hổ, day dứt của chiếc bình nứt gợi liên tưởng đến tâm trạng của con người khi đối diện với những khiếm khuyết của bản thân.
3. Nêu nhận xét của em về cách ứng xử của người nông dân với chiếc bình nứt:
Cách ứng xử của người nông dân vừa bao dung, nhân hậu vừa từng trải, sâu sắc. Ông đã biến vết nứt của chiếc bình- vốn là một khiếm khuyết, hạn chế thành thứ hữu dụng.
4. HS cần lưu ý khi trả lời:
– Thái độ coi thường, chê trách của chiếc bình nguyên lành với chiếc bình nứt có đúng kg? Thái độ ấy gọi liên tưởng đến cách ứng xử nào với những người kém may mắn, đặc biệt là những người sinh ra đã phải gánh chịu những khiếm khuyết, hạn chế?
– Thái độ của chiếc bình nứt với bản thân mình có gì đúng và chưa đúng? Con người nên có cách ứng xử như thế nào khi đối diện với những hạn chế của bản thân?
– Cách ứng xử của người nông dân với chiếc bình nứt mang đến cho chúng ta bài học gì?( Cần cảm thông, giúp đỡ, nâng đỡ, tạo điều kiện cho những con người kém may mắn tự tin vào bản thân họ; giúp họ biến những hạn chế, khuyết điểm thành điểm mạnh…)
Phần II. Làm văn
- Yêu cầu về kĩ năng:
- Học sinh nắm được phương pháp làm bài nghị luận văn học, phân tích thơ trữ tình.
- Bài viết có bố cục đủ ba phần; các luận điểm, luận cứ rõ ràng, chặt chẽ; diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Yêu cầu về kiến thức
Mở bài:
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm
– Nêu vấn đề cần phân tích: Vẻ đẹp hình tượng bà Tú qua bài thơ Thương vợ của Trần Tế xương.
Thân bài:
– Giới thiệu khái quát về đề tài người vợ , người vợ khi còn sống: đề tài hiếm hoi.
– Phân tích chi tiết hình tượng bà Tú.
* Hai câu đề:
– Câu 1: Từ ngữ tinh tế: quanh năm, buôn bán , mom sông:cách nói về thời gian ,địa điểm , nghề nghiệp làm ăn của bà Tú ,bà Tú vất vả ,làm nghề buôn bán ở mom sông hết ngày nàu tháng khác khiến nỗi vất vả càng tăng lên gấp bội .
– Câu 2: nói rõ hơn sự vất vả của bà Tú: một mình phải mang gánh nặng nuôi cả gia đình; năm con với một chồng
=> Bà Tú tần tảo, đảm đang, chịu thương, chịu khó.
* Hai câu thực: + Biện pháp đối, sử dụng từ láy… gợi lên cảnh làm ăn tội nghiệp, lam lũ, vì chồng vì con phải bon chen nơi chợ búa, nơi chuyến đò đầy nguy hiểm.
+ Hình ảnh thân cò lăn lội: hình ảnh đã có trong ca dao. Tú Xương nâng lên thành thân cò, ý thơ như xoáy vào nỗi cơ cực, nặng nề của bà Tú
=> Nỗi vất vả của bà Tú
* Hai câu luận: Nghệ thuật đối, sử dụng thành ngữ…. => là tấm lòng vị tha, đức hi sinh cao cả của bà Tú. Bà Tú đã đành chấp nhận số phận nên dù có vất vả năm nắng mười mưa bà cũng không quản ngại
* Hai câu kết: Là tiếng cười “chửi” của ông Tú: chửi thói đời ăn ở bạc và tự chửi tự trách chính mình đã ở bạc bẽo với vợ. => Thái độ của Tú Xương với vợ, với đời
Kết bài.(1đ)
– Nhấn mạnh lại hình tượng của bà Tú: một người vợ đảm đang, tháo vát, giàu đức hi sinh Hình tượng của bà cũng là điển hình rất đẹp về người phụ nữ Việt Nam tần tảo, chịu thương, chịu khó, hi sinh vì chồng vì con.
– Khẳng định vấn đề, nêu suy nghĩ của bản thân hoặc liên hệ mở rộng.
Biểu điểm:
- Điểm 6-7: Phân tích nhân vật một cách cụ thể, sâu sắc. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc; có thể còn vài sai sót về chính tả, dùng từ.
- Điểm 4-5: Cơ bản phân tích được nhân vật. Bố cục rõ ràng, lập luận tương đối chặt chẽ; còn mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Điểm 2-3: Phân tích còn sơ sài; mắc nhiều lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Điểm 1: Chưa hiểu đề; sai lạc kiến thức; mắc rất nhiều lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Điểm 0: Không làm bài hoặc hoàn toàn lạc đề.
Xem thêm : Tuyển tập những bài văn hay, những dạng đề xoay quanh tác phẩm Thương Vợ- Trần Tế Xương : Thương vợ