Đề cuối kì văn 11 Lễ hội Sòng Sơn – Ba Dội , Nghị luận bài thơ Một phía làng tôi

MA TRẬN ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KỲ II

Môn: Ngữ văn; Lớp 11 – Năm học: 2023 – 2024

Thời gian làm bài: 90 phút

Khung ma trận

TT Kĩ năng Nội dung kiến thức / Đơn vị kĩ năng Mức độ nhận thức  
Nhận biết Thông hiểu Vận dụng Vận dụng cao Tổng

% điểm

1 Đọc Văn bản thông tin 2 1 1 40
2 Viết

 

Nghị luận xã hội 1* 1* 1* 1* 20
Viết bài nghị luân về một tác phẩm thơ. 1* 1* 1* 1* 40
Tỉ lệ% 25% 45% 20% 10% 100
Tổng 70% 30%

 

ĐỀ THI KIỂM TRA CUỐI KỲ II

KHỐI: 11 – NĂM HỌC 2023-2024

Môn thi: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 90 phút

  1. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

Lễ hội Sòng Sơn – Ba Dội sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 17-3

(Baothanhhoa.vn) – Lễ hội Sòng Sơn – Ba Dội năm 2023 sẽ tổ chức trong 3 ngày, từ 15 đến 17-3-2023 (tức từ ngày 24 đến 26-2 âm lịch) tại đền Sòng, khu phố 6, phường Bắc Sơn (TX Bỉm Sơn)

Lễ hội Sòng Sơn – Ba Dội năm 2023 sẽ diễn ra tại Di tích cấp Quốc gia đền Sòng, phường Bắc Sơn, TX Bỉm Sơn

Đền Sòng được biết đến là di tích có tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh nổi tiếng bậc nhất xứ Thanh, mỗi năm thu hút hàng vạn lượt khách về dâng hương, chiêm bái, thực hành tín ngưỡng thờ mẫu. Lễ hội cũng là dịp tưởng nhớ vua Quang Trung – Nguyễn Huệ.

Tương truyền, trên đường hành quân ra Bắc đánh đuổi quân Thanh, ông đã dừng chân trên đèo Ba Dội (phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn) để hội quân, chiêu binh luyện võ, luận bàn kế sách giải phóng kinh thành Thăng Long.

Theo kế hoạch, lễ hội sẽ được tổ chức gồm phần lễ và phần hội với nhiều hoạt động nổi bật, đặc sắc. Trong đó, phần lễ với nghi lễ rước bát hương linh vị, kiệu long đình Thánh mẫu và kiệu Hoàng đế Quang Trung, thực hiện vào chiều 16-3, tức 25-2 âm lịch) tại cung cấm đền Sòng Sơn – đài lễ.

Chính lễ tổ chức vào 8 giờ 30 phút ngày 17-3 (tức ngày 26-2 âm lịch) tại đài lễ đền Sòng Sơn với các hoạt động dâng hương, đánh trống khai hội, thực hiện nghi thức tế lễ, biểu diễn chương trình nghệ thuật. Trong đó, tổ chức lễ rước bóng Thánh mẫu Liễu Hạnh, kiệu Hoàng đế Quang Trung lên Nhà bia Ba Dội, về đền Chín Giếng và hoàn vị.

Phần hội diễn ra từ ngày 15 đến 16-3 (tức ngày 24 đến 25-2 âm lịch) với các hoạt động giải cờ tướng, nấu cơm thi, trò chơi kéo co nam, nữ, hội hầu văn thánh.

Ban Tổ chức đang tích cực chuẩn bị cho lễ hội. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh; chú trọng đảm bảo nguồn điện, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch trong những ngày diễn ra lễ hội; sắp xếp lại hàng quán, không để diễn ra tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường để bày bán hàng hóa… quanh khu vực đền Sòng và đền Chín Giếng; đảm bảo an toàn giao thông, trật tự và vệ sinh các tuyến đường lên đèo Ba Dội để rước kiệu diễn ra thuận lợi, an toàn…

Lễ hội là hoạt động văn hóa truyền thống đã có từ lâu đời, phản ánh nhu cầu văn hóa, tinh thần của Nhân dân trên địa bàn. Thông qua việc tổ chức lễ hội nhằm gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục tinh thần yêu nước, đoàn kết trong xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước; nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân trong việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa các di tích, danh lam, thắng cảnh để tiếp tục đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch văn hóa của TX Bỉm Sơn.

Ngọc Huấn

Trả lời câu hỏi/ Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định những thông tin chính của phần văn bản.

Câu 2: Xác định thái độ và quan điểm của tác giả thể hiện trong văn bản?

Câu 3. Các yếu tố hình thức của văn bản đã hỗ trợ như thế nào trong việc biểu đạt nội dung chính?

Câu 4. Sự kiện Sòng Sơn – Ba Dội có giá trị như thế nào với tâm thức và ý thức giữ gìn nét đẹp văn hoá ở Bỉm Sơn?

  1. LÀM VĂN (6,0 điểm)

Câu 1: (2,0 điểm)

Viết đoạn văn nghị luận (150 chữ) bàn về ý nghĩa của việc phát huy sức mạnh của bản sắc văn hoá truyền thống trong đời sống hiện đại.

Câu 2: (4.0 điểm)

Viết bài văn nghị luận (khoảng 400 đến 500 chữ) phân tích nội dung và nghệ thuật của bài thơ sau:

MỘT PHÍA LÀNG TÔI

Làng tôi ở phía bờ sông

Lở bồi thành đục thành trong bao đời

Con sông như thể mẹ tôi

Phù sa lầm lụi dệt lời áo nâu

 

Làng tôi ở phía ruộng sâu

Ngàn năm bông lúa cúi đầu mà thơm

Đắng cay thành gạo thành cơm

Hồn người từ khói rạ rơm đượm đà

Làng tôi ở phía ông bà

Nén hương thắp đỏ nếp nhà đơn sơ

Cháu con bàn chuyện bây giờ

Thể nào cũng bảo người xưa nói rằng

 

Làng tôi ở phía tơ giăng

Bao nhiêu con nhện tình bằng nhớ thương

Bước chân cuối nẻo gió sương

Hồn quê một mảnh còn vương tơ làng.

 

Thơ Nguyễn Văn Song – Tạp chí Nhà văn và cuộc sống

Chú thích:

Nguyễn Văn Song sinh năm 1974 tại Vân Điềm, Vân Hà, Đông Anh, Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội khoa Ngữ văn năm 2000, là giáo viên trường THPT Phù Cừ – Hưng Yên, là Hội viên Hội Văn học – Nghệ thuật Hưng Yên.

Các tập thơ đã xuất bản: Đi từ phía cổng làng, Mẹ và sen (NXB Hội Nhà văn 2022). Đoạt giải B (không có giải A) cuộc thi thơ của Báo Văn Nghệ – Hội Nhà văn Việt Nam 2019 – 2020 và nhiều giải thưởng khác.

Thơ lục bát của Nguyễn Văn Song dễ đọc, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người bởi ngôn ngữ thơ anh khá chân thành, mộc mạc nhưng lại có những câu từ đắt giá và hình tượng. Nhất là những bài thơ về cha mẹ, về làng quê. Những bờ ao, gốc rạ, cơi trầu, giỏ tre, gọng vó, cổng làng, sân đình… được anh xem như là những kỷ vật để anh thực sự ký thác hồn mình để nhả ra ngôn ngữ thi ca đầy hình tượng.

 

 

ĐÁP ÁN ĐỀ THI KIỂM TRA CUỐI KỲ II   

          KHỐI: 11 – NĂM HỌC 2023-2024

Môn thi: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 90 phút

 

Phần Câu Nội dung Điểm  
I   ĐỌC HIỂU 4.0  
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1  Các thông tin chính của văn bản

– Thời gian, địa điểm, sự kiện

– Mục đích, nhân vật của sự kiện

– Tiến trình tổ chức lễ hội

– Công tác chuẩn bị

– Ý nghĩa của lễ hội

1.0  
2 – Thái độ của tác giả: yêu mến, trân trọng, tự hào về lễ hội

– Quan điểm: bảo tồn và lưu truyền giá trị lễ hội Sòng Sơn – Ba Dội qua nhiều thế hệ đồng thời phát huy những nét đẹp lễ hội qua các hình thức đa dạng.

1.0  
3 Các yếu tố hình thức: nhan đề, bố cục, hình ảnh giúp người đọc không chỉ hiểu rõ mà còn hình dung cụ thể về lễ hội Sòng Sơn – Ba Dội

+ Nhan đề: thâu tóm được nội dung chính của văn bản

+ Bố cục: trình bày theo trình tự logic của thông tin kiện nhằm cung cấp cho người đọc nội dung chính của từng phần.

+ Hình ảnh: Giúp thông tin văn bản được trực quan, sinh động và đầy đủ hơn.

1.0  
4  Sự kiện Sòng Sơn – Ba Dội có giá trị lớn với tâm thức và ý thức giữ gìn nét đẹp văn hoá ở Bỉm Sơn:

– Đánh thức nhưng tình cảm cội nguồn

– Đánh thức lòng biết ơn và trên trọng quá khứ

– Tự hào về truyền thống văn hoá của quê hương xứ Bỉm

– Có ý thức giữ gìn và tôn vinh nét đẹp bản sắc riêng

1.0
 
II Viết 6.0  
 

 

1 Viết đoạn văn nghị luận (150 chữ ) bàn về ý nghĩa của việc phát huy sức mạnh của bản sắc văn hoá truyền thống trong đời sống hiện đại. 2.0  
 
  a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận

Mở đoạn  nêu được vấn đề, Thân đoạn triển khai được vấn đề, Kết đoạn khái quát được vấn đề

0,25  
  b. Xác định đúng yêu cầu của đề.

Làm rõ ý nghĩa của việc phát huy sức mạnh của bản sắc văn hoá truyền thống trong đời sống hiện đại.

0.25
  c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

HS có thể viết bài nhiều cách trên cơ sở kết hợp được lí lẽ và dẫn chứng để tạo tính chặt chẽ, logic của mỗi luận điểm; đảm bảo các yêu cầu sau:

– Giải thích được khái niệm văn hoá truyền thống, khẳng định được phát huy sức mạnh của văn hoá truyền thống là việc cần thiết, đem lại những giá trị lớn cho đời sống tình thần của con người

– Nhìn nhận về cuộc sống hiện đại và xu thế hội nhập, nguy cơ hoà tan…

– Trình bày rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát huy sức mạnh của văn hoá truyền thống

– Rút ra bài học cho bản thân.

1,0.

 

  d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0.25
  e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. 0.25
2 Viết bài văn nghị luận (khoảng 400 đến 500 chữ) phân tích nội dung và nghệ thuật của bài thơ “Một phía làng tôi” của Nguyễn Văn Song. 4.0  
    a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm thơ. 0,25  
    b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

nghị luận về nội dung và nghị luận một tác phẩm thơ.

0,5  
    * Giới thiệu tác giả, tác phẩm (tên tác phẩm, tác giả, thể loại,…)

– “Một phía công làng” của tác giả Nguyễn Văn Song là một thi phẩm viết về nét đẹp của truyền thống, trong một hình thức thể loại rất quen thuộc: thể thơ lục bát. Bài thơ cảm động, gây xúc động lòng người bởi niềm trân trọng sâu sắc và cảm động của tác giả dành cho con người, cho quê hương, cho văn hoá truyền thống trong lời thơ hết sức giản dị, chân thành, đằm thắm.

– Bài thơ có giá trị thức tỉnh hồn người, đưa mỗi người về miền kí ức của dân tộc, khiến mỗi người biết nhìn nhận và trân trọng quá khứ, trên trọng văn hoá dân tộc.

* Trình bày tóm tắt  nội dung và mạch cảm xúc của bài thơ:

– Bài thơ “Một phía làng tôi” đưa người đọc về với dòng sông bồi lở phù sa, với đời mẹ tảo tần vất vả và tình mẹ bao la như sông quê mát lành, đưa ta về với mảnh ruộng sâu, mùi rạ rơm với hạt lúa thơm đượm mồ hôi công sức, về với tình cảm biết ơn và thành kính trước ông bà tổ tiên đã lưu truyền cả một nền văn minh văn hoá, về với nghĩa tình thuỷ chung son sắt đã trở thành nét đẹp ngàn đời…Bài thơ khẳng định tấm lòng thương nhớ và biết ơn sâu nặng đối với quê hương. 

*Phân tích, đánh giá giá trị đặc sắc về nội dung của bài thơ.

– Bài thơ đưa người đọc đến với không gian quen thuộc ta có thể bắt gặp hầu hết các vùng miền tổ quốc. Đó là những “dòng sông tuổi thơ”, dòng sông quê, dòng sông phù sa bên lở bên bồi…Hình ảnh con sông thân thuộc hiện lên như người mẹ yêu thương của ta, chính xác là song gợi bóng hình của mẹ, là lòng thương nhớ của con dành cho mẹ.

 – Bài thơ con đưa ta đến cánh đồng quê trong mùi thơm rơm rạ, trong hình ảnh thật gần gũi ấm áp “Ngàn năm bông lúa cúi đầu mà thơm” khi trải qua những “đắng cay thành gạo thành cơm” vất vả của người dân quê cần mẫn; Bài thơ còn đưa người đọc đến với không gian của tâm linh, tâm tưởng, để mỗi người biết tri ân quá khứ, biết ơn cội nguồn “Nén hương thắp đỏ nếp nhà đơn sơ”/Thể nào cũng bảo người xưa nói rằng”

– Đọng lại trong tâm trí người đọc thơ là những tình cảm thiết tha, sâu nặng của người con với quê hương. Hình ảnh trong lục bát ca dao” con nhện giăng tơ” đi vào thơ Nguyễn Văn Song tự nhiên, gần gũi mà chứa đựng chiều sâu văn hoá, của nghĩa tình thuỷ chung đã trở thành truyền thống: tình yêu đôi lứa, tình thương nhớ của người con xa quê, lòng biết ơn với quá khứ, cội nguồn…tất cả trở thành một giai điệu thổn thức, ngân vang, sâu lắng, ngọt lành.

– Yêu và nhớ, hoài thương và trăn trở, “ Một phía làng tôi” như một cái ngoái nhìn thời gian, ngoái nhìn không gian trong quá khứ để thổn thức, để ngóng mong, để hoài niệm. Có một chút tiếc nuối, như sợi tơ  vương giăng dọc suốt bài thơ.              

* Phân tích, đánh giá giá trị đặc sắc về hình thức nghệ thuật của bài thơ

– Một phía làng tôi được sáng tác theo thể lục bát truyền thống, nhịp điệu nhẹ nhàng, chậm rãi, tao giai điệu sâu lắng, êm đềm.

– Điệp khúc “làng tôi ở phía…”  luyến láy lặp đi lặp lại thể hiện niềm nhớ mong và nhiều liên tưởng bất ngờ, thú vị: phía bờ sông, phía ruộng sâu, phía ông bà… mỗi một hình ảnh đều gần gũi, quen thương, giàu sức gợi. “Phía” “làng tôi” vì thế là phía miền kí ức, miền tâm linh, miền hoài vọng.

* Trình bày những suy nghĩ, cảm nhận của bản thân về bài thơ..

– “Một phía làng tôi” là một bài thơ đẹp: đẹp từ hồn thơ đến lời thơ, hình ảnh trong thơ, cái đẹp kế thừa truyền thống của dân tộc.

– Bài thơ truyền cho ta nguồn cảm hứng yêu thương và trân trọng giá trị văn hoá, trân trọng vẻ đẹp bình dị, trân trọng những gì đời thường, đơn sơ. Bài thơ cũng đem đến cho người đọc tình yêu quê hương, yêu những gì mộc mạc thân thuộc.

2,5  
    d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0,25  
    e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy  0,5  
Tổng   10,0  

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *