Đề thi HSG môn văn lớp 11 SGK mới Và anh tồn tại Lưu Quang Vũ

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

THÁI BÌNH

 

(Đề gồm 2 trang)

ĐỀ MINH HỌA KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 11 THPT

NĂM HỌC 2023-2024

Môn: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 150 phút (không kể thời gian giao đề)

 

PHẦN ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau:  

                                                 BI KỊCH CỦA SỰ HÀO NHOÁNG

[…] Dù không đứng đầu các thể chế chính trị hay kinh tế, các ngôi sao, và văn hóa ngôi sao xung quanh họ – bộ máy truyền thông, quảng cáo, thời trang, mỹ phẩm, âm nhạc, điện ảnh – nắm giữ một quyền lực lớn có thể thay hình đổi dạng xã hội. Angelina Jolie có khả năng làm người dân toàn cầu chú ý tới nạn đói ở châu Phi hơn nhiều lần Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. Ở buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân của tòa tháp đôi New York, được tổ chức vài tuần sau ngày 11/9, trong khoảnh khắc bi tráng và đau thương, người đứng đầu nghi lễ để vực dậy tinh thần của cả nước Mỹ không phải là một chính trị gia hay một lãnh tụ tôn giáo, mà là Oprah Winfrey […].

          Các ngôi sao khoác trên mình glamour. Không có một khái niệm Việt tương đương, nó là tổng hợp của hào nhoáng, rực rỡ, lộng lẫy, lôi cuốn và hoành tráng. Với triết lý gỗ không quan trọng, nước sơn quyết định tất cả, nó khơi dậy khao khát. Hình ảnh của các sao là cầu nối dẫn người ta tới một thế giới long lanh, phiêu lưu, phấn khích và hồi hộp, không buồn chán, bụi bặm và mòn mỏi như cuộc đời thực. Đầu tư tình cảm vào mối quan hệ một chiều với các sao, các fan (người hâm mộ) dường như nhờ họ sống cho mình, sống hộ mình […].

          Hơn ai hết, các ngôi sao hiểu rằng họ cũng chỉ là vật tế lễ cho thị trường. Nếu họ được coi là thần thánh thì tôn giáo mà họ đại diện là chủ nghĩa tiêu dùng, và bản thân họ là những mặt hàng có hạn sử dụng. Giống như sao băng, họ tàn lụi cũng nhanh chóng như khi lên ngôi […] Thị trường luôn tái tạo các ngôi sao để thổi gió vào ngọn lửa khao khát tuổi trẻ, sắc đẹp, và sự hào nhoáng của đám đông. Và đám đông sẽ vô tư quên họ đi khi họ già, yếu, cô đơn và hết thiêng như những đạo cụ ảo thuật nằm dưới ánh nắng ban ngày.

(Theo Bức xúc không làm ta vô can, Đặng Hoàng Giang,

NXB Hội nhà văn, 2023, tr.66-72)

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:

Câu 1. (1,0 điểm) Những tên tuổi nào được tác giả dẫn ra để minh chứng cho việc các ngôi sao nắm giữ một quyền lực lớn có thể thay hình đổi dạng xã hội?

Câu 2. (1,0 điểm) Anh/Chị hiểu thế nào là hào nhoáng?

Câu 3. (1,0 điểm) Theo anh/chị, tại sao tác giả cho rằng: Đầu tư tình cảm vào mối quan hệ một chiều với các sao, các fan dường như nhờ họ sống cho mình, sống hộ mình?

Câu 4. (1,5 điểm) Anh/Chị có đồng tình với quan điểm: các ngôi sao cũng giống như sao băng, tàn lụi nhanh chóng như khi lên ngôi không? Vì sao?

Câu 5. (1,5 điểm) Từ văn bản trên, anh/chị hãy rút ra một thông điệp có ý nghĩa nhất và lí giải. (Trình bày bằng một đoạn văn ngắn khoảng 7 dòng).

 

 PHẦN VIẾT (14,0 điểm)

Câu 1. (4,0 điểm)

          Anh/Chị hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 300 chữ) về vai trò của truyền thông trong cuộc sống hôm nay.

Câu 2. (10,0 điểm)

Bàn về thơ, Xuân Diệu cho rằng: Thơ hay, lời thơ chín đỏ trong cảm xúc. Còn Nguyễn Đình Thi lại khẳng định: Thơ phải có tư tưởng, có ý thức, vì bất cứ cảm xúc, tình tự nào của con người cũng dính liền với sự suy nghĩ.

Anh/Chị hãy làm rõ sự quyện hòa giữa cảm xúc chín đỏtư tưởng, ý thức trong bài thơ sau:

VÀ ANH TỒN TẠI…

                           Lưu Quang Vũ

Giữa bao la đường sá của con người

Thành phố rộng, hồ xa, chiều nổi gió

Ngày chóng tắt cây vườn mau đổ lá

Khi tàu đông anh lỡ chuyến đi dài

Chỉ một người ở lại với anh thôi

Lúc anh vắng người ấy thường thức đợi

Khi anh khổ chỉ riêng người ấy tới

Anh yên lòng bên lửa ấm yêu thương

Người ấy chỉ vui khi anh hết lo buồn

Anh lạc bước, em đưa anh trở lại

Khi cằn cỗi thấy tháng ngày mệt mỏi

Em là sớm mai là tuổi trẻ của anh

Khi những điều giả dối vây quanh

Bàn tay ấy chở che và gìn giữ

Biết ơn em, em từ miền gió cát

Về với anh, bông cúc nhỏ hoa vàng

Anh thành người có ích cũng nhờ em

Anh biết sống vững vàng không sợ hãi

Như những nhà vườn, như người dệt vải

Ngày của đời thường thành ngày-ở-bên-em

Anh biết tình yêu không phải vô biên

Như tia nắng, chúng mình không sống mãi

Như câu thơ, chắc gì ai đọc lại

Ai biết ngày mai sẽ có những gì

Người đổi thay, năm tháng cũng qua đi

Giữa thế giới mong manh và biến đổi

“Anh yêu em và anh tồn tại”

Em của anh, đôi vai ấm dịu dàng

Người nhóm bếp mỗi chiều, người thức dậy lúc tinh sương

 

Em ở đấy, đời chẳng còn đáng ngại

Em ở đấy, bàn tay tin cậy

Bàn tay luôn đỏ lên vì giặt giũ mỗi ngày

Đôi mắt buồn của một xứ sở có nhiều mưa

Ngọn đèn sáng rụt rè trên cửa sổ

Đã quen lắm, anh vẫn còn bỡ ngỡ

Gọi tên em, môi vẫn lạ lùng sao.

  1976

(Theo Lưu Quang Vũ, Thơ tình, NXB Văn học, 2002)

          

—HẾT–

 

 

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

THÁI BÌNH

 

(Gồm 4 trang)

KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 11 THPT NĂM HỌC 2023-2024

HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ MINH HỌA

MÔN NGỮ VĂN

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6,0
1 Những tên tuổi được tác giả dẫn ra để minh chứng cho việc các ngôi sao nắm giữ một quyền lực lớn có thể thay hình đổi dạng xã hội là: Angelina Jolie Oprah Winfrey. 1,0
2 Hào nhoáng: Vẻ đẹp phô trương bề ngoài. 1,0
3 Tác giả cho rằng: Đầu tư tình cảm vào mối quan hệ một chiều với các sao, các fan dường như nhờ họ sống cho mình, sống hộ mình vì: Hiện nay, không ít người, nhất là các bạn trẻ không chỉ hâm mộ thần tượng mà còn mắc hội chứng sùng bái thần tượng – họ coi thần tượng là hình mẫu lí tưởng để tôn thờ, bắt chước, học đòi, thậm chí có những hành động cực đoan, thiếu văn hóa…; Thực chất, họ đang bị mất kiểm soát trong việc thể hiện bản thân, làm chủ cuộc sống, họ đang sống cuộc đời của người khác và đang đánh mất chính mình… 1,0
4  Thí sinh có thể bày tỏ quan điểm khác nhau, có lí giải hợp lí, thuyết phục thì vẫn cho điểm tối đa.

Ví dụ một hướng trả lời:

+ Tôi đồng tình với quan điểm: các ngôi sao cũng giống như sao băng, tàn lụi nhanh chóng như khi lên ngôi.

+ Lí giải: Hội chứng đám đông khiến cho các ngôi sao được hâm mộ quá mức, nổi tiếng nhanh, gặt hái nhiều thành quả vật chất so với năng lực thực sự; Một số ngôi sao ảo tưởng về bản thân, sống thiếu bản lĩnh, chỉ theo đuổi những giá trị tức thời; Thị trường giải trí vốn chuộng sự mới lạ, thức thời nên không tránh khỏi quy luật cạnh tranh, đào thải khắc nghiệt…

1,5
  5 Thí sinh rút ra một thông điệp có ý nghĩa nhất với bản thân (Ví dụ: Cần sống là chính mình; Cần tỉnh táo trước sự hào nhoáng của đám đông…) và lí giải. Trình bày đúng dung lượng, diễn đạt trong sáng. 1,5
II   VIẾT 14,0
  1 Anh/Chị hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 300 chữ) về vai trò của truyền thông trong cuộc sống hôm nay. 4,0

 

    a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

Xác định đúng yêu cầu về hình thức, dung lượng (khoảng 300 chữ)  của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng-phân-hợp, móc xích hoặc song hành.

0,5
    b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Vai trò của truyền thông trong cuộc sống hôm nay. 0,5
    c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

* Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận.

* Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn.

Một số gợi ý sau:

+ Truyền thông là quá trình chia sẻ, trao đổi thông tin, kiến thức, tư tưởng, tình cảm… giữa hai hay nhiều người nhằm tăng sự hiểu biết, thay đổi nhận thức, điều chỉnh hành vi thái độ cho phù hợp với sự phát triển của cá nhân hoặc cộng đồng xã hội.

+ Vai trò của truyền thông (Báo chí, truyền hình, phát thanh, diễn đàn…): Giúp truyền đạt, trao đổi thông tin, phản hồi ý kiến, hướng tới sự hoàn thiện; Giúp cập nhật thông tin, bày tỏ quan điểm, tâm tư, tình cảm…; Là công cụ để quảng bá sản phẩm, định hướng, thu hút khách hàng, gia tăng doanh số; Là phương tiện giải trí tiện lợi, hữu ích…

+ Mở rộng, bài học: Phê phán những người lợi dụng truyền thông để tuyên truyền tư tưởng lệch lạc, tiêu cực; Cần sử dụng có hiệu quả vai trò của truyền thông trong cuộc sống hiện đại; Tỉnh táo, sáng suốt với các thông tin truyền thông không chính thống…

1,5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

    d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống ý.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng.

0,5
    đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.

0,5
    e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. 0,5
  2      Bàn về thơ, Xuân Diệu cho rằng: Thơ hay, lời thơ chín đỏ trong cảm xúc. Còn Nguyễn Đình Thi lại khẳng định: Thơ phải có tư tưởng, có ý thức, vì bất cứ cảm xúc, tình tự nào của con người cũng dính liền với sự suy nghĩ.

     Anh/Chị hãy làm rõ sự quyện hòa giữa cảm xúc chín đỏtư tưởng, ý thức trong bài thơ Và anh tồn tại của Lưu Quang Vũ.

10,0
    a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài

 Kiểu bài: nghị luận văn học

0,5
    b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Sự quyện hòa giữa cảm xúc chín đỏtư tưởng, ý thức trong bài thơ Và anh tồn tại của Lưu Quang Vũ.

1,0
    c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết

Xác định được các ý chính của bài viết.

Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:

* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.

* Triển khai vấn đề nghị luận:

+  Giải thích vấn đề nghị luận:

– Ý kiến của Xuân Diệu: lời thơ chín đỏ trong cảm xúc là lời thơ phải thể hiện được cảm xúc dạt dào, mãnh liệt, thấm đượm… -> Tiêu chuẩn hàng đầu của thơ hay là tràn đầy cảm xúc.

– Ý kiến của Nguyễn Đình Thi: Thơ phải có sự kết hợp giữa tư tưởng, suy nghĩ và cảm xúc -> Nhấn mạnh sự hòa quyện giữa cảm xúc và tư tưởng, ý thức trong thơ.

=> Hai ý kiến không mang hàm ý loại trừ, đối lập mà bổ sung cho nhau, làm nổi bật đặc trưng cốt lõi của thơ ca: Thơ ca bắt nguồn từ tình cảm mãnh liệt và tình cảm ấy luôn gắn liền với tư tưởng, suy nghĩ sâu sắc về cuộc sống, con người…

+  Chứng minh sự kết hợp giữa cảm xúc chín đỏtư tưởng, ý thức trong bài thơ Và anh tồn tại của Lưu Quang Vũ.

Có thể theo một số gợi ý sau:

– Tình cảm, cảm xúc: Bài thơ thể hiện tình yêu tha thiết, vô bờ của nhân vật trữ tình anh dành cho em – người phụ nữ của đời mình. Gắn liền với tình yêu là lòng biết ơn, sự trân trọng, đồng cảm và thấu hiểu những nhọc nhằn vất vả của em; Là cảm xúc vừa quen vừa lạ, vừa hạnh phúc vừa ngỡ ngàng của anh khi được sống bên em…

(Phân tích các từ ngữ, hình ảnh: chỉ em đến với anh, người ấy thường thức đợi, lửa ấm yêu thương, về từ miền gió cát, bông cúc vàng, đôi vai ấm dịu dàng, nhóm bếp mỗi chiều về, thức dậy mỗi tinh sương, bàn tay giặt giũ, đôi mắt buồn…).

– Tư tưởng, ý thức: Giữa cuộc đời bao la, thăng trầm, chỉ có em là người đến với anh, yêu thương và chăm sóc anh; Cuộc đời anh hồi sinh, trở nên có ý nghĩa nhờ em; Mọi thứ rồi sẽ đổi thay, không gì có thể trường tồn cùng năm tháng nhưng Anh yêu em và anh tồn tại, đó là chân lí bất biến giữa cái vạn biến của đời thường…

(Phân tích các từ ngữ, hình ảnh: Anh yên lòng, thành người có ích, biết sống vững vàng…).

Lưu ý: Thí sinh có thể trình bày kết hợp đan xen 02 luận điểm trên một cách linh hoạt.

– Đặc sắc nghệ thuật: Thể thơ tự do; Ngôn ngữ bình dị mà giàu sức gợi; Nhân vật trữ tình anh và đối tượng tâm tình em có nhiều nét phảng phất với chuyện tình yêu của chính nhà thơ ngoài đời; Tứ thơ Và anh tồn tại giản dị, sâu lắng; Các biện pháp tu từ được vận dụng linh hoạt (so sánh, liệt kê, tương phản, điệp từ, điệp cấu trúc…); Giọng thơ tâm tình triết lí…

+ Đánh giá: Yếu tố tình cảm, cảm xúc và tư tưởng trong bài thơ không tách bạch mà hòa quyện vào nhau, một mặt thể hiện tình yêu mãnh liệt, chân thành, mặt khác cho thấy sự thức tỉnh, chín chắn trong những suy tư, chiêm nghiệm của nhà thơ về tình yêu, lẽ sống; Khơi dậy trong lòng người đọc những đồng điệu sâu xa…

* Khẳng định quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học:

+ Hai ý kiến trên hoàn toàn đúng đắn, cho thấy những quan niệm nghệ thuật nghiêm túc, không chỉ phù hợp với bản chất của thơ ca muôn đời mà còn được chắt lọc từ thực tiễn sáng tác của Xuân Diệu và Nguyễn Đình Thi.

+ Các ý kiến đem đến những bài học sâu sắc cho người sáng tác và bạn đọc trên hành trình sáng tạo, tiếp nhận thơ ca nói riêng, văn học nghệ thuật nói chung…

3,0
    d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Triển khai được hệ thống luận điểm mạch lạc, lô gic.

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

Lưu ý: Thí sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với đặc trưng văn học, với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

4,0
    đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.

0,5
    e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

1,0
Tổng điểm 20,0

 

………….Hết……………

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *