Đề HSG Sống như ngày mai sẽ chết, làm rõ sự quyện hòa giữa cuộc sống và cảm xúc trong bài thơ Mùa hạ của Xuân Quỳnh

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÁI BÌNH

TRƯỜNG THPT HƯNG NHÂN

(Đề gồm có 02 trang)

KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI THPT

NĂM HỌC 2023- 2024

Môn: Ngữ Văn lớp 10

Thời gian làm bài: 150 phút

ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

            Đọc đoạn trích sau:

            Bạn có thể không tin nhưng tuổi trẻ mà không có trải nghiệm là tuổi trẻ vứt đi. Giống như một cuốn sách không có nội dung, một bài hát không có giai điệu, một khu rừng không có chim thú, cỏ cây…, một đời người mà không có tuổi trẻ cũng vô nghĩa tương tự.[]

            Chúng ta thường hay tìm kiếm những thứ bên ngoài để chứng minh bản thân mình: quần áo, điện thoại, hàng hiệu, xe cộ, nhà cửa, công việc, gia thế…Những thứ này là minh chứng hoàn hảo nói về một con người ở thì hiện tại nhưng tất cả chúng lại là những thứ có thể mất đi. [] Và khi chúng mất hết rồi thì bạn là ai? Dùng vật chất để định nghĩa bản thân mình là điều ngốc nghếch mà tuổi trẻ rất thường hay mắc phải.

            Vật chất nhiều đến mấy cũng có thể mất đi còn trải nghiệm của bạn thì sao? Hãy yên tâm rằng chúng là của bạn, luôn là của bạn, mãi mãi là của bạn, chúng sẽ không bao giờ mất đi. Hãy dùng những trải nghiệm để chứng tỏ giá trị bản thân, bạn sẽ nhận ra mình đặc biệt và quý giá hơn mọi vật phẩm trang trí bên ngoài.

(Theo Sống như ngày mai sẽ chết – Phi Tuyết, NXB Thế giới, năm 2017, tr.143-145)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2. Theo tác giả, tuổi trẻ thường hay chứng minh bản thân mình bằng cách nào?

Câu 3. Giống như một cuốn sách không có nội dung, một bài hát không có giai điệu, một khu rừng không có chim thú, cỏ cây…, một đời người mà không có tuổi trẻ cũng vô nghĩa tương tự. Anh/chị có đồng tình với ý kiến trên không? Vì sao?

Câu 4. Anh/chị hiểu như thế nào về lời khuyên của tác giả: Hãy dùng những trải nghiệm để chứng tỏ giá trị bản thân, bạn sẽ nhận ra mình đặc biệt và quý giá hơn mọi vật phẩm trang trí bên ngoài?

Câu 5. Chia sẻ một trải nghiệm ý nghĩa của anh/chị trong cuộc sống.

  1. I LÀM VĂN (17,0 điểm)

Câu 1 (7,0 điểm): Anh chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ về tầm quan trọng của những điều bình thường, giản dị trong cuộc sống.

Câu 2 (10 điểm): Bàn về thơ,Nguyễn Đình Thi cho rằng: Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm với cuộc sống”. 

Anh/Chị hãy làm rõ sự quyện hòa giữa cuộc sống và cảm xúc trong bài thơ Mùa hạ của Xuân Quỳnh.

  • Đó là mùa của những tiếng chim reo

Trời xanh biếc, nắng tràn lên khắp ngả

Đất thành cây, mật trào lên vị quả

Bước chân người bỗng mở những đường đi

 

  • Đó là mùa không thể giấu che

Cả vạn vật đều phơi trần dưới nắng

Biển xanh thẳm, cánh buồm lồng lộng trắng

Từ những miền cay đắng hóa thành thơ.

 

  • Đó là mùa của những ước mơ

Những dục vọng muôn đời không kể xiết

Gió bão hòa, mưa thành sông thành bể

Một thoáng nhìn có thể hóa tình yêu

 

  • Đó là mùa của những buổi chiều

Cánh diều giấy nghiêng vòm trời cao vút

Tiếng dế thức suốt đêm dài oi bức

Tiếng cuốc dồn thúc giục nắng đang trưa

 

  • Mùa hạ của tôi, mùa hạ đã đi chưa

Ôi tuổi trẻ bao khát khao còn, hết

Mà mặt đất màu xanh là vẫn biển

Quả ngọt ngào thắm thiết vẫn màu hoa.

(Mùa hạ– Xuân Quỳnh, Thơ Xuân Quỳnh, NXB Văn học, 2016, tr. 34)

               

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÁI BÌNH

TRƯỜNG THPT HƯNG NHÂN

 

                              (Gồm 4 trang)

KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 10 THPT

 NĂM HỌC 2023-2024

HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI

MÔN NGỮ VĂN

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6,0
1 Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: phương thức nghị luận/nghị luận

 

1,0
2 Theo tác giả, tuổi trẻ thường hay chứng minh bản thân mình bằng cách: tìm kiếm những thứ bên ngoài: quần áo, điện thoại, hàng hiệu, xe cộ, nhà cửa, công việc, gia thế…                                                                                                                  1,0
3 Thí sinh có thể bày tỏ ý kiến khác nhau, có lí giải hợp lí, thuyết phục thì đều cho điểm. Dưới đây là một vài định hướng:

– Đồng tình với ý kiến:

+ Tuổi trẻ là tuổi thanh xuân, tuổi đẹp nhất của đời người, tuổi trẻ đầy ước mơ, hoài bão, nhiệt huyết, yêu đời, ham sống, dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân, cháy hết mình với những đam mê.

+ Nếu đời người mà không có tuổi trẻ, không có ước mơ, hoài bão, khát vọng thì cũng giống như một cuốn sách không có nội dung, một bài hát không có giai điệu, một khu rừng không có chim thú, cỏ cây… Đó là một cuộc đời nhàm chán, đơn điệu, tẻ nhạt, vô nghĩa.

– Không đồng tình với ý kiến:

+ Tuổi trẻ không đơn giản là một khái niệm chỉ một giai đoạn trong cuộc đời mà còn chỉ một trạng thái trong tâm hồn.

+ Dù ở bất cứ giai đoạn nào của cuộc đời, con người luôn giữ được một tâm hồn tuổi trẻ thì cuộc đời con người luôn có ý nghĩa. Không ai già đi vì tuổi tác, chúng ta chỉ già đi khi để tâm hồn mình héo hon ( Mac Anderson).

– Vừa đồng tình, vừa không đồng tình: kết hợp cả 2 ý kiến trên.

 

1,0
4  Thí sinh trình bày cách hiểu của cá nhân và có lý giải hợp lí, thuyết phục thì đều cho điểm. Dưới đây là một vài định hướng:

– Trải nghiệm là một phần tất yếu của cuộc sống, đặc biệt là trong cuộc sống hiện đại ngày nay.

– Qua trải nghiệm, qua những hoạt động thực tế, con người sẽ tự trang bị tri thức; đúc kết những kinh nghiệm sống; nhận thức rõ những ưu điểm, hạn chế và khám phá cả những năng lực kì diệu của bản thân mình; giá trị con người được nâng cao. Đó mới là những giá trị bền vững, không bao giờ mất đi, giúp mỗi chúng ta thêm giàu có, tâm hồn thêm phong phú, mài giũa bản lĩnh thêm vững vàng để khôn lớn, trưởng thành. Những giá trị ấy quý giá hơn mọi vật phẩm trang trí bên ngoài vốn là những thứ có thể mất đi.

-> Lời khuyên ý nghĩa, đã nhấn mạnh vai trò của sự trải nghiệm.

1,5
  5    – Thí sinh chia sẻ một trải nghiệm có ý nghĩa của bản thân.

– Thí sinh rút ra được giá trị của những trải nghiệm đó.

1,5
II   VIẾT 14,0
  1 Anh/Chị hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 300 chữ) về 4,0

 

    a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

Xác định đúng yêu cầu về hình thức, dung lượng (khoảng 300 chữ)  của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng-phân-hợp, móc xích hoặc song hành.

0,5
    b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,5
    c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

* Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận.

* Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn.

Một số gợi ý sau:

* Giải thích vấn đề: Những điều bình thường, giản dị là là những điều nhỏ bé, gần gũi, thân thuộc, không cầu kì, không hào nhoáng.

* Bàn luận và mở rộng vấn đề về tầm quan trọng của những điều bình thường, giản dị trong cuộc sống:

– Giá trị, tầm quan trọng của những điều bình thường, giản dị:

+ Những điều bình thường, giản dị nuôi dưỡng tâm hồn con người, giúp con người cảm nhận được niềm hạnh phúc đích thực và biết trân quý cuộc sống.

+ Những điều bình thường, giản dị có vai trò quan trọng, góp phần tạo nên những điều lớn lao, vĩ đại, đó là những giá trị bền vững của đời sống con người.

– Mở rộng vấn đề:

+ Phê phán những lối sống không biết trân quý những điều bình thường, giản dị, gần gũi, thân thuộc bên mình.

+ Trân quý những điều bình thường, giản dị không có nghĩa là khước từ những mơ ước lớn lao, vĩ đại.

* Bài học nhận thức và hành động:

– Mỗi người phải biết trân quý và tìm thấy niềm vui, hạnh phúc từ những điều bình thường, giản dị trong cuộc sống nhưng đồng thời cũng xây dựng cho mình những ước mơ lớn lao để mỗi ngày, mỗi điều đi qua thật sự ý nghĩa.

– Liên hệ bản thân …

 

1,5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

    d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống ý.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng.

0,5
    đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.

0,5
    e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. 0,5
  2   10,0
    a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài

 Kiểu bài: nghị luận văn học

0,5
    b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Sự quyện hòa giữa cuộc sống và cảm xúc trong bài thơ Mùa hạ của Xuân Quỳnh

1,0
    c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết

Xác định được các ý chính của bài viết.

Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:

* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.

* Triển khai vấn đề nghị luận:

+  Giải thích vấn đề nghị luận:

Tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn: những tình cảm, cảm xúc nảy nở tự nhiên trong tâm hồn người.

–  Câu nói của Nguyễn Đình Thi: Thơ là những tình cảm tự nhiên nảy nở trong tâm hồn khi nhà thơ bắt gặp bức tranh hiện thực đời sống.

+ Ý kiến làm nổi bật đặc trưng cốt lõi của thơ ca: Thơ ca bắt nguồn từ tình cảm mãnh liệt và tình cảm ấy luôn gắn liền với cuộc sống, con người…

– Thơ là sản phẩm có được từ tình cảm mãnh liệt  trong tâm hồn nhà thơ.

– Nhưng những cảm xúc trong thơ dù mãnh liệt đến đầu cũng phải có điểm tựa từ hiện thực cuộc sống. Nó là những tình cảm, cảm xúc chân thành nhất cất lên từ một hoàn cảnh cụ thể của đời sống mà nhà thơ là người nếm trải.

– Vì vậy, thơ là tiếng nói tâm hồn nhà thơ nhưng vẫn là hiện thực đời sống được phản ánh.

3. Chứng minh:

* Chứng minh sự kết hợp giữa cảm xúc và cuộc sống trong bài thơ .Cần phải làm nổi bật:

– Là những cảm xúc  mãnh liệt của nhà thơ;

– Đây là những cảm xúc, tình cảm chân thành này nở từ những cảnh ngộ cụ thể của bản thân mỗi nhà thơ.

– Cái hay của những bài  thơ này là những tình cảm ấy đều mang tính thẩm mĩ và được chuyên chở trong một hình thức nghệ thuật đặc sắc.

Có thể theo một số gợi ý sau:

– Bài thơ là sự cảm nhận mới mẻ của tác giả về bức tranh mùa hạ. Từ đó thể hiện những suy nghĩ và triết lí về cuộc sống của nữ thi sĩ.

+ Cuộc sống: Bức tranh mùa hạ: Mùa hạ xôn xao của tiếng chim reo, của sắc biếc trời xanh, của nắng vàng rực rỡ, cây cối trưởng thành cho đời mật ngọt, của biển xanh buồm trắng tinh khiết.

+ Cảm xúc của nhân vật trữ tình: yêu quý, gắn bó với mùa hạ; thảng thốt, tiếc nuối tuổi trẻ và tin tưởng dù năm tháng qua đi nhưng những khát khao, ước mơ vẫn còn mãi…

– Đó là cảm xúc chân thành, mãnh liệt của Xuân Quỳnh.

* Đặc sắc nghệ thuật:

– Thể thơ

– Từ ngữ

– Biện pháp nghệ thuật

– Hình ảnh, giọng điệu…

4. Đánh giá, mở rộng:

+ Đánh giá: Yếu tố tình cảm, cảm xúc và cuộc sống trong bài thơ không tách bạch mà hòa quyện vào nhau, một mặt thể hiện bức tranh thiên nhiên cuộc sống tươi đẹp mặt khác cho thấy tình yêu mãnh liệt, đắm say với thiên nhiên cuộc sống của nhà thơ ;Khơi dậy trong lòng người đọc những đồng điệu sâu xa…

* Khẳng định quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học:

+ Ý kiến trên hoàn toàn đúng đắn, cho thấy những quan niệm nghệ thuật nghiêm túc, không chỉ phù hợp với bản chất của thơ ca muôn đời mà còn được chắt lọc từ thực tiễn sáng tác của Nguyễn Đình Thi.

+ Ý kiến đem đến những bài học sâu sắc cho người sáng tác và bạn đọc trên hành trình sáng tạo, tiếp nhận thơ ca nói riêng, văn học nghệ thuật nói chung…- Thơ là những tình cảm tự nhiên, nảy nở từ đời sống, nhưng đó phải là những tình cảm mang tính thẩm mĩ và phải được chuyên chở trong một hình thức nghệ thuật đặc sắc mới có sức lay động cho thơ.

– Đó là lời nhắc nhở quý giá cho những người muốn trở thành thi sĩ, những người yêu thơ muốn thâm nhập thế giới vi diệu, bí ẩn của thơ ca.

III. KẾT BÀI: Khẳng định lại vấn đề.

3,0
    d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Triển khai được hệ thống luận điểm mạch lạc, lô gic.

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

Lưu ý: Thí sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với đặc trưng văn học, với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

4,0
    đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.

0,5
    e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

1,0
Tổng điểm 20,0

………….Hết……………

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *