BÀI THAM KHẢO SỐ 111
Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu từng viết:
Chất trong vị ngọt mùi hương
Lặng thầm thay những con đường ong bay.
Trải qua mưa nắng vơi đầy Men trời đất đủ làm say đất trời.
Bầy ong giữ hộ cho người Những mùa hoa đã tàn phai tháng ngày.
(Trích Hành trình của bầy ong – Nguyễn Đức Mậu) Bằng trải nghiệm văn học, anh/chị hãy bình luận ý thơ trên.
Bài làm
Ai đó đã từng nói rằng, “Viết chính là chết” để nói lên sự khổ công trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Mỗi tác phẩm là một lần nhà văn sống hết mình, dốc hết bầu tâm tư, nguyện vọng của mình trong đó, là một lần đau khổ tột cùng, yêu thương tột cùng, căm hận đến tột đỉnh,…Nhưng từ ấy mà tác phẩm sinh thành, mang trong mình những âm vang đa thanh của cuộc đời, chưa đựng biết bao nhiêu cảm xúc ngân nga của tâm hồn người nghệ sĩ. Quá trình đó đã được Nguyễn Đức Mậu thể hiện thật sinh động tinh tế trong những câu thơ:
“Chất trong vị ngọt mùi hương
Lặng thầm thay những con đường ong bay.
Trải qua mưa nắng vơi đầy Men trời đất đủ làm say đất trời.
Bầy ong giữ hộ cho người
Những mùa hoa đã tàn phai tháng ngày.”
(Trích Hành trình của bầy ong )
“Hành trình của bầy ong” hay phải chăng cũng chính là hành trình sáng tạo nghệ thuật đầy miệt mài của người nghệ sĩ chân chính. Nếu như loài ong không ngừng chắt “vị ngọt mùi hương” từ cuộc đời để làm nên những giọt mật ngọt ngào, lưu giữ bao mùa hoa trước bước đi của thời gian thì người cầm bút lại chưa từng thôi khám phá, chắt lọc thực tế cuộc sống đưa vào trang sách, sau cùng bất tử hóa hiện thực trước dòng chảy vô thủy vô chung của thời gian, làm nên tác phẩm muôn đời. Tác phẩm đó chính là những “giọt mật” ngọt ngào, là kết tinh của tài năng tâm sức, quá trình lao động nghệ thuật hăng say của người nghệ sĩ, là kết quả đẹp đẽ của
cuộc sống đã được lắng lọc, chăm chút.Và từ đó, “bầy ong giữ hộ cho người/ Những mùa hoa đã tàn phai tháng ngày”. Những mùa hoa giữ lại chính là hiện thực cuộc sống được ngưng đọng, là lẽ sống, quan điểm, tư tưởng, thông điệp thẩm mĩ,… mà tác giả muốn truyền tải đến người đọc. . Quá trình sáng tạo giờ đây không chỉ tuân thủ quy luật phản ánh hiện thực đơn thuần mà còn phù hợp với chức năng của văn chương chân chính: nhận thức, giáo dục để hướng con người đến với cái đẹp đích thực. Bằng cách giữ lại những “mùa hoa” đẹp nhất, những hương vị đậm đà nhất của cuộc sống, con người có thể nhìn lại, thấy được một hiện thực đã qua một cách sống động, để rồi tự cảm, tự ngẫm ra bao thông điệp sâu sắc thú vị. Nhờ vậy mà hiện thực trở nên có giá trị lâu dài và bền vững khi được lưu giữ trên trang giấy- trang văn. Vậy, ý kiến đã bàn về mối quan hệ giữa nhà văn và hiện thực cuộc sống , vai trò của nhà văn đối với bạn đọc.
Có thể nói, chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ, văn học thôi gắn bó với cuộc đời đa dạng và phong phú. Những hương vị của cuộc sống đa thanh với những vui buồn, đau đớn, những ước mơ, khát vọng,…đã nuôi dưỡng cho tác phẩm văn chương lớn lên, như nhà thơ Tố Hữu từng nói “Cuộc đời là nơi xuất phát, cũng là nơi đi tới của văn học.” Hiện thực là nguồn cảm hứng, là chất liệu để nhà văn xây dựng nên tác phẩm nghệ thuật. Tách khỏi cuộc đời, tác phẩm sẽ trở nên lạc lõng và xa vời với người đọc. Tuy nhiên, hiện thực trong tác phẩm phải là “hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan”. Nghĩa là, hiện thực được đưa vào trang viết không phải là hiện thực đời thường trần trụi mà đã được chọn lọc kĩ càng, trải qua thời gian trải nghiệm và khám phá “mưa nắng vơi đầy” của nhà văn. Người nghệ sĩ có thể phản ánh những điều tốt đẹp, cao cả hay bé nhỏ tầm thường, những hiện thực bén nhọn của đời sống khách quan hay chủ quan của tâm hồn. Song, hiện thực đó phải là những gì tinh túy nhất, thể hiện sự trăn trở, nâng niu của người viết, đồng thời thấm nhuần tư tưởng về cuộc đời, đặc biệt về con người với đời sống phức tạp, phong phú. Chỉ khi ấy, quá trình khám phá, chọn lọc của nhà thơ, nhà văn mới thực sự có ý nghĩa. Khi hiện thực bước vào tác phẩm, hiện thực ấy không còn là “vị ngọt mùi hương” đơn thuần nữa. Qua bàn tay của nhà văn, nó trở thành “men say” – cái đẹp có khả năng làm nên sức mạnh nội tại, giúp văn chương trải qua bao mưa nắng với đầy mà làm say đất trời, lôi cuốn độc giả, hướng con người đến cái Chân – Thiện – Mĩ. Làm nên điều kì diệu đó phải nhờ đến “ cuộc hành trình” âm thầm, lặng lẽ, không ngừng dấn thân, không ngừng khám phá và miêu tả cuộc sống của nhà văn. Người nghệ sĩ chân chính là người yêu say cuộc đời thiết tha, yêu thương con người hết mực, với trái tim không ngừng rung cảm trước mọi sự việc mà anh ta bắt gặp, cũng như không bao giờ cho phép bản thân thôi ngụp lặn giữa bể đời để tìm cho ra “chất vàng mười” đem gửi vào trang sách một cách lặng thầm chứ không khoa trương. Bởi hơn ai hết, anh ta thấu hiểu mối quan hệ song trùng giữa văn chương và cuộc đời. Bằng tấm lòng nhân đạo cao cả, bằng quá trình lao động hăng say và khó nhọc, “sống đã rồi hãy viết”, nhà văn đem đến cho cuộc đời những trang văn bất hủ muôn đời. văn chương nghệ thuật thực sự thực hiện cái thiên chức cao cả của nó là làm cho con người tốt đẹp hơn. Hiện thực khi biến thành chất “men say”, cùng với tài năng sáng tạo một hình thức nghệ thuật độc đáo giúp tác phẩm thực sự chiếm trọn tâm hồn, trái tim độc giả. Quả thực, người nghệ sĩ đóng vai trò vô cùng quan trọng để tạo nên một trang văn thấm đẫm vị đời, hoàn thiện và nâng cao hơn đời sống tinh thần của con người.
Đến với mỗi tác phẩm văn chương, ta chợt nhận ra bao nhiêu tâm sự, bao nhiêu nỗi niềm của nhà văn khi nhìn thấy những cảnh đời khó nhọc, khi ngắm nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên sông núi, hay khi ngẫm ra được một quy luật của cuộc đời, của lòng người vẫn thường luôn luôn vần xoay. Bức tranh của một thời đại đầy ắp những biến động,chân dung của những con người tài hoa bạc mệnh cũng đã hằn in rất sâu trong những vần thơ của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Cùng với một nàng Tiểu Thanh trong “Độc Tiểu Thanh kí”, một Thúy Kiều trong “Truyện Kiều”, một người con gái đất La Thành trong “Điếu La Thành ca giả”,..Nguyễn Du lại “để nước mắt rơi ướt áo” khi khóc thương cho số phận một người ca nữ thành Thăng Long trong tác phẩm thơ chữ Hán “Long Thành cầm giả ca”. Bài thơ ra đời từ những điều tai nghe mắt thấy trong hành trình đi sứ, khi tác giả trở lại thành Thăng Long, cơ nghiệp nhà Tây Sơn đã tiêu tán, chỉ còn lại một người ca nữ già, chợt thấy tiếc thương cho sự biến đổi chóng vánh của cuộc đời:
“ Người đẹp Long Thành Họ tên không được biết Riêng thạo đàn huyền cầm
Dân trong thành gọi nàng là cô Cầm Tuổi cô cỡ hai mươi mốt
Áo hồng ánh lên khuôn mặt đẹp như hoa Rượu đậm thêm nét mặt ngây thơ khả ái Ngón tay lướt năm cung réo rắt…”
Câu thơ nói về một người con gái đẹp, có tài gảy đàn, những khúc nhạc được ví như nhạc tiên từ trên trời đưa xuống thế gian, được coi như là “báu vật Tràng An”. Lần gặp gỡ đầu tiên đã làm cho Nguyễn Du mến mộ, trân trọng. Vẫn luôn là một tấm lòng yêu mến người tài như vậy, nhưng ở đây bên cạnh sự mến mộ, nhà thơ còn bày tỏ một nỗi lòng chua xót cho số phận con người, số phận một triều đại trong thoáng chốc:
“Điệu nhạc xưa làm ta thầm nhỏ lệ Lắng tai nghe lòng càng đau xót…
Thành quách đã chuyển, người cũng đổi thay Nương dâu trở thành biển cả đã nhiều
Cơ nghiệp Tây Sơn cũng đà tiêu tán Sót lại đây còn người múa ca.
Thấm thoắt trăm năm có là bao
Cảm thương chuyện cũ dùng áo thấm nước mắt Ta từ Nam trở lại, đầu bạc trắng
Trách làm sao được sắc đẹp cũng suy tàn. Hai mắt trừng lên tưởng nhớ chuyện xưa
Thương cho đối mặt mà chẳng nhìn nhận ra nhau.”
Nguyễn Du là con người sống qua ba thời đại biến động, nhà Lê, nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn. Thơ Nguyễn Du bao giờ cũng bộc lộ rõ nét trái tim yêu thương vĩ đại của ông với cuộc
đời. Mỗi trang thơ là một bức tranh hiện thực- hiện thực lịch sử mang đậm tính thời đại. Bản thân ông đã trải qua mười năm gió bụi, chứng kiến nhiều cảnh đời,vốn sống phong phú và dồi dào kết tinh trong một hồn thơ nhân đạo cao cả. Đây là bài thơ duy nhất ông nhắc đến nhà Tây Sơn, hơn nữa lại với một tấm lòng có phần thương tiếc. Đoạn thơ bộc lộ một niềm đau, hơn hết là khóc cho kiếp tài hoa gian truân, giống như chính bản thân ông mà có lần ông đã bộc bạch:
“ Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ?”
(Độc Tiểu Thanh kí)
Khóc người và khóc cho cả chính mình vì nhà thơ ngẫm ra rằng, bao giờ cái gì “càng tài năng, càng thanh sắc” cũng càng bị hủy diệt nhanh chóng. Bài thơ kể về hai lần gặp người gảy đàn này là cả một câu chuyện buồn. Trên cái trục thời gian 20 năm là hai bữa tiệc quan, là thăng và trầm, là hưng thịnh và tiêu vong, là vinh và nhục, là trẻ đẹp, tài hoa và đầu bạc, phai tàn… Quá khứ hiện về trong hiện tại mà tiếng đàn xưa và tiếng đàn nay đã làm rơi bao nước măt, tê tái đau xót “như xé tấc son”… rải qua mấy chục năm dài loạn lạc, nếm đủ mùi cay đắng nghiệt ngã, người gảy đàn ở Long thành đã là một chứng nhân lịch sử, và đã cùng tác giả trở thành số phận lịch sử.Bài thơ làm người đọc đau đớn vì quy luật với cái đẹp vẫn luôn luôn nghiệt ngã, đau đớn vì thời gian đời người trôi đi quá nhanh, đau cho một kiếp người bạc bẽo bị vùi dập, càng nhớ lại sự sụp đổ của một triều đại đầy nuối tiếc trong lịch sử. Từ hiện thực nhỏ bé của một con người, nhà thơ khái quát lên hiện thực rộng lớn của cả xẫ hội. Còn mãi trong trang văn hình ảnh của một con người hay một kiếp người tài hoa bạc mệnh trong xã hội cũ, còn lại một tiếng khóc thương người và thương thân của Nguyễn Du. Nhờ sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai yếu tố tự sự và trữ tình, thi phẩm đã thể hiện được một tinh thần nhân đạo cao cả; đã làm lay động lòng người đọc về cái nghịch lý giữa tài sắc và bạc mệnh, giữa tài tử với đa cùng… giúp người đọc thấm thía hơn về cái “hận”, cái “lụy” của những tài tử, giai nhân xưa, nay Thấm thía nỗi oan trái của một kiếp người
trong xã hội cũ, người đọc học được cách trân trọng nâng niu cái tài trong cuộc đời, biết yêu thương đồng cảm với những con người nhỏ bé bất hạnh hơn mình. Tác phẩm chính là một giọt mật ngọt của cuộc đời được Nguyễn Du viết lên bằng tất cả đau đớn, tiếc thương, thể hiện đầy đủ những suy ngẫm của nhà thơ về quy luật cái đẹp, cái tài trong cuộc đời. Vì vậy, bài thơ không chỉ có giá trị lịch sử mà còn có giá trị nhân đạo cao cả.
Quá trình lao động nghệ thuật gian khổ cần lắm những người nghệ sĩ tâm huyết, sống sâu sắc với đời bằng một trái tim nhân đạo lớn. Bởi cuộc đời không chỉ được vẽ lên từ những mảng màu tươi sáng mà vẫn còn đâu đó những gam màu tối, những góc khuất trong lòng người, trong xã hội. Phản ánh hiện thực với những cái xấu, cái ác, lưu giữ lại những mặt trái ấy có thể khiến tác phẩm không trở thành một giọt mật “ngọt”, nhưng sẽ là một giọt mật quý và đầy giá trị. Bởi văn chương không thể chỉ ngợi ca, như thế sẽ làm cho con người trở nên ảo tưởng về thế giới thực. Phản ánh cuộc đời như nó vốn có, bao gồm cả những đau khổ, bất công, tiêu cực cũng là một cách giúp cho con người có cái nhìn toàn diện, dám đối mặt với cái ác, cái xấu để lên án nó, loại trừ nó, làm cho cuộc đời thêm phần tốt đẹp. Và Nam Cao chính là người phản ánh lên trang
văn mảng hiện thực nghiệt ngã đó. Là nhà văn luôn quan niệm “ Sống đã rồi hãy viết” luôn lặn ngụp mình trong cuộc đời của nhân dân, kể cả những hạng người lao khổ, bần cùng nhất của xã hội, Nam Cao đã lấy chính những chiêm nghiệm từ cuộc đời của một người trí thức, một người cầm bút của mình để phản ánh một cách chân thực bi kịch tinh thần của người trí thức tiểu tư sản trong xã hội cũ. Trong “ Đời thừa”, nhân vật Hộ bị đặt giữa những giằng xé của lý tưởng- hiện thực nghiệt ngã, của tình thương. Là kẻ có tâm, có tài, Hộ say mê văn chương đến độ coi văn chương là lí tưởng, là lẽ sống. Anh tự hào vì có được một tâm hồn nhạy cảm, phong phú và cho rằng không có lạc thú vật chất nào so sánh được. Hộ quyết tâm biến hoài bão lớn lao mà anh hằng ôm ấp thành hiện thực.Nhưng bi kịch thực sự đến với Hộ từ ngày anh mang trên vai mình gánh nặng gia đình. Nói cách khác, bi kịch đến với Hộ từ ngày anh gắn đời mình với Từ. Những lo lắng liên miên về vật chất, những bận rộn tẹp nhẹp vô nghĩa lí của đời sống cơm áo hằng ngày mà anh phải lo cho gia đình đã choán hết tâm trí, thời gian. Hộ đã bị đồng tiền làm cho khốn đốn. Để nuôi sống cả 1 gia đình không thể không có tiền. Hộ thấy tất cả sự nhục nhã của 1 người đàn ông không nuôi nổi vợ con. Thế là anh đành phải lao vào kiếm tiền. Vậy nhưng Hộ lại không có tài cán gì ngoài việc cầm bút viêt văn. Anh không như văn sĩ Hoàng trong “Đôi mắt” của Nam Cao còn có tài chợ đỏ chợ đen vì Hoàng là 1 tên trí thức nửa mùa, vậy nên muốn kiếm tiền chỉ còn cách viết. Như một quy luật tất yếu, muốn kiếm được nhiều tiền thì phải viết nhiều. Muốn viết nhiều sẽ phải viết nhanh. Mà để viết cho nhanh thì phải viết ẩu. Như vậy Hộ trở thành người cẩu thả văn chương từ bao giờ không hay biết. Giờ đây, Hộ chỉ viết được mấy bài báo vô cùng nhạt nhẽo để độc giả “đọc rồi quên ngay sau khi đọc”. Mỗi 1 lần đọc văn của mình, Hộ lại thấy nhục nhã, tự sỉ vả mình bằng những lời thật thậm tệ: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện.” Như vậy, coa hoài bão đẹp mà không thực hiện được, đây được xem là bi kịch đầu tiên của văn sĩ Hộ. Tấn bi kịch của Hộ chính là xuất phát từ tình yêu nghề và những khát khao cháy bỏng. Cái hiện thực đau lòng của người nghê sĩ được Nam Cao miêu tả đầy giằng xé, xót xa. Chưa hết, hiện thực cuộc sống trong “Đời thừa” còn được phản ánh qua một bi kịch khác nữa của cuộc đời Hộ. Đó là bi kịch của con người coi tình thương là nguyên tắc sống cao nhất, sẵn sàng hi sinh tất cả cho tình thương nhưng tại phải sống tàn nhẫn, thô bạo với vợ con, chà đạp lên nguyên tắc sống do mình đặt ra. Vậy đâu là nguồn gốc nỗi đau giằng xé con người Hộ? Cả hai bi kịch của anh đều phản ánh một mâu thuẫn của xã hội: người có tài, có tâm muốn sống đẹp, sống tốt thì lại phải khốn khổ. Bản chất của Hộ là người tốt. Anh quan niệm kẻ mạnh là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của mình. Hộ đã cứu giúp Từ, một cô gái lỡ làng và cưới Từ làm vợ. Hộ đã cúi xuống nỗi đau khổ của Từ; thực hiện một hành vi như người ta làm việc nghĩa. Những đắng cay của cuộc đời mà Hộ phải nếm trải nhiều khi khiến lòng tốt cảu anh bị che mờ bởi những phẫn nộ với cuộc đời. Bế tắc, anh tìm đến rượu để giải sầu, và đây chính là một ngã rẽ đau đớn trong đời Hộ để mỗi lần tỉnh rượu, Hộ lại ân hận, xót xa. Anh xin lỗi vợ trong tiếng khóc nghẹn ngào: “Anh chỉ là một thằng khốn nạn!”. Muốn thoát khỏi tình trạng đời thừa, Hộ chỉ còn một cách là rũ bỏ trách nhiệm đối với gia đình, thoát li vợ con để rảnh rang theo đuổi giấc mộng văn chương. Nhưng vốn nhân hậu, anh không thể chấp nhận sự tàn nhẫn. Với Hộ, tình thương là tiêu chuẩn xác định tư cách làm người. Không có tình thương, con người chỉ là một thứ quái vật : “Hắn không thể bỏ
lòng thương; có lẽ hắn nhu nhược, hèn nhát, tầm thường. Nhưng hắn còn được là người”. Vì thế, anh đã hi sinh nghệ thuật để giữ lấy tình thương. Phải từ bỏ hoài bão lớn, anh âm thầm đau khổ, u uất, day dứt, nhất là khi gặp lại các bạn văn chương. Hộ lâm vào bế tắc, sống trong hiện thực nghiệt ngã và đau khổ đến cùng cực. Như vậy rõ ràng, khi viết về cuộc đời của người trí thức, những nhân vật như Hộ, như Thứ, như Điền,… có thể coi đều là sự hóa thân của nhà văn. Nhận định về vấn đề này, Nguyễn Minh Châu đã từng nói: “Nam Cao là người tự nguyện nộp mạng mình cho Văn Chương”. Chính vì dâng hiến hết bản thân mình cho đời cầm bút, Nam Cao đã thực sự khơi được lòng cảm thương sâu sắc nơi người đọc. Đọc “Đời thừa” ta đã hiểu được những khó khăn trăn trở để có thể sáng tác nên được một tác phẩm đi vào lòng người . Người nghệ sĩ phải lắng mình nghe tiếng thở của đời, phải trăn trở bao đêm mà suy nghĩ về ư nghĩa đích thực cái nghề cầm bút ấy. Muốn tìm ra được chân lý của văn chương đâu phải ngày một ngày hai mà ra được, đó phải là sự suy tư, đúc rút cả một đời, phải là đam mê cháy bỏng và khao khát đầy mãnh liệt. Và đọc “Đời thừa” ta cũng hiểu thêm về cuộc sống con người trong xã hội cũ, khổ sở vì gánh nặng cơm áo. Tác phẩm đã cho ta cái nhìn chân thực về xã hội và giúp ta yêu thương hơn những con người cùng khổ, đặc biệt là dành sự trân trọng với người nghệ sĩ và quá trình lao động nghệ thuật gian khổ của họ. “ Đời thừa” chính là bức tranh hiện thực, cũng chính là những bài học về sáng tạo nghệ thuật bài học cuộc đời mà Nam Cao gửi đến bạn đọc hôm nay, và mãi mãi còn vẹn nguyên giá trị.
Nhà văn là người có tâm hồn nhạy cảm, luôn mở lòng ra để đón nhận những vang động của đời. Và cuộc đời thực giống như những con sóng dội vào tâm hồn nhà văn những xúc cảm buồn vui lẫn đau đớn. Trong đó, hiện thực của đất nước, của dân tộc, hiện thực xung quanh nhà thơ chính là những gì gần gũi nhất, thiêng liêng nhất. Đó chính là lí do vì sao bài thơ Khâm thiên của Lưu Quang Vũ đã ra đời. Có thể nói, Lưu Quang Vũ là nhà thơ luôn đối diện với từng bước đi của lịch sử, gắn thân mình vào cuộc sống để cảm nhận sâu sắc hơn, rõ ràng hơn những thay đổi tế vi của đời sống. Cuộc chiến chính nghĩa của dân tộc rất hào hùng, nhưng nó cũng ẩn chứa những đau thương mất mát. Lưu Quang Vũ đã nhận thấy thực tế nghiệt ngã, xót xa ấy, và ông đau đến xé lòng trước cảnh đất nước bị dày xéo, tàn phá. Bài thơ Khâm thiên được viết năm 1972, trong sự kiện Mỹ ném hàng loạt bom B52 xuống con phố Khâm Thiên-Hà Nội, hòng tàn phá thành phố, biến Hà Nội quay trở về thời kì đồ đá. Đây là sự kiện thương tâm, gây chấn động nhân loại. Chỉ trong 12 ngày đêm, khu phố bị san phẳng, hàng trăm người chết, bị thương, gia đình tiêu tán. Chứng kiến cảnh tượng thương tâm ấy, Lưu Quang Vũ sáng tác bài thơ như một lời tưởng niệm tới người đã khuất, đồng thời lên án tội ác chiến tranh.:
“những người chết trong đêm thân gãy nát óc chảy ròng trên gạch
những người chết cháy đen miệng há mắt mở trừng tay chân vặn vẹo thịt xương
lòng ruột mắc trên dây điện phố Khâm Thiên ầm ầm đổ sụp
tiếng người la khủng khiếp đêm dài”
Nhà thơ diễn tả một cách rùng rợn đến gai người về cảnh tượng chết chóc của phố Khâm Thiên, người chết không còn được toàn vẹn, cả không gian chìm trong không khí tang tóc, hoang
tàn. Cảnh người còn sống cũng đau đớn, vật vã: em bé “ngơ ngác” bên xác người thân, người già đau đớn, quằn quại. Chiến tranh làm những đứa trẻ trở thành mồ côi, dập tắt sự trong trẻo trong ánh mắt ngây thơ bằng nỗi đau mất người thân; người lớn trở nên điên dại vì chứng kiến cảnh tượng quá ghê sợ. Trong bức tranh đổ nát tại phố Khâm Thiên, chưa bao giờ hình ảnh đám tang lại hiện lên đầy thương tâm đến thế. Một lần nữa, Lưu Quang Vũ miêu tả không gian bằng những hình ảnh rất chân thực. Hình ảnh “xe nối xe sừng sững chở quan tài” đã nói lên sự mất mát lớn lao của cuộc chiến. Tác giả tiếp tục nhắc đến trẻ thơ, nhưng là “quan tài trẻ thơ như những chiếc hòm con”, càng cho thấy sự bi thương của số phận con người. Cái chết đối với những đứa trẻ chính là nỗi đau tàn khốc nhất, vì chúng mang trong mình hy vọng về tương lai, nhưng lại sớm phải dập tắt do tội ác con người gây nên. Đối với người dân Khâm Thiên, đây có lẽ là kí ức đau lòng nhất, không thể nào quên. Những người ra đi trong sự kiện ấy rồi sẽ chung một ngày giỗ, đó là ngày để tất cả mọi người cùng tưởng niệm, nhắc nhở nhau về tội ác chiến tranh. Càng đau đớn, xót xa bao nhiêu nhà thơ lại càng viết chân viết thực bấy nhiêu. Rồi đến khi không chịu được nữa, nhà thơ đứng lên thẳng thắn chỉ đích danh kẻ gây ra tội ác “tôi vạch từng tên tôi gọi từngngười”, “ta nguyền rủa chúng mày cho đến chết”, sự căm giận với những kẻ mất nhân tính, coimạng người như cỏ rác mà chà đạp dưới chân. Từ đó ông tự dằn vặt, trách cứ bản thân “không che chở được mẹ già em dại/ khỏi quả bom tàn bạo từ trời cao”, đó là một suy nghĩ đầy trách nhiệm của một con người hết mình với non sông, rút cạn tình yêu mình vào đất nước, vào những con người bé nhỏ nơi đây. Nhà thơ không thể kết thúc bài thơ bằng câu từ hoa mĩ, vì chính lòng ông đang mang nỗi đau dân tộc, không thể vui trước bi thương của đồng loại. Đó là tấm lòng gắn bó với cuộc đời của người nghệ sĩ chân chính. Từ việc khắc họa lại hiện thực đau thương phố Khâm Thiên, nhà thơ đã để lại cho người đọc bài học về tình yêu hòa bình. Cuộc sống bình yên mà chúng ta đang có còn tốt đẹp bao nhiêu nên hãy biết trân trọng và bảo vệ nó. Nhà thơ còn khuyên chúng ta hãy có tinh thần trách nhiệm với đất nước, với đồng loại hay nhỏ nhất là có trách nhiệm với những người thân yêu ở quanh ta Từ việc lên tiếng tố cáo tội ác quân thù, Lưu Quang Vũ để lại dấu ấn trong lòng người về tầm quan trọng của tình thương và lòng nhân đạo, ý chí đấu tranh chống lại cái ác, thẳng thắn đứng lên chỉ ra cái sai để con người nhận ra, từ đó hướng con người đến với cái thiện để cuộc sống không còn bất công, khổ đau, bạo lực, để con người xích lại cùng nhau trong tình thân ái. Những tàn phá của chiến tranh có thể lùi vào quá vãng- là hiện thực chóng tàn nhưng những gì mà nhà thơ để lại cho bạn đọc qua “Khâm Thiên” vẫn sẽ mãi là một minh chứng bất tử cùng năm tháng. Sáng tạo nghệ thuật cần đến sự dày công, tâm huyết, luôn luôn tìm tòi, luôn luôn khám phá những góc nhìn mới về cuộc sống để hiện thực trong tác phẩm văn học ngày càng toàn diện hơn, sâu sắc hơn. Nguyễn Minh Châu thực sự đã thực hiện một “cuộc hành trình” đổi mới cách nhìn hiện thực trong văn học. Ông đã tạo ra được những “giọt mật” rất lạ, đã kiếm tìm hiện thực ở một bề sâu hơn, nơi con người không còn được “thần thánh hóa” như trong thơ ca cách mạng, nơi chiến tranh hiện lên với những nỗi đau thương và mất mát. Nhưng từ việc phản ánh những đau thương mà nhà văn đem đến cho người đọc một cái nhìn hiện thực lịch sử chính xác nhất, gửi gắm được những bài học nhân văn giá trị. Hơn hết, tác phẩm thể hiện những tìm tòi, trăn trở của Nguyễn Minh Châu về hiện thực, một hiện thực thời hậu chiến. Đọc “Cỏ lau” chúng ta nhận ra rằng chiến tranh đã đi qua, đất nước đã bình yên nhưng cuộc sống của những con người trở về sau những đổ nát không thể bình yên – họ phải đối mặt với chất chồng khó khăn. Cái nhìn về hiện thực khốc liệt của Nguyễn Minh Châu trong “Cỏ lau” mang âm hưởng của nỗi đau, nỗi xót xa không dứt. Chiến tranh đã để lại những vết thương rất sâu cho con người. Đó là Lực nhân vật có cuộc đời thật nghiệt ngã, trớ trêu và đầy bi kịch. Đi qua hai cuộc chiến tranh, anh đã để lại ở chiến trường 24 năm tuổi trẻ và đau đớn nhận ra: “Chiến tranh,…nó như một nhát dao phạt ngang mà hai nửa cuộc đời tôi bị chặt lìa thật khó gắn lại như cũ”. “Nhát dao” khổng lồ ấy chỉ phạt ngang cuộc đời của Lực mà khủng khiếp hơn, nó còn để lại trong lòng quê hương của anh những vết thương không bao giờ kín miệng. Ở mảnh đất đó, người cha mất con, vợ mất chồng, con gái mất người yêu. Cũng ở mảnh đất đó, chiến tranh đã tàn phá khốc liệt đến nỗi không còn nổi một viên gạch lành. Những người con gái chờ chồng, chờ người yêu cũng sống trong sự bi kịch, đau khổ. Đó là Thai trước sự trở về của Lực khi số phận hai người tưởng đã an bài, khi Thai đang sống với một người chồng khác chỉ càng làm đau thêm cái vết thương vẫn âm ỉ đau trong suốt những năm qua. Còn Phi Phi, hình ảnh một cô gái tìm hài cốt người yêu trong một buổi chiều tím bâng quơ, giữa tiếng hát buồn man mác gợi cho chúng ta hiểu rằng “chiến tranh không phải trò đùa”. Cũng trong tác phẩm này, Nguyễn Minh Châu còn bộc lộ một nỗi lo khác không kém phần day dứt đó là lo âu về sự biến chất, sự tha hóa của con người bởi chiến tranh. Một nhân vật trong tác phẩm này đã cay đắng nhận ra rằng: “chiến tranh làm cho người ta hư đi hơn là làm cho người ta tốt hơn”. Lực đã phải công nhận sự thật chua chát đó ngay trong chính bản thân mình: “vì một cơn giận với người khác, lại một chút tư thù đầy nhỏ nhen với người lính mà tôi đã đưa người lính đi vào chỗ chết”. Để gợi nên ý niệm về số phận khổ đau, trớ trêu của những con người sau cuộc chiến tranh, Nguyễn Minh Châu đã sử dụng các biểu tượng” cở lau, hòn vọng phu, ngôi mộ”… rất thành công. Ông cũng rất tinh tế khi đưa vào tác phẩm của mình những thanh âm buồn da diết của bài hát “Mùa xuân”. Những tâm tư của nhân vật là thật hơn khi người kể chuyện chính là người trong cuộc. Bằng những cách ấy, Nguyễn Minh Châu đã bộc lộ nỗi lo khắc khoải khôn nguôi của mình về số phận con người sau cuộc trường chinh vĩ đại. tác phẩm khắc sau trong tâm trí người đọc một hiện thực nghiệt ngã, một góc khuất phía sau ánh hào quang của chiến thắng, đánh thức lại trong chúng ta suy ngẫm về số phận con người sau cuộc chiến tranh, nhắc nhở chúng ta cái giá của hòa bình và trách nhiệm sống một cuộc đời ý nghĩa. Tác phẩm không có một hiện thực long lanh nhưng vẫn làm người ta “say” vì nó chất chứa nhiều suy ngẫm, vì nó thể hiện sâu sắc tấm lòng của Nguyễn Minh Châu luôn trăn trở về cuộc đời, về con người. Trên hành trình lao động nghệ thuật miệt mài của Nguyễn Minh Châu, “Cỏ lau” là một điểm sáng kết tinh giá trị hiện thực, nhân đạo cao cả, mãi nhắc nhở chúng ta về một “mùa hoa” đã qua, nhắc nhở con người biết sống tốt hơn, sống một cuộc đời xứng đáng với sự hi sinh của lớp người đi trước. Đó là một trong những “giọt mật” trong đời văn mà Nguyễn Minh Châu đã đã chắt chiu và gìn giữ cho con người mai sau.
Văn học bắt nguồn từ hiện thực để rồi cất lên tiếng nói đòi quyền sống chân chính cho con người. Từ ngàn xưa, người phụ nữ đã luôn chịu những bất công, bị thiệt thòi về quyền lợi. Ít
ai thấy được những đóng góp lớn lao của họ vào dòng chảy lịch sử. Và nhà báo, tác giả Svetlana Alexievich đã kỳ công khai mở một thế giới riêng biệt, một lục địa của những người phụ nữ. Lớp lớp ký ức chất chồng kể về hàng trăm ngàn cuộc chiến tranh riêng biệt mà mỗi nhân vật đã từng trải qua, từng dấn thân, thế nhưng người ta hoàn toàn có thể dùng chúng để soi chiếu lẫn nhau, đan kết thành một dòng chảy lịch sử vĩ đại được viết nên bằng chính con người. Không có tiếng nói nào vô chủ. Tác giả đã ghi lại cẩn thận mọi cái tên và mọi nhân dạng, bởi bà trân trọng “quyền được nói” của mọi phụ nữ, bà lắng nghe họ với một trái tim nhân ái của kẻ đồng loại và sự đồng cảm của thế hệ sau. Bà giúp họ mở lời sau hàng thập kỷ im lặng nghẹn ngào. Trong chiến tranh, thế giới được kiến tạo bởi cái nhìn của phụ nữ cũng đầy ắp những bi kịch điên loạn, những vùng tối đau thương chẳng dễ gì để nhắc lại thời kỳ hậu chiến và cũng chẳng dễ gì để chôn vùi vào quên. Biến cố khủng khiếp của thời đại hằn sâu trong ký ức của những cô gái trẻ tuổi bằng trận địa ngập xác chết lẫn lộn với thương binh nặng, bầu trời, mặt đất, khu rừng và đầm lầy biến thành màu của máu, thứ màu đỏ tanh tanh nhờ nhợ, một đứa trẻ sơ sinh bị tên phát xít giật ra khỏi vòng tay mẹ và quật vỡ sọ, một nữ liên lạc bị kẻ thù treo lên thẩm vấn trong tình trạng trần truồng… Những khung hình ấy chen nhau xuất hiện trong lời kể của các nhân vật tác giả đã gặp gỡ và trò chuyện, tưởng như một tiếng bom của thế kỷ XX vừa dội thẳng vào các giác quan của độc giả, để lại một nỗi ám ảnh sâu sắc, hay thậm chí “buồn nôn sâu sắc” và “kinh tởm” như tác giả từng nói.
Tuy nhiên, hình ảnh chiến tranh cũng được chắt lọc qua cái nhìn bản năng nguyên thủy của nữ giới, đầy dịu dàng, đa cảm, trìu mến và âu yếm. Họ ôm trong vòng tay và nói lời ngọt ngào với những thương binh đang vật lộn giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, một nỗi mất mát vô biên không thể lấp đầy xâm chiếm lấy họ khi nhìn con người chết đi, các chàng trai trẻ tuổi, đẹp đẽ và đầy sức sống dấn thân vào cuộc chiến và không bao giờ trở lại nữa. Có một mối liên kết bền chặt kỳ lạ giữa phụ nữ trong chiến tranh : Các nữ binh, những người mẹ khóc thương con trai, những phụ nữ tiễn chồng và người yêu ra trận. Họ nắm tay nhau, để sau tất cả, họ luôn luôn mạnh mẽ nhất và giỏi chịu đựng nhất. Nếu không mạnh mẽ, làm sao trái tim họ còn ấm nóng ở trong lồng ngực để nhìn thấy mặt trời chói sáng, làm nở rộ những bông hoa chuông trên bãi cỏ, cánh đồng màu mỡ sau mùa thu hoạch, khu rừng lấp lánh trong sương sớm. Cắm một đóa hoa tím trên lưỡi lê, và nói chuyện Anna Karenina sau khi bị kẻ thù kết án treo cổ.
Phụ nữ luôn kín đáo gìn giữ bản sắc của giới họ trong tận cùng sâu thẳm tâm hồn, mà ở đó không ai có thể xâm phạm niềm khao khát một chiếc áo dài, một đôi ủng vừa chân, đuôi tóc tết, mùi của gia đình, giống với cái cách họ bền bỉ nuôi dưỡng tình yêu với một người đàn ông trên chiến trường. Cả sự hoài thai và sinh nở. Đó là một điều kỳ diệu lớn lao, thật khó để tưởng tượng người ta có thể mang trong mình cùng lúc một sinh linh bé nhỏ đang lớn dần lên và một quả lựu đạn ở ngay chỗ linh hồn đang đập thành nhịp. Địa hạt của sự sống lặng lẽ vượt qua bóng đêm và cái chết, kết tụ thành hơi thở và hình hài bé mọn cùng một niềm hy vọng lớn lao. Nó là sự tiếp nối vĩnh cửu dòng giống của loài người nhân hậu và yêu chuộng hòa bình, trong chính nỗi sợ hãi, cảnh loạn lạc đọa đày. Ngày tận thế cũng chỉ là một phần của sự sống, sự sống có sức mạnh tối thượng của riêng nó để tái sinh tương lai. Cũng chính nhờ tư tưởng ấy mà cuốn sách của nữ nhà báo người Belarus tràn ngập thiện tính, nhân tính và mỹ tính bất diệt, bên cạnh tư tưởng phản chiến đậm nét.
“Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” không chỉ tái hiện Thế chiến, mà đằng sau nó còn một cuộc chiến khác, dai dẳng và âm ỉ hơn thế. Những người phụ nữ bước ra từ chiến tranh chịu đựng sự hành hạ từ những vết thương thể xác và ám thị tinh thần, những chấn động tâm lý không thể xóa mờ. Ước mơ, khao khát lẫn nhục cảm đã chết trong một số, một số khác ao ước có thể yêu trở lại nhưng đã quên cách chấp nhận sự diu dàng của nam giới. Tổ quốc – đức tin từng vô cùng mãnh liệt, sự che chở bất vụ lợi lẫn nhau nơi chiến trường không còn nữa, con người một mình đối chọi với cuộc đời thực tại, vật lộn để sống sau khi đã thoát chết. Cuộc sống bình thường đối với họ vĩnh viễn không còn bình thường nữa. Alexievich đã kết tội chiến tranh một cách hùng hồn, với những lý lẽ bác ái và các nhân chứng sống cùng chuỗi những tổn thương sâu sắc ký tên nó.
Cùng là người phụ nữ, Alexievich đã đứng lên đại diện cho tiếng nói của một nửa thế giới. Không ngại ngùng, không khoan nhượng, nữ nhà báo khẳng khái và mạnh mẽ lên tiếng. Bà thẳng thắn đối diện với cuộc đời, đặt mình vào chính sự thực ghê rợn của cuộc chiến mà viết lên những dòng hiện thực đầy bi thương và đáng phẫn nộ như vậy. Alexievich đã thổi bùng hiện thực, một lần nữa đưa nó sống dậy, mạnh mẽ và mãnh liệt như lên án, như kêu gào cho nỗi đau khổ của biết bao người phụ nữ trong những năm tháng đau đớn ấy.
Chính sức mạnh thâm nhập vào hiện thực từ đó đồng thời khơi lên một điều gì đó trong lòng người đọc. Đó chính là sức mạnh thực sự của nhà văn. Đánh thức hiện thực là đánh thức phần người đang ngủ say trong mỗi chúng ta. Ta thực sự thấy được thế nào là chiến tranh, là người phụ nữ – những kẻ luôn nhận một cái nhìn thấp kém hơn trong xã hội. Tất cả được Svetlana Alexievich phơi bày sắc nét trước mắt người đọc, để từ đó, tác phẩm của kêu gọi loài người cùng đứng lên để chống lại mọi cuộc chiến có thể xảy ra trong tương lai, bởi không thể để những trang sử đen tối lặp lại với hàng triệu người bị tước quyền sống yên ổn. Tương lai, nhất định phải được kiến tạo trên nền tảng hòa bình. Cùng với đó ta thấy được tâm hồn sáng rực đầy đẹp đẽ của những người phụ nữ trong những năm tháng chiến tranh đau khổ. Họ bất khuất, quật cường; họ nồng ấm yêu thương và luôn giữ trong tim ngọn lửa hi vọng và niềm tin vào một tương lai tươi sáng. Tác phẩm là tiếng nói nhân đạo thấm đẫm dành cho con người, nhất là người phụ nữ, đã trở thành tuyên ngôn bất tử đưa hình tượng người phụ nữ trở nên bất tử tới muôn đời.
Như vậy, những câu thơ của Nguyễn Đức Mậu đã đề cao vai trò của hiện thực cuộc sống trong tác phẩm văn học, cũng như vai trò của nhà văn đối với bạn đọc. Từ đó, ý thơ đặt ra bài học cho cả người cầm bút và người tiếp nhận. Đối với người nghệ sĩ: nhà văn phải luôn gắn bó với hiện thực, tìm tòi ở hiện thực những vấn đề có ý nghĩa để phản ánh trong tác phẩm, sống sâu sắc, lặn ngụp giữa “ bể đời” để chắt chiu những gì tinh túy nhất; hơn nữa sau khi “hòa mình vào cuộc sống của nhân dân” phải chú ý đến phương thức chuyển tải hiện thực đến người đọc, phải chọn được phương thức phù hợp nhất với mình và với nội dung truyền tải để đạt được hiểu quả cao nhất, gây được ấn tượng mạnh mẽ nhất. Với độc giả: cần cảm nhận tác phẩm bằng cả trái tim thì mới có thể thấu hiểu hết hiện thực cuộc sống, thông điệp thẩm mĩ mà tác giả gửi gắm, tùy từng hoàn cảnh, từng thời điểm lịch sử, từng cảnh ngộ con người mà bạn đọc phải đặt mình vào vị trí của nhân vật để cảm nhận ước mơ, lí tưởng, con đường đấu tranh cho chân lí, quan điểm về cuộc đời và về lẽ thiện – ác của họ.
Thạch Lam từng có một câu nói rất hay: “Đối với tôi văn chương không phải là cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên ; trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối, tàn ác, vừa làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn”. Văn học bắt nguồn tự mảnh đất hiện thực, nở hoa lên từ bất cứ mảnh đời nào và luôn đem đến cho con người những quan niệm, lẽ sống, những bài học nhân sinh giá trị. Với những giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc ấy, văn học trở thành “chất men say” làm lay động lòng người, lan tỏa cả đất trời, bất tử, trường tồn trong dòng chảy nghiệt ngã của thời gian.