ĐỀ CHÍNH THỨC |
ĐỀ KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ CUỐI KÌ KHỐI 11
Năm học 2023-2024 Môn Ngữ văn Thời gian 120 phút – không kể thời gian giao đề |
Đề bài
ĐỌC – HIỂU (4,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:
Thiện nguyện là những chuyến đi mà ở đó bạn là người cho đi những yêu thương để nhận lại những bài học làm người vô giá, những giá trị cuộc sống sâu sắc mà không giáo trình nào, không trường học nào dạy bạn cả. Bạn sẽ nhận ra niềm lạc quan từ trong những công việc vất vả, hiểu rằng những điều bé nhỏ cũng có thể đem lại niềm vui. Qua những điều bạn thấy, từ những việc bạn làm, tất cả sẽ giúp bạn thay đổi từng ngày, trưởng thành hơn và sống có ý nghĩa hơn.
Các chuyến đi tình nguyện sẽ tạo cơ hội cho bạn gặp gỡ những người trẻ sống có hoài bão, giúp bạn nghe được những câu chuyện về những người dân, những đứa trẻ ở mỗi vùng đất bạn đi qua. Dù bạn chưa làm được việc gì to tát, chưa góp phần thay đổi xã hội nhưng những chuyến đi đó khiến bạn trưởng thành hơn. Giúp bạn biết sống tự lập, có trách nhiệm với bản thân mình, biết thấu hiểu và yêu thương, không còn những toan tính vị kỷ. Xã hội này, cuộc đời này có những người trẻ như thế thì sẽ tươi đẹp biết bao nhiêu.
Những chuyến đi thiện nguyện ấy cũng sẽ lưu lại trong ký ức của bạn vô vàn kỷ niệm, cho bạn thấy cuộc sống này thật sự đáng sống. Nếu tuổi trẻ là một thước phim, bỏ lỡ những chuyến đi thiện nguyện là bạn đã bỏ lỡ đoạn cao trào cuốn hút nhất của bộ phim. Bạn đang tuổi đôi mươi, hà cớ gì phải bỏ lỡ đoạn cao trào ấy chứ.
(Trích Sống cho tuổi đôi mươi duy nhất – Denley Lupin, NXB Lao động xã hội, 2018, tr. 31)
Câu 1. Xác định vấn đề nghị luận của văn bản.
Câu 2. Chỉ ra hệ thống luận điểm trong văn bản
Câu 3.Theo tác giả, những chuyến đi thiện nguyện đem lại cơ hội gì cho tuổi trẻ?
Câu 4. Chỉ ra và phân tích hiệu quả của biện pháp tu từ trong câu: Nếu tuổi trẻ là một thước phim, bỏ lỡ những chuyến đi thiện nguyện là bạn đã bỏ lỡ đoạn cao trào cuốn hút nhất của bộ phim.
Câu 5. Từ nội dung của văn bản, anh/chị có suy nghĩ gì về việc làm thiện nguyện của giới trẻ hiện nay
LÀM VĂN (6.0 điểm)
Câu 1 (2 điểm) Hãy viết một đoạn văn nghị luận, trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến sau: “Nếu muốn thành công, phải lấy lòng kiên trì làm bạn tốt” (Thomas Edison)
Câu 2 (4 điểm)
LÁ CUỐI NĂM
Đó là buổi chiều đẹp nhất của năm. Ông ngoại tôi bảo vậy. Chiều 30 Tết. Tất cả mọi công việc phải hoàn tất trước khi trời tối. Bánh chưng đã gói xong. Nhà cửa đã dọn dẹp sạch sẽ. Điều mà ngoại bắt buộc mọi người phải làm vào chiều cuối năm là gom hết lá khô vào một góc sân, đốt lên rồi cả gia đình ngồi quây quần quanh đó để…chẳng làm gì cả. Ngoại gọi đó là buổi chiều của những đứa con đi xa trở về, của những người đã khuất qua hồi ức người còn sống. Người lớn ngồi trầm ngâm. Bọn trẻ con bấm tay nhau cười khúc khích trước vẻ nghiêm trang mà theo chúng là rất vô lý.
Gió se se lạnh. Lửa ấm áp nổ lách tách. Khói thơm nồng mùi lá khô. Cái thú của chúng tôi là hít hà và đoán xem đó là mùi của lá nào. Lá xoài cháy hăng hăng. Lá ổi thơm nhẹ nhẹ…
Bao giờ cũng vậy, ngoại chỉ lên tán lá xanh trên đầu và hỏi một đứa cháu:
– Vòm cây không thay đổi nhưng những chiếc lá thì thay đổi. Trên đó không còn chiếc lá nào của năm trước, phải không cháu?
Sau đó thì chắc chắn là đến phần “nghi thức” của chiều cuối năm.
– Con đã làm được gì trong một năm qua? – Ông ngoại hỏi mẹ tôi.
– Con đi dạy một ngày hai buổi. – Mẹ nghiêm trang trả lời. – Học trò của con năm nay không có đứa nào cá biệt. Chúng chăm học và rất ngoan. Con cũng đã quét vôi lại ngôi mộ của mẹ.
– Vậy là tốt. – Ông nói rồi quay sang tôi. – Còn cháu?
Tôi khẽ khàng:
– Cháu chẳng làm gì cả. Cháu chỉ đi học thôi.
– Vậy là tốt. Cháu biết rằng cháu đang đi học. Thế là tốt…
Cứ thế, lần lượt từng người một nói cho ông biết mình đã làm được gì. Lúc nhỏ, tôi vẫn nghĩ những câu hỏi của ông thật buồn cười. Tôi cũng không hiểu lắm câu chuyện những chiếc lá và vòm cây mà ông luôn kể mỗi chiều cuối năm.
Ngày ông hấp hối, tôi đứng cuối chân giường và khóc. Ông vẫy tôi lại, thều thào:
– Này cháu, những chiếc lá thay đổi, nhưng vòm cây vẫn không thay đổi. Phải không?
Tôi mếu máo gật đầu và trong khoảnh khắc đó tôi hiểu ra tất cả. Không có chiếc lá nào xanh trọn 365 ngày trong một đời lá. Những chiếc lá khô đi và rụng xuống nhưng vòm cây vẫn giữ nguyên vẻ mát xanh vững chãi. Hãy bình tâm sau mỗi lần mất mát dù rằng chỉ những chiếc lá ở cạnh nhau mới thấy đau với khoảng trống khi chiếc lá ngay cạnh mình rơi xuống.
Từ khi ông mất, những chiều cuối năm không còn ai ngồi quanh đống lửa. Song, dù ở đâu, chúng tôi vẫn luôn nhớ quay về góc vườn cũ, thăm lại những hàng cây. Bao nhiêu mùa lá khô rơi nhưng vòm cây vẫn xanh và rì rầm trong gió. Tôi biết rằng trong vòm cây nguyên lành như chưa bao giờ biến đổi kia, có một chiếc lá đã rơi và để lại khoảng trống không gì bù đắp nổi. Chiếc lá ấy vẫn trở về trong trái tim những chiếc lá khác – vào mỗi chiều cuối năm.
(Đặng Nguyễn Đông Vy – Hạt giống tâm hồn, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh,2019, tr51-53)
Thông tin cơ bản về tác giả.
– Đặng Nguyễn Đông Vy sinh năm 1979 tại Khánh Hòa. Cô là cựu học sinh của trường THPT chuyên Lê Quý Đôn – Khánh Hòa
– Với tâm hồn nhạy cảm, tinh tế và thuần hậu đặc biệt của mình, Đặng Nguyễn Đông Vy vừa làm báo vừa viết văn đã mang đến cho độc giả những sáng tác vô cùng sâu lắng, thú vị và độc đáo.
– Tác phẩm tiêu biểu:
Hãy tìm tôi giữa cánh đồng – NXB Trẻ
Làm ơn hãy để con yên (biên dịch) – NXB Trẻ
Nếu biết trăm năm là hữu hạn (viết chung với Phạm Công Luận – bút danh Phạm Lữ Ân) – NXB Hội Nhà văn
Viết một bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật trong văn bản Lá cuối năm của tác giả Đặng Nguyễn Đông Vy
ĐỀ CHÍNH THỨC |
ĐÁP ÁN ĐỀ KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ CUỐI KÌ
KHỐI 11 Năm học 2023-2024 Môn Ngữ văn Thời gian 120 phút – không kể thời gian giao đề |
HƯỚNG DẪN CHẤM
- ĐỌC – HIỂU
Phần | Câu/Ý | Nội dung | Điểm |
I | Đọc hiểu | 4.0 | |
1 | Vấn đề nghị luận của văn bản: Thiện nguyện của tuổi trẻ
Hướng dẫn chấm: – Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm. – Học sinh không trả lời/ trả lời không đúng: 0 điểm |
0.5 | |
2 | Hệ thống luận điểm trong văn bản:
– Thiện nguyện là gì – Giá trị và ý nghĩa của thiện nguyện đối với giới trẻ Hướng dẫn chấm: – Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm. – Học sinh trả lời 1/2 ý như đáp án: 0,25 điểm – Học sinh không trả lời/ trả lời không đúng: 0 điểm |
0,5 | |
3 | Theo tác giả, những chuyến đi thiện nguyện đem lại cơ hội cho tuổi trẻ:
– Gặp gỡ những người trẻ sống có hoài bão, giúp bạn nghe được những câu chuyện về những người dân, những đứa trẻ ở mỗi vùng đất bạn đi qua. – Khiến bạn trưởng thành hơn. – Giúp bạn biết sống tự lập, có trách nhiệm với bản thân mình, biết thấu hiểu và yêu thương, không còn những toan tính vị kỷ. Hướng dẫn chấm: – Học sinh trả lời như đáp án: 1,0 điểm. – Học sinh trả lời 2 ý như đáp án: 0,75 điểm – Học sinh trả lời 1 ý như đáp án: 0,5 điểm – Học sinh trả lời chung chung có ý hướng vào đáp án: 0,25 điểm – Học sinh không trả lời hoặc trả lời không đúng: 0 điểm |
1,0 | |
4 | Chỉ ra và phân tích hiệu quả của biện pháp tu từ trong câu: Nếu tuổi trẻ là một thước phim, bỏ lỡ những chuyến đi thiện nguyện là bạn đã bỏ lỡ đoạn cao trào cuốn hút nhất của bộ phim.
– Biện pháp tu từ so sánh – Hiệu quả: Tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt, giúp người đọc có cái nhìn rõ hơn về ý nghĩa những chuyến đi thiện nguyện của tuổi trẻ. Hướng dẫn chấm: – Học sinh trả lời như đáp án: 1,0 điểm. – Học sinh trả lời 1/2 ý như đáp án: 0,5 điểm – Học sinh trả lời chung chung có ý hướng vào đáp án: 0,25 điểm – Học sinh không trả lời hoặc trả lời không đúng: 0 điểm |
1,0
|
|
5 | Suy nghĩ gì về việc làm thiện nguyện của giới trẻ hiện nay
– Học sinh có những cách trả lời khác nhau nhưng phù hợp với chuẩn mực đạo đức là chấp nhận Hướng dẫn chấm: – Giám khảo linh hoạt trong cách chấm – Tôn trọng quan điểm của học sinh |
1.0 | |
II | Làm văn | 6.0 | |
1 | Hãy viết một đoạn văn nghị luận, trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến sau: “Nếu muốn thành công, phải lấy lòng kiên trì làm bạn tốt” (Thomas Edison) | 2,0
|
|
a. Xác định được yêu cầu hình thức, dung lượng của đoạn văn
Xác định đúng hình thức và dung lượng ( khoảng 200 chữ ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, móc xích, song hành… |
0,25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận
Xác định đúng vấn đề nghị luận : Trình bày suy nghĩ về ý kiến: “Nếu muốn thành công, phải lấy lòng kiên trì làm bạn tốt” (Thomas Edison) |
0,25 | ||
c. Đề xuất hệ thống ý phù hợp làm rõ vấn đề nghị luận
*. Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận: Sau đây là một số gợi ý – Giải thích : + Thành công: Những thành quả đạt được như mong muốn hoặc hơn cả mong muốn. + Kiên trì: Làm đến cùng một việc nào đó, vượt qua mọi rào cản khó khăn. ð Tác giả đưa ra lời khuyên đối với mọi người: Muốn hướng đến thành công cần phải lấy đức kiên trì, bền bỉ, nhẫn nại làm người bạn đồng hành. – Bình luận, chứng minh: + Lòng kiên trì giúp con người vượt qua khó khăn, thử thách… + Lòng kiên trì giúp cho con người trưởng thành hơn, phát huy được năng lực của bản thân… + Lòng kiên trì, sự nhẫn nại là một trong những yếu tố quan trọng giúp ta đạt được những thành công. + Dẫn chứng: – Mở rộng: + Phê phán những người thiếu kiên trì trong cuộc sống + Phê phán những hiện tượng nôn nóng, thành công thiếu bền vững *. Sắp xếp hệ thống các ý theo bố cục của đoạn văn |
0,5 | ||
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:
Lựa chọn các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận: Trình bày suy nghĩ của bản thân về ý kiến“Nếu muốn thành công, phải lấy lòng kiên trì làm bạn tốt” (Thomas Edison) – Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý – Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng thuyết phục, kết hợp chặt chẽ lí lẽ và dẫn chứng |
0,5 | ||
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chính tả, dùng từ, ngữ pháp Tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn |
0,25 | ||
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ |
0,25 | ||
2 | Viết một bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật trong văn bản Lá cuối năm của tác giả Đặng Nguyễn Đông Vy | 4.0 | |
a. Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận văn học | 0,25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật trong văn bản Lá cuối năm của tác giả Đặng Nguyễn Đông Vy | 0,25 | ||
c. Đề xuất hệ thống ý phù hợp làm rõ vấn đề nghị luận của bài viết:
– Xác định được các ý chính của bài viết – Sắp xếp các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận * Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và tóm tắt văn bản * Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc về chủ đề và hình thức nghệ thuật của văn bản Lá cuối năm – Chủ đề và thông điệp của truyện: + Sự nâng niu, trân trọng đối với tình cảm gia đình cùng sự giữ gìn và phát huy những giá trị tinh thần tốt đẹp. + Sẽ có lúc ta mất đi điều quý giá trong cuộc đời, đặc biệt người thân. Vì vậy cần biết quan tâm, yêu thương chia sẻ và trân trọng những gì mình đang có, những người thân bên ta. Đồng thời câu chuyện cũng muốn gửi đến người đọc thông điệp: Hãy bình thản đón nhận những mất mát như một quy luật tất yếu của cuộc sống này. – Cốt truyện: đơn giản, theo trình tự thời gian + Truyện xoay quanh câu chuyện về ông ngoại + Sự kiện đơn giản, diễn ra trong khu vườn nhỏ, thời gian chủ yếu vào chiều 30 Tết + Giúp người đọc dễ nắm bắt tác phẩm – Lời kể chuyện: tự nhiên, ngôi kể thứ nhất + Người kể chuyện xưng tôi, kể lại câu chuyện tuổi thơ đầy ấm áp của mình. + Người kể tự rút ra bài học cho bản thân với những suy ngẫm sâu sắc + Ngôi kể tạo sự gần gũi, chân thực với những trải nghiệm cá nhân nên dễ tác động mạnh mẽ đến người đọc. – Nhân vật: gần gũi, tự nhiên + Ông ngoại: là người lưu giữ và truyền lại những phong tục tốt đẹp của gia đình. Nhân vật này được xây dựng chủ yếu thông qua ngôn ngữ, hành động và bằng nhiều điểm nhìn khác nhau của cô cháu gái. + Nhân vật tôi: Tự nhiên, cảm xúc và suy nghĩ phù hợp từng độ tuổi + Cách xây dựng nhân vật dễ tạo sự đồng cảm của người đọc, giúp người đọc tự rút ra những bài học về cuộc sống. * Đánh giá chung: Câu chuyện ngắn gọn nhưng đem đến cho người đọc nhiều bài học sâu sắc về cuộc sống.
|
2,0 | ||
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:
– Triển khai được thành 4 luận điểm rõ ràng – Lựa chọn các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận – Lập luận chặt chẽ, có sự kết hợp giữa lí lẽ và dẫn chứng Lưu ý: Học sinh có thể có những bày tỏ, suy nghĩ quan điểm riêng nhưng phù hợp đạo đức pháp luật |
1,0 | ||
đ. Diễn đạt : Đảm bảo chính tả, dùng từ, ngữ pháp Tiếng Việt, liên kết trong văn bản | 0,25 | ||
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ |
0,25 | ||
Tổng điểm | 10,0 |