Đề tham khảo theo cấu trúc mới 2025 của Bộ -đề số 24

PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

           Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Tháng bảy mùa ngâu

Bố mẹ đội mưa bì bõm

Băng qua những bọt bong bóng nước rơi

vỡ trên đường

Băng qua những tiếng còi xe inh ỏi

Băng qua giông

Băng qua gió

Mẹ giữ chặt chiếc túi

Trong đó là những đồng tiền bố mẹ chắt chiu

dành dụm cả năm

Giờ đổi lấy tiền “đô”, dành cho con du học.

Những đồng tiền khó nhọc

Những đồng tiền với đơn vị tính…

thương yêu.

Khoản này cho con mua sách

Khoản này cho con lúc trái gió trở giời

Phải phòng thân con nhé

Rồi “sảy nhà” sẽ lắm nỗi gian truân…

Bố mẹ ơi

Nước mắt con đầy vơi…

Thương bố mẹ chưa ngày nào đáp trả

Dẫu khó khăn bố mẹ không khi nào ca cẩm

Về “món nợ học hành” trĩu nặng trong tim.

Con ước mơ mình như cánh chim

Sải đôi cánh trên bầu trời cao rộng

Núi cao

Gió lộng

Chẳng hề chi.

Nhưng một ngày kia

Nhìn đôi bàn tay bé nhỏ

Thấy trong lòng tay những đồng tiền biết nói

Về nơi bắt đầu và nơi đã ra đi.

Những đồng tiền ướt mưa

Mẹ đã nắm chặt qua tháng ngày giông gió

Nhắc con về những yêu thương gian khó

Bố mẹ nhọc nhằn dành dụm sớm khuya.

Và con hiểu

Nhìn xuống bàn tay mình khi ấy

Có giọt mưa nào rơi từ mắt…

Lặng khô…

 (Thương nhớ mưa ngâu, Đỗ Nhật Nam)

Câu 1 (0,5 điểm).  Xác định thể thơ của bài thơ trên?

Câu 2 (0,5 điểm ) Xác định nhân vật trữ tình trong bài thơ ?

Câu 3 (1,0 điểm). Phân tích tác dụng của phép điệp trong đoạn thơ sau:

Bố mẹ đội mưa bì bõm

Băng qua những bọt bong bóng nước rơi

vỡ trên đường

Băng qua những tiếng còi xe inh ỏi

Băng qua giông

Băng qua gió

Câu 4 (1,0 điểm). Em đánh giá như thế nào về ước mơ của Đỗ Nhật Nam thể hiện trong đoạn thơ:

Con ước mơ mình như cánh chim

Sải đôi cánh trên bầu trời cao rộng

Núi cao

Gió lộng

Chẳng hề chi.

Câu 5 (1,0điểm.) Anh/ chị hãy rút ra thông điệp ý nghĩa nhất với mình sau khi đọc văn bản ? Lí giải vì sao?

  1. PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1. ( 2,0 điểm)

Viết đoạn văn nghị luận ( Khoảng 200 chữ) làm rõ cảm xúc của nhân vật trữ tình trong đoạn thơ sau:

Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi

(Trích “ Vội vàng” của Xuân Diệu)

Câu 2. ( 4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bàn về lòng biết ơn của con cái đối với đấng sinh thành?

 

ĐÁP ÁN

HƯỚNG DẪN CHẤM

Phần Câu Nội dung Điểm
  1 Thể thơ: Tự do 0,5
2 Nhân vật trữ tình : người con  
3 – Phép điệp : điệp ngữ “băng qua” lặp lại 4 lần.

– Tác dụng của điệp ngữ “băng qua” trong đoạn thơ:

+  Tạo âm hưởng, nhịp điệu gấp gáp và tăng tính gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

+ Nhấn mạnh: vì con cha mẹ có sức mạnh vượt qua bao vất vả, nhọc nhằn

+ Thể hiện sự thấu hiểu, trân trọng, biết ơn của con trước những vất vả, hi sinh của cha mẹ.

 

0,25

0,5

 

0,25

4 Đánh giá về ước mơ của Đỗ Nhật Nam:

– Đó là ước mơ vươn tới những chân trời cao rộng, thực hiện những khát vọng, hoài bão lớn lao bằng lòng dũng cảm, tinh thần sẵn sàng đối diện với mọi khó khăn, gian khổ.

– Ước mơ ấy thể hiện ý thức trách nhiệm của một người con: muốn báo đáp công lao nuôi dưỡng, chăm sóc của cha mẹ.

0,5

 

 

0,5

5

 

*Hs nêu 1 thông điệp tâm đắc nhất rút ra qua bài thơ: Sau đây là gợi ý:

– Là con, phải biết thấu hiểu, trân trọng công ơn của cha mẹ

– Có ý thức sử dụng những đồng tiền mà cha mẹ chắt chiu, dành dụm sao cho có ý nghĩa

– Cần có những hành động thiết thực để báo đáp công lao của cha mẹ

– Sống có ước mơ, khát vọng

*Hs giải thích: Đưa ra những lí lẽ hợp lí ( 4 ý trở lên) để khẳng định quan điểm bản thân.

1.0

 

 

 

 

II   Viết 6.0
1 Viết đoạn văn nghị luận ( Khoảng 200 chữ) làm rõ khát vọng của nhân vật trữ tình trong đoạn thơ trích trong “ Vội vàng” của Xuân Diệu. 2.0
a. Xác định được về hình thức, dung lượng của đoạn văn ( khoảng 200 chữ). Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng- phân- hợp; song hành hoặc móc xích. 0.25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:  khát vọng của nhân vật  trữ tình trong đoạn thơ trích 0.25
  c.Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề cần nghị luận.

Xác định được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề cần nghị luận, sau đây là một số gợi ý:

Nhân vật trữ tình trong đoạn thơ là một cái “tôi” trữ tình đầy khát vọng cháy bỏng. Đó là khát vọng “tắt nắng”, “buộc gió” để “màu đừng nhạt”, “hương đừng bay”. Nhân vật trữ tình luôn dự cảm, lo âu trước bước đi của thời gian sẽ làm nhạt màu cuộc sống, thổi hương đời trôi đi nên muốn chặn bước đi của thời gian để giữ lại màu sắc, hương hoa tô điểm cho cuộc đời. Đó là khát vọng muốn bất tử hoá cái đẹp của cái tôi khát khao, giao cảm với đời.

0.75
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được thao tác lập luận, phương thức biểu đạt hợp lý để triển khai vấn đề.

– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống ý.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục, lí lẽ xác đáng,  bằng chứng hợp lý.

0.25
e. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0.25
g. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy. 0.25
  2 Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận ( khoảng 600 chữ) bàn về lòng biết ơn của con cái đối với đấng sinh thành?

 

 
a. Đảm bảo đúng kiểu bài văn nghị luận  xã hội 0.25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: lòng biết ơn của con cái đối với đấng sinh thành 0,5
    c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề cần nghị luận.

– Xác định được ý chính của bài viết.

– Xác định các ý theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:

* Giới thiệu được  vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm cá nhân về vấn đề nghị luận.

* Triển khai vấn đề cần nghị luận:

Giải thích: Biết ơn đấng sinh thành là sự cảm kích, trân trọng và có hành động báo đáp của con cái đối với công lao sinh thành, dưỡng dục, hy sinh của cha mẹ dành cho mình.

– Bày tỏ quan điểm của người viết:

+ Biết ơn đấng sinh thành là yếu tố để đánh giá nhân phẩm, lối sống của con người.

+ Cần thiết phải thể hiện lòng biết ơn với đấng sinh thành bởi cha mẹ là những người đã nuôi nấng, dạy dỗ chúng ta, là chỗ dựa vững chắc nhất để động viên, khích lệ chúng ta trong khó khăn, thử thách, và là vòng tay ấm áp luôn sẵn sàng bao bọc, chở che cho tâm hồn ta trước những mỏi mệt, bon chen của cuộc đời.

+  Biết ơn chính là trách nhiệm, là nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ.

+ Biết ơn đấng sinh thành chính là biểu hiện của truyền thống đạo lí uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây của dân tộc ta.

+ Lòng biết ơn giúp chúng ta rèn luyện những đức tính tốt đẹp khác, truyền tải những thông điệp tích cực ra xã hội.

Lấy được dẫn chứng và phân tích dẫn chứng:Học sinh tự lấy dẫn chứng về những người có lòng biết ơn đối với cha mẹ để minh họa cho bài làm văn của mình.

Lưu ý: dẫn chứng phải nổi bật, tiêu biểu và xác thực, được nhiều người biết đến.

– Mở rộng, bày tỏ quan điểm trái chiều, hoặc ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện hơn.Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều ngườicon bất hiếu, vô ơn với đấng sinh thành, ngoảnh mặt làm ngơ , không phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ khi đau ốm, thậm chí  tệ bạc đến mức khi cha mẹ già yếu còn đuổi cha mẹ ra ngoài đường,…. những kẻ đó đáng bị xã hội phê phán.

* Khẳng định lại quan điểm cá nhân và rút ra bài học cho bản thân.

Khái quát lại vấn đề nghị luận: đạo lí của lòng biết ơn.

Rút ra bài học, liên hệ thực tiễn đến bản thân mình.

1.0
    d.  Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

Học sinh lựa chọn được các luận điểm để bày tỏ được quan điểm của cá nhân.

– Lựa chọn được thao tác lập luận, phương thức biểu đạt hợp lý để triển khai vấn đề.

– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống ý.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục, lí lẽ xác đáng,  bằng chứng hợp lý.

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ quan điểm của cá nhân nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

1,5
e. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt, liên kết bài văn

0.25
g Sáng tạo: Bài viết có suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ. 0,5

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *