PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc văn bản sau:
MÙA THU VÀ MẸ
Mẹ gom lại từng trái chín trong vườn
Rồi rong ruổi trên nẻo đường lặng lẽ
Ôi, những trái na, hồng, ổi, thị ….
Có ngọt ngào năm tháng mẹ chắt chiu.
Con nghe mùa thu vọng về những thương yêu.
Giọt mồ hôi rơi trong chiều của mẹ
Nắng mong manh đậu bên thật khẽ
Đôi vai gầy nghiêng nghiêng!
Heo may thổi xao xác trong đêm
Không gian lặng im…
Con chẳng thể chợp mắt
Mẹ trở mình trong tiếng ho thao thức
Sương vô tình đậu trên mắt rưng rưng!
(Lương Đình Khoa)
* Chú thích:
Lương Đình Khoa sinh năm 1985, là một người yêu thơ và làm thơ từ nhỏ. Chàng trai 8X trưởng thành từ những trang viết “Tuổi hồng” trên báo Thiếu niên Tiền phong, chương trình Văn nghệ thiếu nhi của Đài Tiếng nói Việt Nam đến những tập sách được bạn đọc trẻ cũng như cộng đồng mạng đón nhận nồng nhiệt như: Khuôn mặt tình yêu (Thơ – 2005), Gió mùa thổi mãi (Tập truyện ngắn – 2009), Ai rồi cũng phải học cách quên đi một người (Thơ – 2014), Tuổi thanh xuân đôi chuyến tàu đi lạc (Tản văn – 2014), Về nhà đi (Thơ, tản văn – 2016) … Một chàng trai du ca phố nhưng đậm chất Thiền của mong nguyện an nhiên và sự da diết thanh xuân phía trước.
Trả lời các câu hỏi:
Câu 1. Chủ thể trữ tình trong bài thơ là ai?
Câu 2. Liệt kê những câu thơ miêu tả hình ảnh của người mẹ trong văn bản?
Câu 3. Chỉ ra hiệu quả nghệ thuật của việc sử dụng hệ thống từ láy trong văn bản?
Câu 4. Chỉ ra và phân tích tác dụng của các biện pháp tu từ được sử dụng trong các câu thơ sau:
Mẹ gom lại từng trái chín trong vườn
Rồi rong ruổi trên nẻo đường lặng lẽ
Ôi, những trái na, hồng, ổi, thị ….
Có ngọt ngào năm tháng mẹ chắt chiu
Câu 5. Trong kí ức của nhân vật “con” ở bài thơ “Mùa thu và mẹ”, người mẹ hiện lên qua những hình ảnh được lựa chọn, để lại ấn tượng sâu đậm cho tác giả. Với em, hình ảnh nào về người mẹ của mình khiến em thấy yêu thương nhất? Vì sao?
PHẦN VIẾT (6,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) làm rõ đặc điểm của nhân vật thần thoại trong văn bản sau:
LÚA VÀ CỎ
Một hôm Trời ngự giữa lưng trời, phán hỏi loài người muốn điều gì trước nhất. Tổ tiên chúng ta xin một ngày hai bữa cơm.
Trời bèn hóa phép cứ mỗi ngày có một hạt lúa khổng lồ lăn qua khắp các cửa nhà. Các bà chỉ việc đưa tay ra hứng tất nhiên thấy có số gạo đủ ăn trong ngày. Sau mỗi ngày làm xong phận sự, hạt lúa được Trời hóa phép trở lại lớn như cũ. Người ta chỉ cần quét dọn nhà cửa sạch sẽ để tiếp rước hạt ngọc của Trời lăn đến cửa.
Có một người đàn bà kia tính tình lười biếng và ngỗ nghịch, không nghe lời dặn của Trời. Khi hạt lúa lăn đến cửa, không thấy chủ nhà quét dọn tiếp rước mình, bèn quay vào nhà khác. Người chủ nhà tức giận cầm chổi rượt theo, đập một cái thật mạnh làm cho hòn ngọc vỡ tan từng mảnh. Từ đó loài người phải nhịn đói một thời gian. Loài người bèn đi thưa với Trời. Trời bảo rằng: “Các ngươi không kính nể hạt ngọc của ta. Từ đây các ngươi phải làm hết sức mình để cho hạt ngọc được sống dậy. Mỗi người phải đi tìm mảnh gạo vỡ của ta, hốt đem về, xới đất, tưới nước, săn sóc cho đến khi nó trổ bông sinh hạt. Ta sẽ giúp các ngươi làm việc, ta sẽ làm mưa và nắng…”
Từ đó loài người mới bắt đầu trồng lúa.
Cũng vào lúc chế tạo ra lúa. Trời sai một thiên thần đưa xuống hạ giới một số hạt giống lúa và một số hạt giống cỏ vãi ra khắp mặt đất để nuôi người và vật. Ban đầu thần gieo tất cả hạt giống cỏ ở trong tay trái. Cỏ mọc rất nhanh, chỉ trong một đêm đã lan tràn khắp cả mặt đất. Đến khi thần gieo hết một nửa số hạt giống lúa ở trong tay phải thì không còn một mảnh đất nào để gieo nữa. Thần đành đem nửa số hạt giống lúa về Trời. Do đó mà ở trên mặt đất cỏ mọc nhiều mà lại rất khoẻ còn lúa thì ít lại mọc rất khó khăn, nếu không chăm bón, làm cỏ thì bị cỏ át mất.
Khi biết rõ việc ấy Trời liền nổi giận đày thần xuống trần hóa làm con trâu, ăn cỏ đời này qua đời khác và phải kéo cày cho loài người trồng lúa. Trời đặt ra một vị thần để trông nom về lúa. Thần lúa là một ông cụ già râu tóc bạc phơ, thường hay chống gậy đi đó đây.
(Trích Thần thoại Việt Nam – Trung Hoa, Tập 3b, Doãn Quốc Sỹ sưu tập, NXB Sáng Tạo, 1970, tr.29-30).
Câu 2 (4.0 điểm)
Anh/Chị hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ suy nghĩ về cách ứng xử đúng đắn của con người trước nghịch cảnh của cuộc đời.
——-—-—Hết————-
ĐÁP ÁN
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 4,0 | |
1 | Chủ thể trữ tình trong bài thơ là: Con | 0,5 | |
2 | Những câu thơ miêu tả hình ảnh của người mẹ trong văn bản:
– Mẹ gom lại từng trái chín trong vườn – Có ngọt ngào năm tháng mẹ chắt chiu – Giọt mồ hôi rơi trong chiều của mẹ – Đôi vai gầy nghiêng nghiêng! – Mẹ trở mình trong tiếng ho thao thức Hướng dẫn chấm: + Nếu học sinh nêu 1– 3 câu thơ: 0.25đ + Từ 4 câu thơ: 0.5đ |
0,5 | |
3 | – Các từ láy: rong ruổi, lặng lẽ, ngọt ngào, chắt chiu, mong manh, nghiêng nghiêng, xao xác, thao thức, rưng rưng.
– Hiệu quả: + Tăng tính gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt + Giúp người đọc hình dung rõ sự tảo tần, vất vả và vẻ đẹp trong tâm hồn của mẹ. Đồng thời diễn tả sinh động và sâu sắc tâm trạng, cảm xúc của người con dành cho mẹ. Hướng dẫn chấm: + Học sinh chỉ ra được các từ láy: 0.25đ + Học sinh nêu được hiệu quả sử dụng từ láy: 0.5đ ( Mỗi ý: 0.25đ) |
1,0 | |
4 | – Biện pháp tu từ trong đoạn thơ:
+ Liệt kê: na, hồng, ổi, thị + Ẩn dụ: ngọt ngào năm tháng mẹ chắt chiu – Tác dụng: + Tăng sức gợi hình, gợi cảm, sinh động, hấp dẫn cho câu thơ + Nhấn mạnh sự vất vả, nhọc nhằn, hi sinh, lặng thầm vun vén cho gia đình của người mẹ. Đồng thời thể hiện sự thấu hiểu, lòng biết ơn, trân trọng, yêu thương của người con đối với mẹ. Hướng dẫn chấm: + Biện pháp tu từ: 0.5đ + Tác dụng: 0.5đ (Mỗi ý: 0.25đ) |
1,0 | |
5 | – Nêu hình ảnh về mẹ mà bản thân cảm thấy yêu thương nhất.
– Lí giải được những lí do lựa chọn hình ảnh ấy. Gợi ý: + Bài thơ Mùa thu và mẹ của tác giả Lương Đình Khoa đã mang tới cho em nhiều cảm xúc lắng đọng về tình mẫu tử, đặc biệt thông qua hình dáng mẹ và giọt mồ hôi rơi, hành động trở mình trong tiếng ho thao thức rất đỗi quen thuộc. (0.25đ) + Còn đối với em, hình ảnh đầu tiên hiện lên trong tâm trí mỗi khi nhớ về mẹ là đôi bàn tay gầy guộc, đầy vết chai sạn nhưng luôn thoăn thoắt làm mọi việc. (0.25đ) + Lí giải lí do lựa chọn hình ảnh ấy (0.5đ) |
1,0
|
|
II | VIẾT | 6,0 | |
1 | Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) làm rõ đặc điểm của nhân vật thần thoại trong văn bản: Lúa và cỏ | 2,0 | |
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng (khoảng 200 chữ) . của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích, song hành. |
0,25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận.
Xác định đúng vấn đề nghị luận: đặc điểm của nhân vật thần thoại trong văn bản Lúa và cỏ |
0,25 | ||
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý: Nhân vật có sức mạnh phi thường, khả năng biến hóa khôn lường, góp phần thể hiện chủ đề văn bản… – Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục kiểu đoạn văn. |
0,5 | ||
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:
– Lựa chọn được các thao tác lập luận , phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận – Trình bày quan điểm và hệ thống các ý – Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp nhuần nhuyễn lí lẽ và bằng chứng |
0,5 | ||
d. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn. | 0,25 | ||
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. |
0,25 | ||
2 | Anh/Chị hãy viết một bài văn nghị luận bày tỏ suy nghĩ về cách ứng xử đúng đắn của con người trước nghịch cảnh của cuộc đời | 4,0 | |
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội
|
0,25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận.
Suy nghĩ của mình về cách ứng xử đúng đắn của con người trước nghịch cảnh của cuộc đời. |
0,5 | ||
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết
HS có thể viết bài nhiều cách trên cơ sở kết hợp được lí lẽ và dẫn chứng để tạo tính chặt chẽ, logic của mỗi luận điểm; đảm bảo các yêu cầu sau: – Giải thích: + Nghịch cảnh: là hoàn cảnh trớ trêu, nghịch lí, éo le, những khó khăn, trở ngại mà con người không mong muốn trong cuộc sống. – Bàn luận: Cách ứng xử đúng đắn của con người trước nghịch cảnh của cuộc đời. + Nghịch cảnh là một phần tất yếu của cuộc sống. Chẳng ai muốn rơi vào nghịch cảnh nhưng cuộc đời không ai không trải qua nghịch cảnh. + Nghịch cảnh giúp mỗi người rèn luyện ý chí, khả năng vượt qua khó khăn, thử thách trong cuộc sống, tăng cường nghị lực vươn lên, giúp chúng ta thêm cứng rắn, kiên cường. + Nghịch cảnh mang đến khó khăn nhưng cũng tạo cơ hội giúp ta hiểu rõ hơn về bản thân và những người xung quanh. Nó giúp mỗi người biết quý trọng những gì mình đang có, biết yêu thương và chia sẻ nhiều hơn. + Mỗi khi gặp phải nghịch cảnh, điều quan trọng nhất là chúng ta phải dũng cảm đối diện, sẵn sàng đương đầu và vượt qua nó. Hãy thay đổi mình để phù hợp với hoàn cảnh mới, khẳng định năng lực bản thân và chiến thắng nghịch cảnh. Chính cách cư xử đúng đắn, tích cực của mỗi người trước nghịch cảnh là chìa khóa để gặt hái thành công, đạt được những mục tiêu đã đề ra,rèn luyện thêm nhiều đức tính tốt đẹp khác và được mọi người yêu quý, kính trọng. + Lựa chọn thái độ sống tích cực trước nghịch cảnh đem lại cho cuộc sống con người những niềm vui, hạnh phúc, lan tỏa nguồn năng lượng tích cực ấy tới mọi người xung quanh và tạo ra cuộc sống có ý nghĩa. + Nghịch cảnh không chỉ là một phép thử của tình cảm mà còn là thước đo trí tuệ và bản lĩnh của con người trong cuộc sống. Vượt qua nghịch cảnh để khẳng định giá trị bản thân và làm chủ cuộc sống của chính mình. (Học sinh trình bày dẫn chứng phù hợp) – Phê phán: Những người có lối sống tiêu cực, bi quan, mất niềm tin vào cuộc sống, khi đứng trước khó khăn thử thách không dám đương đầu hoặc luôn chán nản mà gục ngã – Bài học nhận thức và hành động: + Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa to lớn của thái độ sống tích cực, nhất là trong xu thế hội nhập của đất nước. + Tích cực phấn đấu rèn luyện trong học tập, trong cuộc sống, bồi dưỡng lòng tự tin, ý thức tự chủ. + Đứng trước những nghịch cảnh, mỗi con người được lựa chọn cho mình một tinh thần để vượt qua, hãy luôn giữ lấy sự lạc quan, niềm hi vọng và bản lĩnh của mình để hướng về phía trước, đến những điều tốt đẹp. |
1,0
|
||
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:
– Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm của các nhân. – Lựa chọn được các thao tác lập luận , phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận – Trình bày quan điểm và hệ thống các ý – Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp nhuần nhuyễn lí lẽ và bằng chứng Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật |
1,5 | ||
e. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản | 0,25 | ||
e. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. | 0,5 | ||
Tổng điểm | 10,0 |
——-—-—Hết————-